Khu tưởng niệm đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói năm 1944 - 1945 (quận Hai Bà Trưng)
Khu tưởng niệm đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói năm 1944 - 1945 hiện nay thuộc địa phận phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Khu tưởng niệm đồng bào chết vì nạn đói năm 1945 là một loại hình di tích đặc biệt, nơi tố cáo tội ác của phát xít Nhật, đế quốc Pháp - những kẻ đã gây nên thảm hoạ trên 2 triệu người Việt Nam chết vì đói năm 1944 - 1945, một sự kiện bi thảm nhất trong lịch sử dân tộc ta từ trước đến nay.
Khu tưởng niệm nạn đói năm 1945 thuộc địa phận tổ 69, phường Vĩnh Tuy, cách đường phố Minh Khai về phía bắc 500m. Tấm bia đá cổ hiện đang lưu giữ tại nhà bia, cạnh khu mộ của những người bị chết vì nạn đói năm 1945 (ngôi mộ thứ 2 ở khu vực này), thuộc tổ 50, phường Vĩnh Tuy. Bia có tiêu đề “Hà thành Hợp Thiện”, nghĩa là: “Hội Hợp Thiện ở Hà Thái Thành”, được dựng vào năm Bính Ngọ, niên hiệu Thành thứ 18 (1806) cho biết, năm 1806 hội Hợp Thiện đã mua khu đất này để xây dựng thành phúc trang Hợp Thiện.
Khu tưởng niệm do hội Hợp Thiện xây dựng năm 1951, để quy tập hài cốt của những người bị chết vì nạn đói năm 1945 ở rải rác quanh khu vực nghĩa trang Hợp Thiện và một số nơi trên các đường phố Hà Nội.
Cho đến nay, đã nhiều năm trôi qua, nhưng trong ký ức của người dân Việt Nam, nạn đói năm 1945 (còn gọi là nạn đói năm Ất Dậu) vẫn còn là một cơn ác mộng, một nỗi đau nhức nhối khó quên. Trong bản “Tuyên ngôn độc lập” đọc trước quốc dân ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ Đồng minh, thì bọn thực dân Pháp hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc Kỳ, hai triệu đồng bào ta bị chết đói”.
Chính sách phá lúa trồng đay, chính sách thu gom lương thực giao nộp cho Nhật, là nguyên nhân chính gây ra nạn đói khủng khiếp vào cuối năm 1944 đầu năm 1945. Khắp các tỉnh thành ở miền Bắc nước ta, nhiều người chết thảm nằm rải rác ở nhiều miền quê, trên các vỉa hè ở Hà Nội. Sách Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam, Giáo sư Văn Tạo và Giáo sư Furuta Moto viết: “Hà Nội suốt mấy dãy phố từ đầu tỉnh đến cuối tỉnh, hàng mấy trăm ăn mày thất thểu kéo nhau đi ăn xin. Trên bờ hè, trên đám cỏ, đâu đâu chúng ta cũng thấy những bó chiếu, bó lá ở trong văng vẳng ra những tiếng rên kêu đói khát não nùng”. Tình trạng này còn được ông Lê Văn Ngọ ghi lại trong cuốn sách: Hà Nội khởi nghĩa như sau: “Trẻ con bị bỏ hoặc bố mẹ chết rồi lê lết nhặt lá bánh, vỏ cây, rác rưởi nhét vào miệng. Người chết hẳn, người sắp chết rải rác trong chợ, trong các ngõ, nằm gối đầu lên manh chiếu hay cái bị rách, nhặng xanh bâu đầy mặt. Tử khí nặng nề u uất. Những chiếc xe bò đi nhặt xác chết lẫn cả người còn thoi thóp trên xe, đổ vôi bột vào sẵn. Người chưa chết hôm nay đi nhặt thuê xác người đã chết để lấy tiền mua một nắm cơm chim, mấy bát cháo cầm hơi và chờ đến hôm khác, người khác nhặt xác mình. Mấy con chó đói mang về trong xóm những khúc chân, tay của trẻ con chết đói. Rùng rợn, thê thảm”.
Người Việt Nam vốn coi trọng lễ nghi trong “quan, hôn, tang, lễ”, vậy mà đến khi chết đói khắp làng thì chết không có chiếu mà bó xác, chết quá nhiều không khiêng vác xuể, phải buộc thừng vào cổ kéo xác đi chôn. Đau xót và đồng cảm trước sự mất mát, tang thương của đồng loại, những người trong hội Hợp Thiện đã thông qua báo chí để kêu gọi người dân ở Hà Nội may mắn thoát khỏi nạn đói, gom góp ít nhiều, bó chiếu, dây buộc an ủi tiễn đưa những người không may chết vì nạn đói.
Đến năm 1951, hội Hợp Thiện đứng ra tổ chức việc di chuyển những hài cốt chôn ở bờ tây sông Kim Ngưu về vị trí của 2 ngôi mộ hiện nay. Lúc đầu đào hầm mộ ở khu đất mà nay thuộc địa phận của tổ 50, mộ có chiều dài là 10m, rộng là 6m, ngăn thành 4 ô để đựng hài cốt. Nhưng di chuyển chưa được một nửa số hài cốt thì hầm mộ này đã đầy, vì vậy lại phải đào tiếp hầm mộ thứ 2 (hiện là ngôi mộ thuộc địa phận của tổ 69). Ngôi mộ này có chiều dài là 12m, chiều rộng là 10m, sâu 4m, cũng ngăn chia thành 4 ô để xếp những hài cốt thành từng tầng lớp, rất ngăn nắp hết lớp nọ đến lớp kia. Sau khi đã di chuyển hết thì cho đổ một lớp bê tông phẳng để làm nắp đậy và đồng thời cho xây một bức biểu tượng trang trí làm bia tưởng niệm mà hiện nay chúng ta vẫn thấy ở ngôi mộ của tổ 69 (tức là khu tưởng niệm hiện nay).
Khu tưởng niệm nạn đói năm 1945 được xây dựng trên một ô đất có diện tích là 141 mét vuông, ở giữa là ngôi mộ, phần nắp mộ xây một bức tường, chiều cao là 4,2m, chiều dài là 6,25m, độ dầy là 0,25m, phía trên tạo mái, lợp ngói ống. Đường riềm được trang trí hình văn triện, trên đó đắp nổi hàng chữ: “Nơi an giấc ngàn năm của đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói năm 1945”, cạnh đó là dòng chữ ghi năm xây dựng 1951. Xung quanh mộ tạo một lối đi, được lát gạch. Ngoài cùng là bức tường bảo vệ cao 1,50m, mở một cửa để ra vào ở bức tường phía tây của di tích.
Hiện nay, khu tưởng niệm nạn đói năm 1945 đã được Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội ra Quyết định xếp hạng số 7836/QĐ-UB ngày 18/12/2001. Hàng năm cứ vào ngày 15 tháng 7 âm lịch tại khu tưởng niệm, Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng tổ chức lễ tưởng niệm vong linh những người không may bị chết vì nạn đói năm 1945./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02