Hoạt động hội

Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội: Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân gian

Thụy Phương 14:28 21/12/2023

“Nhờ sự nỗ lực cố gắng của Ban chấp hành và toàn thể hội viên, trong năm qua Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đã hoàn thành tốt kế hoạch công tác đã đề ra, góp phần vào thành tựu chung của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội” – PGS.TS Trần Thị An, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội khẳng định tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2023 do Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội tổ chức sáng ngày 21/12.

Là một hội nghề nghiệp, có đặc thù chuyên môn về văn hóa dân gian, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội duy trì thường xuyên 2 hoạt động chính là tọa đàm khoa học chuyên đề và khảo sát thực tế để sưu tầm, nghiên cứu.

vndg-3.jpg
NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội phát biểu tại hội nghị.

Về tọa đàm khoa học chuyên đề, trong năm qua Hội đã tổ chức được 8 tọa đàm khoa học với các chủ đề: Văn hóa Cự thạch và nghệ thuật tạo hình thời tiền sử ở Việt Nam; Bản đồ hệ thống các di tích tiền - sơ, sử trên đất Hà Nội; Điêu khắc tiên nữ trong đình làng Việt; Sự tài tình của tiếng Việt trong văn chương truyền miệng; Sự hài hòa giữa tín ngưỡng văn hóa dân gian và Phật giáo; Thú chơi hoa và cây cảnh của người Việt xưa; Đề tài dân gian trong phim hoạt hình; Đạo hiếu trong cuộc sống văn hóa người Việt xưa.

PGS.TS Trần Thị An nhận định: “Nhìn chung, các buổi tọa đàm đều có chất lượng khoa học cao, các diễn giả có sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc, thu hút được sự chú ý, quan tâm của các hội viên. Qua đó kiến thức liên ngành trong nghiên cứu văn hóa dân gian của các hội viên ngày một nâng cao”.

vndg4.jpg
PGS.TS Trần Thị An - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội điểm lại các hoạt động của Hội trong năm 2023.

Là một hội chuyên ngành có bề dày truyền thống về sưu tầm và nghiên cứu văn hóa dân gian, Hội cũng hết sức chú trọng đến các hoạt động điền dã, khảo sát thực tế để sưu tầm, nghiên cứu. Trong năm 2023, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đã tổ chức được nhiều chuyến đi thực tế tại những vùng, miền nổi tiếng về văn hóa, lịch sử, danh lam thắng cảnh như Lạng Sơn, Tây Nguyên, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hà Nam, Thừa Thiên Huế. Các đợt khảo sát thực tế đã bổ sung, mở rộng và làm phong phú hơn những kiến thức lịch sử, văn hóa, xã hội cho từng hội viên, phục vụ tốt trong công tác chuyên môn của Hội.

Đáng chú ý, trong năm 2023, các hội viên của Hội đã tham gia tích cực các hoạt động chuyên môn: có nhiều bài viết trên các báo, tạp chí chuyên ngành, nhiều thuyết trình ở các hội thảo khoa học do Thành phố Hà Nội hoặc Quốc gia tổ chức; tích cực tham gia phổ biến những thành tựu nghiên cứu trên các chương trình truyền hình của Trung ương và địa phương. Tiêu biểu là các hội viên: PGS.TS Bùi Xuân Đính, PGS.TS Trình Năng Chung, PGS.TS Trần Thị An, PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn, GS.TS Trịnh Sinh, PGS.TS. Nguyễn Quang Miên, TS. Trần Yên Thế, NSND - Đạo diễn điện ảnh: Lê Thị Việt Hương, NSND - Đạo diễn điện ảnh Nguyễn Hà Bắc…

Một số hội viên của Hội đã có những công trình có giá trị cao như hội viên Trần Văn Mỹ với cuốn sách “Lễ vật trong hội làng Thăng Long - Hà Nội” (Nxb Hà Nội), PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện với cuốn sách “Khúc hợp đàn văn” (Nxb Hội Nhà văn).

vndg-1.jpg
Tại hội nghị, nhà giáo, nhà nghiên cứu dân gian Đặng Thiêm chia sẻ niềm vui khi được tham gia hoạt động trong tổ chức Hội.

Đặc biệt, trong năm 2023, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đã tích cực tham gia xây dựng Đề án “Làng nghề và Diễn xướng dân gian Hà Nội: xưa và nay”. “Đề án đã được UBND Thành phố Hà Nội cho chủ trương phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện. Cho đến nay, Đề án đã thông qua lần thứ nhất, Sở KH&CN Hà Nội yêu cầu thu hẹp dự án, tiếp tục làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao và quận Hoàn Kiếm để rõ đặt hàng để tiếp tục thực hiện”, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội cho hay.

Ngoài ra, Hội còn tham gia đầy đủ các sinh hoạt chính trị của thành phố và các hoạt động của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội.

Hội cũng đặc biệt chú ý đến công tác phát triển hội viên, bảo trợ hoạt động chuyên môn các câu lạc bộ trực thuộc (CLB Xứ Đoài, CLB Nghệ nhân dân gian, CLB Ca trù, CLB Múa bồng Triều Khúc, CLB Chèo tàu Đan Phượng, CLB Sao Mai, CLB Hướng Dương, CLB Sáo diều Thanh Oai, CLB thả diều Hồng Hà, CLB chèo mọc Quan Nhân, CLB Trường Xuân). Dịp cuối năm 2023, Hội đã tổ chức thành công Hội nghị tổng kết các CLB Dân gian Hà Nội, trình diễn báo cáo một số tiết mục đặc sắc và phát biểu nhiều ý kiến đóng góp cho sự phát triển của Hội. Đặc biệt, BCH Hội đã đưa ra được “Quy chế về tổ chức và hoạt động của các câu lạc bộ trực thuộc Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội” và đã phổ biến rộng rãi xuống 11 cơ sở CLB trực thuộc…

vndg-5.jpg
Đại diện BCH Hội trao quyết định kết nạp cho các hội viên mới.

“Nhìn lại hoạt động của Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội năm 2023, có thể thấy Hội đã làm được một số việc thiết thực. Tuy nhiên, BCH Hội cũng nhận thấy còn một số việc chưa làm được cần phải rút kinh nghiệm. Mối quan hệ giữa Hội với các địa phương còn chưa được mở rộng, có những vùng ngoại thành gần như trắng số lượng hội viên như Mê Linh và một số huyện ngoại thành khác. Một số không ít hội viên, nhiều năm không tham gia sinh hoạt hội, không đóng hội phí. Việc hoàn thiện Kỷ yếu Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội chưa đạt được như kế hoạch công tác 2023 đề ra”, PGS.TS Trần Thị An trăn trở.

Nhằm khắc phục những hạn chế, đồng thời tăng cường hơn nữa hiệu quả các hoạt động chuyên môn, Hội cũng đã đề ra phương hướng hoạt động trong năm 2024 với những nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể như: Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, kết nạp vào Hội những người trẻ có năng lực, triển vọng; Phối hợp với các ngành, các địa phương để tổ chức cho hội viên đi thực tế sưu tầm, nghiên cứu, phát hiện những giá trị văn nghệ dân gian còn đang tiềm ẩn trong đời sống người dân Hà Nội; Duy trì, nâng cao sinh hoạt định kỳ, tăng cường các cuộc tọa đàm, sinh hoạt khoa học của hội viên; Đưa các câu lạc bộ trực thuộc Hội tham gia tích cực vào đời sống văn hóa của Thủ đô, đặc biệt là phố đi bộ của Hà Nội; Tích cực tham gia các hoạt động chuyên môn cũng như công việc xã hội của Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội và những sự kiện, hoạt động của Thành ủy, UBND thành phố tổ chức.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, NSND Trần Quốc Chiêm – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội đánh giá cao những nỗ lực của BCH và hội viên Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội trong năm qua. Chủ tịch Hội Liên hiệp bày tỏ mong muốn trong thời gian tới Hội tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được đặc biệt là những “điểm sáng” trong hoạt động nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân gian, hội thảo tọa đàm; đồng thời đẩy mạnh hoạt động của các CLB do Hội bảo trợ qua đó góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa dân gian.

Tham dự hội nghị tổng kết, GS.TS Lê Hồng Lý – Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng chia sẻ niềm vui trước những kết quả mà Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đã gặt hái được trong năm 2023. GS.TS Lê Hồng Lý lưu ý BCH Hội nên tập trung huy động chất xám của các hội viên trong việc nghiên cứu, sưu tầm các giá trị văn hóa dân gian còn đang hiện diện trong đời sống, ký ức của người dân. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu góp phần gìn giữ giá trị văn hóa trước những thách thức mai một trong quá trình đô thị hóa của Thủ đô.

Tại hội nghị tổng kết, đại diện BCH Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội cũng đã trao quyết định kết nạp cho 5 hội viên mới./.

Bài liên quan
  • “Màu dân tộc sáng bừng” trên sân khấu
    Sáng 8/12, tại Hà Nội, Hội Văn nghệ Dân gian Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết các CLB Dân gian Hà Nội. Tới dự có đại diện Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, Ban Chấp hành Hội VNDG Hà Nội và đông đảo các hội viên, các nghệ nhân, nhạc công là thành viên các câu lạc bộ trực thuộc hội.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Truyện ngắn: Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • [Video] Chùa Thầy - Di sản văn hóa xứ Đoài tỏa sáng cùng Thủ đô ngàn năm văn hiến
    Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến có hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa, nhưng hiếm có di tích nào hàm chứa cả giá trị di sản vật thể và phi vật thể như Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) được xây dựng từ thế kỷ thứ 11, gắn liền với tên tuổi của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cuối năm 2014, chùa Thầy được Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, tới năm 2023, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận Chùa Thầy là “Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt" và đầu năm 2024, Đảng bộ - Chính quyền và nhân dân h
  • Phố cũ
    Chiều. Làn gió se lạnh vời vợi dọc theo những con phố. Gió về cuốn đi cái oi nồng của những ngày nắng hanh hao. Bỗng vòng xe vô tình rẽ vào phố cũ. Lâu lắm không về phố, hình như đã không còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Phố cũ hiện ra trước mặt là lạ, quen quen…
  • Trưng bày văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc
    Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc khai mạc trưng bày văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc với hơn 600 hiện vật quý hiếm, với nhiều loại hình và chất liệu phong phú.
  • Hà Nội: Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
    UBND Thành phố Hà Nội vừa có công văn gửi các Sở, ngành, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn Thành phố.
Đừng bỏ lỡ
Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội: Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân gian
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO