50 năm sân khấu Hà Nội: Thành tựu và thách thức
Sáng 25/4/2025, tại hội trường Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Hội Sân khấu Hà Nội đã trang trọng tổ chức hội thảo "Thành tựu 50 năm sân khấu Thủ đô". Tại buổi hội thảo, các văn nghệ sĩ đã đóng góp nhiều tham luận giá trị về những thành tựu, hạn chế và đề ra các giải pháp thiết thực nhằm xây dựng và phát triển nền sân khấu Việt Nam trong thời kỳ mới.
Tham dự buổi hội thảo có NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, đại diện lãnh đạo các hội chuyên ngành trực thuộc Hội cùng đông đảo các văn nghệ sĩ hội viên.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, NSND Hoàng Tuấn – Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội nhấn mạnh vai trò then chốt của sân khấu trong các sự kiện lớn của Hà Nội và đất nước. Theo ông, mặc dù không phải loại hình nghệ thuật ra đời đầu tiên, sân khấu vẫn là một trong những loại hình đến sớm nhất và khẳng định vị thế bằng những dấu ấn đậm nét. Lịch sử sang trang, sân khấu cả nước vào cuộc nhanh, trong đó có sân khấu Hà Nội. Kịch của Nguyễn Đình Thi như sự khơi mào cho quá trình này đã diễn ra từ hàng chục năm trước nhưng do nhiều điều kiện lịch sử, xã hội đến lúc này mới được khơi thông, ào ạt nhập thế với những Lưu Quang Vũ, Xuân Trình, Tất Đạt, Hoài Giao, Thanh Hương, Nguyễn Khắc Phục, Doãn Hoàng Giang, Xuân Đức, Chu Thơm, Võ Khắc Nghiêm…

NSND Hoàng Tuấn tiếp tục nhìn nhận: Trong 50 năm qua, nhờ sự quan tâm sâu sát của Thành ủy, UBND TP Hà Nội và Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, Hội Sân khấu Hà Nội đã quy tụ được đội ngũ nghệ sĩ tài năng và tâm huyết. Nhiều nghệ sĩ đã được vinh danh với các giải thưởng cao quý như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT, Giải thưởng Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và các Hội chuyên ngành Trung ương, được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú,...
Phần tham luận của các hội viên đã góp phần mở rộng những thành tựu to lớn của sân khấu Thủ đô. Theo nhà viết kịch Lê Quý Hiền, sau thống nhất đất nước 1975, một thời đại giao thoa văn hóa bắt đầu, với sự tương tác sâu rộng giữa sân khấu Nam – Bắc, kịch nói phía Nam trở nên đa dạng, trong khi các đoàn cải lương phía Bắc nổi bật tại các liên hoan. Từ những năm 1990, công cuộc đổi mới và hội nhập đã thổi một luồng gió mới vào nghệ thuật sân khấu, gây ấn tượng với những tác phẩm giao thoa truyền thống - hiện đại. “Đồng thời, các chính sách văn hóa của Đảng, Nhà nước như tổ chức trại sáng tác, vận động sáng tác theo chuyên đề, và liên hoan sân khấu quốc tế đã tạo cú hích lớn cho sự phát triển sân khấu. Bên cạnh đó, sân khấu quần chúng cũng được chú trọng. Tình yêu nghề, đam mê sáng tạo của nghệ sĩ cùng nhu cầu thưởng thức ngày càng đa dạng của khán giả chính là động lực để sân khấu Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững”, ông phân tích.

Trong bài tham luận, tác giả Nguyễn Thị Vân Kim điểm tên nhiều vở diễn nổi bật đã được ra mắt và ghi dấu trong lòng khán giả thời gian gần đây: "Làng song sinh", "Bạch đàn liễu", "Người tốt nhà số 5", "Chén thuốc độc", "Chí Phèo - Thị Nở", "Khát vọng đỏ", "Ngược chiều bình an",... Những tác phẩm xuất sắc đã mang về nhiều giải thưởng, huy chương Vàng, Bạc, ghi nhận sự lao động miệt mài của các nghệ sĩ. Năm 2025, Hội Sân khấu Hà Nội triển khai chuỗi chương trình nghệ thuật kéo dài 3 tháng (từ tháng 3 đến tháng 5), với sự tham gia của hầu hết các nhà hát lớn. Điểm nhấn là vở “Người đi dép cao su”, “Đêm trắng”, “Tình mẹ”, “Quan Âm Thị Kính”, “Dây tràng hạt diệu kỳ”, “Khúc đồng dao”... Chuỗi hoạt động đã mang lại không khí rộn ràng và thắp sáng sân khấu Thủ đô sau thời gian trầm lắng.
Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu, các hội viên cũng đã sân khấu Thủ đô đang đối mặt nhiều thách thức. NSND Thanh Trầm, đạo điễn Đường Minh Giang, NSND Trung Hiếu – Giám đốc nhà hát Kịch Hà Nội đã chỉ ra rõ thực trạng thiếu hụt lực lượng tẻ kế cận, khiến các nhà hát phải “có gì dùng nấy”. “Nhiều nghệ sĩ lớn tuổi buộc phải đảm nhận vai diễn không phù hợp lứa tuổi, ảnh hưởng chất lượng vở diễn và giảm sức hút với khán giả. Thực trạng này vô tình thu hẹp cơ hội biểu diễn cho nghệ sĩ trẻ, khiến họ nản lòng, rời bỏ nghề hoặc chuyển hướng sang lĩnh vực khác để mưu sinh”, NSND Thanh Trầm cho biết.
.jpg)
Dù công tác đào tạo nghệ thuật đã có một số đổi mới, như ứng dụng công nghệ thông tin và bắt nhịp xu thế toàn cầu, nhưng vẫn còn chậm và nặng lý thuyết, thiếu thực hành, bí quyết nghề. Giáo trình chưa cập nhật, chương trình dàn trải và phương pháp giảng dạy chưa hấp dẫn, gây cản trở sáng tạo và tư duy nghệ thuật. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự thiếu vắng tác phẩm đỉnh cao và sự chững lại trong phát triển các ngành nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống.
Trong bài tham luận, bên cạnh chỉ ra thực trạng “khủng hoảng khán giả” của sân khấu Thủ đô hiện nay, đạo diễn Hoàng Thanh Du còn đề cập đến sự mai một của đội ngũ lý luận phê bình sân khấu. “Sân khấu thiếu đi tiếng nói phản biện và cầu nối giữa tác phẩm với khán giả. Trong bối cảnh thị hiếu khán giả phân hóa và đa dạng, sân khấu càng cần có những nhà phê bình am hiểu, dám lên tiếng bảo vệ những sáng tạo cá thể, đấu tranh với các biểu hiện lệch chuẩn, đồng thời giúp công chúng nhận thức rõ giá trị nghệ thuật đích thực. Câu hỏi đặt ra: Ai sẽ làm điều đó trong thời điểm này?”, ông đặt câu hỏi.

Phân tích lý do của từng hạn chế, NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho rằng sân khấu Thủ đô vẫn có cơ hội hồi sinh nếu biết đổi mới kịp thời. Cụ thể là: Cần tạo điều kiện cho tác giả, đạo diễn trẻ thử sức, đưa các vấn đề đời sống vào kịch bản để gần gũi với khán giả; Truyền thông mạnh mẽ, kết nối cộng đồng, tổ chức biểu diễn ngoài nhà hát và đặc biệt là đưa sân khấu vào học đường là những hướng đi bền vững để nuôi dưỡng tình yêu sân khấu từ sớm; Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ, quảng bá vở diễn trên mạng xã hội, bán vé online là giải pháp hiệu quả để thu hút khán giả trẻ, mở ra cơ hội tái kết nối công chúng với sân khấu truyền thống. “Trong những năm gần đây Nhà hát Kịch Hà Nội đã đưa kịch nói vào học đường bằng những tác phẩm văn học, những nhân vật lịch sử trong giáo trình phổ thông để các em biết đến nghệ thuật sân khấu từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Các em chính là lực lượng khán giả của sân khấu tương lai”, NSND Trung Hiếu chia sẻ.
Khép lại hội thảo “Thành tựu 50 năm sân khấu Thủ đô”, NSND Hoàng Tuấn đúc rút: Có thể nói hành trình sân khấu Hà Nội qua 50 năm không thiếu vinh quang, rất nhiều thành tựu nhưng cũng có nhiều vấn đề cần giải quyết trong quá trình phát triển. Chủ tịch Hội cũng gửi gắm đến các hội viên: Trong giai đoạn sắp tới, nhân vật của thời đại sẽ như thế nào, các phương thức nhận thức và thể hiện ra sao, cảm hứng gì là chủ đạo… đang chờ lời giải đáp của chính chúng ta - những người làm nghề. Sứ mệnh của người nghệ sĩ là cần tiên phong đi trước, phát hiện ra những vấn đề của thời đại, dự báo xu hướng phát triển của xã hội và đưa những vấn đề, con người ấy vào tác phẩm để từ đó tác động lại đời sống. Để làm được những điều đó đòi hỏi sự hiểu biết cặn kẽ các quy luật của đời sống, sự sáng tạo, bản lĩnh và tài năng của mỗi người./.