Tọa đàm: Mỹ thuật Thủ đô 50 năm sau ngày thống nhất đất nước
Sáng ngày 23/4, hòa chung không khí chào đón ngày kỷ niệm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hội Mỹ thuật Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm vể Mỹ thuật Thủ đô 50 năm sau ngày thống nhất đất nước tại hội trường Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội (số 19 Hàng Buồm).
Tham dự buổi tọa đàm có đại diện lãnh đạo các hội chuyên ngành trực thuộc Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, đại diện lãnh đạo tạp chí Người Hà Nội cùng đông đảo các văn nghệ sĩ hội viên.

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Thủy – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội nhận định: Từ năm 1975 đến nay, các triển lãm mỹ thuật của Hà Nội cũng như toàn quốc vẫn được Trung ương tổ chức với tầm vóc lớn, đông đảo tác giả tham gia làm nên sự nổi bật về cả số lượng lẫn chất lượng. Với nội dung ca ngợi chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và vẻ đẹp của quê hương đất nước, nhiều tác phẩm nhận được giải thưởng cao ở các các cuộc triển lãm, đặc biệt là triển lãm thường niên nhân kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô 10/10. Ngoài ra, nhờ những chính sách Đổi mới của Đảng và nhà nước, số lượng các cuộc triển lãm nghệ thuật ngoài trời cũng được đầu tư một cách hoành tráng, số lượng văn nghệ sĩ ngày một phát triển, sẵn sàng hội nhập với quốc tế.

Phần tham luận tại tọa đàm mở ra đa chiều vấn đề từ góc nhìn của các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu về bối cảnh xã hội, thực tế sáng tác. Họa sĩ Nguyễn Văn Chiến phân tích: Mỹ thuật Thủ đô qua 50 năm Đổi mới và phát triển, với cốt lõi quan trọng, luôn kế thừa tinh hoa từ: Địa, sử, văn hóa nghệ thuật của ngàn năm văn hiến. Mỗi thời đều ghi dấu ấn phong cách tạo hình, bản sắc dân tộc riêng. Với một đội ngũ nghệ sĩ đông đảo, luôn yêu nghề và hoạt động sôi nổi, mỹ thuật Thủ đô thể hiện là lực lượng sáng tác chiếm vị trí quan trọng của mỹ thuật nước nhà. Các hoạt động duy trì sáng tác, triển lãm của Hội Mỹ thuật Hà Nội như đi thực tế, trại sáng tác… luôn thiết thực, tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận thực tế, thâm nhập hiện thực cuộc sống, khơi nguồn đề tài và cảm hứng sáng tác…
Trong bài tham luận, họa sĩ Khánh Châm viết: Dù khó có thể kể hết các thành tựu tiêu biểu trong chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển mỹ thuật Thủ đô nhưng có thể điểm lại vai trò chính, đóng góp vào sự nghiệp phát triển mỹ thuật của Thủ đô qua một số thành tựu. Đó là Hội đã tham gia đóng góp trực tiếp vào các sự kiện lớn của Thành phố như: Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, các tượng đài tại công viên Hòa Bình; tượng đài Thánh Gióng của nhà điêu khắc Kim Xuân dựng trên đỉnh núi Sóc Sơn; Con đường gốm sứ ven sông Hồng - công trình hoàn thành đúng dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long và đã được nhận kỷ lục Guinness thế giới…
“Sau ngày đất nước thống nhất, đội ngũ nghệ sĩ tạo hình Thủ đô được bổ sung những họa sĩ, nhà điêu khắc trở về sau chiến tranh. Những họa sĩ, chiến sĩ đã làm phong phú thêm bức tranh toàn cảnh của mỹ thuật Thủ đô với những ký họa sống động từ chiến trường, những tác phẩm sinh động về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng… Những tác phẩm mỹ thuật về đề tài này của các họa sĩ: Ngân Chài, Đoàn Thân, Trịnh Bá Quát, Đào Hoa Vinh, Nguyễn Hải Nghiêm… trong các triển lãm mỹ thuật gần đây được đông đảo người xem tâm đắc và đánh giá cao”, họa sĩ Khánh Châm nhận định.
Bên cạnh việc nhìn nhận diện mạo phong phú, đa dạng của bức tranh toàn cảnh mỹ thuật Thủ đô trong thời kỳ mới, các hội viên cũng đã thẳng thắn nhìn vào những điểm hạn chế cần khắc phục. Có thể kể đến như việc phát triển về số lượng tác phẩm chưa thực sự song hành cùng chất lượng. Các tác phẩm “thường thường bậc trung” vẫn còn xuất hiện nhiều trong các kỳ triển lãm; chưa có nhiều tác phẩm thực sự xuất sắc, đỉnh cao, có tầm vóc lớn về tư tưởng và nghệ thuật, xứng với tầm vóc Đổi mới, hội nhập của Thủ đô và đất nước, mang tầm vóc thời đại. Mặt khác, cơ chế, nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa nghệ thuật còn nhiều hạn chế. Chính sách hỗ trợ, khuyến khích cho những người làm công tác văn học nghệ thuật, các nghệ nhân, nghệ sĩ như các cơ chế về giải thưởng, nhuận treo, nhuận bút, đầu tư, bảo trợ, đầu ra cho các tác phẩm… còn có những bất cập.
.jpg)
Nhằm nâng tầm văn học nghệ thuật Thủ đô xứng đáng với vị thế trung tâm văn hóa, chính trị của cả nước, các nghệ sĩ đã cùng đề xuất những phương án ở tầm vĩ mô và vi mô. Cụ thể, Hội cần phát huy vị trí, vai trò của một Hội chính trị - xã hội - nghề nghiệp, đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cơ chế hoạt động… theo hướng tinh, gọn, hiệu quả; Kiên quyết đổi mới phương thức hoạt động, đơn giản hoá, số hoá trong cách quản lý, loại bỏ những thủ tục hành chính rườm rà theo lề thói cũ… Đồng thời, Hội cần tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ cho các văn nghệ sĩ hội viên, nâng cao chất lượng sáng tác, thông qua việc mở các trại sáng tác, tham quan học hỏi, giao lưu với cơ sở, với các hội trong nước và quốc tế…
Tọa đàm Mỹ thuật Thủ đô 50 năm sau ngày thống nhất đất nước đã khép lại thành công, không chỉ ghi nhận những thành tựu nổi bật của mỹ thuật Thủ đô trong nửa thế kỷ qua mà còn thẳng thắn chỉ ra những hạn chế cần khắc phục. Từ đó, mở ra hướng phát triển phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ ngày càng cao của công chúng, góp phần xây dựng con người mới, văn hóa mới trong thời kỳ Đổi mới và hội nhập./.