Hội Âm nhạc Hà Nội giới thiệu những sáng tác mới chủ đề "Bài ca thống nhất"
Sáng ngày 15/4/2025, Hội Âm nhạc Hà Nội đã tổ chức buổi giới thiệu các sáng tác mới với chủ đề “Bài ca thống nhất” tại hội trường Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, số 19 Hàng Buồm. Hòa cùng sự kiện lớn của đất nước, những ca khúc được giới thiệu mang đến không khí hào hùng, vang vọng.
Chủ trì buổi sinh hoạt là nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, nhạc sĩ Tiến Mạnh và nhạc sĩ Vũ Thiết. Chương trình có sự tham gia của Ban chấp hành, các hội viên và người yêu âm nhạc. Mở đầu, nhạc sĩ Tiến Mạnh chia sẻ thông tin về hoạt động Hội, cập nhật những tin tức, bàn luận về các ca khúc đang nhận được sự quan tâm của dư luận trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định lại tính thời đại của những nhạc phẩm khi luôn bám sát dòng chảy lịch sử, hưởng ứng các dấu mốc dân tộc.

Nhạc sĩ Tiến Mạnh chia sẻ: Những nhạc sĩ đóng vai như “phóng viên âm nhạc”, theo dõi từng tin tức, diễn biến trên các kênh thông tin. Năm 1975, khi biết tin chiến thắng, Giải phóng miền Nam 30/4 và 1/5, các nhạc sĩ đã ngay lập tức sáng tác những ca khúc đi vào lịch sử như: “Đất nước trọn nước trọn niềm vui” (nhạc sĩ Hoàng Hà), “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” (nhạc sĩ Phạm Tuyên), “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” (nhạc sĩ Xuân Hồng), “Đêm Sài Gòn nghe tiếng vọng cổ” (nhạc sĩ Dân Huyền)… Những hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội hôm nay, có những người là nhân chứng lịch sử, có những người là thế hệ sau tiếp nối, vẫn đều chung sứ mệnh sáng tác những ca khúc để lan tỏa niềm tin yêu, đồng hành cùng đất nước đi lên.
10 tác phẩm được giới thiệu trong buổi sinh hoạt của Hội đã làm nên một “Bài ca thống nhất” vang vọng: “Tự hào hai tiếng Việt Nam” (nhạc sĩ Bùi Hoàng Uyên Minh), "Tự hào nữ thanh niên xung phong” (nhạc sĩ Phí Cẩm Thúy), “Tình khúc cây tre Việt Nam” (Nhạc: Nguyễn Đức Thực, thơ: Hoàng Quang Hồng), “Du thuyền Hồ Tây” (Văn Thành), Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh (nhạc: Ngọc Khuê, thơ: Châu La Việt), “Mùa xuân biên cương” (nhạc: Nguyễn Hùng Anh, thơ: Hoàng Thị Cẩm Thạch), "Hà Nội nơi ấm áp ân tình" (nhạc sĩ Nguyễn Hữu Minh), “Nhớ về Người” (nhạc sĩ Nguyễn Xuân Phương), “Mẹ" (nhạc sĩ Sỹ Thắng), “Gương mặt thành phố mùa xuân” (nhạc sĩ Nguyễn Việt Bình).
.jpg)
Ngoài giới thiệu ca khúc, các nhạc sĩ còn chia sẻ những câu chuyện xúc động, những nguồn cảm hứng xoay quanh quá trình sáng tác. Như nhạc sĩ trẻ Bùi Hoàng Uyên Minh cho biết, anh mới bắt đầu sáng tác từ 2021 nhưng tác phẩm đầu tiên anh viết là về quê hương đất nước. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Thực lại ấp ủ ca khúc về cây tre từ năm 1972, trong một chuyến đi được Đảng và nhà nước cử đi học tại nước ngoài; Và phải đến tháng 3/2025, niềm ấp ủ đó vô tình gặp bài thơ của Đại tá Hoàng Quang Hồng đã giúp ông viết nên “Tình khúc cây tre Việt Nam”.
Nhạc sĩ Văn Thành kể về cảm hứng sáng tác “Du thuyền hồ Tây” từ một chuyến đi du thuyền quanh hồ Tây cùng Hội. Ông đã viết ra lời ca ngợi những chiến sĩ công binh ghép phao, ghép phà để có được một trận địa chiến đấu với máy bay giặc, bảo vệ Thủ đô. Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Phương chia sẻ bài hát “Nhớ về Người” viết về sự mất mát của đất nước vào năm 2024 khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời. Trong khi đó, nhạc sĩ Ngọc Khuê với ca khúc “Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh” lại ca ngợi Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Quyền trong công cuộc kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc…
.jpg)
Phần thảo luận, phân tích các ca khúc và chia sẻ kinh nghiệm sáng tác của các hội viên cũng diễn ra sôi nổi. Cuối cùng, tác phẩm “Mẹ” của nhạc sĩ Sỹ Thắng giành được số phiếu bình chọn cao nhất từ các hội viên tham gia chương trình tháng Tư của Hội Âm nhạc Hà Nội./.