Giữ gìn đạo hiếu trong xã hội hiện nay
Sáng 30/11, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Đạo hiếu trong đời sống của người Việt” với sự tham gia của đông đảo các hội viên trong hội.
Tại buổi tọa đàm nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Đức Thiêm đã giới thiệu một cách bao quát về đạo hiếu, từ khái niệm đạo là gì, chữ đạo trong các tôn giáo, đồng thời đề cập tới thực trạng, giải pháp để giữ đạo hiếu trong đời sống hôm nay.
Theo nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Đức Thiêm, đạo hiếu là một nét đẹp trong văn hóa ứng xử, là một trong những đạo đức cơ bản, là tiêu chuẩn, là thước đo nhân cách của con người, là tư tưởng, ý thức, tình cảm và nguyên tắc hoạt động của con, cháu với ông bà, cha mẹ.
Theo phong tục cổ truyền của dân tộc Việt Nam, đạo hiếu là một nét đẹp truyền thống để hướng về cha mẹ, tổ tiên, cội nguồn, sống có hiếu đễ, bày tỏ được ơn nghĩa sinh thành dưỡng dục dạy dỗ của cha mẹ, ông bà với con cháu.
Đạo hiếu của con cái không chỉ thể hiện lúc cha mẹ còn sống phụng dưỡng thế nào, mà còn thể hiện trong việc phụng sự, phụng thờ.
Nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Đức Thiêm nhấn mạnh: “Đạo hiếu là bổn phận, là nghĩa vụ của con cháu với ông bà, cha mẹ nhưng không phải cứ làm hay thực hiện thế nào cũng được. Muốn làm hiếu thuận theo đạo thì phải làm theo đức, theo tâm, làm phải tốt nhất”.
Để giúp con cháu giữ tròn đạo hiếu, theo nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Đức Thiêm, những người làm cha, làm mẹ cần sống mẫu mực, làm gương cho con cháu. Cha mẹ từ ái để con cháu gần gũi, cha mẹ chia sẻ để con cháu tin tưởng thân thiết, cha mẹ biết tha thứ cho con cháu khi mắc lỗi… Bên cạnh đó, cha mẹ cần chủ động căn dặn cho con cháu thực hiện nốt những gì mà cuộc đời bố mẹ chưa làm được, chủ động lập thừa kế, lập gia phả và phả mộ để con cháu biết cội nguồn và nơi chôn chất của ông bà, tổ tiên...
Về phía con cái, cần phải hiểu ý nghĩa và giá trị công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ để sống có hiếu, để đạo hiếu không bị xuống cấp. Hãy cho cha, mẹ một cuộc sống tốt nhất có thể, nhà cửa khang trang, sạch sẽ, chăm sóc ăn uống đầy đủ, lời ăn tiếng nói nhẹ nhàng; thông cảm, bỏ qua tính quên nhớ của người già; tìm cho bố mẹ chỗ sinh phần tốt…
Cùng với phần trình bày của nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Đức Thiêm, tại tọa đàm, nhiều hội viên trong hội đã có những trao đổi, gợi mở xoay quanh vấn đề về nguyên nhân dẫn tới sự xuống cấp trong đạo hiếu, giải pháp để giữ gìn đạo hiếu trong xã hội hiện nay.
Rất nhiều những câu hỏi xoay quanh vấn đề đạo hiếu cùng đã được đặt ra như: Sự xuống cấp về đạo hiếu có phải do giáo dục?, việc đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão liệu có phải là cách thể hiện đạo hiếu…?, đối tượng của đạo hiếu có nên chỉ nhìn nhận ở con cái đối với cha mẹ hay nên mở rộng với người cao tuổi, với thầy cô, với những người giúp đỡ mình?…
Đáng chú ý, một số ý kiến đã nhấn mạnh tầm quan trọng của gia phả trong đạo hiếu, đề cao vấn đề giáo dục trong nhà trường, cách để gìn giữ đạo hiếu trong gia đình.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện chia sẻ: “Là một người làm nghiên cứu khoa học, một người cầm bút, tôi luôn cố gắng làm tấm gương trong gia đình về việc thực hiện đạo hiếu bằng việc nối tiếp truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, quan tâm đến gia phả cho dòng họ, chú ý đến sinh phần, đặc biệt là dành tâm sức để viết về gia đình, truyền thống gia đình qua đó góp phần để giáo dục đạo hiếu”.
Theo PGS.TS Bùi Xuân Đính - UV BCH Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội chủ đề của cuộc tọa đàm đặt ra vấn đề mang tính khoa học và cũng là vấn đề nổi cộm đặt ra trong đời sống hiện nay./.