Như các bạn đã biết, qua bao thăng trầm lịch sử, Thủ đô thân yêu từng có những lần đổi tên khác nhau. Thời Đường, lúc Cao Biền đắp thành có tên là Đại La. Lúc vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về đây vua đổi tên thành Thăng Long. Thời nhà Hồ gọi là Đông Đô đến khi nhà Minh đô hộ đổi thành Đông Quan và có tên Đông Kinh dưới thời vua Lê Thái Tổ. Thời nhà Tây Sơn, vua Quang Trung đặt tên là Bắc Thành. Đến thời vua Minh Mạng thì Thủ đô chính thức có tên Hà Nội như ngày hôm nay. Có thể nói mỗi lần đổi tên là mỗi lần gắn với những sự kiện lịch sử quan trọng.
Hà Nội - nơi được coi là trái tim của đất nước từng đứng trước những thời khắc nhịp đập nguy cấp của mối họa xâm lăng. Đó là âm mưu của nhà Tống muốn thôn tính Đại Việt nhưng ý đồ bất thành. Đó là ba lần xâm lược của nhà Nguyên với quân lực tấn công ồ ạt khiến vua tôi nhà Trần phải rời kinh đô lánh nạn để bàn kế sách lâu dài. "Vườn không nhà trống" cuối cùng đã thành công. Giang sơn được bảo toàn trọn vẹn sau những chiến thắng lẫy lừng.
Nhưng rồi kinh đô một lần nữa phải đối diện với kẻ thù mới mang tên: giặc Minh. Nhà Hồ yếu nhược làm mất lòng dân để cơ đồ rơi vào tay giặc. 20 năm sau, khởi nghĩa Lam Sơn thành công đưa đất nước trở về một cõi. Để rồi 360 năm sau trước cuộc xâm lăng của nhà Thanh, nơi kinh thành lại hấp hối từng ngày đêm mong được giải cứu. May thay, với tài quân sự tài ba, vua Quang Trung một lần nữa cứu lấy trái tim bé nhỏ chỉ trong năm ngày dịp tết Kỷ Dậu.
Thế mà ai biết được vận mệnh đất nước chưa bao giờ thực sự sống trong cảnh hòa bình mãi mãi khi mà những mưu đồ của các cường quốc không ngừng nhen nhóm. Giặc Pháp đến, đất nước lại bước vào những tháng ngày u tối. Thành Hà Nội có lúc không giữ được với sự tuẫn tiết trung liệt của tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu. Biết bao cuộc khởi nghĩa nổi dậy nhưng đều thất bại. Trong bối cảnh ấy non sông đã sinh ra một thiên tài lỗi lạc lãnh đạo nhân dân đánh đuổi kẻ thù - đó là Bác Hồ kính yêu.
Hà Nội làm nên Cách mạng Tháng Tám lịch sử đuổi Nhật đánh Pháp tạo ra cơ hội thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào buổi sáng mùa thu năm 1945 đẹp đẽ và đáng nhớ nhất. Chẳng bao lâu sau, vận mệnh Hà Nội giống như Thăng Long năm nào khi phải một lần nữa đặt trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc. Giặc Pháp âm mưu quay trở lại xâm lược. Và để bảo toàn lực lượng non trẻ cũng như có thời gian vạch ra kế sách kháng chiến lâu dài, một cuộc tổng di chuyển rời thủ đô lên Việt Bắc được tiến hành cuối năm 1946. Tám năm sau, vào ngày 10 - 10 - 1954 , thủ đô tưng bừng mừng ngày giải phóng. Chính phủ đã về với nhân dân sau bao tháng năm kháng chiến trường kỳ.
Pháp đi Mỹ đến. Hà Nội vừa bước vào xây dựng xã hội chủ nghĩa đồng thời chiến đấu anh dũng trước các đợt tấn công khủng khiếp của giặc Mỹ. Chiến công tiêu biểu nhất chính là trận đánh kiên cường đáng nhớ 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không. Không những thế, từng phút giây Hà Nội luôn hướng về miền Nam chi viện sức người sức của để đánh thắng giặc Mĩ mơ ngày thống nhất hai miền Nam - Bắc.
Đi qua bao biến cố lịch sử, cầu Long Biên hơn trăm tuổi hứng chịu bao vết thương chiến tranh vẫn còn đó. Cột cờ Hà Nội từng chứng kiến giây phút thiêng liêng lá cờ tổ quốc tung bay giữa trời vào ngày giải phóng thủ đô năm nào vẫn còn đây. Nhà ga Hàng Cỏ từng diễn ra những cuộc vây bắt của quân Pháp nhằm cắt đứt đường dây liên lạc của ta cũng như chứng kiến biết bao buổi tiễn đưa những người con ưu tú của thủ đô lên đường Nam tiến thực hiện sứ mệnh quan trọng, nay hiện diện đó với tên gọi nhà ga Hà Nội. Một Nhà hát lớn từng chứng kiến lễ mít tinh ra mắt mặt trận Việt Minh, là nơi khối người tuần hành tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám ; một quảng trường Ba Đình nơi có lăng Bác ở đó vẫn đẹp như mùa thu nào. Chùa Một Cột, Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám nghìn năm tuổi dẫu ít nhiều khoác lên mình màu xanh rêu phong cổ kính vẫn trầm mặc và lặng lẽ hiện diện mãi đó. Hồ Gươm và Hồ Tây chứa bao truyền thuyết ly kỳ trở thành biểu tượng văn hóa linh thiêng và cảnh đẹp thiên nhiên vô cùng giá trị.
Hà Nội có những biểu tượng, chứng nhân như vậy đó. Tất cả cùng chịu nhiều đau thương của lịch sử để rồi cùng tự hào ngày thống nhất như hôm nay. Tất cả mãi là những di sản vô giá đại diện cho một Thủ đô văn hiến nghìn năm tuổi lắm biến cố nhưng rất anh dũng, kiên cường và đoàn kết. Tất cả mãi in sâu vào lòng Thủ đô trở thành những biểu tượng thiêng liêng, tự hào của dân tộc.
Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Hoà Bình. Thông tin về cuộc thi xem tại đây. |