Đình Yên Thái (quận Hoàn Kiếm)
Đình Yên Thái thuộc số 8 ngõ Tạm Thương, phường Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Đây nguyên là đất thôn Yên Thái, tổng Tiền Túc. Giữa thế kỷ XIX, đổi thành tổng Thuận Mỹ, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội.
Đình Yên Thái thờ bà Ỷ Lan, một nhân vật đã đi vào huyền thoại trong lịch sử của dân tộc ở thế kỷ XI - XII.
Hiện nay chưa tìm được tư liệu nào ghi rõ chính xác năm xây dựng ngôi đình Yên Thái thờ Ỷ Lan. Song căn cứ vào 7 đạo sắc phong có tại đình, sắc có niên đại sớm nhất là Cảnh Hưng thứ 14 (1753), sắc muộn nhất là năm Khải Định thứ 9 (1924) thì có thể đoán định đình Yên Thái phải được xây dựng trước đó hàng trăm năm. Theo tương truyền ở địa phương, việc thờ cúng bà Ỷ Lan ở đình Yên Thái có từ sau khi bà mất. Theo bài ký khắc trên tấm bia thôn Kim Cổ, niên hiệu Tự Đức thứ 13 (1860) ở chùa Kim Cổ: “Đồng Thiên quán là một trong tứ quán ở Thăng Long, quán này do Thái hậu Linh Nhân triều Lý xây dựng để thờ Tam Thanh (tức Ngọc Thanh - nơi ở của Nguyễn Thuỷ Thiên tôn, Thượng Thanh - nơi ở của Thái Thượng Đạo quán; Thái Thanh - nơi ở của Thái Thượng Lão quân). Sau thời Lê Trung hưng, quán hư hỏng đổ nát, bèn dùng làm cung thờ Linh Nhân Hoàng thái hậu, hai nách cung thờ phụ các cung phi trong lục cung... Năm Kỷ Dậu (1789), dân dồn quán sang thôn Yên Thái. Cả hai thôn đều được sắc chỉ ban tặng... Do có ông Bùi Thương Hàn làm quan ở đất thôn Kim Cổ, giữ chức Lại bộ Thị lang, đã bỏ ra 100 lạng bạc để tu sửa đình, công việc hoàn thành năm Tự Đức Kỷ Mùi (1859). Đền mới lớn và đẹp, cung thất thăm thẳm, tiếng nhạc viên mãn thoảng bay trong gió, xe rèm châu mờ tỏ đi về trong khoảng hai thôn Kim Cổ, Yên Thái.
Quy mô kiến trúc chính của đình được xây dựng kiểu chữ “công” (I). Mở đầu kiến trúc là 3 gian Tiền đình, một gian Ngoại cung (ống muống), kiến trúc mới đơn giản, nối liền với 3 gian Hậu cung. Gian chính giữa đặt tượng thờ bà Chúa tức Thánh bà Linh Nhân - Ỷ Lan, bên trái thờ tượng Mẫu, bên phải thờ Phật.
Đình đã trải qua nhiều lần tu bổ. Bài ký ghi trên bia “Báo ơn công đức” đắp tại đình ghi: “Đình được tu bổ năm Tự Đức thứ 10 (1857), đến năm 1926, đình được làm thêm ngoại cung (ống muống). Năm 2000, nhân dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, đình lại được tu sửa một số bộ phận kiến trúc khác.
Lễ hội truyền thống được tổ chức hằng năm, để kỷ niệm ngày sinh 15/3 đến 17/3 âm lịch, ngày hoá 23/7 đến 25/7 âm lịch của Thái hậu.
Đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1995./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02