Đình Thanh Sam (huyện Ứng Hòa)
Đình Thanh Sam thuộc xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.
Làng Thanh Sam còn có tên dân gian là Kẻ Ngẩy.
Căn cứ vào Ngọc phả do Quản giám bách thần tri điện, Hùng lĩnh thiếu khanh phụng sao và những tư liệu Hán văn điền dã và khảo sát được, đình Thanh Sam thờ hai vị Thượng đẳng thần. Đầu thời Lý, ở làng Quả, phủ Quốc Oai, huyện Từ Liêm có một nhà họ Trần, tên là Minh Thiện. Ông Minh Thiện kết hôn với bà Nguyễn Thị Xương, người cùng huyện. Hai ông bà có hai người con: Con trai là Quảng Oai, con gái là Liễu Nương. Đến tuổi trưởng thành, Quảng Oai có công đánh thắng quân Chiêm Thành xâm phạm phía nam nước ta. Còn Liễu Nương được nhà Vua phong là công chúa. Có tấm lòng nhân ái, bà giúp đỡ nhiều người nghèo khổ.
Sau khi hai vị qua đời, dân làng đã thờ làm Thành hoàng.
Ngôi đình quay hướng tây nam, kết cấu kiến trúc chữ “đinh”, ngoài các hạng mục công trình chính Đại bái, Hậu cung còn có các công trình phụ trợ khác như nghi môn, dãy tả hữu vu và sân vườn rộng rãi.
Hai bên là dãy tả hữu vu với sáu gian. Phía trước để thông thoáng, phía sau xây kín với kiến trúc “vì kèo quá giang” đơn giản. Đây chính là nơi các quan viên sửa soạn xiêm y trước khi vào tế, và cũng là nơi dân làng chuẩn bị sửa soạn lễ vật dâng cúng thành hoàng. Đại bái là nơi hành lễ, nơi tiến hành các sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng... Đây là ngôi đình được làm 3 gian 2 chái, kiểu tường xây hồi bít đốc, với bốn mái chảy lợp ngói ri. Đại đình này có diện tích và không gian khá rộng lớn, gian giữa rộng 3m70, phía sau gắn với Hậu cung với hương án và các đồ tế khí phía trước tạo không khí thiêng liêng, các gian bên rộng 3m30 tạo sự bề thế trang trọng. Mặt khác, Đại đình là một kiến trúc mở, nối toả ra không gian rộng thoáng là sân đình bên ngoài. Các bộ vì đỡ mái gian giữa được làm theo kiểu “thượng giá chiêng rường nách, hạ cốn mê xà nách với bẩy hiên và bẩy hậu”. Trên các bộ vì, câu đầu, xà nách, bẩy đều được bào trơn xoi gờ chỉ, chạm lá lật, triện tàu lá giắt, tứ quý hoá tứ linh. Các đầu dư ở vì gian giữa Đại bái chạm hình một đầu rồng trên một súc gỗ nguyên. Rồng có mũi hếch, răng nhe, râu tóc bay ngược về phía sau, miệng rộng và ngậm một hạt ngọc tròn. Đặc biệt các bức cốn ở các vì giữa đều được chạm khắc hết sức công phu tỉ mỉ. Đó là hình ảnh nổi bật “long cuốn thuỷ”. Các con rồng này trông rất sinh động, thân rồng uốn lượn mềm mại, miệng cuốn một cột nước lớn có cua cá bơi theo. Cũng hẳn là điều đặc biệt hiếm có, tại các bẩy hiện của Đại bái ngoài các tích độc long trang trí, thì phần nối mộng rường nách từ thân cột cái ra thân cột quân phía ngoài còn thừa đã được các nghệ nhân chạm hình một áng mây cụm cách điệu và một bông cúc mãn khai che phần thô giáp của mộng.
Đình Thanh Sam còn bảo lưu được nhiều di vật quý hiếm bằng nhiều chất liệu khác nhau mà qua nghiên cứu các di vật này, cùng với ngôi đình làng, chúng ta có thêm hiểu biết về nghệ thuật điêu khắc cổ và truyền thống văn hoá lâu đời của dân làng Thanh Sam.
Đình Thanh Sam đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1997./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01