Đình Ngọc Mạch, chùa Quỳnh Lâm (quận Nam Từ Liêm)
Đình Ngọc Mạch nằm ở thôn Ngọc Mạch, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Ngọc Mạch là một làng Việt cổ có bề dày lịch sử hàng ngàn năm, là địa bàn tụ cư sinh sống của cư dân nông nghiệp Việt cổ thời dựng nước của dân tộc.
Đình Ngọc Mạch thờ Lý Lang là con của Lý Nam Đế.
Đình Ngọc Mạch là một kiến trúc khá hoàn hảo gồm: Phương đình, Đại bái, Hậu cung, Tả vu, Hữu vu.
Phương đình có mặt bằng vuông, hai tầng tám mái. Đề tài chạm khắc ở phương đình chủ yếu là tứ linh, tứ quý, sau phương đình là đại bái rộng 5 gian 2 dĩ. Về kết cấu của đại bái vẫn tuân thủ như các công trình kiến trúc truyền thống đương thời nhưng riêng các đề tài chạm khắc trên các bức cốn khá độc đáo với các cảnh văn võ bá quan, cảnh uống rượu, cảnh thuyền bè sông núi, cảnh long mã. Đề tài tứ linh, tứ quý ít xuất hiện. Các bức chạm được thể hiện khá sinh động tạo nên sự độc đáo ít thấy ở những ngôi đình khác.
Đình Ngọc Mạch còn giữ được nhiều đồ vật quý như cửa võng, kiệu bát cống thế kỷ XVIII, nhang án, ngai thờ, bộ bát bửu thế kỷ XIX. Cảnh quan đình Ngọc Mạch có nhiều cây cổ thụ lớn hoà với mái đao cong vút của kiến trúc tạo nên một vẻ đẹp đơn sơ cổ kính.
Chùa Quỳnh Lâm có tên gọi theo tên thôn là chùa Ngọc Mạch.
Chùa Quỳnh Lâm cũng như bao ngôi chùa khác trong vùng thờ Phật, thờ Tổ, thờ Mẫu theo tín ngưỡng dân gian. Căn cứ vào truyền thuyết dân gian, khối kiến trúc vật chất cùng bộ sưu tập di vật văn hóa hiện còn lưu lại trong chùa, cho thấy chùa Quỳnh Lâm được xây dựng vào thời Lê Trung hưng và tồn tại đến ngày nay. Trải qua thăng trầm biến động của lịch sử dân tộc, chùa đã nhiều lần trùng tu sửa chữa. Nguồn tư liệu thành văn hiện còn trong chùa như những bài ký trên bia đá, bài minh trên chuông đồng cũng như bài thơ, hoành phi, câu đối đã chứng minh điều đó. “Ký kỵ bi ký” niên hiệu Vĩnh Khánh thứ hai (1730) ghi việc những người có lòng hảo tâm công đức tiền của để xây dựng tu sửa chùa cảnh. Tấm bia “Hậu phật bi ký” niên hiệu Cảnh Hưng thứ 19 (1758) ghi việc trùng tu sửa chữa chùa.
Ngoài chức năng thờ Phật, chùa Ngọc Mạch còn là nơi đào tạo và rèn luyện các vị ni trưởng nổi danh, có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, chùa là một trong những cơ sở bí mật của Đảng, nơi hội họp của cán bộ cách mạng, cùng với chùa Hương Đỗ, chùa Quỳnh Lâm là trụ sở của phong trào Đông Kinh nghĩa thục do cụ Phan Chu Trinh lãnh đạo.
Chùa tọa lạc trên một khu đất cao ráo rộng thoáng giữa khu vực cư trú của dân làng, tương truyền đó là gò cô Tiên. Chùa có bố cục, quy mô bề thế, với các công trình kiến trúc được quy hoạch tập trung trong một khoảng không gian thoáng mát. Mái chùa cổ ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ bốn mùa xanh tươi tạo cho chùa một không gian tĩnh lặng thâm u huyền bí. Tổng thể các công trình kiến trúc của chùa gồm: cổng Tam quan, tòa Tam bảo, nhà thờ Mẫu, nhà thờ Tổ, hai dãy nhà Dải vũ và vườn tháp mộ phía sau chùa. Các công trình kiến trúc được quy hoạch hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, trên mặt bằng rộng lớn.
Hiện nay, chùa Quỳnh Lâm còn bảo tồn được bộ sưu tập di vật văn hóa mang giá trị lịch sử kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của từng thời đại từ thời Lê đến thời Nguyễn như: 16 tấm bia làm bằng đá xanh, trong đó có một tấm bia chạm khắc nổi một pho tượng hậu Phật trên thân bia, tượng có vẻ mặt phúc hậu, thể hiện tính chân dung cao thuộc nghệ thuật thế kỷ XIX, một tấm bia có niên hiệu cổ nhất dựng năm Vĩnh Khánh thứ hai (1730). Đặc biệt là bộ tượng tròn gồm 5 pho tượng với kích thước lớn nhỏ khác nhau thuộc nghệ thuật thế kỷ XVIII, XIX. Bốn bức cửa võng chạm, trang trí hình tứ quý, 4 bức hoành phi sơn son, 8 đôi câu đối. Hai quả chuông đồng có niên đại Minh Mệnh Nguyên niên (1820).
Đình và chùa Ngọc Mạch đã được Bộ văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa năm 1997./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01