Đình Hạ Tự Nhiên

Phương Anh (t/h)| 14/02/2023 06:00

Làng Tự Nhiên có hai đình là đình Thượng và đình Hạ. Năm 1988, đình Hạ được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật. Nhân dân quanh vùng gọi là đình Hạ Tự Nhiên.

Đình Hạ Tự Nhiên thờ Chử Đồng Tử cùng hai bà Tiên Dung và Hồng Vân. Chử Đồng Tử là một vị thánh trong “Tứ bất tử”. Một ngày đẹp trời, Tiên Dung con gái vua Hùng Vương thứ 18 dong thuyền trên sông Hồng ngắm cảnh. Đến bãi cát của làng Tự Nhiên, nàng hạ lệnh cho thuyền vào bờ để tắm. Màn được quây trên bãi cát. Khi nước dội, cát trôi lộ ra một chàng trai không có một tấc vải che thân. Tiên Dung hỏi ra mới biết Chử Đồng Tử vốn con nhà nghèo, hai cha con chỉ có một cái khố, thường thay nhau mặc. Trước khi mất, người cha bảo con để lại chiếc khố mà dùng nhưng vì lòng hiếu thảo, Chử Đồng Tử đã mặc chiếc khố để chôn cha. Ban ngày chàng phải lẩn khuất nơi hoang vắng: bụi cây hay bãi cát vùi mình. Cảm động trước lòng hiếu thảo của chàng trai và nghĩ đây có thể là duyên trời xe, Tiên Dung đã quyết định lấy Chử Đồng Tử. Đám cưới của nàng được tổ chức linh đình ở bãi cát bên sông.

Chử Đồng Tử và Tiên Dung sống với dân làng. Hai người học được phép tiên để trị bệnh cứu người. Ông bà có một chiếc gậy thần và một chiếc nón, khi cắm gậy xuống đất, úp chiếc nón lên có thể trở thành một toà lâu đài nguy nga. Hùng Vương nghe tin, cả giận.

“Giận con ra thói mây mưa

Hùng Vương một trận thuyền đưa bắt về

Non sông đã nặng lời thề

Hai người một phút hoá về bồng châu”

(Đại Nam quốc sử diễn ca, Lê Ngô Cát).

Khi ông bà chuẩn bị bay về cõi tiên thì có một người con gái ở vùng này nhìn thấy là nàng Hồng Vân cố níu kéo ông bà ở lại. Để khỏi lộ, ông bà đã cho người con gái ấy - nàng Hồng Vân, cùng bay theo. Vì thế ở đình Hạ Tự Nhiên có ba long ngai thờ 3 người: Chử Đồng Tử, Tiên Dung và nàng Hồng Vân.

Đình Hạ Tự Nhiên là một công trình kiến trúc quy mô kết cấu theo kiểu chữ “tam”, gồm Đại bái, Trung cung (Phương đình) và Hậu cung. Đình được xây dựng ở một vị thế đẹp, rộng rãi và quang đãng, lại là khu vực trung tâm của làng. Đại bái đình gồm 5 gian, bộ vì kết cấu trên bốn hàng chân cột gỗ, vì nóc theo kiểu chữ “đinh”, một vì đã được tu sửa thời Nguyễn - khi dời đình từ phía giáp bờ sông vào vị trí này. Đáng chú ý ở đình Hạ Tự Nhiên là các bức cốn có kích thước khá lớn được cổ nhân chạm tích “rồng mẫu tử”. Trung tâm bức cốn thường là một con rồng lớn, miệng loe, mắt lồi, tai dơi. Xung quanh con rồng lớn này là các con rồng nhỏ, quấn quýt quanh rồng mẹ, cuồn cuộn, đan xen thành ổ rồng. Những con vật linh thiêng này được cổ nhân chạm nổi, râu tóc hình đao mác, tia lửa... mang dấu ấn nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVII.

Qua Phương đình là đến Hậu cung, chính giữa lối vào Hậu cung trang trí bức cửa võng tạo tác công phu theo phong cách thời Hậu Lê. Cửa võng 5 tầng được chia làm ba khoang đều nhau, các đường diềm được chạm nổi rồng, tia lửa hình đao mác chồng 5 lớp lên nhau rất lộng lẫy. Hậu cung được xây dựng theo kiểu chồng diêm hai tầng bốn mái. Kết cấu bên trong của bộ vì kèo thiên về độ bền chắc, bào trơn đóng bén. Trong Hậu cung bài trí ba cỗ long ngai bài vị thờ 3 vị: Chử Đồng Tử, Tiên Dung và Hồng Vân. Tay ngai tạo tác rồng có đủ chân, thân và đầu rồng đối xứng chầu vào lòng ngai. Đặc biệt, đình Hạ Tự Nhiên còn lưu giữ được 66 đạo sắc phong - là nguồn di vật đồ giấy có giá trị nhiều mặt. Ngoài ra, đình còn có 6 cỗ kiệu bát cống và một đầu sư tử làm cách đây hơn 60 năm. Hàng năm, lễ hội được tổ chức vào ngày lập hạ mồng 1 tháng 4, ngày hội cuối cùng trong ngày lập hội xuân của vùng. Lễ rước nước sông Hồng và rước kiệu ở làng Tự Nhiên thường cuốn hút hàng vạn người nô nức đến dự hội. Long ngai thờ các vị thần được rước ra bãi giá ngự rồi xuống mép sông. Người tụ lại quây màn đỏ lấy gáo đồng múc nước sông Hồng “tắm” cho các cỗ long ngai đó, như muốn diễn lại thiên tình sử hai ngàn năm về trước. Đó cũng là nét độc đáo của lễ hội làng Tự Nhiên.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01.

Bài liên quan
  • Đình Hà Vĩ
    Đình Hà Vĩ thuộc thôn Hà Vĩ, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội.
(0) Bình luận
  • Ô Quan Chưởng - Cửa ô cuối cùng của Hà Nội
    Cửa Ô Quan Chưởng nằm ở phía Đông thành Thăng Long xưa, hiện nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là một trong những cửa ô quan trọng của thành Thăng Long còn sót lại cho đến ngày nay. Chứng kiến biết bao biến đổi thăng trầm của Thủ đô, giữa phố phường Hà Nội nhộn nhịp hôm nay, Ô Quan Chưởng vẫn sừng sững uy nghiêm, khoác lên mình vẻ đẹp cổ kính, bình yên...
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Đình Hạ Tự Nhiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO