Đình Hạ Tự Nhiên

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 06:00, 14/02/2023

Làng Tự Nhiên có hai đình là đình Thượng và đình Hạ. Năm 1988, đình Hạ được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật. Nhân dân quanh vùng gọi là đình Hạ Tự Nhiên.

Đình Hạ Tự Nhiên thờ Chử Đồng Tử cùng hai bà Tiên Dung và Hồng Vân. Chử Đồng Tử là một vị thánh trong “Tứ bất tử”. Một ngày đẹp trời, Tiên Dung con gái vua Hùng Vương thứ 18 dong thuyền trên sông Hồng ngắm cảnh. Đến bãi cát của làng Tự Nhiên, nàng hạ lệnh cho thuyền vào bờ để tắm. Màn được quây trên bãi cát. Khi nước dội, cát trôi lộ ra một chàng trai không có một tấc vải che thân. Tiên Dung hỏi ra mới biết Chử Đồng Tử vốn con nhà nghèo, hai cha con chỉ có một cái khố, thường thay nhau mặc. Trước khi mất, người cha bảo con để lại chiếc khố mà dùng nhưng vì lòng hiếu thảo, Chử Đồng Tử đã mặc chiếc khố để chôn cha. Ban ngày chàng phải lẩn khuất nơi hoang vắng: bụi cây hay bãi cát vùi mình. Cảm động trước lòng hiếu thảo của chàng trai và nghĩ đây có thể là duyên trời xe, Tiên Dung đã quyết định lấy Chử Đồng Tử. Đám cưới của nàng được tổ chức linh đình ở bãi cát bên sông.

Chử Đồng Tử và Tiên Dung sống với dân làng. Hai người học được phép tiên để trị bệnh cứu người. Ông bà có một chiếc gậy thần và một chiếc nón, khi cắm gậy xuống đất, úp chiếc nón lên có thể trở thành một toà lâu đài nguy nga. Hùng Vương nghe tin, cả giận.

“Giận con ra thói mây mưa

Hùng Vương một trận thuyền đưa bắt về

Non sông đã nặng lời thề

Hai người một phút hoá về bồng châu”

(Đại Nam quốc sử diễn ca, Lê Ngô Cát).

Khi ông bà chuẩn bị bay về cõi tiên thì có một người con gái ở vùng này nhìn thấy là nàng Hồng Vân cố níu kéo ông bà ở lại. Để khỏi lộ, ông bà đã cho người con gái ấy - nàng Hồng Vân, cùng bay theo. Vì thế ở đình Hạ Tự Nhiên có ba long ngai thờ 3 người: Chử Đồng Tử, Tiên Dung và nàng Hồng Vân.

Đình Hạ Tự Nhiên là một công trình kiến trúc quy mô kết cấu theo kiểu chữ “tam”, gồm Đại bái, Trung cung (Phương đình) và Hậu cung. Đình được xây dựng ở một vị thế đẹp, rộng rãi và quang đãng, lại là khu vực trung tâm của làng. Đại bái đình gồm 5 gian, bộ vì kết cấu trên bốn hàng chân cột gỗ, vì nóc theo kiểu chữ “đinh”, một vì đã được tu sửa thời Nguyễn - khi dời đình từ phía giáp bờ sông vào vị trí này. Đáng chú ý ở đình Hạ Tự Nhiên là các bức cốn có kích thước khá lớn được cổ nhân chạm tích “rồng mẫu tử”. Trung tâm bức cốn thường là một con rồng lớn, miệng loe, mắt lồi, tai dơi. Xung quanh con rồng lớn này là các con rồng nhỏ, quấn quýt quanh rồng mẹ, cuồn cuộn, đan xen thành ổ rồng. Những con vật linh thiêng này được cổ nhân chạm nổi, râu tóc hình đao mác, tia lửa... mang dấu ấn nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVII.

Qua Phương đình là đến Hậu cung, chính giữa lối vào Hậu cung trang trí bức cửa võng tạo tác công phu theo phong cách thời Hậu Lê. Cửa võng 5 tầng được chia làm ba khoang đều nhau, các đường diềm được chạm nổi rồng, tia lửa hình đao mác chồng 5 lớp lên nhau rất lộng lẫy. Hậu cung được xây dựng theo kiểu chồng diêm hai tầng bốn mái. Kết cấu bên trong của bộ vì kèo thiên về độ bền chắc, bào trơn đóng bén. Trong Hậu cung bài trí ba cỗ long ngai bài vị thờ 3 vị: Chử Đồng Tử, Tiên Dung và Hồng Vân. Tay ngai tạo tác rồng có đủ chân, thân và đầu rồng đối xứng chầu vào lòng ngai. Đặc biệt, đình Hạ Tự Nhiên còn lưu giữ được 66 đạo sắc phong - là nguồn di vật đồ giấy có giá trị nhiều mặt. Ngoài ra, đình còn có 6 cỗ kiệu bát cống và một đầu sư tử làm cách đây hơn 60 năm. Hàng năm, lễ hội được tổ chức vào ngày lập hạ mồng 1 tháng 4, ngày hội cuối cùng trong ngày lập hội xuân của vùng. Lễ rước nước sông Hồng và rước kiệu ở làng Tự Nhiên thường cuốn hút hàng vạn người nô nức đến dự hội. Long ngai thờ các vị thần được rước ra bãi giá ngự rồi xuống mép sông. Người tụ lại quây màn đỏ lấy gáo đồng múc nước sông Hồng “tắm” cho các cỗ long ngai đó, như muốn diễn lại thiên tình sử hai ngàn năm về trước. Đó cũng là nét độc đáo của lễ hội làng Tự Nhiên.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01.

Phương Anh (t/h)