Đền Kim Ngưu (quận Tây Hồ)
Đền Kim Ngưu ở làng Tây Hồ. Làng này thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ. Không phải là vô cớ khi xung quanh hồ có tới 13 làng mà chỉ có làng này là được mang tên của hồ. Có lẽ là do làng nằm trên một dọi đất dài nhất ăn sâu vào tới nửa lòng hồ.
Ở đây có ngôi đền thờ Trâu Vàng - Kim Ngưu - cái tên đã gắn với một huyền thoại suy nguyên giải thích nguồn gốc của hồ Tây mà một thuở còn có tên là hồ Kim Ngưu. Thơ cổ có câu:
Ngưu hồ dĩ biến tam triều cục
Long Đỗ nhưng lưu bách chiến thành.
Nghĩa là:
Hồ Trâu (vàng) đã thay đổi qua 3 triều đại Long Đỗ vẫn còn toà thành bách chiến.
Sách Lĩnh Nam chích quái có hai lần nói tới lai lịch Trâu Vàng. Lần thứ nhất là ở “Truyện Hồ Tinh”. Sau khi kể về việc Lạc Long Quân diệt cáo chín đuôi, truyện có câu kết: “Sau lập miếu Kim Ngưu để trấn áp yêu quái”. Lần thứ hai là ở “Truyện con Trâu Vàng huyện Tiên Dư”. Xin nhắc lại vài ý chính:
“Núi Tiên Du có tinh Trâu Vàng Kim Ngưu nửa đêm thường toả sáng. Có nhà sư lấy tích trượng yểm lên trán trâu. Trâu bỏ chạy húc vào đất làm sụp thành cái hồ. Nơi đó là thôn Húc sau này. Trâu chạy qua địa phận Văn Giang, qua các xã Như Phượng, Như Loan, Đại Lan, Đa Ngưu... Trâu lại từ trong bến ra sông Cái, đến Ninh Giang, đi men phủ Lý Nhân, theo ven sông Cái tới sông Tô Lịch, chỗ ấy chính là Tây Hồ. Thuở ấy Cao Biền hay cưỡi diều bay trên không để yểm các thắng cảnh. Biền thấy trâu đi vào Dâm Đàm nay là Tây Hồ rồi không thấy trâu đâu nữa”.
Như vậy theo câu chuyện này thì con Trâu Vàng từ núi Tiên Du chạy sang, tới hồ Tây thì biến xuống hồ (tức là khi đó đã có hồ Tây) và thời gian được xác định là đời Cao Biền tức thế kỷ thứ IX.
Ở sách Thăng Long cổ tích khảo thì sự tích Trâu Vàng có khác chút ít. Mục “Đền Kim Ngưu” (Kim Ngưu từ) chép rằng:
“Tương truyền đời Đường, Cao Biền làm Tiết độ sứ An Nam đô hộ phủ, đi các nơi có núi sông danh thắng của ta để yểm diệt long mạch. Khi Biền đào sông yểm mạch núi Long Đội, sơn thần núi ấy biến thành hình con trâu toả ánh vàng bơi theo sông Đường Giang lên phía Bắc, ẩn ở vùng hồ Tây thành Đại La”.
Có khác chút ít về tình tiết nhưng cốt lõi vẫn là có con Trâu Vàng từ phía Nam chạy lên phía Bắc và ẩn trong hồ Tây.
Sách Tây Hồ chí, mục “Các đền chùa” thì dẫn lời Phạm Đan Phong (tức Phạm Đình Hổ): “Cuối đời Đường, An quận Công Cao Biền ngàn dặm qua Nam đến châu Duy Tân (nay là Duy Tiến) khai sông chặn long mạch núi Phục Tượng nay thuộc xã Đại Sơn: Thần núi hoá thành trâu phóng ánh sáng vàng ngược Đường Giang lên ẩn náu tại hồ Tây, người quanh vùng dựng miếu thờ, thực là dấu thiêng vậy”.
Như vậy sách Tây Hồ chí chép chẳng khác Thăng Long cổ tích khảo, có thêm chi tiết đáng chú ý là: “người quanh vùng dựng miếu thờ”. Sách Tây Hồ chí được soạn giữa thời Tự Đức, tức giữa thế kỷ XIX. Như vậy là vào thời điểm này đã có đền Kim Ngưu ở bên bờ hồ Tây. Vì sách có ghi chú cụ thể: “Trên gò đất tại bến ấp Tây Hồ có đền thờ, nay còn”.
Tuy nhiên theo truyền thuyết Khổng Minh Không, tổ nghề đúc đồng thì sự tích Trâu Vàng lại khác.
Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đã đi sâu nghiên cứu về truyền thuyết Trâu Vàng. Theo ông, truyền thuyết Trâu Vàng có nguồn gốc là sự giao thoa văn hoá giữa các bộ tộc Bách Việt và các tộc phi Hán thuở xưa, có phong tục đúc hình con râu bằng kim khí để trấn yểm (xem sách “Mặt gương Tây Hồ” của Nguyễn Vinh Phúc, tr. 238, NXB Trẻ, 2003).
Truyền thuyết dân gian biến hoá theo dòng chảy của cuộc đời, tựu trung Trâu được coi là một con vật thiêng có khả năng trừ ma quái, bảo vệ dân lành. Tín ngưỡng thờ Trâu Vàng là một tín ngưỡng tích cực phù hợp với nguyện vọng cầu mong một cuộc sống yên ổn của nhân dân ta xưa. Đền thờ Trâu Vàng bên bờ hồ Tây là một biểu hiện vật chất của tín ngưỡng và nguyện vọng đó. Trên bản đồ Hà Nội vẽ năm 1873 vẫn còn ghi địa điểm đền Kim Ngưu ở chỗ nay là đầu doi đất Tây Hồ.
Đền này chỉ bị phá huỷ do đại bác quân Pháp vào năm 1947. Nhưng năm 2000, đền đã được làm lại khang trang, bề thế, tăng thêm giá trị văn hóa và du lịch cho quần thể di tích quanh hồ Tây./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01