Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đền Hai Bà Trưng  (quận Hai Bà Trưng)

Sơn Dương (t/h) 07:00 13/04/2023

Gồm cụm di tích: Đền Hai Bà Trưng, đền Đồng Nhân, đình Đồng Nhân, chùa Viên Minh thuộc phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng

Đền Hai Bà Trưng

Đền Hai Bà Trưng còn gọi là đền Đồng Nhân, hiện ở số nhà 12 phố Hương Viên, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô khoảng 3km về phía nam Làng Đồng Nhân ở phường Đồng Nhân, vốn có gốc từ làng Đồng Nhân Châu ở phường Bạch Đằng. Trước đây, được coi là một xóm của Đồng Nhân Châu với tên gọi xóm Chùa. Làng Đồng Nhân xóm Chùa này, mới chỉ hình thành từ thế kỷ XIX. Còn làng Đồng Nhân Châu ngoài bờ sông Hồng thì đã được sử sách ghi lại từ thế kỷ XII, với sự kiện lập đền thờ Hai Bà Trưng.

Đền Hai Bà Trưng là đền thờ hai anh hùng đầu tiên của lịch sử chống ngoại xâm vào nửa đầu thế kỷ I sau Công nguyên. Người cầm đầu cuộc nổi dậy là hai phụ nữ: Hai chị em Trưng Trắc và Trưng Nhị.

Lịch sử và truyền thuyết dân gian kể lại: Vào đầu Công nguyên, quê hương ta chìm đắm dưới ách đô hộ của người phương Bắc, đặc biệt từ khi Thái thú Tô Định trị nhậm. Không chịu được ách thống trị của ngoại xâm lại thêm chồng là Thi Sách bị Tô Định sát hại, Trưng Trắc đã cùng em gái là Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa được người Việt cổ hưởng ứng rộng khắp đất nước, đã đập tan ách thống trị của nhà Hán. Thái thú Tô Định phải trốn chạy. Dân Lạc Việt giải phóng được 65 huyện thành.

Hai Bà xưng Vương. Năm Tân Sửu (năm 41 sau Công nguyên), Mã Viện - một viên tướng khét tiếng tàn ác của nhà Hán được cử sang đàn áp cuộc khởi nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Hai Bà, nhân dân ta đã anh dũng chống trả quân giặc, trải qua 3 năm chiến đấu anh dũng cuối cùng cuộc khởi nghĩa đã bị thất bại. Hai Bà và nhiều tướng lĩnh khác hy sinh. Nhưng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã châm ngòi cho nhân dân ta liên tục đấu tranh suốt gần 10 thế kỷ, trước khi giành lại được độc lập lâu dài.

Để ghi nhớ công tích và báo đáp ơn đức của Hai Bà, nhiều nơi đã lập đền thờ: ở Đồng Nhân (Hà Nội); ở Hạ Lôi (Vĩnh Phúc); ở Phụng Công (Hưng Yên)... Thống kê của ngành Bảo tồn Bảo tàng cho thấy có đến hơn bốn trăm nơi thờ cúng các vị tướng của Hai Bà Trưng.

Theo truyền thuyết, đền Hai Bà Trưng được xây dựng từ đời vua Lý Anh Tông (1142) ở bãi Đồng Nhân, bên bờ sông Hồng. Năm Gia Long thứ 18 (1819), do đất bãi bị lở, dân làng Đồng Nhân được vua ban cấp đất tại khu vực Võ Sở, thuộc thôn Hương Viên để xây đền, đình, chùa và làm nơi ở cho một số dân ngoài bãi di cư vào. Một số dân còn lại bám trụ trên đất bãi cũng xây dựng lại một ngôi miếu thờ Hai Bà. Đó là miếu Hai Bà Trưng ở phường Bạch Đằng ngày nay.

Đền Hai Bà Trưng nằm trong một quần thể di tích có cảnh quan đẹp, địa hình bằng phẳng, thoáng rộng, diện tích khoảng 9.000m2. Phía trước là khoảng sân rộng có nhiều cây cổ thụ và một hồ nước rộng trong xanh. Phía sau đền là vườn cây ăn quả. Bên trái đền là chùa Viên Minh, bên phải là đình thờ Thành hoàng làng.

Đền Hai Bà Trưng có kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc”, Tiền bái 7 gian, Ống muống 2 gian, Hậu cung 3 gian 2 dĩ là nơi đặt tượng thờ Hai Bà và tượng 6 nữ tướng dàn hai bên: Lê Chân, Hoà Hoàng, Thiên Nga, Nguyễn Đào Nương, Phùng Thị Chính, Bát Nàn công chúa và Phạm Thị Côn. Tượng đều làm bằng đất, phủ sơn màu.

Sau đền chính, qua một sân gạch nhỏ là dãy nhà khách 7 gian được kết nối với hai hành lang dẫn lên toà Tiền bái.

Đền Hai Bà Trưng đã được trùng tu nhiều lần qua các thời kỳ lịch sử. Năm 2001, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đầu tư để trùng tu toàn bộ dãy nhà khách; năm 2003, Bộ Văn hoá và Thông tin đầu tư để tu bổ lại đền thờ chính và hai dãy hành lang.

Đền Hai Bà Trưng còn bảo lưu được nhiều di vật quý như 27 đạo sắc phong của triều Lê và Nguyễn, 8 pho tượng thờ, 2 tấm bia đá cổ ghi sự tích của Hai Bà, 2 tượng voi bằng gỗ sơn đen, có đôi ngà voi thật, hai bộ kiệu thời Nguyễn cùng nhiều cửa võng, hoành phi, câu đối, hương án có giá trị lịch sử và nghệ thuật.

Hàng năm đền tổ chức lễ hội tưởng niệm Hai Bà trong 3 ngày, từ mùng 5 đến mồng 7 tháng hai âm lịch.

Trước ngày lễ chính, từ mùng 4 tháng 2, dân làng bắt đầu tế lễ, gọi là tế nhập tịch. Mùng 5 là lễ rước nước. Hàng năm người rước kiệu, bơi thuyền ra giữa sông Hồng, lấy nước đem về nấu trầm hương rồi tắm tượng và thay xiêm y; việc tắm tượng, dâng cúng rượu và trà vào Hậu cung, theo tục lệ cổ truyền thuộc về các lão bà. Mùng 6 là hội chính, tục truyền là ngày rước tượng từ sông lên. Lễ hội diễn ra rất tưng bừng, có rước kiệu, múa rồng, đấu cờ, biểu diễn võ thuật. Hội đền Hai Bà Trưng là một trong những hội lớn có tiếng ở Thăng Long - Hà Nội. Các địa phương đến dự lễ rất đông. Đặc biệt là các làng Hạ Lôi (Vĩnh Phúc), quê hương của Hai Bà; Hát Môn (Hà Tây), nơi tụ nghĩa, tế cờ và khởi nghĩa; Phụng Công (Hưng Yên) là nơi Hai Bà đã đóng quân. Lễ hội Đồng Nhân để tưởng niệm Hai Bà đã được chính quyền quận Hai Bà Trưng và nhân dân Thủ đô tổ chức trọng thể và đều đặn hàng năm.

Đình Đồng Nhân

Đình Đồng Nhân nằm sát bên phải đền Hai Bà Trưng và được xây lui lại so với mặt tiền của đền là 13m. Đình thờ thần: Cao Sơn đại vương, Quốc vương Thiên tử và thần Đô Hồ đại vương. Theo các cụ cao tuổi ở đây cho biết, ngoài 3 vị thần kể trên trước đây đình còn thờ thần: Chiêu Ứng đại vương và Uyên Tuyền đại vương, là các vị Thuỷ thần có công phù trợ cho cư dân sinh sống ở vùng ven sông.

Đình Đồng Nhân có quy mô kiến trúc như hiện nay là sản phẩm của lần trùng tu vào năm Bảo Đại, Canh Thìn (1940), bao gồm 5 gian Đại đình và 1 gian Hậu cung, được kết nối với nhau theo kiểu hình chuôi vồ. Trang trí trên kiến trúc ở khối di vật hiện còn, đó là: 17 đạo sắc phong, trong đó có 5 đạo sắc của triều Lê, sắc có niên đại sớm nhất được phong vào năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783); 2 pho tượng phỗng mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn; 2 tấm bia đá ghi việc tu bổ đình. Ngoài ra còn một số di vật đồ thờ tế tự khác như: Hạc thờ, khám thờ, cửa võng, hoành phi, câu đối được sơn son thếp vàng đã tạo nên sự lộng lẫy, trang trọng nơi điện thờ.

Chùa Viên Minh

Chùa Viên Minh có tên chữ Hán là “Viên Minh tự”. Đây tục truyền là tên gọi theo pháp hiệu của Hai Bà Trưng khi được triều đình nhà Lê tôn lên thành Phật. Tên nôm là chùa Đồng Nhân, cũng có khi được gọi với cái tên thành kính là chùa Hai Bà.

Chùa được toạ lạc bên trái, lui lại 1m so với đền Hai Bà Trưng. Các hạng mục công trình kiến trúc bao gồm: Tiền đường 5 gian, toà Ống muống 2 gian, Thượng điện 3 gian, được kết nối với nhau theo kiểu chữ “công”. Phía sau chùa qua một khoảng sân hẹp được bố trí bồn cảnh, các chậu cảnh, là tới gác chuông. Gác chuông là một lầu vuông, được xây dựng năm 1997, ở phía nhà Mẫu, kiến trúc theo kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái. Bên trái gác chuông là nhà Tổ, bên phải là lầu Quan Hoàng. Điểm đến giáp giữa hai đầu hồi đền và chùa tạo thành một hành lang hẹp, làm lối ra vào thường ngày của cả đền và chùa.

Tấm bia cổ hiện lưu tại chùa có tiêu đề: “Viên Minh Thiền tự kỷ niệm bi chí” - nghĩa là: “Bài văn trên bia kỷ niệm chùa Viên Minh”, được tạo tác dưới triều Bảo Đại thứ 7 (1932) ghi lại lịch sử dựng chùa và việc trùng tu, sửa chữa qua 6 đời các vị sư tổ trụ trì ở chùa như sau: “Chùa Viên Minh ở bãi Đồng Nhân, là một ngôi chùa cổ của Thăng Long. Bên cạnh chùa có đền Hai Bà Trưng... Quy mô rộng lớn, tạo cho chùa Viên Minh trở thành một thắng cảnh lớn trong những chùa cổ đẹp của thành Thăng Long. Việc hương khói trong chùa đều do người trụ trì quản lĩnh. Đời này qua đời khác cùng truyền cho nhau, kể từ vị tổ thứ nhất hiệu Đàm Kiều là người đến trước cư trú, có công xây dựng chùa. Kế đến vị tổ thứ hai hiệu Đàm Chất, vị tổ thứ ba cùng nhau kế thừa, đều giữ được nề nếp tốt, khiến việc cúng lễ trong chùa ngày càng phồn thịnh. Đến vị tổ thứ tư hiệu Đàm Hinh lại xây dựng thêm một đền nữa làm nơi thờ các vị thần linh của sông núi. Tiếp đến vị tổ thứ năm hiệu Đàm Thuần sửa lại đền thờ Hai Bà Trưng càng nguy nga tráng lệ. Xây thêm một nhà thờ Tổ và một nhà khách, đền chùa trang nghiêm, quy mô rộng lớn. Trải qua nhiều năm mưa sa gió táp, nhà cửa đổ nát dần, năm Canh Ngọ (1930), Tỳ khưu ni hiệu Đàm Thu bèn thuê thợ khởi công, chỗ hỏng làm lại mới chỗ hẹp xây rộng ra. Trải qua mấy năm khẩn trương xây dựng, cả đền và chùa đều đã hoàn thành, cảnh chùa cao đẹp, mở rộng và tráng lệ hơn”.

Chùa Viên Minh hiện còn bảo lưu được nhiều di vật có giá trị như: 76 pho tượng thờ, được tạo tác chủ yếu dưới triều Nguyễn, trong đó có 34 pho tượng Phật, 35 pho tượng Mẫu, 7 pho tượng Tổ; 1 quả chuông đồng được đúc vào năm Gia Long 11 (1812); 20 bia đá ghi việc tu bổ chùa và bầu hậu; 21 bức hoành phi, cuốn thư; 18 đôi câu đối; 19 cửa võng được chạm thủng, chạm lộng chủ đề tứ linh, tứ quý...

Bên cạnh giá trị về kiến trúc nghệ thuật, chùa Viên Minh còn là cơ sở hoạt động bí mật của Đảng từ năm 1946 - 1954. Nhà thờ Tổ và Tam bảo của chùa từng là nơi hội họp, cất giấu tài liệu cách mạng. Sư tổ Thích Đàm Thu (thế danh là Nguyễn Thị Khói) là người yêu nước đã có nhiều công lao nuôi giấu, giúp đỡ, bảo vệ an toàn cho cán bộ hoạt động tại chùa.

Chùa Viên Minh đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội gắn biển di tích cách mạng kháng chiến.

Cụm di tích đền Hai Bà Trưng - đình Đồng Nhân - chùa Viên Minh đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1962./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Bài liên quan
  • Đình Gia Thuy, gò Mộ Tổ (quận Long Biên)
    Đình Gia Thuy, gò Mộ Tổ (phường Gia Thuy, quận Long Biên) nằm trong địa vực sinh tụ chính của cư dân Việt cổ từ thời dựng nước, nên mảnh đất Gia Thuy có lịch sử tạo dựng từ rất lâu đời. Một trong những dấu tích minh chứng cho bề dày lịch sử đó chính là cụm di tích đình Gia Thuy - gò Mộ Tổ.
(0) Bình luận
  • Ô Quan Chưởng - Cửa ô cuối cùng của Hà Nội
    Cửa Ô Quan Chưởng nằm ở phía Đông thành Thăng Long xưa, hiện nay thuộc phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là một trong những cửa ô quan trọng của thành Thăng Long còn sót lại cho đến ngày nay. Chứng kiến biết bao biến đổi thăng trầm của Thủ đô, giữa phố phường Hà Nội nhộn nhịp hôm nay, Ô Quan Chưởng vẫn sừng sững uy nghiêm, khoác lên mình vẻ đẹp cổ kính, bình yên...
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tuần lễ chiếu phim đặc sắc về Quân đội nhân dân Việt Nam
    Tuần phim Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) sẽ diễn ra tại thành phố Cao Bằng (từ ngày 9/12 đến ngày 13/12) và trên phạm vi cả nước (từ 19/12 đến ngày 25/12).
  • Thêm một cuốn sách về tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam
    Để giúp bạn đọc hiểu rõ và đầy đủ hơn về các tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam - Hỏi và đáp” của tác giả Nguyễn Thái Bình và Đỗ Thị Thanh Hương.
  • Họa mi vương vấn
    Chọn cho mình một góc quán cà phê ngoài trời, tôi nhìn dọc theo Phố sách Hà Nội. Vài ba người có lẽ là khách du lịch đang thích thú chụp ảnh và lựa sách, thi thoảng so vai, sửa lại khăn choàng khi có cơn gió ngang qua.
  • [Podcast] Dẻo thơm hương vị bánh gai làng Giá
    Nhắc tới bánh gai có lẽ nhiều người sẽ nghĩ tới bánh gai Ninh Giang (Hải Dương), bánh gai bà Thi (Nam Định) hay bánh gai tứ Trụ (Thanh Hóa), nhưng nếu một lần được thưởng thức bánh gai làng Giá - Xứ Đoài của Thủ đô Hà Nội tại huyện Hoài Đức bạn sẽ nhớ mãi. Theo quan niệm của người dân làng Giá (xã Yên Sở, H. Hoài Đức), bánh gai là thể hiện cho con người giao hòa với trời đất, âm dương, vì thế, công đoạn làm bánh phải thật công phu.
  • Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp
    Nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế sẵn có của Hà Nội để phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp (nông nghiệp tuần hoàn); Thành phố sẽ triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội hướng tới phát triển nông nghiệp xanh và bền vững.
Đừng bỏ lỡ
Đền Hai Bà Trưng  (quận Hai Bà Trưng)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO