Hà Nội xưa - nay

Cốm non gói lá sen làng Mễ Trì

Nguyễn Tiến Đức 06:49 28/06/2023

Làng Mễ Trì nay thuộc phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội. Nơi đây xưa là vùng đất đồng chiêm trũng, từng cấy giống lúa Tám Xoan rất ngon, được chọn để tiến vua, cho nên vua đặt tên làng là Mễ Trì, có nghĩa là “Ao gạo”.

com-la-gi-cach-bao-quan-com-tuoi-mua-com-lang-vong-o-dau-ngon-thumb-chu-nhat-1200x676.jpg

Các câu chuyện về các vị Thành hoàng được thờ ở đình làng Mễ Trì chưa rõ nguồn gốc và xuất tích nhưng vẫn được lưu truyền lâu nay. Có tài liệu cho rằng Thành hoàng được thờ ở đây là 3 vị, lại có tài liệu ghi là 4 vị, song cũng có câu chuyện kể về 5 vị Thành hoàng. Hai vị Thành hoàng đầu tiên và phổ biến nhất là Cao Sơn và Quý Minh. Theo truyền thuyết, hai vị đều là hậu duệ của Lạc Long Quân và Âu Cơ, có công giúp Hùng Duệ Vương đánh tan quân Thục từ Ai Lao tiến đánh nước ta.

Vị Thành hoàng thứ ba là Lý Bí, người có công dựng nước Vạn Xuân năm 544, theo giai thoại thì ông cũng là người từng giúp dân nơi đây bắt cá. Vị Thành hoàng thứ tư được thờ phối là tướng Đỗ Tâm Lang (Lý Lữ) - là người từng theo Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Sau khi Đinh Tiên Hoàng mất, ngài theo Lê Đại Hành chống quân Tống xâm lược. Một lần hành quân ra trận, ngài bị thương phải nằm lại làng Mễ Trì. Những giọt máu của ngài đã nhuộm đỏ đất ấy. Tương truyền, do có công lao với đất nước cho nên sau khi ngài hóa, nhân dân Mễ Trì đã lập đền thờ tại nơi ngài đã nhỏ máu.

Vị Thành hoàng thứ 5 được thờ phối là Đông Hải Đại Vương, theo truyền thuyết là con vua Thủy Tề.

c6-01.jpg

Lại nói, giai thoại về chuyện Lý Nam Đế từng giúp dân nơi đây đánh cá kể rằng: Vào năm Tân Dậu (961) xảy ra trận đại hồng thủy, người dân làng Mễ Trì chỉ còn cách kéo vó kiếm cá sinh nhai. Đến khi nước rút, dân làng mang vó ra sông kéo cá. Hôm đó 3 cụ ở 3 làng: Mễ Trì, Nhân Mỹ, Đình Thôn cùng kéo vó trên một khúc sông, kéo từ buổi chiều tới gần sáng mà không ai được con cá nào, mọi người ngán ngẩm định bụng ra về. Bỗng nhiên cụ ở làng Mễ Trì thấy mảnh gỗ phát ra ánh sáng trôi vào vó, cụ lấy gậy đẩy ra ba, bốn lần nhưng chỉ được một lúc, tấm gỗ ấy lại trôi vào vó. Không kiên trì thêm nữa, cụ liền vớt lên bờ, miệng lẩm nhẩm khấn:

- Chúng con là người dân lam lũ nay đi kéo vó kiếm cá, nếu thần có linh thiêng xin được phù trợ cho con kéo được đầy giỏ cá!

Lời thỉnh cầu vừa xong thì linh ứng ngay, chả mấy chốc đã đầy giỏ cá. Tiếng cá quẫy trong giỏ làm cho hai cụ kế bên nóng lòng hỏi vì đâu mà kéo được nhiều cá thế? Cụ thực thà chỉ vào tấm ván vừa vớt lên mà nói:

- Tôi vừa vớt tấm ván kia lên bờ vì cứ trôi vào vó của tôi nên được phù hộ.

Thấy vậy, 2 cụ làng bên bèn khấn với tấm ván rằng:

- Ngài đã thương thì thương cho trót, chúng con xin cung tiến bát hương và thờ ngài mãi mãi.

Thế rồi chẳng bao lâu 2 cụ làng bên cũng kéo được đầy giỏ cá. Tiếng lành đồn xa, dân làng nô nức kéo đến xem thực hư về tấm gỗ thiêng. Lập tức, khi tấm ván được mọi người mang xuống sông kỳ cọ hết bùn và rêu phủ thì rõ chữ: Lý Triều Đại Vương tức Diêm La Thiên Tử. Biết là tấm bài vị linh thiêng, dân làng Mễ Trì mang về lập miếu thờ hương khói quanh năm. Từ đó dân làng ai đi kéo vó cũng được nhiều cá. Và cũng từ đó, ngày 7 tháng Giêng âm lịch hằng năm, cả 3 làng: Mễ Trì, Nhân Mỹ, Đình Thôn đều mở hội tế rước ngài về thờ phối tại đình làng.

Năm 1992, đình Mễ Trì được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích Lịch sử Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Lễ Thường Tân tức ngày 15 tháng 9 âm lịch (tết cơm mới, xôi mới) tại đình làng Mễ Trì, người dân dâng lên lễ vật là món cốm non. Để có món cốm non dâng lễ này phải qua nhiều công đoạn làm bằng thủ công rất công phu. Trước đó, cụ Cai đã chỉ đạo người nhà chuẩn bị chọn lúa. Chày cối giã, các dụng cụ thúng mẹt, nia, sàng chảo rang đều được vệ sinh sạch sẽ, đắp bếp lò để giữ nhiệt cho bếp, chuẩn bị củi để rang, tránh dùng củi xoan. Lúa chọn phải là loại nếp cái hoa vàng, nếu già quá thì hay bị vỡ khi giã, non quá thì bị vón cục dính trấu. Vì thế, khi bông lúa đã chuyển màu hoe vàng, hạt thóc mẩy có trọng lượng kéo bông lúa cong xuống như hình lưỡi câu, gọi là lúa uốn câu, gặt về làm cốm là ngon nhất. Lúa mang về phải làm ngay trong ngày mới không bị mất nước và giữ được độ tươi. Lúa còn xanh rất dai, nếu đập vào cối đá thì gạo bị vỡ, phải dùng hai đũa tre kẹp vào từng bông lúa để tuốt, loại bỏ bông lúa tẻ, rồi cho thóc vào bể đãi loại bỏ hạt lép, vớt ra rá cho ráo nước rồi mới rang. Trước đây, phải dùng nồi đất Hương Canh để rang cốm, bây giờ thì dùng chảo gang càng dày càng giữ nhiệt. Ban đầu to lửa, tới khi thóc chuyển màu tái trắng thì cho lửa nhỏ lại, đảo đều đến khi chín tới. Làm sao để không giòn mà vẫn tróc trấu là khó nhất trong nghề làm cốm, bởi chỉ cần hơi già lửa một chút là hạt cốm vỡ nát. Khi giã phải dùng chày cối chuyên dụng, một người giã một người ngồi đảo, động tác phối hợp nhịp nhàng để không va chày vào người đảo cốm, nhịp chày nhè nhẹ, nhịp nhàng khoan thai thì cốm mới mịn dẻo. Khi nào thấy trong cối giã tróc trấu ra nhiều thì người ngồi đảo cốm ra hiệu ngừng lại để đưa cốm ra mẹt to, sẩy hết trấu rồi cho ra sàng. Phải sàng đều tay cho thóc chụm lại ở giữa, cho cốm xung quanh đỡ bị sàng ra ngoài. Chỗ lúa còn lại đổ vào cối giã tiếp và cứ thế cho đến hết mới thôi.

Chọn lớp lá gói cốm cũng cần tinh tế và khéo léo. Đó là hai lớp lá ráy và lá sen. Họ cây ráy có nhiều loại, phải biết chọn loại ráy không ngứa để hái lá dùng gói cốm.

Lá ráy và lá sen phải được rửa sạch, lau khô ráo. Sau đó, lá ráy lót trong lá sen bọc ngoài. Lá ráy tươi lót bên trong nhằm giữ độ ẩm cho cốm không khô, bên ngoài là lớp lá sen tỏa hương thơm ngát, buộc gói cốm bằng hai sợi rơm nếp mới, như kiểu buộc bánh chưng. Cốm non đạt tiêu chuẩn cốm ngon phải là đều hạt hình dẹt, màu xanh thơm dẻo ăn có vị ngọt và ngậy. Hương cốm non thơm mùi nếp mới hòa quyện với mùi thơm lá sen là nét trưng của hương cốm làng Mễ Trì.

Trong ngày Tết cơm mới, xôi mới, lễ vật đầu tiên dâng lên đình làng là gói cốm non gói lá sen và đĩa bánh làm từ cốm (bánh cốm) của gia đình cụ Cai, rồi mới đến lễ vật của dân làng. Nhiều người dân mang lễ vật tới đình dâng Thánh như hoa quả, trầu rượu, xôi gà, nhưng phần đông là mang cốm và bánh cốm, với lòng thành kính của nhà làm ra, gọi là “của sớm mới”. Lễ Thánh xong, cụ Cai phát lộc cho mọi người ăn lấy khước, gọi là lộc Thánh.

com-lang-vong-6-e1597748779922.jpg

Gắn liền với sự tích về cốm non Mễ Trì mà nhiều người yêu cốm nhưng chưa biết tới là một câu chuyện khác. Chuyện rằng: Thuở xưa, vào mùa thu năm ấy còn khoảng 2 tuần nữa mới gặt được lúa mùa sớm. Bỗng nhiên trời đổ cơn mưa to gió lớn làm đê bị vỡ, ruộng đồng chìm nghỉm. Tiếc công tiếc của, dân làng Mễ Trì phải đằm mình trong nước lấy liềm vơ ngọn lúa phất phơ mà cắt mang về rồi tuốt ra rang khô. Nhưng vì không xay được, phải cho vào cối đá giã gạo, giã xong sẩy hết trấu, ăn để chống đói. Không ngờ việc làm bất đắc dĩ ấy lại trở thành hương vị trứ danh và đặc sản cốm non Mễ Trì ngày nay./.

Bài liên quan
  • Nguyễn Tư Giản - Một tình yêu Hà Nội
    Nguyễn Tư Giản (1823 – 1890) vốn tên là Văn Phú, tự Tuân Thúc, bút hiệu Thạch Nông, Vân Lộc là người làng Du Nội (xưa thuộc phủ Từ Sơn, nay thuộc xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội). Ông là cháu nội của Nguyễn Án – một bậc danh nho, dòng dõi họ Nguyễn làng Vân Điềm nổi tiếng có nhiều ông Nghè, ông Cống bậc nhất ở xứ Đông Ngàn xưa; đồng tác giả cuốn “Thương tang ngẫu lục” viết về lịch sử, danh thắng, phong tục của đất Thăng Long – Hà Nội cuối đời Lê, đầu đời Nguyễn (viết chung với Phạm Đình Hổ).
(0) Bình luận
  • Từ Hội quán Quảng Đông tới không gian sáng tạo
    Người ta xem nơi ấy là ngã ba tiếp xúc giữa 3 nền văn hóa và kiến trúc Việt - Hoa - Pháp, người ta cũng gọi nơi ấy là điểm hẹn văn hóa cất giữ ký ức xôn xao một thời của Phố cổ Hà thành. Trung tâm văn hóa nghệ thuật số 22 Hàng Buồm, nơi mà những người thuộc thế hệ trước ở Hà Nội vẫn quen gọi là Hội quán Quảng Đông, giờ đã trở thành một điểm hẹn văn hóa chuyên chở những ký ức đậm sắc hương Hà Nội, những ký ức ghi dấu ấn giao thoa văn hóa từ khoảng 400 năm trước cho đến ngày hôm nay.
  • Phố Châu Long - ký ức đẹp Hà Nội một thuở
    Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử, phố Châu Long (quận Ba Đình, Hà Nội) vẫn còn giữ lại vẻ đẹp của một Hà Nội xưa sâu lắng, sang trọng mà gần gũi, kiêu sa mà mộc mạc… trong ký ức của những người yêu biết bao nhiêu mảnh đất ngàn năm văn hiến này.
  • Chợ Bắc Qua và ký ức gánh hàng của mẹ
    Mỗi lần có dịp đi qua chợ Bắc Qua, tôi lại nhớ hình dáng mẹ với đôi quang gánh trên vai chở những lo toan cho gia đình những năm 80, 90 của thế kỷ trước.
  • Ra mắt Trung tâm Thiết kế sáng tạo làng nghề đầu tiên tại Bát Tràng
    Trong khuôn khổ Lễ khai hội làng gốm cổ Bát Tràng, UBND xã Bát Tràng đã ra mắt Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch (gọi tắt là Trung tâm Thiết kế sáng tạo).
  • Làng nghề bánh cuốn Thanh Trì đón nhận danh hiệu "Làng nghề truyền thống Hà Nội"
    Ngày 9/3, UBND quận Hoàng Mai tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội” đối với làng nghề bánh cuốn Thanh Trì, phường Thanh Trì.
  • Nghề làm xôi Phú Thượng được ghi danh vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia
    Ngày 17/2, tại di tích lịch sử - văn hoá Quốc gia Đình Phú Gia, UBND quận Tây Hồ long trọng tổ chức Lễ hội truyền thống Xôi Phú Thượng lần thứ VII và công bố Quyết định ghi danh Nghề Xôi Phú Thượng vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Cốm non gói lá sen làng Mễ Trì
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO