Hà Nội xưa - nay

Về miền ký ức cùng những hiệu sách xưa

Nguyễn Vi Thủy 07:22 20/04/2023

Mỗi lần đến phố Tràng Tiền xem triển lãm, theo quán tính tôi lại sà vào các ngõ ngách của phố Đinh Lễ, lạc vào những kệ sách, muôn hình đủ loại. Lần nào cũng vậy, dù có nâng lên đặt xuống nhưng rồi cuối cùng tôi vẫn mang về vài cuốn.

Nếu ở thời bao cấp, vì số lượng sách đã ít mà chất lượng giấy cũng như in ấn kém và tôi phải đọc đi đọc lại đến nỗi tung cả gáy sách thì sách bây giờ phong phú hơn và in ấn đẹp hơn. Tôi tự hỏi, thời nay sách nhiều và hay nhưng mua rồi không biết có thời gian đọc hết hay không?
Tôi thích đọc sách ngay từ khi đi học và biết đọc chữ. Năm học vỡ lòng, bố tôi mua cho cuốn truyện thiếu nhi đầu tiên là cuốn “Bức tường không xây” và cuốn tiểu thuyết đầu tiên tôi đọc là tác phẩm “Tuổi mười bảy” của nhà văn Nga German Matveev, khi tôi đang học lớp một. Tôi nhớ, hồi ấy có khách tới nhà chơi, nhìn bé con mới đi học mà ôm cuốn sách dày viết về tuổi mười bảy chú không khỏi ngạc nhiên. Văn học đã đến với tôi như thế.

635787287036486870.jpg

Thỉnh thoảng bố lại mua cho tôi một cuốn và tôi hay đọc sách mỗi khi bố đi làm. Sau này ớn hơn và biết đi xe đạp, tôi thường tự mình đi hiệu sách, đạp xe băng băng trên phố từ Giảng Võ đến ngã tư Bà Triệu - Trần Hưng Đạo, nơi có thư viện nhân dân để mượn sách. Đọc hết sách ở thư viện thì tôi bắt đầu đi thuê sách theo ngày, bố cho tiền, mỗi lần thuê hai cuốn, bố con luân phiên đọc, đọc nhanh rồi trả.

Tôi đã đọc nghiến ngấu để đổi sách, từ văn học dịch tới tiểu thuyết tình cảm ở miền Nam chuyển ra rồi tiểu thuyết chiến tranh. Cũng nhờ có bố mà tôi chép đủ mấy tập thơ “Lửa thiêng” của Huy Cận, “Lỡ bước sang ngang” của Nguyễn Bính, “Gửi hương cho gió” của Xuân Diệu, “Say” của Vũ Hoàng Chương, rồi còn thuộc làu và ngâm thơ suốt những năm cấp hai.

Lên cấp ba, thỉnh thoảng tôi vẫn đến Thư viện Hà Nội mượn sách, chủ yếu là sách lịch sử, y học… Có hôm thuê sách về gặp cơn mưa rào, bỗng nhiên có cơ hội trú mưa, đọc xong nửa cuốn sách thì trời quang, cảm giác trong lành sau cơn mưa cùng những trang sách đã nuôi dưỡng tôi như thế đấy. Thực ra, mẹ không thích tôi đọc nhiều, bà sợ tôi mơ mộng, không thực tế, cuộc đời sẽ khổ nên thường nổi nóng khi tôi giấu sách trong tay.

Tôi vẫn nhớ như in hiệu sách trên phố Khâm Thiên ngày ấy, hơi chếch với rạp Dân Chủ, chỉ một gian, lùi vào bên trong so với ngôi nhà bên cạnh, trước cửa có cây hoa bằng lăng, vỉa hè nhấp nhô những ô gạch. Tôi ghé vào đó nhiều vì nó nằm trên đường từ nhà tôi đến nhà ông nội ở Bạch Mai. Còn hiệu sách trên phố Đinh Tiên Hoàng đối diện với bến tàu điện thì thường có nhiều đồ lưu niệm hơn sách. Ngắm sách xong, tôi xem thêm những đồ lưu niệm. Hiệu sách ngoại văn ở phố Tràng Thi là to nhất, trong đó có nhiều sách và tạp chí nước ngoài, sách ngoại văn hồi đó chủ yếu là tiếng Nga mà mãi khi lên cấp hai chúng tôi mới được học tiếng Nga nên mỗi lần tới đây, tôi chỉ xem tranh ảnh chứ không mua.

Ngoài ra, tôi còn là độc giả quen mặt ở các địa chỉ khác như hiệu sách trên phố Quán Thánh (nơi đối diện vườn hoa Hàng Đậu và chỉ nhỏ hơn hiệu sách ngoại văn). Ngày ấy, từ Quán Thánh đến Thụy Khuê phố vắng lắm, con đường Phan Đình Phùng rất đẹp cũng không đông đúc dù ở ngay gần chợ Đồng Xuân, sau khi xem sách, tôi như được tiếp thêm năng lượng và lao xe băng băng trên phố vắng, hớn hở lạ kỳ. Hay là hiệu sách nhỏ trên phố Huế (đối diện với chợ Hôm) - một không gian rất hẹp, chỉ vừa tủ sách, quầy sách và lối vào cho khách - nơi tôi thường tiện ghé khi tới hiệu sách ở số 2 phố Thi Sách. Và mỗi lần đến cửa hàng sách ngoại văn là tôi lại đi dạo quanh hồ Hoàn Kiếm, qua cửa hàng kem Tràng Tiền chỉ biết nhìn thèm mà không dám mua vì còn phải để dành tiền mua sách.

Trong số các nơi quen thuộc này thì hiệu sách phố Bạch Mai là địa chỉ thân thiết của tôi vì nó ở gần nhà ông bà, tôi có thể chơi bao lâu tùy thích. Không hiểu sao hiệu sách có nền cao hơn những nhà xung quanh, lúc nào cũng phải bước lên hai bậc thềm mới tới cửa, tôi chạy đi chạy lại, có ngày hai ba lần chỉ để đọc tên sách.

Hà Nội thời đó đường phố vắng hơn, hình như chỉ toàn xe đạp, trẻ con đi lại đơn giản hơn bây giờ. Chỉ cần có thời gian, chỉ cần có cơ hội, chỉ cần có một ít tiền để dành là tôi đạp xe hết hiệu sách này đến hiệu sách khác, để chọn mua, có khi chỉ để ngắm bìa và tên sách vì chưa đủ tiền. Ngắm mãi rồi về, hôm khác lại đến, hân hoan nhìn sách, nhìn thôi mà cũng thấy “no”.

Thời bao cấp, phần lớn nhà nào cũng nghèo, không được ăn quà sáng như bây giờ. Hồi đó bữa sáng phổ biến là cơm nguội ăn ở nhà, hoặc bỏ qua bữa sáng, vì thế muốn tiết kiệm tiền ăn sáng mua sách cũng là chuyện khó. Vốn tháo vát việc dọn dẹp nhà cửa nên mỗi lần đến thăm nhà ông bà, tôi thường quét dọn giúp ông và được ông thưởng cho mấy hào ăn quà vặt trong ngõ. Tuy vậy, tôi chỉ giả vờ đi ra ngõ coi như đang đi ăn quà vặt rồi tót vào hiệu sách ngắm nghía, và cố nhớ tên một cuốn mình thích, thầm hẹn khi đủ tiền sẽ đến mua. Có lần bị ông mắng rằng “cho tiền để ăn chứ không phải để dành”, tôi chỉ biết im thin thít và thầm nghĩ một cách kiên định “cháu sẽ không ăn đâu”.

Ngoài tiền quà vặt ông bà cho, hồi đó tôi còn gom tiền bán rau lợn để mua sách. Chả là khu tập thể nhà tôi ở gần hồ Giảng Võ, có chỗ đất trống ngập nước. Mấy hộ gia đình trong khu tập thể thường trồng rau muống mùa hè, rau cần và rau cải xoong mùa đông để ăn. Nhà tôi có thêm một khúc trồng khoai nước nuôi lợn, những ngày mùa hè mưa nhiều rau mọc nhanh quá, lợn không ăn hết, tôi cùng người bạn hàng xóm bó rau, đem ra chợ bán và hễ có tiền riêng là tôi không mua gì ngoài sách. Từ sở thích đi đến thói quen, tôi không bao giờ tiếc việc chi tiêu để mua sách.

hieu-sach-cu-tranh-cua-pham-binh-chuong.jpg
“Hiệu sách cũ” - tranh sơn dầu của họa sĩ Phạm Bình Chương.

Sách cho tôi tưởng tượng, đưa tôi lang thang khắp mọi nơi. Tôi có thể cảm nhận cái mát mẻ của làng quê khi đọc “Hương bạch đàn”, mặc dù hồi đó chưa biết đồi bạch đàn thế nào; có thể hình dung ngôi nhà trong phố có con đường rải sỏi mà nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn tả trong “Tuổi trăng rằm” vẳng khúc nhạc Mozart. Sau này lũ chúng tôi đạp xe đi chùa Thầy, qua những con đường đất có rặng hoa xoan, đầu óc tôi liên tưởng đến hương bạch đàn trong truyện dù chả liên quan. Thế giới văn học, thế giới trong sách đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi và pha trộn những tưởng tượng với hiện thực, khó nói đúng sai.

Vào cuối những năm bảy mươi, đầu tám mươi ấy, ngoài sách và chương trình đọc truyện đêm khuya của Đài Tiếng nói Việt Nam thì chả có gì giải trí. Tivi thì hãn hữu, cả phố mới có một chiếc, đến giờ phát sóng, người lớn, trẻ em cả phố đến xem nhờ, ngồi tràn trên sàn nhà hoặc xúm xít ngó ngoài cửa sổ. Cho nên, sách là thế giới của tôi, tôi đọc bất cứ lúc nào có thể, vừa nấu cơm, vừa đi bán hàng cho mẹ, lúc nào cũng kè kè giấu giếm một cuốn, nhiều khi mẹ tôi nổi cáu vì lơ đãng.
Các tác phẩm văn chương từ “Ruồi Trâu”, “Miền đất quả vàng”, “Bàn tay người da đen” đến “Thầy Lang”… đem đến cho tôi những tấm gương về vượt khó, làm điều tốt đẹp, vươn lên trong cuộc sống ngấm vào tôi không biết từ khi nào. Sau này, trong hành trình của mình, các nhân vật ấy luôn hiện ra, tiếp thêm động lực cho tôi vượt qua những thất bại, những ngã rẽ bất ngờ của đời sống. Rất nhiều lần, tưởng mình không thể đứng dậy, tôi lại nhớ đến các nhân vật trong sách ngày xưa và tự nhủ: “Này, biết không, từng giây, từng phút… đâu đó, các nhà văn, nhạc sĩ vẫn đang miệt mài sáng tác ra những áng văn hay, những bản nhạc tuyệt vời…” và tôi lại ngước nhìn những ngọn cây, những bông hoa bên đường, ánh nắng, những âm thanh của đời sống và nhủ thầm “đứng dậy, đi tiếp bạn ơi!”

Ký ức xa xôi, chợt trở về khi tôi thấy hình ảnh ngày xưa trong bức tranh của một hoạ sĩ cùng thế hệ vẽ về cửa hàng cho thuê sách số 2 Thi Sách - một địa chỉ không thể nào quên trong ký ức tôi và nhiều người nữa. Nghĩ về những kỷ niệm một thời gắn với những hiệu sách xưa, trong tôi lại văng vẳng câu nói của Voltaire: “Những gì sách dạy chúng ta cũng giống như lửa. Chúng ta lấy nó từ nhà hàng xóm, thắp nó trong nhà ta, đem nó truyền cho người khác và nó trở thành tài sản của tất cả mọi người”.

Bài liên quan
  • Lễ hội đền Lê ở xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất
    Định kỳ 3 năm, vào ngày 16,17,18 tháng 2 âm lịch, cán bộ và Nhân dân thôn Lại Thượng, xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất (Hà Nội) lại tưng bừng mở hội đền Lê để tưởng nhớ Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm. Nét đẹp văn hóa được địa phương gìn giữ, phát huy từ nhiều năm nay.
(0) Bình luận
  • Hà Nội - 36 khúc giao thời: Khám phá sự giao thoa quá khứ và hiện tại của 36 phố phường
    “Hà Nội - 36 khúc giao thời” - chuỗi hoạt động khám phá 36 phố phường Hà Nội và những nét văn hóa đặc sắc từ Hà Nội xưa sẽ diễn ra vào ngày 15/12/2024 tại Cafe Phố Hàng (251 Phố Hồng Hà, Phường Phúc Tân, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đến với không gian mang đậm dấu ấn đặc trưng của từng góc phố cổ Hà Nội, công chúng, đặc biệt là giới trẻ sẽ có cơ hội khám phá và hiểu hơn những giá trị văn hóa của Thủ đô.
  • Ký ức Hà Nội thời bao cấp qua di sản kiến trúc
    Lịch sử đô thị Hà Nội có tầng tầng, lớp lớp các công trình kiến trúc được chia thành nhiều giai đoạn. Nếu như các công trình kiến trúc Pháp là minh chứng cho bước đầu du nhập văn minh phương Tây thì những công trình mang phong cách kiến trúc Đông Dương lại là sự kết hợp độc đáo giữa văn hóa phương Đông và phương Tây. Những công trình kiến trúc thời kì 1954 - 1986 đã thể hiện một tiếng nói mới, có sự kế thừa, học hỏi và sáng tạo, mang bản sắc kiến trúc Việt Nam, góp phần kiến tạo xã hội trong tâm thế một dân tộc được làm chủ vận mệnh của mình.
  • Đô thị sinh thái Thăng Long - Hà Nội là cơ sở hình thành văn hóa thanh lịch, giá trị sống hướng tới sự an bình
    GS-TS. Đặng Cảnh Khanh - Viện trưởng Viện nghiên cứu truyền thống và phát triển, nhận định, đô thị sinh thái Thăng Long - Hà Nội chính là cơ sở cho sự hình thành văn hóa thanh lịch và giá trị sống hướng tới sự an bình. Sự thanh lịch của con người đô thị Thăng Long, trước hết có lẽ được bắt đầu hình thành từ chính cảnh sắc của Thăng Long – Hà Nội.
  • Văn hóa Thăng Long - Hà Nội trở thành tâm điểm của những sáng tạo và phát triển văn hóa
    Theo GS.TS. Đặng Cảnh Khanh (Viện trưởng Viện nghiên cứu Truyền thống và phát triển), tính chất thanh cao, tôn trọng sự hài hòa và an bình khiến cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội trở thành tâm điểm của những sáng tạo và phát triển văn hóa. Bởi vậy, UNESCO phong tặng danh hiệu “Thành phố hòa bình” cho Hà Nội là đúng đắn.
  • Đêm hồ Gươm kỳ diệu
    Sáng rực, lung linh, huyền ảo, thơ mộng - những vòm cây ven hồ sẫm tối nhả ra muôn ngàn trái quả nhấp nhánh như trong một đêm địa đàng, một vườn cổ tích. Ấy chính là quang cảnh hồ Gươm những ngày lễ Tết trong ký ức tuổi thơ tôi.
  • Chuyện ở hàng nước mắm
    Những năm 1958 - 1959, Hà Nội chưa bước vào nền kinh tế bao cấp, các cửa hàng tư nhân lâu đời vẫn hoạt động buôn bán ở khắp các phố phường. Dạo ấy, tôi đã bảy, tám tuổi nên thường được bà ngoại và mẹ sai đi mua những đồ lặt vặt cho gia đình.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh – Nơi “nuôi dưỡng” niềm tự hào dân tộc
    Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã từng đi nhiều nơi và đã có rất nhiều địa điểm in dấu chân Người, gắn liền với sự kiện quan trọng của dân tộc. Một trong số đó là ngày 3/12/1946, Bác Hồ về nhà cụ Nguyễn Văn Dương ở làng Vạn Phúc (nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) để chuẩn bị rút lên chiến khu. Tại ngôi nhà này, Bác đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và được Đài Tiếng nói Việt Nam chuyển đến toàn thể quốc dân, đồng bào, kêu gọi bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
  • "Đám cưới chuột" lên sân khấu xiếc
    Chiều 13/12, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội đã tổ chức họp báo, giới thiệu vở diễn "Đám cưới chuột", vở diễn lấy cảm hứng từ bức tranh dân gian Đông Hồ chuẩn bị ra mắt khán giả...
  • Phi công Nguyễn Đức Soát ra mắt sách kể chuyện hồi ức “đời bay”
    Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), Nhà xuất bản Trẻ ra mắt bạn đọc cuốn sách “Bầu trời - Trường đại học của tôi” của Trung tướng Nguyễn Đức Soát.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Xa - gần & tình yêu
    Reng. Reng. Reng. Là tiếng chuông điện thoại chứ không phải báo thức. Thơ giật mình, một lo lắng vơ vẩn cồn lên. Từ ngày ba mất, cô vốn sợ những tiếng chuông điện thoại vào những giờ bất thường, sáng sớm hoặc là tối khuya. Nhìn thấy số của Yên, Thơ hơi bất ngờ. Chưa bao giờ cô ấy gọi cho cô vào giờ này...
  • Lịch nghỉ học kỳ I và nghỉ Tết Dương lịch 2025 của học sinh
    Bộ GD&ĐT đã công bố lịch nghỉ Tết dương lịch năm 2025 và lịch nghỉ học kỳ một của học sinh cả nước.
Đừng bỏ lỡ
Về miền ký ức cùng những hiệu sách xưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO