Nhớ tàu điện Hà Nội một thời
Với nhiều người Hà Nội, dù đang sống trong nước hay đã di cư đến muôn phương thì hình ảnh khó quên trong ký ức về một Hà Nội cổ kính là chiếc tàu điện leng keng, một phương tiện trong hơn 90 năm đằng đẵng đã kiên trì và vui vẻ đưa người Hà Nội đi khắp ba mươi sáu phố phường của đô thành nhộn nhịp.
Nhưng rồi vào năm đầu thập kỷ 1990, hình ảnh quen thuộc này đến hồi kết thúc sứ mệnh, tàu điện ngừng hoạt động đã khiến bao người rơi nước mắt vì cảm giác mất mát, hụt hẫng - những người vẫn thường xuyên chờ đợi tiếng leng keng như chờ đợi người thân, và cả những người chỉ đơn giản là đã quá quen thuộc và yêu mến âm thanh, hình ảnh ấy.
Cái ngày mà tàu điện đi chuyến cuối cùng năm ấy, hàng dãy người tụ tập quanh Bờ Hồ, trong đó có tôi, đứng chờ để tiễn phương tiện “huyền thoại” này về Sở Xe điện ở Thụy Khuê. Con tàu ba toa đi từ phía Hàng Gai xuống bến Bờ Hồ. Anh sơ-vơ cặp nách cái cặp vé tàu điện, nhảy xuống rồi chạy lại cuối toa thứ nhất, với tay nắm lấy chiếc dây thừng, kéo cần tiếp điện thấp xuống, rồi cứ thế chạy ngược về phía đầu tàu lắp lại cho cái bánh xe ở đầu cần điện khớp vào dây điện, thế là tàu có thể chạy ngược lại. Chuyến tàu điện hôm ấy đặc biệt bởi đây là chuyến tàu tự do, ai muốn lên đi cũng được, nhưng đa số là những người lớn tuổi. Tôi nhìn theo một bà lão ở độ tuổi “xưa nay hiếm“ đang lập cập bước lên bậc, và cùng lúc có hai người khác ở trên tàu bước xuống đỡ bà. Tôi thấy trong lòng rưng rưng cảm động. Những con người ấy, trái tim họ đã gắn cả cuộc đời mình với thành đô. Anh sơ-vơ hô lên xem ai có cần vé tàu để mang về làm kỷ niệm hay không và thành thạo thoăn thoắt xé từng chiếc vé to bằng hai ngón tay, tíu tít đưa cho mọi người xung quanh.
Khi tàu bắt đầu chạy chầm chậm, tôi cũng chầm chậm đi theo nhưng không lên tàu ngay mà chờ cho đến khi nó bắt đầu leo dốc đến đài phun nước để lên đầu Hàng Gai thì tôi mới chạy theo, tay bám vào tay cầm của tàu và tung chân lên đặt vào bậc lên xuống. Trên chuyến tàu ấy, tôi không vào trong toa mà cứ đứng ở bậc cửa để ngắm nhìn phố phường, hết Hàng Gai rồi đến Hàng Đào, Hàng Bông, không chờ đến bến An-pô tôi đã nhảy xuống đi về phía phố Hàng Lọng. Khi xuống tàu, tôi phải nhảy xuôi theo phía tàu chạy, chạy lập bập theo đà mấy bước rồi mới đứng lại được để rẽ sang đường. Nhắc đến độ “lành nghề” của việc nhảy lên xuống tàu phải kể tới hai kiểu người: Anh sơ-vơ bán vé kiêm phụ trách cần điện, người không cần đợi tàu dừng ở bến đã tung người như lướt thẳng trên bậc lên xuống, ngược với chiều tàu chạy, nhẹ nhàng đặt một chân xuống đường, co một chân, xoay người “điệu nghệ” như vũ nữ ba-lê rồi mới đứng thẳng lại mà không bị mất đà. Và mấy chú “ranh con ăn cắp vặt” trên tàu cũng thoăn thoắt không kém, bao phen lên xuống vào ra tàu điện đang chạy mà không hề hấn gì.
Những kỷ niệm ùa về trong tôi. Nhớ quá! Những ngày còn là cậu học trò, tôi thường xuyên nhảy tàu từ An-pô, Cửa Nam, mua chiếc vé năm xu ra Bờ Hồ. Còn nhớ, năm tôi bắt đầu biết yêu cũng là năm lạm phát, tiền bị mất giá và vé tàu đã lên giá năm hào một chuyến ra Bờ Hồ. Tôi từng lạc quan tếu rằng, lúc nào giá trị của đồng tiền bị giảm sút thì bù lại lúc đó ngập tràn tình yêu thương.
Ngày ấy tôi hay lên Hàng Đào gặp Nga, mối tình đầu thuở học trò. Mỗi lần đến nơi, tôi nhảy xuống tàu chờ Nga ra rồi hai đứa lại cùng lên tàu đi xem phim ở rạp Majestic, Hàng Bài.
Khi bắt gặp chiếc vé tàu điện Hà Nội trong bảo tàng Hà Nội, đọc truyện ký “Leng keng Hà Nội” của nhà thơ Vũ Quần Phương hay bất giác nghe một đoạn xẩm tàu điện, trong ký ức tôi dâng lên hình ảnh đôi mắt ngây thơ ngơ ngác của đứa bé nhìn theo mấy đồng xu rơi vào chiếc mũ rách của nó, bên cạnh là ông già mù với bài hát xẩm u buồn lẫn với tiếng rao bán dầu cù là trên tàu điện.
Tôi nhớ, ngày ở Australia, trong một lần đi từ Đại học Melbourne lên Moreland, tôi đã phải đi bằng tàu điện nhưng con tàu hiện đại ấy không để lại cho tôi cảm xúc đặc biệt gì. Còn Alinta, người bạn đồng hành hôm ấy đã rất ngạc nhiên và thích thú khi nghe tôi kể về tàu điện Hà Nội. Và đến khi Alinta cho tôi xem những hình ảnh thân thương về tàu điện từ chiếc điện thoại thông minh của cô, tôi suýt nữa đã hét lên sung sướng như được gặp lại người bạn thân thiết xa cách lâu năm. Tôi khẽ reo lên:
- Hình ảnh giống hệt tàu điện Hà Nội, Alinta ơi!
Kể với Alinta về tàu điện Hà Nội mà trong đầu tôi lại hiện rõ kỷ niệm lần tôi và Nga rủ nhau đi đầu tỉnh - cuối tỉnh bằng tàu điện. Hôm ấy, tôi lên nhà Nga, chúng tôi đứng chờ chuyến tàu Bờ Hồ - Bưởi đi qua để lên tàu ở toa hai. Tàu đỗ ở chợ Đồng Xuân rồi đi tiếp lên phố Quán Thánh. Đến chỗ rẽ vòng qua tháp nước Hàng Đậu, tàu đi chậm lại, Nga bỗng chạy ra đầu toa, nhanh nhẹn bước xuống tàu rồi lùi lại lên toa ba. Tôi ngơ ngác không hiểu Nga làm gì, nhưng cũng vội vàng đuổi theo, sau đó mới biết ý định muốn đi xuyên thành phố bằng tàu điện của Nga… Cũng hôm ấy, Nga thách tôi đọc được hai câu ca dao về chợ Kẻ Bưởi, “Chợ Bưởi một tháng sáu phiên/ Ngày tư, ngày chín cho duyên đèo bòng”.
Các bà bán hàng xong cũng lục tục lên toa ba, treo gồng gánh vào móc bên ngoài cuối toa và thong dong ngồi bó gối trên hai dãy ghế gỗ bóng loáng, ăn trầu, chuyện trò râm ran. Tàu đi chậm qua nhà Nga, chúng tôi xuống tàu, ghé về nhà Nga một lúc rồi lại cùng đi dạo ra Bờ Hồ đi tuyến xuôi xuống chợ Mơ, nơi bán động vật nuôi. Chúng tôi gặp cô gái bán rượu hiếm hoi trong chợ, cô ngồi giữa đôi quang gánh, một bên có vò rượu sành nút lá chuối khô, xung quanh bày một ít rau, củ. Rồi tôi đọc cho Nga nghe những gì mà tôi từng nghe mẹ đọc: Em là con gái Kẻ Mơ/ Em đi bán rượu tình cờ gặp anh/ Rượu ngon chẳng quản be sành/ Áo rách khéo vá hơn lành vụng may…
Thời gian trôi đi, mỗi lần bắt gặp hình ảnh gợi về tàu điện Hà Nội lại khiến tôi bất giác xúc động. Đó là buổi chiều khác, khi tôi bước vào một tiệm ăn phục vụ theo kiểu “cửa hàng mậu dịch ăn uống” thời bao cấp. Khi toa tàu điện màu nâu vàng ngay phía bên tay phải đập vào mắt, tôi định nhào lên tàu như ngày xưa chúng tôi nhảy tàu lên chợ Đồng Xuân ăn bát bún thang bà Ẩm nhưng đã kịp chững lại để đi thẳng vào trong. Dù đã nhiều năm trôi qua, tôi vẫn còn nhớ và cảm thấy thích thú khi vào cửa hàng mậu dịch thì phải tới quầy mua vé rồi về bàn ngồi chờ. Cô bán hàng mặc áo trắng cộc tay, quần đen, búi tóc cao, không trang điểm, mang ra đặt lên bàn cho tôi hai bát ăn cơm bằng sứ Hải Dương, đôi đũa, cái thìa đục thủng lỗ, một chén ớt, một chén nước mắm, rồi quay đi.
Những người đến đây hẳn đều mong được sống lại trong “không khí bao cấp”, một vùng trời kỷ niệm đã qua. Tuy nhiên, có một điều thú vị khiến tôi chợt mỉm cười đó là dù dịch vụ cửa hàng này đang cố gắng tái hiện không khí xưa cũ bằng những hiện vật nhưng họ không thể tái hiện chân thực đủ đầy vẹn nguyên sinh khí thời đại. Ở cửa hàng mậu dịch ăn uống xưa trong ký ức của tôi, thái độ của chủ quán và người phục vụ không được nhã nhặn và lịch sự như lúc này; bàn ăn và không gian quán luôn bừa bãi rác thức ăn mà khách vẫn vứt tùy ý chứ không được sạch sẽ tinh tươm như tôi đang tận hưởng. Và ở cửa hàng mậu dịch ăn uống mà tôi đã từng sống, muốn ăn gì thì mua vé chứ nhân viên phục vụ không đi theo để chăm sóc, hỏi han nhu cầu của khách. Cũng như, khi kết thúc dịch vụ, không có tiếng gọi “thanh toán” hay “tính tiền” của khách…
Lãng đãng với năm năm tháng tháng, tôi chợt nghĩ đến hai câu thơ của Vũ Đình Liên:
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Và cảm thấy mình cứ xa dần Hà Nội ngày ấy, xa “những người muôn năm cũ” ấy, những người lạ trên phố phường cũng như những người thân bên mình, xa những ký ức hồn nhiên “muôn năm cũ” ấy. Nhưng, càn khôn còn đó, bao tiếng chuông nhà thờ hay bao mùa thu đi qua thì quá khứ chính là sứ mệnh lịch sử đã kết thúc và nối bước cho ngày mai bằng những dáng dấp ký ức.