Chùa Ngọc Quán hiện nay tọa lạc tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Chùa Ngọc Quán hiện ở tổ 24, phố Yên Hoà, phường Yên Hoà, Hà Nội. Ngọc Quán là tên chữ của chùa, tên gọi theo địa danh là chùa Hạ Yên Quyết. Thời xa xưa, Thượng Yên Quyết và Hạ Yên Quyết còn có tên nôm là Kẻ Cót. Đến khoảng thế kỷ XVI tách làm hai xã Thượng Yên Quyết và Hạ Yên Quyết. Lúc đó Hạ Yên Quyết gọi nôm là làng Cót, còn Thượng Yên Quyết đổi ra An Hoà, gọi nôm là làng Giấy...
Chùa Ngọc Quán đã được xây dựng từ khá sớm. Theo tấm văn bia có niên đại Dương Hoà thứ 8 (1642) hiện còn giữ tại chùa có ghi việc mua ruộng cúng hậu và làm chùa cũ... như vậy hoàn toàn có cơ sở để nói chùa được xây dựng ít nhất đã từ thế kỷ XVII. Chùa Ngọc Quán là một di tích tôn giáo, tín ngưỡng thờ Phật. Bên cạnh đó chùa còn thờ Mẫu theo tín ngưỡng dân gian, thờ các vị sư tổ và hậu Phật. Tại chùa có một quả chuông đồng niên đại Cảnh Thịnh bát niên (1800), có nhắc đến việc trùng tu sửa chữa chùa, đúc chuông vào thời kỳ Tây Sơn. Ngoài chức năng là di tích tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống chùa còn là một di tích cách mạng kháng chiến quan trọng. Năm 1945, tại chùa các tổ chức đoàn thể cứu quốc của mặt trận Việt Minh đã quyên góp cứu tế người đói hai buổi ở chùa. Tối ngày 18/8/1945, chùa là nơi tổ chức một cuộc mít tinh chào mừng chính quyền mới của mặt trận Việt Minh. Sau ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, chùa là cơ sở nấu ăn, tiếp tế cho bộ đội và tự vệ Đại La chiến đấu ở tuyến đường Cầu Giấy và Kim Mã. Do là cơ sở hậu cần như vậy nên khi giặc Pháp tràn đến chúng đã đốt chùa để trả thù. Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chùa Ngọc Quán vinh dự được chọn làm cơ sở chỉ huy của trận “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội, tiêu diệt pháo đài bay B.52 bảo vệ bầu trời Thủ đô tháng 12 năm 1972.
Trải qua thời gian dài tồn tại, các công trình kiến trúc chùa Ngọc Quán đã có nhiều thay đổi, tu bổ lại. Chùa toạ ngự trên một khu đất rộng, khu đất có nhiều cây lưu niên cổ.
Ngoài hệ thống tượng thờ, chùa Ngọc Quán còn rất nhiều di vật có giá trị khác như: Cửa võng, hoành phi, câu đối gỗ, hệ thống bia đá, khánh đồng... Nổi bật trong đó là tấm bia có niên đại Dương Hoà thứ 8 (1642). Đây là tấm bìa cổ có trang trí trán và diềm bia rất tinh xảo, cầu kỳ, chữ khắc đẹp rõ nét. Nội dung của văn bia có ý nghĩa rất lớn trong việc xác định niên đại xây dựng, kiến trúc cổ cũng như các tập tục sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân... Quả chuông đồng có niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 8 (1800), ghi bài minh ngoài việc ca ngợi cảnh đẹp của chùa, có nói đến lần trùng tu sửa chữa chùa vào thời Tây Sơn. Khánh đồng có niên đại năm Minh Mệnh thứ 5 (1825).
Chùa Ngọc Quán đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1994./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02