Chùa Ngọc Kiên (Thị xã Sơn Tây)
Chùa Ngọc Kiên có tên chữ là Ngọc Kiên tự, ngoài ra chùa còn tên chữ khác là Trung Kiên tự. Chùa toạ lạc giữa thôn Ngọc Kiên, xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.
Tam quan chùa Ngọc Kiên là cổng nhỏ, trên cổng có ghi tên chùa Trung Kiên tự. Đến khoảng sân rộng, qua khoảng sân này là đến toà kiến trúc chính của chùa. Chùa chính có kết cấu kiến trúc chữ “đinh” gồm Tiền đường và Thượng điện. Ngoài ra chùa còn nhà Tổ, nhà Mẫu, giếng và hệ thông sân vườn, xung quanh chùa được xây tường bảo vệ. Tiền đường được xây 3 gian 2 dĩ nhỏ, tường hồi bít đốc, hai mái chảy. Vào bên trong, các bộ vì đỡ mái được chia theo kiểu thức khác nhau: Hai bộ vì giữa làm theo kiểu “Thượng giá chiêng, hạ kẻ chuyền xà nách, tiền bẩy và hậu kẻ” trên mặt bằng bốn hàng chân cột gỗ. Thượng điện xây dựng theo kiểu nhà dọc 3 gian 2 mái bít đốc.
Tượng chùa Ngọc Kiên trước đây rất phong phú, nhưng do ảnh hưởng của thời gian và chiến tranh nên hiện tại trong chùa chỉ còn lưu giữ được một số pho trong Phật điện.
Chùa Ngọc Kiên qua thời gian tồn tại vẫn còn giữ được một số di vật có giá trị như: 1 bia đá “Hậu Phật bi ký” niên đại “Thành Thái bát niên - 1896” cao 73cm, rộng 43,5cm, trán cao 12cm, diềm rộng 4cm; 1 khánh đồng ghi tên chùa “Trung Kiên tự” niên đại Chính Hoà thập cửu niên (1699); 1 chuông đồng cao 87cm, cù lao 26cm, đường kính miệng 47cm, loe ra 4cm; niên đại Chính Hoà thập cửu niên - 1678; 1 bát hương sứ cổ men trắng vẽ lam rộng miệng 19cm, cao 14cm; 1 chân đèn, 02 ống hương gỗ mang phong cách Nguyễn.
Chùa Ngọc Kiên đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2008./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02