Chùa Ngãi Cầu (huyện Hoài Đức)
Chùa Ngãi Cầu hiện nay thuộc xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Chùa có tên chữ là Phổ Quang tự còn dân thường gọi là chùa Tổng. Ngãi Cầu vốn là vùng đất cổ nằm giữa hai con sông Đáy và sông Nhuệ. Nơi đây, qua những đợt khai quật khảo cổ học đã tìm thấy dấu vết của thời kỳ đồ đồng thời Tiền sử và những di chỉ mộ Hán.
Chùa toạ lạc trên gò đất cao quay hướng nam. Ở Tam quan, treo quả chuông. Sau Tam quan là một sân rộng, trước đây có nhiều cồn lớn đã tạo cho chùa một dáng vẻ tự nhiên. Chùa chính kết cấu theo kiểu chữ “công” nằm cách biệt trên nền cao. Tiền đường 5 gian, các bộ vì được làm theo kiểu truyền thống, bao quanh chùa còn có hành lang và nhà Hậu, nhà Tổ và nhà Mẫu đã tạo cho ngôi chùa vẻ bề thế khá lớn. Đáng chú ý nhất là hệ thống tượng Phật. Ở vị trí cao nhất là bộ tượng Tam thế gồm 3 pho có kích thước tương tự nhau, tiếp theo là bộ Di Đà Tam tôn. Đây là bộ tượng khá lớn, đứng cùng hàng với pho Quan Âm và Đại Thế Chí tạc trong tư thế đứng. Lớp tiếp theo là tượng Thế Tôn và Đại Thế Chí, A Nan và Ca Diếp. Lớp thứ tư là pho Di Lặc. Lớp thứ năm là tượng Ngọc Hoàng rồi pho Thích Ca sơ sinh. Tại hồi Thượng điện còn có pho Quan Âm nam hải, Quan Âm toạ sơn... Ngoài Tiền đường có bộ tượng Hộ pháp gồm Khuyến thiện và Trừng ác, pho Đức Ông và Thánh Hiền cùng tượng Hậu, tượng Tổ...
Chùa Ngãi Cầu còn bảo lưu được nhiều đồ thờ, trong đó nổi bật là chiếc khánh đồng đúc thời Tây Sơn (1801). Đây là một hiện vật hiếm.
Chùa Ngãi Cầu đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1989./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02