Chùa My Dương (huyện Thanh Oai)
Chùa My Dương hiện nay tọa lạc tại xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Nằm ven bờ sông Đáy có một làng Việt cổ xưa gọi làng Lỗi Dương, sau đổi là My Dương nhưng dân gian quen gọi là Mai Chúa. Xa xưa ngôi đình của làng nằm trên khu đất bãi Rồng, tại nền đình cũ đã phát hiện được quả chuông đồng đúc vào năm Trinh Nguyên thứ 14 (798) thời nhà Đường. Theo các nhà nghiên cứu, cho đến nay đây là quả chuông được xếp vào loại cổ nhất đã phát hiện được ở nước ta.
Chùa My Dương có tên chữ Hán là Long Khánh tự. Tấm bia đá hình trụ dựng tại sân chùa năm Chính Hoà thứ nhất (1680) cho biết chùa My Dương đã có ít nhất từ thời Hậu Lê.
Chùa My Dương được cấu trúc theo kiểu chữ “công” bao gồm: Tiền đường, Thượng điện và nhà ống muống.
Đáng quan tâm nhất ở chùa My Dương là toà Thượng điện. Toà nhà có 1 gian, 2 chái đặt trên một nền gần vuông, đắp cao hơn nền nhà khác tới gần 1m. Bộ khung nhà gồm 4 cột cái và 12 cột quân liên kết với nhau thành bộ vì thượng giá chiêng, hạ kẻ bẩy hoặc rường nách đỡ bốn lá mái với các góc đao nhỏ cong duyên dáng. Trước đây, xung quanh nhà Thượng điện được bưng kín bằng ván đó lụa, đến thời chống Mỹ hệ thống ván bị mối mọt nên nhân dân đã tháo dỡ và xây tường gạch thay thế.
Nét độc đáo trên kiến trúc Thượng điện là còn giữ được những đấu kê đầu cột to và dầy gần gấp đôi các đấu kê ở các hạng mục kiến trúc khác. Các con rường ở hiên hậu chạm nổi khối kiểu bụng lợn. Bộ vì nóc kiểu giá chiêng có thưng ván giống bộ vì nóc Thượng điện chùa Bối Khê (Tam Hưng, Thanh Oai) hay chùa Mui (Tô Hiệu, Thường Tín)... Nổi bật hơn cả là các đầu dư tạc hình một đầu rồng được chạm theo lối lộng, bong với các tóc, đao mắt và các đao phụ đều mảnh dài, lượn nhẹ - là sản phẩm của đầu thế kỷ XVII - mang phong cách mỹ thuật thời Mạc.
Tượng Phật được chia làm 5 lớp chính (từ cao xuống thấp) gồm: Tam thế, Di Đà Tam tôn, Thích Ca giáo chủ, Ngọc Hoàng cùng Nam Tào, Bắc Đẩu và Quan Âm Nam Hải có niên đại ở các thế kỷ XVII - XVIII. Hai bên sườn nhà ống muống là bộ tượng Thập điện Diêm vương xuất hiện ở chùa vào khoảng thế kỷ XIX. Hồi Thượng điện có tượng Quan Âm toạ sơn và các tượng hậu mang phong cách nghệ thuật tượng tròn thời Lê và thời Mạc.
Trong hệ thống các di vật của chùa My Dương, đáng lưu ý là quả chuông đồng đúc năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), 4 tấm bia đá tạo dựng ở triều vua Tự Đức (1848 - 1883) và 01 bia đá tạo dựng ở năm Chính Hoà thứ nhất (1680). Bia đá thời Lê được tạo hình trụ có tên “Hậu Phật bi ký” ghi tên những người có tâm đức, tiền của cúng tiến xây dựng, tu bổ chùa. Trán bia chạm lưỡng long chầu nguyệt, diềm hai bên chạm cúc dây, diềm dưới chạm cá chép hoá rồng. Một mặt bia chạm nổi phù điêu bà hậu có tên là Cao Thị Chính. Tượng phù điêu được làm ngay trong khuôn của bia hậu theo lối chân dung. Bằng nghệ thuật tạc tượng tài ba, nghệ nhân dân gian xưa đã cho chúng ta thấy bà là một người phụ nữ đôn hậu, thông minh, nhân nghĩa. Tượng có dáng cân đối, ở tư thế ngồi thiền, hai tay đan nhau đặt trên lòng đùi.
Chùa My Dương đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1999./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02