Chùa Lũng Kinh (huyện Hoài Đức)
Chùa Lũng Kinh hiện nay tọa lạc tại xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Chùa có tên chữ là Hưng Phúc tự, người dân gọi là Lũng Kênh hay Hoa Kênh.
Chùa dựng trên khu đất cao đầu làng ngay phía trước đình, tạo thành một quần thể di tích văn hoá làng quê. Gác chuông gồm 2 tầng 8 mái với các đao cong xoè ra 4 phía. Ngăn giữa 2 tầng có hệ thống ván sàn, tầng trên treo chuông và khánh. Sau gác chuông là khoảng sân gạch dẫn lên khu Tam bảo gồm Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện gắn kết với nhau thành chữ “công”. Đây là lối kiến trúc phổ biến ở thời Lê, Nguyễn.
Tiền đường 5 gian xây kiểu tường hồi bít đốc, phía trước có cột đồng trụ, bờ nóc lợp ngói bò. Bên trong, các bộ vì gian giữa được làm theo kiểu “giá chiêng chồng rường”, các gian bên cột trốn đặt trên quá giang vượt ra cả hiện. Lối kiến trúc này đơn giản và là dấu tích của đợt tu sửa đầu thế kỷ XX, nhưng có tận dụng lại một số cấu kiện của chùa cũ, nhất là các con rường ở gian giữa với các hình chạm rồng uốn, phượng bay, chim thần, người đấu vật và cả hình tiên nữ giang cánh bay, mang phong cách nghệ thuật cuối thế kỷ XVII.
Thiêu hương gồm 2 gian chạy dọc, các bộ vì được làm theo kiểu “chồng rường”, còn các kẻ ở hai bên ăn mộng từ cột cái ra ăn tỳ lên tường bên. Toà Thượng điện nằm ngang 1 gian 2 chái nhưng vẫn giữ được bóng dáng cổ xưa với 4 mái và các đầu đao. Các bộ vì đơn giản theo kiểu “chồng rường xà nách”. hạng mục này chủ yếu là bào trơn, soi gờ chạy chỉ. Đáng chú ý nhất là hệ thống tượng tròn trên Phật điện. Lớp thứ nhất là pho Tam thế, lớp tiếp theo là Di Đà Tam tôn rồi tượng Quan Âm nam hải, Thích Ca niêm hoa. Những pho tượng này cùng với pho tượng hậu được thể hiện chân thực, đôn hậu, các mảng phối dứt khoát mang phong cách nghệ thuật thời Lê. Các bộ tượng khác nhau như Ngọc hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Thích Ca sơ sinh, Phạm Thiên, Đế Thích và Thổ địa, Giám trai ở toà Thượng điện, bộ Thập điện Diêm vương ở hai bên sườn toà Thiêu hương, rồi bộ Khuyến thiện, Trừng ác, Đức Ông và Thánh Tăng ở Tiền đường đều được làm bổ sung vào thời Nguyễn.
Chùa còn lưu giữ được hệ thống bia đá, chuông đồng khá phong phú. Tấm bia hình trụ, hình vuông, có niêu hiệu Đức Long thứ 4 (1732). Tấm bia này ghi lại việc làm lại cầu đá ngoài Tam quan chùa. Tấm bia tiếp theo ghi việc đặt hậu ở chùa dựng năm Cảnh Hưng thứ 1 (1740). Quả chuông treo trên gác có đề tên chùa đúc năm Cảnh Thịnh thứ 5 (1797) và chiếc khánh đúc năm Minh Mệnh thứ 21 (1840). Ngoài ra chùa còn lưu giữ được nhiều đồ thờ tự khác như bát hương, bình hoa, cây đèn và nhiều hoành phi câu đối có giá trị.
Chùa Lũng Kinh đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1991./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02