Chùa Láng (quận Đống Đa)
Chùa Láng có tên chữ là “Chiêu Thiền tự”. Chùa ở làng Yên Lãng (gọi nôm là làng Láng), trước kia thuộc huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.
Chùa Láng có lịch sử lâu đời. Theo một tài liệu cổ thì chùa được xây vào thời Lý Thần Tông (1128 - 1138) để thờ Phật và ghi nhớ công ơn của Thiền sư Từ Đạo Hạnh đã giúp cho vua triều Lý có người nối ngôi. Vì vậy cách bài trí tượng thờ ở chùa Láng có khác các chùa trong vùng là ngoài tượng Phật, còn có tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh mặc áo cà sa và tượng vua Lý Thần Tông ngồi trên ngai vàng.
Một tài liệu khác cho biết chùa Láng được xây dựng thời Lý Anh Tông (1138 - 1175). Lý Anh Tông là con Lý Thần Tông. Lý Anh Tông cho dựng chùa Yên Lãng (Láng) để thờ vua cha Lý Thần Tông, cũng để thờ Từ Đạo Hạnh kiếp trước của Lý Thần Tông.
Trước kia chùa có quy mô đúng 100 gian, được xây theo kiểu “nội công ngoại quốc”. Tam quan 3 gian, lầu bát giác 4 gian, tiền tế 1 gian, tả vu 9 gian, tiền đường 9 gian, hành lang hai bên 18 gian, hậu cung và trung cung 7 gian, nhà Tổ 5 gian, hậu điện 9 gian, nhà hậu 10 gian, nhà khách 7 gian (không kể nhà bếp). Đáng chú ý là các ngôi nhà chính đều có 9 gian tạo nên ngôi chùa to rộng bề thế trên một khu đất rộng khoảng 6 mẫu Bắc Bộ.
Hơn 800 năm đã qua, chùa đã được trùng tu tôn tạo nhiều lần. Chùa được tu sửa lớn có văn bia ghi lại vào năm Bính Thân (1656) triều vua Lê Thần Tông, niên hiệu Thịnh Đức thứ 4. Diện mạo như hiện nay là từ lần sửa chữa dưới thời Tự Đức (1848 - 1883).
Khuôn viên chùa rộng rãi, nhiều cổ thụ, toàn cảnh có tường bao quanh. Bố cục mặt bằng đối xứng theo một đường trục dọc từ tam quan đến nhà Tổ phía sau.
Dẫn vào chùa là cửa tam triều, hình khối đường bệ nhưng thanh thoát, dáng vẻ độc đáo, giữa là 4 trụ hoa biểu bằng gạch, trên là 3 ô cổng được liên kết bằng 3 dải mái cong mềm mại, mái giữa cao rộng hơn, được đỡ bằng hai trụ vuông to và cao. Qua cổng là vạt sân lát gạch Bát Tràng, giữa sân có sập đá vuông là nơi chồng đòn rước kiệu ngày lễ hội. Tam quan là ngôi nhà 3 gian, hai hàng cột giữa bằng gạch để trống thông thoáng, bên trên có 4 mái, hai lớp song hàng theo kiểu mái chồng diêm. Tiếp đến giữa là một thảm cỏ có hai hàng muỗm to cao toả bóng xuống lòng đường.
Sau đó là sân chính. Giữa sân trước toà nhà Tiền đường, tả vu, hữu vu là ngôi nhà Bảo Cái, mặt bằng bát giác. Nhà Bảo Cái đặt ở vị trí trung tâm của chùa là công trình có giá trị kiến trúc - nghệ thuật đặc biệt nổi bật. Cột hiện bao quanh và tường bên trong đều bằng gạch nung già để trần. Mái lợp kiểu mái chồng, hai tầng, gồm 16 mái mềm mại thanh nhã.
Hai bên bậc thềm dẫn lên nhà Tiền đường có đôi rồng đá uốn khúc uyển chuyển đẹp đẽ. Toà Tiền đường và Trung đường song song, cách nhau chỉ hơn 1 mét, tạo nên ánh sáng mờ ảo, được nối với nhau bằng một nhà cầu ở giữa. Hậu cung gắn với Trung đường dạng chữ “công”. Khối kiến trúc được nối với nhà Tổ phía sau bằng hai dẫy hành lang. Tại đây có lầu chuông và lầu khánh. Dưới mái hành lang có hai dẫy động Thập điện Diêm vương tạo tác khá đẹp, miêu tả những hình phạt mà kẻ làm điều ác phải chịu dưới âm ty.
Ở hậu cung có tượng vua bằng gỗ, tượng thánh bằng mây đan phủ sơn. Chùa có 198 pho tượng, 15 bia đá. Tấm bia rất giá trị là “Chiêu Thiền tự tạo lệ bi” dựng năm Thịnh Đức thứ tư Bính Thân (1656) cao 1,4m, rộng 0,8m, có hoa văn rồng chầu mặt nguyệt, hai bên diềm có phượng chầu hoa sen và tiên nữ có cánh đang bay.
Chùa còn lưu giữ được 12 đạo sắc phong của các triều vua nhà Lê, Tây Sơn, Nguyễn. Sớm nhất là sắc phong của vua Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786), gần nhất của vua Khải Định (1916 - 1924). Chùa còn có nhiều di vật quý hiếm, giá trị như án văn chạm rồng thế kỷ XVII, kiệu rước thế kỷ XVIII, 30 bức hoành phi, 31 câu đối...
Chùa Láng là một di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cũng là một di tích cách mạng. Ở đây đã có các cuộc họp của Thanh niên Phản đế năm 1940 - 1941, của Thanh niên Cứu quốc 1943 - 1945.
Hồi 9h sáng ngày 4 tết Bính Tuất (5 - 2 - 1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về chùa Láng khai mạc chợ phiên của nhân dân ngoại thành Hà Nội ủng hộ đồng bào Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Chùa Láng - “Chiêu Thiền tự” của kinh thành Thăng Long xưa “thật là danh lam bậc nhất thế gian không chùa nào sánh kịp, khí tốt Phượng Hoàng bên hữu toả khắp, dòng xanh Tô Lịch bên tả lượn vòng. Nhị Hà nghìn dặm quanh Kinh đô uốn khúc như rồng xanh lớp lớp chầu về. Tản Viên dẫy núi đầy thế đẹp hướng vào, như trắng đàn đàn đến họp, đúng như văn bia “Chiêu Thiền tự tạo lệ bi” đã tả còn được dựng giữa sân chùa.
Hội Láng, lễ hội lớn của nhân dân trong vùng, cũng là của nhân dân khắp miền Thăng Long, xứ Đoài, xứ Đông xưa được tổ chức hằng năm vào ngày 7 tháng 3 âm lịch, ngày hoá thân của Thiền + Từ Đạo Hạnh. Ca dao cũ có ghi:
Nhớ ngày mồng bẩy tháng ba,
Trở về hội Láng, trở ra hội Thầy.
Chùa Láng đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1962./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02