Chùa Lại Khánh (huyện Thạch Thất)
Chùa Lại Khánh hiện nay tọa lạc tại xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Chùa Lại Khánh có tên chữ là Phượng Sơn tự. Địa danh Lại Khánh xưa thuộc xã Lại Thượng, tổng Đại Đồng, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Chùa quay hướng đông nam gồm Tiền đường, Thượng điện, Nhà tổ. Tiền đường gồm 5 gian làm theo kiểu tường xây đầu hồi bít đốc hai mái chảy lợp ngói ri cổ. Tay ngai ở đây là hai cột đồng trụ có tiết diện vuông mỗi cạnh, nối với tường hồi tòa Tiền đường bằng hai bức tường lửng cao ngang diềm mái trước. Vào bên trong, các bộ vì đỡ mái được làm thống nhất theo kiểu “quá giang kẻ chuyền bẩy”. Nối giữa Tiền đường và Thượng điện là hai gian hành lang làm theo kiểu cuốn vòm, một bên để làm lối đi xuống nhà mẫu còn bên kia làm nhà để bia. Thượng điện của chùa được làm 3 mái với hai gian nhà dọc, kết cấu mái ngoài của hành lang được làm theo kiểu “kẻ bẩy”, trên kẻ là ván dong được cắt thành khác để đỡ hoành mái. Kết cấu bên trong hai gian nhà dọc các bộ vì làm theo thể thức “kèo kẻ” trên 4 hàng chân cột. Sau chùa chính bên hữu là nhà Tổ, nhà Mẫu làm cùng hướng với chùa chính.
Trong Tam bảo, ở vị trí cao nhất là nơi tọa lạc bộ tượng Tam thế gồm có 3 pho kích thước và tạo dáng tương tự nhau. Lớp thứ 2 là A Di Đà và 2 pho Thị giả. Lớp thứ 3 là tượng Ngọc Hoàng và Nam Tào, Bắc Đẩu. Lớp cuối cùng trên Thượng điện là tòa Cửu long và Thích Ca sơ sinh. Bên trái Thượng điện là tượng Quan Âm tống tử. Hai bên đầu đốc của tòa Tiền đường có hai bộ tượng Đức Ông và Thánh Hiền. Phía ngoài cùng có tượng của Thổ địa và đối diện là tượng Giám trai có phong cách tượng thời Nguyễn.
Chùa Lại Khánh còn bảo lưu được: 1 quả chuông đồng ở 4 khoảng phía trên có đúc nổi 4 chữ “Phượng Sơn tự chung”; 6 bia đá trên trán bia khắc lưỡng long chầu nguyệt còn bên diềm có chạm rồng, 2 lọ hoa sứ men nâu cổ và một số bát đĩa cổ, cờ, quạt, vv...
Chùa Lại Khánh đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2002./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02