Chùa Hòe Thị (quận Nam Từ Liêm)
Chùa Hòe Thị (Hương Đỗ tự) thuộc thôn Hòe Thị, phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Đây là một ngôi chùa lớn, được coi như một thắng cảnh của vùng Từ Liêm. Trong chùa có nhiều cây cổ thụ xum xuê tỏa bóng mát, lại có lạch nước chảy qua mang nhiều nét trữ tình. Chùa quay về hướng tây (ghé nam), theo hướng của rất nhiều ngôi chùa cổ.
Tương truyền chùa Hòe Thị được xây dựng từ thế kỷ XVII. Chùa đổ nát, sau đó mới được xây dựng lại năm 1928, do cụ Nguyễn Viết Trứ đứng ra hưng công. Chùa Hòe Thị thờ Phật, ngoài ra còn thờ Lý Trần Quán tiến sĩ thời Lê Cảnh Hưng. Tổng thể kiến trúc của chùa được bao bọc trong một khuôn viên khép kín. Ngoài cùng là Tam quan gác chuông, xây 3 tầng mái. Trên tầng mái thứ ba còn để lại một “đại hồng chung” có đường kính 73cm, cao 1,50m và có độ dày tới 4cm, nặng chừng 1,5 tấn. Về kiến trúc, Tam quan này khá lớn, bờ nóc và đầu kìm ở mái trên cũng được đội hồi long chạy ra thay cho con kìm. Ở trung tâm những văn triện được xếp lại mang dáng của lọ nước Cam lồ
Gác chuông có 2 tầng, 8 mái, kết cấu theo kiểu bào trơn đóng bén, chồng rường ở cốn, với 4 cột cái ở giữa, các cột bên được xây bằng gạch. Từ gác chuông trở vào là chùa chính, được xây trên một nền khá cao, có bậc thềm hình chuôi về, mái phần Tiền đường tuy 5 gian, nhưng ở gian giữa được nâng lên một hệ thống mái bổng ở ba mặt. Phần “chuôi về” cũng được làm 2 lớp mái. Tòa nhà Mẫu, nhà Tổ và nhà khách được đặt thành một dãy dài bên phải của chùa. Điện Mẫu 5 gian nằm ở trung tâm, nhà Tổ có 3 gian. Trong tòa này có hoành phi “Hương Đỗ tự ” và một quả chuông đúc vào năm 1896 (năm Thành Thái thứ 9).
Trong chùa, hệ thống tượng tròn từ tượng Phật, tượng Mẫu, tượng Tổ, tượng Hậu đều tuân thủ cách sắp xếp chung. Các pho tượng theo phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.
Trong 40 pho tượng tròn cùng hai động tượng được thờ trong chùa, nhà Tổ và nhà Mẫu, đáng chú ý hơn là các tượng Quan Âm chuẩn đề. Quan Âm ở đây có tất cả 12 tay. Đôi tay chính kết ấn chuẩn đề trước ngực, đôi tay chính thứ hai được đặt trên lòng đùi, mỗi tay cầm nghi vật linh thiêng. Các đôi tay khác cầm mặt trời, mặt trăng, tràng hạt, các hoa... Phần đáng quan tâm nữa là ở bộ tượng này có đôi tay mọc từ giữa vai ra, vượt cao hơn đỉnh đầu (các tay ở tượng khác thường mọc từ vai trở xuống). Đây là một hiện tượng ít gặp ở các chùa khác.
Chùa Hòe Thị là nơi có cảnh quan đẹp trong quần thể di tích của vùng ven sông Nhuệ.
Chùa Hòe Thị còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý có giá trị về mặt mỹ thuật và lịch sử.
Chùa và đình Hòe Thị đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02