Chùa Cổ Ngoã (huyện Đan Phượng)
Chùa Cổ Ngõa hiện nay thuộc xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, Hà Nội.
Chùa có tên chữ là “Sùng Quang tự”, tên nôm là chùa Thoá. Chùa Cổ Ngoã toạ lạc bên bờ sông Đáy gần đền Cổ Ngoã trên một khu đất thoáng rộng, xưa thuộc thôn Cổ Ngoã, tổng La Thạch, huyện Đan Phượng, trấn Sơn Tây. Sau là tổng Ngoã Thượng, huyện Đan Phượng.
Theo truyền thuyết, chùa Cổ Ngoã được xây dựng vào thời Lý, nhưng theo tấm bia có niên đại Hồng Đức thứ 20 (1489) ghi việc nhân dân hưng công tu sửa thì ngôi chùa này có lẽ được xây dựng trước đó không lâu. Ngôi chùa có kết cấu kiến trúc theo kiểu chữ “đinh” gồm toà Tiền đường và Thượng điện. Toà Tiền đường là một công trình 5 gian xây gạch và lợp ngói ri cổ, hệ thống cửa được các nghệ nhân làm theo kiểu “thượng song hạ bản”, các bộ vì được làm theo kiểu “thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ chuyền” trên 4 hàng chân cột. Các đầu bẩy, xà, đầu rường đầu chạm khắc hình hoa văn xoắn ốc và sóng nước tạo dáng vẻ mềm mại và uyển chuyển.
Toà Thượng điện gồm 3 gian nhà dọc nối từ gian giữa toà Tiền đường. Phía trước có bức cửa võng khá lớn chạm lưỡng long chầu nguyệt, hai bên là vân xoắn cách điệu, liên kết với các hoạ tiết được đục thẳng và xen kẽ là các đề tài tứ linh, tứ quý. Phía trong toà Thượng điện có 21 pho tượng được bài trí từng lớp theo mô típ của những ngôi chùa cổ. Trong đó đáng chú ý là ba pho Tam thế đặt ở vị trí cao nhất, có kích thước và tạo tác tương tự nhau: Ngồi trên toà sen, tóc xoắn ốc, tai chảy dài, các nếp áo rủ mềm. Bộ Tam thế này mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII. Ngoài ra còn có pho A Di Đà cao 1,55m được tạo tác vào thời Nguyễn.
Ngoài hệ thống tượng Phật trên, chùa Cổ Ngoã còn lưu giữ được khá nhiều di vật với các chất liệu khác nhau, trong đó đáng chú ý là quả chuông đồng được làm vào thời Nguyễn, khánh đồng còn đề tên chữ của chùa là Sùng Quang tự khánh và nhiều di vật có giá trị khác.
Chùa đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02