Cầu Thanh Trì
Cầu Thanh Trì bắc qua sông Hồng là một trong những cây cầu có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực đồng bằng Bắc bộ nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng.
Cầu Thanh Trì có điểm đầu tại Pháp Vân (Quốc lộ 1A) và điểm cuối tại phường Sài Đồng, quận Long Biên (giao cắt Quốc lộ 5) với tổng chiều dài 12,8km, trong đó chiều dài cầu chính vượt sông (gói thầu số 1) dài 3.084m, rộng 33,1m. Cầu Thanh Trì có tổng mức đầu tư khoảng 5.700 tỷ đồng.
Cầu Thanh Trì do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Thăng Long. Đơn vị tư vấn là Liên danh tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI - Nhật Bản) với Công ty tư vấn châu Á. Thái Bình Dương (APECO), Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) và Viện Khoa học công nghệ GTVT (RISTST) trong đó PCI là lãnh đạo liên danh.
Trong quá trình xây dựng cây cầu, nhiều đơn vị xây dựng của Việt Nam tham gia liên danh như Tổng công ty Xây dựng Thăng Long, Tổng Công ty XDCTGT1, Tổng công ty XDCTGT4, Vinaconex... đã cùng với các nhà thầu chính Nhật Bản áp dụng thành công những công nghệ xây dựng cầu tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay: công nghệ đúc dầm cầu sử dụng đà giáo di động (MSS) lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam; công nghệ thi công bệ móng trụ cầu chính bằng vòng vây cọc ống thép; công nghệ đúc hẫng cân bằng dầm cầu chính liên tục chiều dài nhịp 130m...
Ngày 2/2/2007, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chính thức cắt băng thông xe cầu Thanh Trì (phần cầu chính) bắc qua sông Hồng, đưa cây cầu bê tông cốt thép dự ứng lực rộng nhất Việt Nam đi vào khai thác. Cầu Thanh Trì đi vào khai thác đã giải toả sức ép giao thông đang đè nặng lên cầu Chương Dương (Hà Nội), đồng thời phân bổ và giảm bớt đáng kể lưu lượng xe, nhất là xe tải, lưu thông qua nội thành Thủ đô. Cùng với đường vành đai III (Hà Nội), cầu Thanh Trì nối Quốc lộ 1, liên kết vùng tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh với trục giao thông Bắc - Nam, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực đồng bằng Bắc Bộ nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01