Cầu Chương Dương
Cầu Chương Dương được xây cách cầu Long Biên gần 2km về phía hạ lưu sông Hồng, nối từ địa phận phường Phúc Tân thuộc quận Hoàn Kiếm tới phường Bồ Đề thuộc quận Long Biên, Hà Nội.
Cầu Chương Dương là loại cầu lớn, vĩnh cửu, có kết cấu bảo đảm an toàn với các xe trọng tải lớn qua cầu với tốc độ cao. Cầu có kết cấu dầm thép, mặt cầu bằng bê tông cốt thép. Toàn bộ cầu chiều dài 1.213m, rộng 19,5m, có 4 làn xe. Hai làn giữa dùng cho xe tải nặng 30 tấn hoặc bánh xích 80 tấn, hai làn bên dùng cho xe tải nặng 6 tấn.
Toàn bộ công trình gồm 11 nhịp cầu chính (mỗi nhịp dài 89,28m) và 9 nhịp dẫn, đặt trên 21 trụ, mố.
Để nối với cầu theo tuyến đường mới và tránh không đi qua thị trấn Gia Lâm, nay là phường Ngọc Lâm còn phải làm 2,8km đường ô tô cấp cao bằng bê tông xi măng và bê tông nhựa, với chiều rộng đường 22,5m, tuyến mới được đặt tên là đường Nguyễn Văn Cừ.
Đây là công trình hoàn toàn do cán bộ và công nhân Việt Nam tự thiết kế và thi công. Cầu được xây dựng trên cơ sở tận dụng các dầm thép và vật tư sẵn có trong nước. Vì phải tận dụng nên công tác gia công chế sửa dầm cầu là một công việc khó, nhưng các kỹ sư và công nhân Việt Nam vẫn bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật nghiêm ngặt.
Về kết cấu mặt cầu cũng có nhiều tiến bộ kỹ thuật. Toàn bộ mặt cầu được cấu tạo bằng thép bê tông liên hợp. Trong việc này, điều quan trọng là nghiên cứu áp dụng kết cấu neo, phải xác định phương pháp tính toán và công nghệ mới. Chúng ta còn ứng dụng kỹ thuật kết cấu bản liên tục chịu nhiệt nhằm làm cho mặt cầu không bị chia thành nhiều đoạn gây xóc cho xe.
Cầu Chương Dương được khởi công năm 1983 và khánh thành năm 1985, công trình do các đơn vị chủ công của Bộ Giao thông vận tải xây dựng cho Hà Nội, thành quả quan trọng này thể hiện ý chí tự lực, tự cường và đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ xây dựng cầu Việt Nam.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01