Check in Hà Nội

Vùng núi đá vôi Nương Ngái - Hương Sơn

Phương Anh (t/h) 15:50 04/03/2023

Vùng núi Karst là một nhánh của vùng Karst từ suối Rút, tỉnh Hoà Bình chạy ra từ hòn Nẹ ở ngoài khơi huyện Kim Sơn - Ninh Bình, dài trên 120km, bề mặt ngang chiếm toàn bộ vùng trũng sông Đà, rìa đông là con sông Tích và sông Đáy.

Hai dãy Hương Ngải và Nương Sơn chạy theo hướng tây bắc - đông nam trên 30km, ở địa phận huyện Mỹ Đức, bắt đầu từ Miếu xuống xã Hợp Tiến, đường 73 vào chợ Bến đi qua giữa Nương Ngái và Hương Sơn. Dãy Hương Sơn thì từ đấy xuống hết ranh giới phía nam của tỉnh. Dãy Nương Ngái dựng đứng như một bức tường thành, ruộng chiêm ăn sát vào tận chân núi. Thời Mạc triều đình đã sử dụng thế hiểm yếu xây ở đấy một toà thành, nay còn gọi là thành Nhà Mạc.

Vùng Karst này được cấu tạo bằng đá vôi Liadinian, triassic - giữa (T21) mà phần phía đông là dãy núi Nương Ngái và Hương Sơn, bức tường đá với các đỉnh núi thường chỉ ở độ cao 100 đến 300m.

Dãy núi Rạng tức là Nương Ngái có 2 đỉnh cao 281m và 233m. Dãy Hương Sơn có đỉnh Thiên Trù cao 378m, toàn thể dãy núi rộng khoảng 5.770ha.

Khí hậu nhiệt đới mưa nhiều của vùng núi là cơ sở và khả năng hoà tan đá vôi rất mạnh, nước mưa rơi xuống bề mặt uốn nếp của các dãy núi, một phần chảy trên mặt thành của suối Yến và sông Thanh Hà, một phần thấm sâu vào bề dày của các lớp đá vôi theo các khe nứt, xâm thực mạnh làm đá nứt nẻ lởm chởm thành đá tai mèo tạo nên những đỉnh núi đá nhọn hình răng cưa, bao quanh các thung, hàng trăm hàng núi đá vôi như thế, hình dáng thật kỳ quái như núi Tượng, núi Sư Tử, núi Hàm Long, núi Trống, núi Chiêng, núi Gà, núi Yên Ngựa.

Nước mưa còn đào lòng núi đá vôi thành nhiều hang động, hoặc dọc, hoặc thẳng đứng như hang Dơi, hang Rắn, như các động đá Trượt, Linh Sơn, Bồng Lai, Tiên Cảnh, Ngọc Long... Trong các hang động vôi trên trần rũ xuống thành thạch nhũ, vú đá - dưới đất mọc lên thành các măng đá, nhiều cái tạo ra những hình Phật, hình người, hình long, ly, quy, phụng, hổ báo, chim muông. Dãy Hương Sơn nổi tiếng nhờ thế.

Đi đường thủy từ bến Yến đến đền Trình ở Ngũ Nhạc là nơi khách thập phương phải trình diện trước khi vào cửa Phật; tiếp đến là chùa Trò hay Thiên Trù là “Bếp Trời”, rẽ theo con đường mới đắp bên phải Thiên Trù, đi khoảng vài trăm mét là đến động Đại Binh, động này do một nông dân ở thôn Yến Vĩ phát hiện năm 1992 nhân việc đi kiếm củi. Cửa động cách chân núi khoảng 30m. Đây là một động vừa rộng, vừa đẹp, nhưng vì bị vùi lấp từ lâu năm nên không ai biết, xung quanh động là các dãy núi trùng điệp, đỉnh cao nhất độ 300m, phía nam là dãy Tiền An, bên phải là dãy Bạch Hổ, bên trái là dãy Thanh Long. Động Đại Binh ở vào thế rồng cuộn hổ ngồi, xứng đáng là đại bản doanh của một “Đại Binh”; lòng động gồm ba tầng, rộng khoảng 1.000m, từ vòm động rũ xuống những nhũ đá hình mây trời, rồng phượng; từ nền động nổi lên những măng đá hình voi chầu, hổ phục... Từ Thiên Trù đi vào chùa Trong là lần lượt qua chùa Giải Oan, am Phật Tích, động Tuyết Quỳnh.

Qua Tuyết Quỳnh là đến đền Trấn Song, có thể ghé vào động Tiên Sơn. Từ Thiên Trù còn lên được Hinh Bồng.

Long Vân là một nhánh của suối Yến, ngược suối là đến động Long Vân, chùa Thanh Sơn, Hương Đài. Suối Tuyết chảy ra sông Đáy ở bến Phú Yên, ngược suối là chùa Bảo Đài rồi lên chùa Tuyết Sơn.

Hương Sơn có trên 15 động và chùa nổi tiếng, diện tích tự nhiên trên 3.000ha đã bị nước xẻ thành phễu đá, hổ thụt, tách khối núi cũ ra thành những núi sót rải rác giữa những thung lũng tròn. Vào động Hương Tích nhìn xuống lòng động, ta thấy ở dưới là hai lũng Karst đã được nối liền với nhau và vách núi đá cũ đã thành một núi đá vôi sót lại. Ở Nương Ngái và Hương Sơn, người ta gọi đèo qua núi là quèn và lũng giữa các núi là các thung - “thung mơ Hương Tích”.

Cánh đồng xã An Phú, huyện Mỹ Đức ở rìa khối núi đá vôi Hương Sơn là một dạng đồng bằng ngoại vi Karst, những núi đã vôi sót nằm rải rác trên khắp cánh đồng, cùng với các thung phủ đầy đất đỏ gọi là “Terra rossa” sản phẩm của đá vôi phân huỷ ra, rất phì nhiêu, phù hợp với các loại cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm.

Địa hình Karst của dãy Nương Ngái - Hương Sơn còn giữ một vai trò quan trọng nữa là có một thảm rừng bao phủ với nhiều loại thực vật, động vật quý hiếm, mà còn là một “đập” tự nhiên giữ nước cho các cánh đồng trong vùng, chân núi là một hệ thống hồ, diện tích trên 1.000ha, tên gọi chung là hồ Quan Sơn gồm có hồ Giang Nội 83ha, nước luôn trong xanh và hồ Ngái. Hồ Quan Sơn có tác dụng chắn lũ và điều tiết lũ quét và dự trữ nước tưới cho huyện Mỹ Đức, kết hợp với nuôi thuỷ sản và cũng là một điểm du lịch đẹp. Hồ tràn qua cầu Dậm trên đường 73 và giữa hồ còn có hang động, có thảo am trên núi. Thung Cống là một nhánh đẹp của hồ.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Bài liên quan
  • Vùng núi Ba Vì
    Vùng núi Ba Vì là một dãy núi đá vôi lớn trải dài trên phạm vi rộng chừng 7.000ha, nằm ở phía tây thành phố Hà Nội, gồm một vùng sinh thái hoàn chỉnh, tính từ độ cao 100m trở lên.
(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Vùng núi đá vôi Nương Ngái - Hương Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO