Văn hóa – Di sản

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế tròn 100 tuổi, lưu giữ nhiều hiện vật quý của nhà Nguyễn

Hà Oai 08:02 25/08/2023

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế lưu giữ hàng ngàn hiện vật quý của triều đại nhà Nguyễn và một số hiện vật điêu khắc Champa kỷ niệm 100 năm ngày thành lập (24/8/1923 - 24/8/2023).

1(3).jpg
Kỷ niệm 100 năm thành lập Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Ngày 24/8, tại nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại Nội Huế), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức kỷ niệm 100 năm (24/8/1923 - 24/8/2023) ngày thành lập Musée Khải Định - Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Musée Khải Định được thành lập năm 1923 theo Thượng dụ ngày 17/8/1923 của Hoàng đế Khải Định và Nghị định số 1201 của Khâm sứ Trung Kỳ P. Pasquier ký ngày 24/8/1923 với nhiệm vụ sưu tập và bảo tồn những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu phản ánh đầy đủ đời sống kinh tế, xã hội, nghệ thuật và nghi lễ của nước Đại Nam (dùng điện Long An làm trụ sở).

Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, Musée Khải Định đã nhiều lần được đổi tên, cụ thể là Musée Khải Định như Tàng Cổ Viện, Viện Bảo tàng Huế, Bảo tàng Cổ vật Huế và Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế. Từ năm 2007 đến nay bảo tàng có tên gọi là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) và bảo quản hơn 11.000 hiện vật có xuất xứ từ cung đình triều Nguyễn như bộ sưu tập đồ sứ, đồ pháp lam, trang phục cung đình, ấn triện, nhạc khí dùng trong các cuộc lễ tế, tranh gương, sưu tập đồ gỗ sơn son thếp vàng và khảm cẩn, súng thần công thời chúa Nguyễn và vua Nguyễn.

Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế có 8 hiện vật/bộ hiện vật với 33 hiện vật đơn lẻ được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. Ngoài ra, bảo tàng đang lưu giữ một bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc Chămpa độc đáo được Hội Đô thành Hiếu cổ sưu tầm và đưa về cất giữ tại Tân Thơ Viện những thập niên đầu thế kỷ XX.

Trong ngày kỷ niệm Musée Khải Định - Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và các tổ chức, cá nhân đã vinh dự nhận được bằng khen của Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch về công tác xây dựng và phát triển đơn vị giai đoạn 2018 – 2023 và bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế về việc đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá Cố đô Huế. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Museé Khải Định – Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế các cá nhân đã hiến tặng tài liệu, cổ vật cho bảo tàng như ông Trần Đức Anh Sơn (nguyên Giám đốc Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế), ông Trần Đình Hằng (Phân viện trưởng, Phân viện văn hóa nghệ thuật quốc gia tại Huế), ông Nghiêm Giang Anh (Hà Nội), ông Đặng Văn Luyện (hậu duệ của vua Hàm Nghi, Hoa Kỳ), bà Hồ Hải Hà (Nghệ An), ông Nguyễn Hữu Hoàng (Huế), ông Lê Gia (Huế), ông Mai Bá Thiện (Huế), ông Trần Quang Minh Tân (TP. Hồ CHí Minh), ông Hồ Vĩnh (Huế), ông Nguyễn Thanh Nam (Hà Nội), ông Trần Đình Nam (Hưng Yên).

Phát biểu trong lễ kỷ niệm Musée Khải Định - Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nhấn mạnh, hiện Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là bảo tàng hạng II và trong tương lai bảo tàng cần tính toán việc tiến hành các thủ tục để đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế là Bảo tàng hạng I sau khi xây dựng mới và hội đủ các điều kiện quy định của Luật di sản văn hóa.

Vì vậy, “Bảo tàng cần tăng cường công tác đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ bảo tàng, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, trưng bày triển lãm và bảo quản hiện vật. Cần làm tốt công tác kiểm kê, thực hành bảo quản, xây dựng hồ sơ khoa học cho hiện vật và các sưu tập hiện vật tại Bảo tàng” - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết thêm.

2(1).jpg
Đôi đũa làm bằng chất liệu xương hà mã do ông Đặng Văn Luyện (hậu duệ của vua Hàm Nghi) trao tặng.

Tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phương đề nghị Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thực hiện các thủ tục lựa chọn các đơn vị, cá nhân có đủ năng lực, kinh nghiệm tư vấn phương án thiết kế bảo tàng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và nghiên cứu cơ chế chính sách để sử dụng một phần kinh phí của Quỹ Bảo tồn di sản Huế cho việc mua, đấu giá cổ vật phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Nhiều tác phẩm độc bản của họa sĩ Lê Bá Đảng đưa từ Pháp về lần đầu triển lãm
    Trong số 150 tác phẩm mỹ thuật với chủ đề “Khát vọng Hòa bình” của hoạ sĩ Lê Bá Đảng được trưng bày thì có 100 tác phẩm lần đầu tiên được đưa về từ Pháp.
  • Chuẩn bị diễn ra Lễ hội khinh khí cầu Tràng An - Cúc Phương
    Lễ hội khinh khí cầu Tràng An - Cúc Phương năm 2024 dự kiến được tổ chức trong 04 ngày, từ ngày 20-23/9/2024. Địa điểm tại Khu Công viên Văn hóa Tràng An (gần UBND phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình).
  • Chuyên gia UNESCO khảo sát bãi cọc Bạch Đằng để góp ý vào hồ sơ đề cử Di sản thế giới
    Tháng 8 tới đây đoàn chuyên gia quốc tế UNESCO/ICOMOS (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc /Hội đồng di tích và di chỉ Quốc tế) cùng với các chuyên gia Việt Nam đã khảo sát, thẩm định thực địa tại các Bãi cọc Bạch Đằng ở thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) để góp ý vào hồ sơ đề cử Di sản Thế giới đối với Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới.
  • Luật Thủ đô (sửa đổi): Chính sách mới, cơ sở pháp lý mới giúp Hà Nội không để “lọt” người tài
    Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV thông qua, tạo động lực để Hà Nội - Thủ đô của Việt Nam sớm cán đích “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”. Đặc biệt, với các chính sách mới, cơ sở pháp lý mới trong Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ giúp Hà Nội thu hút được nhiều người tài để phát triển Thủ đô.
  • “Bão Thánh Gióng hái cà” ở làng Bẽ
    Nói đến sự tích Thánh Gióng, mọi người đều nhớ chuyện cậu bé làng Gióng ở huyện Gia Lâm. Sau ba năm từ lúc sinh ra, cậu nằm trên chõng tre im lặng, chẳng biết nói cười. Đến một ngày nghe tiếng loa của sứ giả vua Hùng gọi tìm người tài, cậu vươn vai đứng dậy tình nguyện đi đánh giặc Ân.
  • Truyện ngắn: Điều an ủi cuối cùng
    Bùi Duy Phong là tác giả còn khá mới, có nhiều truyện ngắn thu hút đông đảo bạn đọc quan tâm. Tháng 10.2020, nối dài mạch cảm xúc giản dị, chân thành, tập truyện thứ 2 của anh Ðiều an ủi cuối cùng ra mắt bạn đọc. Truyện của Bùi Duy Phong khiến người ta nghĩ nhiều hơn về yêu thương, về cái tình, cái nghĩa trong cuộc đời này. Điều ấy được anh nhẹ nhàng truyền tải qua những câu chuyện của mình.
  • Phim điện ảnh "Mưa đỏ": Khúc tráng ca Thành cổ bất diệt
    Những thước phim sinh động, chân thực nơi chiến trường tái hiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị sẽ được tái hiện trong dự án phim truyện điện ảnh “Mưa đỏ”. Đây là dự án có quy mô lớn nhất của Điện ảnh Quân đội nhân dân trong 10 năm trở lại đây.
  • Quảng bá sản phẩm OCOP “đất trăm nghề” Hà Nội và các tỉnh Đồng bằng sông Hồng
    Thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), 100 năm thành lập thị xã Sơn Tây, tối 5/7, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, UBND Thị xã Sơn Tây tổ chức khai mạc “Sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Tôn vinh các sản phẩm về mít đặc sản Hà Nội năm 2024”.
  • "Qua những miền di sản Việt Bắc" với nhiều hoạt động đặc sắc quảng bá tiềm năng du lịch 6 tỉnh
    Chương trình có biểu diễn các di sản nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia diễn ra tại thành phố Bắc Kạn, gồm: Lượn cọi, Lượn Slương của người Tày, Hát Sli của người Nùng, Hát Pá Dung của người Dao, Hát Then - đàn Tính của người Tày, Nùng, Thái...
  • Mở rộng khai quật khảo cổ di tích Tháp đôi Liễu Cốc
    UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất chủ trương mở rộng diện tích khai quật khảo cổ di tích Tháp đôi Liễu Cốc (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) sau khi phát hiện nhiều hiện vật có giá trị.
Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế tròn 100 tuổi, lưu giữ nhiều hiện vật quý của nhà Nguyễn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO