Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Bánh mỳ Ngã Tư Sở

Nguyễn Văn Cự 02/03/2023 17:35

Gần đây trên VTV1 - Đài truyền hình Việt Nam có đưa thông tin: Bánh mỳ Việt Nam được một tạp chí ẩm thực danh tiếng trên thế giới xếp hạng đứng thứ 7 trong tốp 10 “Món ăn đường phố ngon nhất”. Tin tức này khiến tôi nhớ lại thương hiệu bánh mỳ Ngã Tư Sở trong những năm tháng cả miền Bắc phải vượt qua muôn vàn khó khăn thiếu thốn để thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến. Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược".

banhmi7.png
Bánh mỳ Ngã Tư Sở ngày ấy đã trở thành món quà không thể thiếu cho những ai mỗi khi có dịp ghé qua Hà Nội...

Ngày nay mà nhắc đến địa danh Ngã Tư Sở, nếu không phải người gốc phường Ngã Tư Sở hoặc có thâm niên ở Hà Nội thì cũng khó xác định được nó nằm ở vị trí nào? Chỉ biết rằng trên QL.6, đoạn có sông Tô Lịch chảy qua, đó là Cầu Ngã Tư Sở. Trước đây, trên đoạn đường hai bên đầu cầu, có nhiều người bán bánh mỳ rong, loại bánh mỳ bình dân, không nhân, nhưng ngon có tiếng ở Hà Nội và cả Hà Đông – mà mọi người vẫn quen gọi là bánh mỳ Ngã Tư Sở.

Bánh mỳ Ngã Tư Sở được làm từ bột mỳ Liên Xô (cũ) loại 1, nguyên chất 100%, cộng với bánh mới trong ngày – mà người bán hàng vẫn rao: “Ai bánh mỳ nóng giòn…đi…ê “ (hiếm gặp trường hợp bánh cũ từ hôm trước). Cầm cái bánh mỳ Ngã Tư Sở mới, còn ngửi thấy mùi thơm nhẹ nhàng của bột mỳ, và cảm giác như có vương những hạt bụi bột ở trên tay. Quy trình sản xuất bánh mỳ ngày trước chưa có công nghệ máy, hầu hết làm thủ công. Lò nướng cũng bằng than củi rất thơm ngon. Bánh mỳ Ngã Tư Sở ăn không, vẫn có thể “đánh ngoém” hết liền hai cái. Điều tử tế, nhân văn của bánh mỳ Ngã Tư Sở là độ nở tự nhiên, hợp lý. Chủ yếu là do khâu kỹ thuật ủ bột, thúc bột, cộng với sự khéo tay của người thợ làm bánh. Để cho bánh mỳ có độ nở, độ xốp, người thợ dùng 10 ngón tay vê vê, nháy nháy để cho không khí lọt vào bên trong bột.

Ngày nay, chẳng hiểu một số cơ sở sản xuất bánh mỳ, họ áp dụng kỹ thuật kiểu gì mà bánh đạt độ “siêu nở”. Nhìn bề ngoài thì cái bánh to đùng, nhưng cầm lên thấy nhẹ tênh như cầm mẩu xốp, bóp lại lọt thỏm trong lòng bàn tay.

Có thể nói bánh mỳ Ngã Tư Sở ngày ấy là mặt hàng ẩm thực chất lượng cao, nhưng giá cả lại không cao. Bởi vậy, nó đã trở thành món quà không thể thiếu cho những ai mỗi khi có dịp ghé qua Hà Nội, nhất là khu vực Ngã Tư Sở.

Xin được kể lại hai mẩu chuyện nhỏ có liên quan đến bánh mỳ Ngã Tư Sở, đã trở thành ký ức khó quên đối với tôi.

Câu chuyện thứ nhất:

Khoảng năm 1971, khi Đoàn 68 thuộc Quân khu Tây Bắc (cũ) đang giúp Bạn (Lào) quản lý, giáo dục, cải tạo 2.000 tù binh Nặm Bạc, thông qua lao động (làm đường) ở huyện Xiềng Khọ, tỉnh Sầm Nưa, thì có một lần đại sứ Lê Văn Hiến về Hà Nội công tác. Lúc sang, ông có ghé thăm Ban chỉ huy Đoàn. Vì là ban đêm, nên đoàn trưởng Phạm Ngọc Các đã cho một tổ vệ binh, dùng xe của Thủ trưởng Đoàn (do tôi lái) đi hộ tống Đại sứ. Lúc gần đến Na Kay (An toàn khu của Trung ương Bạn), Đại sứ cho dừng xe, nói với chúng tôi:

- Đến đây, các đồng chí có thể quay về được rồi. Cho mình gửi lời cám ơn Thủ trưởng Đoàn. Mình có đem theo quà từ bên nước sang: bánh mỳ Ngã Tư Sở của Hà Nội đây, các đồng chí nếm thử!.

Ông tặng chúng tôi đúng “duýt” mỗi người một cái, không thừa, không thiếu. Chao ôi! Bánh mới ngon làm sao! Tuy nguội nhưng vẫn rất mềm. Từ cùi đến ruột chẳng có một tý mùi chua nào. Một cậu vệ binh nói với vẻ thòm thèm:

- Giá kể có cái nữa cũng đánh bay.

Câu chuyện thứ hai là:

Cũng ở Đoàn 68, đội xe phòng Hậu cần có lái xe Tụ quê Hải Dương. Đặc điểm nhận dạng của Tụ là cằm dài quá khổ. Cánh lính xế đã tặng cho Tụ một biệt danh rất chi là hình tượng, cả về ngôn ngữ nghệ thuật lẫn nghề nghiệp: “Cua hai đỏ”.

Lần ấy Tụ đi lấy hàng ở Hà Nội về, vừa đẩy cửa bước vào trong nhà đã thấy một lính trẻ phục sẵn để trêu. Hai tay cậu ta bắt chéo, ra hiệu cho Tụ dừng lại.

- Từ từ! Từ từ!

Rồi tay trái cậu làm động tác đẩy Tụ lùi về phía sau. Tay phải dùng ngón trỏ, lúc ngoe sang trái, lúc ngoe sang phải, mồm liến thoắng:

- Lùi đã! Lùi đã rồi mới được tiến! Anh mà đi một đỏ, nhỡ ra…..cằm không thoát, bị va quệt lại đổ tại không có người xi-nhan”.

Tuy bực mình vì cái trò trêu chọc quái quỷ, nhưng Tụ cũng phải phì cười:

- Ranh con! Có bánh mỳ Ngã Tư Sở ngoài xe, bọn nó đang ăn, không ra nhanh hết phần bây giờ!

Nghe vậy, cậu lính trẻ quên béng trò trêu chọc, ba chân bốn cẳng chạy biến ra chỗ đồng đội đang đánh chén bánh mỳ Ngã Tư Sở, quà của “Cua hai đỏ” đem từ Hà Nội sang.

Thời gian trôi nhanh! Chiến tranh đã đi qua gần nửa thế kỷ. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đang thay da đổi thịt từng ngày. Cùng với những thương hiệu truyền thống khác, thì bánh mỳ vẫn luôn có mặt ở khắp mọi nơi. Và nó còn được bổ sung, nâng cấp cho phù hợp với mức sống ngày một nâng cao của người dân, như: bánh mỳ kẹp giò, chả, súc xích, Pa tê, bít tết, bánh mỳ chảo v.. v… Nhưng, trong ký ức của tôi vẫn luôn đọng lại cái hương vị của một thương hiệu, gợi nhớ lại một thời: đất nước phải vượt qua muôn vàn khó khăn thiếu thốn, do cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ gây ra. Nhưng người Hà Nội - Thủ đô của cả nước vẫn có một thương hiệu ẩm thực, một món ăn đường phố bình dân nhưng “hết chê”, đó là bánh mỳ Ngã Tư Sở.

Với tôi, bánh mỳ Ngã Tư Sở là một nét văn hoá, một cái gạch nối truyền thống “Ngàn năm văn hiến” của người Việt Nam nói chung, đất Thăng Long, Hà Nội nói riêng. Xin được tỏ lòng tri ân với những con người (khuất núi hay đang sống) đã cống hiến cả tâm lẫn tài cho thương hiệu ẩm thực tuyệt vời này.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Nguyễn Văn Cự. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Bài liên quan
  • Hà Nội ơi mỗi khi lòng xác xơ
    Em gặp lại Hà Nội sau bao năm bộn bề cuộc sống, nỗi nhớ Hà Nội khắc khoải một thời thanh xuân trôi qua, nhưng phố xa, ký ức xa, nỗi niềm xa ngăn em gặp lại phố cũ. Bồi hồi như ngày đầu đặt chân đến, bâng khuâng muốn ở, vội đi. Thanh xuân của em đã đi qua nhưng Hà Nội trong em vẫn thế, vẫn là nỗi niềm yêu đầy vơi, Hà Nội trong em vẫn một tình yêu dai dẳng, vẫn nỗi nhớ muốn trở về mỗi khi lòng xác xơ…
(0) Bình luận
  • Nương theo hương lụa
    Nếu ai từng đặt chân đến làng Vạn Phúc (quận Hà Đông, Hà Nội) hẳn sẽ được đắm mình trong những thớ vải, vóc lụa đẹp đến nao lòng. Chẳng thế mà lụa nơi đây từng được người Pháp ca ngợi là “Đệ nhất tinh xảo của Đông Dương”, là thứ sản vật tiến Vua quý giá. Xuân về, trong cảnh sắc giao hòa của đất, của người tôi như thấy được những sắc lụa bừng sáng, hương lụa nghìn năm như ngọn gió lành ngan ngát bay xa.
  • Hà Nội mùa đông lịch sử
    Đêm Hà Nội những ngày tháng 12, không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ thấp nhất ở mức 7-8 độ C, tôi trằn trọc trở mình trong chăn đệm êm ấm, rưng rưng lắng nghe những ca từ xúc động trong bài hát “Cảm xúc tháng Mười” vang lên từ ngôi nhà kế bên. Ngoài kia gió rít từng cơn thổn thức, những cảm xúc nghẹn ngào thôi thúc tôi dậy mở máy tính, xem lại những thước phim tư liệu về 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô của Hà Nội năm 1946. Từ hiện tại bình yên, tôi đã được trở về với mùa đông lịch sử của thành Rồng - một mùa đông giá buốt nhưng rực lửa.
  • Hà Nội, vừa xa đã nhớ
    Tôi muốn xa Hà Nội thực hiện một chuyến đi dài ngày ngoài dải đất hình chữ S để khám phá những miền đất mới. Điều mong ước cháy bỏng đó đã trở thành hiện thực sau khi tôi xin được visa thăm người thân tại châu Âu.
  • Khoảng lặng với sen Hồ Tây
    Sáng sớm mùa hè, tôi đi bộ dọc bờ Hồ Tây để thuê một chiếc xe đạp dạo quanh hồ như lời hẹn của chuyến đi trước. Tôi lạc bước đến đầm sen Hồ Tây. Ngay khoảnh khắc ấy, sen gieo một nốt lặng thương nhớ vào lòng tôi.
  • "Giấc mơ Hà Nội" của những đứa trẻ miền quê
    Năm lớp 2, lần đầu tiên mình được ra Hà Nội một tuần dịp nghỉ hè, được người nhà dẫn đi thăm Lăng Bác, thăm Chùa Một Cột, công viên Thủ Lệ, ăn kem Tràng Tiền... tất cả đều là trải nghiệm mới lạ đầy thích thú. Từ đó, mình luôn ao ước lớn thật nhanh để “đi Hà Nội”, để trải nghiệm tất cả những điều thú vị ở Thủ đô.
  • Hà Nội mùa xưa
    Người ta hay ấn tượng với Hà Nội khi vào thu còn tôi không hiểu sao cứ nhung nhớ những mùa đông Hà Nội...
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Bánh mỳ Ngã Tư Sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO