Xúc động lá thư gửi từ Điện Biên của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng gửi bạn thơ 66 năm trước
Trong cuốn sách “Bốn năm sau và những trang viết về Điện Biên” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (nhà văn Nguyễn Huy Thắng biên soạn và chú dẫn), vừa được NXB Trẻ tái bản và phát hành, độc giả không khỏi xúc động với lá thư của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết từ Điện Biên năm 1958 gửi nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh.
Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (1912 - 1960) là một người con Hà Nội, ông sinh ở làng Dục Tú (trước đây thuộc huyện Từ Sơn, Bắc Ninh, nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội). Trong giới văn học nghệ thuật, Nguyễn Huy Tưởng được mệnh danh là “nhà văn của Thăng Long - Hà Nội”, bởi ông đã có nhiều tác phẩm xuất sắc viết về mảnh đất Thủ đô ngàn năm văn hiến, như: Vũ Như Tô, Đêm hội Long Trì (đã được dựng thành phim), Sống mãi với Thủ đô, Một ngày chủ nhật, An Dương Vương xây thành ốc...
Tuy nhiên, cùng với những tác phẩm đặc sắc về Thủ đô Hà Nội đã được bạn đọc các thế hệ yêu mến, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng còn dành nhiều thời gian và tâm sức viết về một vùng đất khác với tất cả tình cảm, tài năng. Đó chính là Điện Biên – vùng đất nổi tiếng khắp thế giới với Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mà hôm nay đã long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng lịch sử.
Bốn năm sau khi Điện Biên được giải phóng, năm 1958, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng cùng các văn nghệ sĩ Nguyễn Tuân, Văn Cao, Nguyễn Văn Tý, Lưu Quang Thuận có chuyến đi thực tế ở tỉnh Điện Biên. Từ chuyến đi thực tế, qua những tư liệu thu thập được; và nhất là từ những tâm tình, gửi gắm của chiến sĩ, đồng bào ở Điện Biên, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã viết nên những trang văn đầy hào hứng, chí tình: Thực tế ở Điện Biên, Chiết cam Mường Pồn (bút ký), Điện Biên Phủ của chúng em (sách thiếu nhi), Bốn năm sau (tiểu thuyết)…
Đáng nói, trong chuyến đi thực tế trong hơn 4 tháng tại tỉnh Điện Biên năm 1958, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết nhiều trang nhật ký, thư từ gửi cho người thân, bạn bè... thấm đẫm tâm sự về Điện Biên. Trong đó, bức thư của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng gửi đồng nghiệp - nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh (1920 – 2020) từ Điện Biên ngày 18/10/1958, được đưa vào cuốn sách “Bốn năm sau và những trang viết về Điện Biên” do NXB Trẻ tái bản gần đây. Bức thư khiến nhiều bạn đọc xúc động, với nội dung:
Xuân Sanh,
Viết thư thăm sức khỏe Sanh. Sau ba tháng đi thực tế, Sanh có khỏe thêm ra không. Chân bị nạn hồi năm nào đã mạnh hẳn chưa?
Bọn mình ở trên đất Điện Biên vui lắm. Sức khỏe bình thường. Được cảm tình của chiến sĩ và các cán bộ. Tuân (nhà văn Nguyễn Tuân – PV) ở Long Nhai, Nguyễn Văn Tý ở Cò Mị, Lưu Quang Thuận ở Pa Phai. Ba đơn vị ở đây phụ trách nông trường lúa. Lúa nương và lúa nước. Ngày bộ đội mới lên đây vất vả lắm. Hẳn hoi là một cuộc khai hoang lớn ở một xứ gần như nguyên thủy. Nhưng bây giờ những cánh đồng lúa chín đầu tiên đã được gặt. Từ đây đến hết tháng 11, Điện Biên sẽ sống những ngày tưng bừng gặt hái. Quá sự ước mong của mọi người tưởng như không có được cái thắng lợi ấy, vì bộ đội chưa quen cày cấy, và người cũng chưa quen đất. Nhưng không phải chỉ có lúa. Điện Biên phong phú lắm. Một điều đáng chú ý là trên này đang trồng thử cao su. Nếu giống thành công thì cục diện ở trên này có nhiều biến đổi lạ lùng.
Tôi công tác ở vườn ươm cao su. Cao su lấy giống ở Vĩnh Linh, ở đảo Hải Nam. Ngày ngày ra chăm cây cao su mọc lên, mới đầu nhú mầm, sau ngỏng lên như con vắt, sau mọc thẳng, rồi trổ nhánh, ra lá. Hồi hộp và vui khấp khởi.
Trong khi thâm nhập thực tế, có nhiều tình nhiều cảnh để viết lắm. Tý (nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý – PV) đã làm xong một bản nhạc. Mình đang sửa soạn một nhật ký, và nếu chín mùi hơn, sẽ viết tiểu thuyết. Ngoài ra, Nguyễn Tuân còn phối hợp với Thụ ở điện ảnh, làm kịch bản một cuốn phim giới thiệu đất nước Điện Biên. Công việc đang xúc tiến.
Thỉnh thoảng nhớ các cậu. Nghe nói công tác tổ ở mỏ vui lắm. Có rỗi, viết thư cho bọn mình.
Tổ bọn mình không có những vấn đề đấu tranh tư tưởng quyết liệt lắm. Nhất trí với nhau về nhiều vấn đề. Đi công tác mà đoàn kết với nhau là một điều may mắn lắm. Không phải đối phó với nhau nên có nhiều phấn khởi.
Gửi lời chào tất cả anh em trong tổ của Sanh. Chuyển cái thư kèm theo cho Dương Bích Liên, người bạn họa sĩ thân thiết của mình.
Có tin gì về Cẩm Thạnh (nhà văn Nguyễn Thị Cẩm Thạnh, vợ nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh – PV) và các cháu không? Mình hỏi thăm và chúc khỏe mạnh.
Tưởng
Nguyễn Huy Tưởng, hòm thư 79.101 Điện Biên.
Có thể nói, qua bức thư của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng viết từ Điện Biên gửi nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh từ 65 năm trước, in trong cuốn “Bốn năm sau và những trang viết về Điện Biên”, bạn đọc thấy tình cảm bền chặt, sợi dây liên kết trong sáng tác nghệ thuật của các văn nghệ sĩ trong chiến tranh.
Đặc biệt những tình cảm, trang viết nồng nhiệt, chân thành của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng về Điện Biên đem đến cho độc giả những cảm xúc tốt đẹp. Và hôm nay, trong không khí Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, khi đọc được lá thư của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng gửi nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh cũng như các trang viết của tác giả “Sống mãi với Thủ đô”, chúng ta càng thấy quý tấm lòng của nhà văn với mảnh đất chiến trường xưa – Điện Biên Phủ./.