Văn hóa – Di sản

Trần Minh Tông - hoàng đế, thi nhân thời thịnh Trần

Nguyễn Hữu Sơn 14/11/2023 11:00

Hoàng đế, thi nhân Trần Minh Tông (1300 - 1357) là vua thứ năm của triều Trần, tên thật là Trần Mạnh, con thứ tư của vua Trần Anh Tông. Trần Mạnh lên ngôi vua năm mới 14 tuổi, trị vì 15 năm (1314-1329), rồi nhường ngôi, làm Thái thượng hoàng 28 năm. Danh nghĩa là nhường ngôi nhưng trên thực tế, công việc lãnh đạo triều chính đều do Minh Tông quyết định.

Sau khi lui về làm Thái thượng hoàng, ông tiếp tục buông màn chỉ đạo việc chính sự qua các đời vua Trần Hiến Tông (ở ngôi 13 năm, 1330-1341) và nửa đời Trần Dụ Tông (ở ngôi 28 năm, 1342-1369), cho tới khi qua đời. Dưới thời Trần Minh Tông, xã hội Việt Nam khá yên bình. Về đời sống tư tưởng, văn hóa có đặc điểm là Nho giáo được đề cao. Nhiều nhân tài nho học kế tiếp nhau làm quan phò giúp Trần Minh Tông như Đoàn Nhữ Hài, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, Trương Hán Siêu...

tran-minh-tong.jpg
Ảnh minh họa vua Trần Minh Tông.

Trong suốt mấy chục năm tham gia chính sự, Trần Minh Tông nghiêm khắc với chính mình, trở thành tấm gương trung thực, được bề tôi khâm phục. Ông góp phần ổn định biên cương phía Nam, thân chinh đánh dẹp phía Tây, thực hiện hòa hiếu với người phương Bắc. Sách Đại Việt sử ký toàn thư nhấn mạnh: “Vua đem văn minh sửa sang đạo trị nước, làm rạng rỡ công nghiệp của người xưa, giữ lòng trung hậu, lo nghĩ sâu xa, trong yên ngoài phục, kỷ cương đủ bày. Tiếc rằng không nhận biết mưu gian của Khắc Chung, để đến nỗi Quốc Chẩn phải chết, đó là chỗ kém thông minh vậy”... Theo xu thế Nho giáo đang ngày một mạnh dần lên, Minh Tông cũng hướng tới đề cao đức trị và tấm gương bậc chính nhân quân tử, xem thường lợi lộc. Ông thường dạy các hoàng tử: “Con nào mà dốc sức mưu tính sản nghiệp, keo sẻn làm giàu, thì không phải là con ta. Nếu quả làm chuyện đó thì chẳng thà phân tán hết của cải cho người nghèo đi còn hơn. Vì như vậy, dẫu không tránh khỏi túng thiếu, vẫn còn là hành vi của bậc quý nhân”... Khi vua se mình, triều đình muốn lập đàn chay cầu đảo. Minh Tông biết chuyện, gọi Hữu tướng quốc Phủ vào chỗ nằm để hỏi. Vua sợ, lập tức bảo Phủ là Phạm Ứng Mộng xướng nghị lấy mình chết thay. Phủ đem câu ấy tâu lên. Minh Tông nói: “Ứng Mộng tự nhận làm địa vị Chu Công thì cứ lấy thân mình mà chết thay cho cha hắn, còn đàn chạy thì không được làm”... Bấy giờ Hiến Từ thái hậu phóng sinh các giống súc vật để cầu cho Minh Tông khỏe lại. Minh Tông bảo bà: “Thân ta không thể lấy con lợn, con dê mà đổi được”. Khi bệnh đã trầm trọng, cho gọi bọn quan thầy thuốc là bọn Trâu Canh, Vương Định, Phạm Thế Thường vào xem mạch. Canh nói: “Mạch phiền muộn”. Minh Tông ứng khẩu đọc một bài thơ nhỏ, đọc cho bọn Canh nghe:

Chuẩn mạch hưu luân phiền muộn đa,

Trâu công lương tễ yếu điều hòa.

Nhược ngôn phiền muộn vô hưu yết,

Chi khủng trùng chiêu phiền muộn gia.

(Xem mạch chớ bàn nhiều muộn phiền,

Ông Trâu thuốc tốt cắt cho yên.

Nếu còn nói mãi phiền cùng muộn,

Chỉ sợ càng tăng nỗi muộn phiền)

Vì Trâu Canh ra vào cung cấm, hay dùng những câu kỳ lạ, những kế quỷ quyệt để huyễn hoặc Dụ Hoàng. Minh Tông ghét hắn nên mượn bài thơ để châm biếm. Đến khi dâng thuốc lên thì ngài nói: “Người ta ở đời, bao nhiêu khổ não. Ngày nay thoát được khổ não này thì ngày khác lại phải chịu khổ não khác”. Rồi không chịu uống thuốc. Khi bệnh nguy kịch, sai thị thần là Nguyễn Dân Vọng đem những bản chép thơ ngự chế đốt đi. Dân Vọng còn trù trừ, Minh Tông nói: “Vật đáng tiếc còn không thể tiếc được, tiếc làm gì thứ ấy”. Các hoàng tử đứng hầu bên cạnh, ngài nhân nói với họ: “Các con cứ xem việc làm của người xưa, việc nào hay thì theo, việc nào dở thì lánh, cần gì phải cha dạy?”. Ngài từng nói: “Người làm vua dùng người, không phải là có tình riêng với người đó mà chỉ nghĩ là người đó hiền thôi. Bởi vì người đó theo tấm lòng của ta, giữ chức vụ cho ta, làm việc cho ta, chịu nhọc cho ta, cho nên ta coi là hiền mà dùng họ. Nếu ta quả là hiền thì những người được ta dùng cũng hiền, như Nghiêu, Thuấn đối với Tắc Khiết, Quỳ Long vậy. Nếu ta không hiền thì những kẻ mà ta dùng cũng không hiền, như Kiệt, Trụ đối với Phi Liêm, Ác Lai vậy. Đó chính là đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, cùng loại thì hợp nhau. Kiệt, Trụ đâu phải có tình riêng gì với bề tôi của hắn? Bảo hắn là ngu tối thì được, chứ bảo hắn có tình riêng thì không phải”. Lại dặn Hiền Từ thái hậu: “Sau khi ta mất, ngươi ở lại cung Thanh Từ, đừng vào núi đi tu”. Sau khi Minh Tông băng, thái hậu theo lời dặn, không thụ giới nhà Phật”... Đó là vị hoàng đế duy lý, biết coi trọng cuộc sống thực tại, trần thế; biết nhìn thẳng sự thật và xét đoán con người, sự việc như vốn bản chất nó là như thế.

Tác phẩm của Trần Minh Tông có Minh Tông thi tập nhưng không còn. Hiện chỉ còn hơn 20 bài chép tản mát trong Nam Ông mộng lục, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt âm thi tập, Toàn Việt thi lục...

Thơ Trần Minh Tông cũng có phong cách thanh nhã, phóng khoáng như thơ các vua Trần trước. Trong Văn tịch chí, khi giới thiệu Minh Tông thi tập, Phan Huy Chú cho biết tập thơ chỉ còn sót lại hơn 10 bài và ông trích dẫn trọn hai bài Cam Lộ tự (Chùa Cam Lộ), Bạch Đằng giang (Sông Bạch Đằng). Bài Cam Lộ tự thể hiện rất rõ Minh Tông là người có một đời sống tâm hồn thanh cao, thích sự tĩnh tại, gần gũi với thiên nhiên:

Tặng thủy toàn thương nhập vọng đa,

Khê tây nhật ảnh chuyển thiềm tà.

Cách lâm đề điểu vưu sầm tịch,

Nhất kính cổ tùng sơ trụy hoa.

Nam Trân dịch thơ:

Trập trùng núi biếc non xanh,

Bóng chiều bên suối chênh chênh rọi thềm.

Bên rừng càng quạnh tiếng chim,

Thông già một lối im lìm rụng hoa.

Bài Bạch Đằng giang (Sông Bạch Đằng) được Phan Huy Chú nhận xét: “Lời thơ hùng hồn, mạnh mẽ và phóng khoáng không kém gì đời Thịnh Đường”. Sông Bạch Đằng, nơi quân Nam Hán và quân Nguyên - Mông từng bị quân dân nước Việt thời Ngô Quyền, thời Trần đánh tan tác, đã trở thành địa danh lịch sử nổi tiếng, trở thành nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều nhà thơ, nhà văn. Trần Minh Tông viết bài Bạch Đằng giang cũng trên dòng cảm hứng lịch sử ấy, vừa tự hào về chiến công một thời của triều đại mình, vừa suy ngẫm về những bài học lịch sử:

Vãn vân kiếm kích bích toàn ngoan,

Hải thần thôn triều quyển tuyết lan.

Xuyết địa hoa điền xuân vũ tễ,

Hám thiên tùng lại vãn sương hàn.

Sơn hà kim cổ song khai nhãn,

Hồ Việt doanh thâu nhất ỷ lan.

Giang thủy đình hàm tà nhật ảnh,

Thác nghi chiến huyết vị tằng can.

Đào Phương Bình - Nam Trân dịch thơ:

Chạm mây gươm giáo xanh von vót,

Sóng tuyết khi đầy lại lúc vơi.

Mưa tạnh hoa phô vàng mặt đất,

Sương lùa thông réo tiếng vang trời.

Non sông kim cổ hai lần dậy,

Hồ Việt hơn thua một thoáng thôi.

Chan chứa dòng sông ngầu bóng xế,

Ngỡ là máu giặc hãy còn tươi.

Trần Minh Tông là nhà thơ yêu thiên nhiên, yêu lịch sử giàu truyền thống, giàu chiến công của dân tộc và còn có một tấm lòng nhân đạo, yêu thương nhân dân, không muốn để nhân dân phải khổ cực giữa cảnh sống xa hoa của triều đình. Bài thơ Nghệ An hành điện (Hành điện ở Nghệ An) thể hiện rõ tư tưởng nhân đạo của Trần Minh Tông, trong đó ông nói rõ chúng dân là đồng bào ruột thịt, không được để họ phải khốn cùng:

Sinh dân nhất thị ngã bào đồng,

Tứ hải hà tâm sử khốn cùng.

Tiêu tướng bất tri Cao Tổ ý,

Vị Ương hư phí nhuận thanh hồng.

Nam Trân dịch thơ:

Vua tôi máu mủ giống nòi chung,

Bốn bể sao đang để khốn cùng.

Tiêu tướng vụng suy lòng Hán Tổ,

Phí tiền tô điểm Vị Ương cung.

Về thực chất, đây chính là những vấn đề nhân sinh, tình người và mối quan hệ giữa người với người. Trong một trường hợp cụ thể hơn, sách Nam Ông mộng lục ghi lại việc Trần Minh Tông đã có thơ tặng bề tôi Phạm Mại. Phạm Mại vốn họ Chúc, được đổi sang họ Phạm, nổi tiếng có tài, cùng với người anh làm quan to trong triều. Khi người chú ruột Trần Quốc Chẩn đồng thời là bố vợ của Trần Minh Tông bị bọn phái Trần Khắc Chung vu oan, bị khép tội chết, chỉ có riêng một mình quan Ngự sử Trung thừa Phạm Mại cố xin hoãn việc xử ngục, thận trọng việc gia hình. Bấy giờ quan Thượng tể Quốc Chẩn bị bắt, còn các gia thần, liêu thuộc, thân thích, gia nô đều bị hạ ngục, giết hại rất nhiều. Phạm Mại liên tiếp dâng sớ can gián, thẳng thừng bác bỏ quan pháp ty, biện luận phân tích sự oan khuất. Trước sự tức giận, ra oai của chúa thượng, Phạm Mại vẫn ra sức tranh cãi không thôi. Sau này mới phát giác được sự thực của việc vu cáo hãm hại, bọn gian bị bắt giam cả. Khi đó Trần Minh Tông lấy làm ân hận, bèn truy tặng thúc phụ cực kỳ long trọng, lại tin cậy chuyển Phạm Mại lên làm Thiêm tri chính sự và ban cho một bài thơ:

Đài Ô cửu hỗ cấm vô thanh,

Chỉnh đốn triều cương sự phi khinh.

Điện thượng ngang tàng ưng hổ khí,

Nam nhi đáo thử thị công danh.

Dịch nghĩa:

Chốn Ô Đài lâu rồi sao cứ lặng tiếng,

Chỉnh đốn kỷ cương triều đình đâu phải việc dễ dàng.

Trên điện chầu ngang tàng như chim cắt và hổ,

Làm trai như thế mới gọi là công danh.

Đào Phương Bình dịch thơ:

Bấy lâu im tiếng chốn lâu đài,

Chỉnh đốn triều cương hả chuyện chơi.

Hùm, cắt ngang tàng nơi điện ngọc,

Công danh đến thế xứng tài trai.

Sử thần Phan Phu Tiên từng nhận định: “Minh Tông có bẩm tính nhân hậu, nối nghiệp thái bình, phép cũ của tổ tông không thay đổi gì cả. Bấy giờ có kẻ sĩ dâng sớ nói là trong dân gian có nhiều người du thủ du thực, đến già vẫn không có hộ tịch, thuế má không nộp, sai dịch không theo. Vua nói: “Không như thế thì sao có thể thành đời thái bình? Ngươi muốn ta trách phạt họ thì có được việc gì không?”. Triều thần như bọn Lê Bá Quát, Phạm Sư Mạnh muốn thay đổi chế độ. Vua nói: “Nhà nước đã có phép tắc riêng, Nam Bắc khác nhau. Nếu nghe kế của bọn học trò mặt trắng tìm đường tiến thân thì sinh loạn ngay”... Điều này góp phần xác nhận tư tưởng Nho giáo và chế độ khoa cử có phát triển nhưng thế lực những kẻ sĩ, quan lại xuất thân Nho học chưa phải đã thắng thế. Đây cũng là một đặc điểm quan trọng của đời sống xã hội và lịch sử dân tộc thời Trần Nhân Tông trị vì./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
    Ngày 12/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 1569/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với những quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
  • Ra mắt cuốn sách song ngữ Việt - Anh về tiểu sử và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo, góp phần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch biên soạn cuốn sách song ngữ . Sách vừa được Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành và giới thiệu tới độc giả.
  • Nhà văn hoá Nguyễn Đình Thi - người nghệ sĩ tài hoa của Thủ đô và đất nước
    Chiều 12/12/2024, Thành ủy Hà Nội phối hợp cùng Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Báo Nhân Dân và các cơ quan tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà văn hóa lớn, nghệ sĩ tài năng Nguyễn Đình Thi (20/12/1924 – 20/12/2024). Hội thảo là dịp để nhìn nhận, đánh giá, tôn vinh di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi.
  • “Hiến kế” cho Hà Nội xây dựng mô hình quản trị đô thị trong kỷ nguyên mới
    Trên cơ sở phân tích lịch sử 70 năm hình thành và phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thành phố Hà Nội, TS. Đỗ Tất Cường (Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học) và TS. Ngô Thị Ngọc Anh (Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Quản lý, Viện Kinh tế) - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã “hiến kế” cho Hà Nội một số định hướng phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thủ đô trong kỷ nguyên mới.
  • Nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử năm 2025
    Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà vừa ban hành Kế hoạch số 362/KH-UBND về tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện lịch sử, chính trị quan trọng của đất nước, Thủ đô trong năm 2025 trên địa bàn Thành phố.
Đừng bỏ lỡ
Trần Minh Tông - hoàng đế, thi nhân thời thịnh Trần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO