Âm nhạc

Trận Điện Biên của âm nhạc Việt

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha 08/05/2024 06:05

Ngay từ khi xuất hiện, tân nhạc Việt Nam đã thể hiện rất rõ bản sắc Việt trong giai điệu của mình. Bản sắc được thể hiện qua giai điệu nằm trong điệu thức phương Tây nhưng được viết ra từ tâm hồn Việt và giai điệu tiến hành theo điệu thức phương Đông tràn ngập âm hưởng Việt.

chien-thang-dien-bien-phu-do-nhuan.jpg

Với hành trang ấy, các nhạc sĩ lên đường cùng toàn dân kháng chiến trường kỳ. Phải nói là ý thức tạo ra giai điệu riêng của Việt Nam đã bắt đầu rõ hơn từ sau khi “Đề cương văn hóa” do đồng chí Trường Chinh soạn thảo với tiêu chí “Dân tộc - Khoa học - Đại chúng” năm 1943. Đến khi nước nhà giành độc lập và bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp thì ý thức này rất được hưởng ứng. Lê Lôi đã có “Đóng nhanh lúa tốt” (lời: ca dao Huyền Tâm), Tô Vũ đã có “Cấy chiêm” (thơ: Quách Vinh), Đỗ Nhuận thì có ca cảnh “Sóng cả không ngã tay chèo” về nữ anh hùng Nguyễn Thị Chiên. Nhưng dù giai điệu đậm chất Việt thì vẫn chỉ mang âm hưởng dân ca người Kinh. Văn Chung đã lần đầu tiên sử dụng chất liệu dân ca người Tày - Nùng trong “Pi noọng ơi”.

Chỉ đến khi đại quân ta tiến vào Tây Bắc, chìm đắm trong mỏ dân ca các dân tộc bản địa, các nhạc sĩ chúng ta mới bừng ngộ rằng đây chính là kho tàng vô tận cho sự phát triển không ngừng của âm nhạc Việt. Cùng với trận Điện Biên của cả dân tộc, các nhạc sĩ cũng bắt đầu khởi sự một trận Điện Biên của mình trên đường chinh phục những đỉnh cao âm nhạc. Bên cạnh trận Điện Biên của cả dân tộc có các chiến dịch phụ như ở Tây Nguyên, Nam Bộ, “trận Điện Biên của âm nhạc Việt” cũng được các nhạc sĩ chia lửa ở hai vùng đất này.

Có thể nhìn thấy rõ “trận Điện Biên trong âm nhạc Việt” qua một tác giả tiêu biểu là nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Khi bắt đầu vào Tây Bắc, ông đã lập một kỳ tích là tạo ra hành khúc “Hành quân xa” ngắn gọn mang đậm bản sắc nhưng dù sao vẫn là âm hưởng dân ca người Kinh. Đến khi ta đánh Him Lam mở màn, Đỗ Nhuận lại tiếp tục có thêm hành khúc “Trên đồi Him Lam”. Ở hành khúc này, nhìn thấy người lính từ các tỉnh miền Bắc đều có mặt trên chiến hào nên ông đã trộn trong giai điệu của mình âm hưởng dân ca đồng bằng Bắc Bộ với âm hưởng dân ca xứ Nghệ. Nhưng vẫn chỉ là dân ca của người Kinh. Tuy nhiên, cũng chính thời điểm này, Đỗ Nhuận đã bắt đầu chìm đắm trong dân ca các dân tộc Tây Bắc mà chủ yếu là Thái, Mông. Ca cảnh “Anh Pan về bản” là nhạc phẩm Việt đầu tiên mang âm hưởng dân ca Tây Bắc. Mỏ âm thanh quý giá này còn cho Đỗ Nhuận có đủ công lực để tạo ra Opéra “Cô Sao” sau mười năm chiến thắng Điện Biên Phủ của dân tộc. Đến khi Điện Biên chiến thắng “chấn động địa cầu” ngày 7/5/1954 thì Đỗ Nhuận viết nên hành khúc “Chiến thắng Điện Biên” mà trong giai điệu nức lòng người này, tác giả đã trộn vào đấy dân ca Thái - Mông với dân ca đồng bằng Bắc Bộ mà cụ thể là giai điệu chèo trong điệu Sắp qua cầu vô cùng tự nhiên, tuyệt không dấu vết của lắp ghép: “Súng đại bác cuốn lá ngụy trang/ Từng đàn bươm bướm trắng giỡn lá ngụy trang” thì rất Thái - Mông nhưng đến câu tiếp theo “Xiết bao sướng vui từ ngày lên Tây Bắc, đồng bào náo nức mong chúng ta trở về” thì đích thị Sắp qua cầu. Thật tài tình. Sự tài tình của một tầm vóc lớn.

Và sau Đỗ Nhuận, nhiều nhạc sĩ đã khai thác mỏ âm thanh này như Đặng Đình Hưng với “Chiến thắng Tây Bắc”, Lê Lan với “Chị Mai đi chợ”, “Sao cô em chưa về”, Nguyên Nhung với “Tiếng đàn môi”, “Từ trên đỉnh núi”, Nguyễn Đức Toàn với “Nỗi băn khoăn của chị Lả”, Doãn Nho với “Chiếc khăn rơi”… Hoàng Vân tuy chưa có giai điệu mang âm hưởng Tây Bắc thì lại có một điệu hò mới từ chiến dịch Điện Biên là “Hò kéo pháo” và mười năm sau thì có “Nổi trống lên rừng núi ơi”!

Âm hưởng Tây Bắc, Việt Bắc còn mang đến cho các nhạc sĩ sau ngày hòa bình một hứng khởi mới trong sáng tạo âm nhạc như Trần Quý với “Hát mừng anh hùng Núp”, Nguyễn Tài Tuệ với “Bài ca gửi Noọng”, “Suối Mường Hun chảy mãi” và đỉnh cao là “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó”, Nguyễn Xuân Khoát với “Ngắm chim bay trên dãy Phja Bjooc”, Hồng Đăng với “Mây trắng Phia Khao”...
Ở “trận Điện Biên của âm nhạc Việt”, các nhạc sĩ đã tạo ra âm nhạc thời chống Pháp, chống Mỹ đa sắc khiến thế giới phải nhìn vào ngưỡng mộ. Từ giai điệu nhạc múa sạp, múa Chàm Rông đến những bài hát độc đáo như “Người Châu Yên em bắn máy bay” của Trọng Loan, “Bài ca trên đỉnh núi” của Nguyễn Văn Thương… rồi những tác phẩm khí nhạc như “Rhapsody chim ưng” của Đàm Linh, “Thắng lợi của tình yêu Tổ quốc” của Nguyễn Đình Tấn, giao hưởng “Đồng khởi” của Nguyễn Văn Thương…

“Trận Điện Biên của âm nhạc Việt” vẫn tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới bằng tinh thần chiến thắng của trận Điện Biên Phủ lịch sử năm xưa trong thời thanh bình. Nếu thời chống Mỹ ngoài những tác phẩm kể trên lan truyền trong phe xã hội chủ nghĩa cùng với những tác phẩm khí nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo - người Pháp gốc Việt như “Thành đồng tổ quốc”, “Phù Đổng”… đoạt giải thưởng trong các festival âm nhạc quốc tế; thì thời thanh bình, một cột mốc lịch sử đã được các nghệ sĩ biểu diễn căn trước, đấy chính là sự kiện nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn đoạt giải Nhất trong cuộc thi Chopin lần thứ mười vào mùa thu 1980. Sau đó vài năm vào thập kỷ cuối thế kỷ cũ cũng như thập kỷ đầu thế kỷ mới, các nhạc sĩ đã lặng lẽ tạo nên các đỉnh cao của mình trong việc hòa nhập với thế giới. Bắt đầu từ “Rhapsody Việt Nam” của Đỗ Hồng Quân đậm đặc âm hưởng các dân tộc Việt Nam vang lên đĩnh đạc ở Moscow đến những bản giao hưởng của Lương Minh, Kim Ngọc trong cuộc thi âm nhạc của các nhạc sĩ trẻ thế giới và tiếp tục là việc các tác phẩm khí nhạc Việt Nam được các dàn nhạc nước ngoài trình diễn và trao giải thưởng như giao hưởng thơ “Trở về với Điện Biên” của Trần Trọng Hùng ở Biennale Music Berlin 1996 rồi đến những tác phẩm khí nhạc của Đỗ Hồng Quân mà tiêu biểu là “Trổ Một” đã được vang lên và được xuất bản tại các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến “Ngày hội” của Đặng Hữu Phúc, “Ký ức Đồng Khởi” của Võ Đăng Tín, “Chênh vênh” của Ngọc Đại...

Thế hệ nhạc sĩ trẻ như Vũ Nhật Tân, Trần Mạnh Hùng, Kim Ngọc, Việt Anh… đã làm rạng danh Việt Nam trên thế giới bằng những tác phẩm khí nhạc của mình sánh vai cùng các thế hệ cha anh. Từ trận Điện Biên lịch sử của dân tộc làm chấn động địa cầu, có “trận Điện Biên của âm nhạc Việt” đã kéo dài từ đó đến nay vẫn chưa chấm dứt, vẫn tiếp tục tạo ra những đỉnh cao hòa nhập cùng âm nhạc thế giới./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Trận Điện Biên của âm nhạc Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO