Thấy Hà Nội là thấy sách

Phạm Như Hoa| 05/11/2022 18:52

Từ hồi còn bé mình đã rất mê đọc sách. Nhưng thế giới sách của mình chỉ gói gọn trong những quyển sách giáo khoa từ lớp một đến lớp mười hai, mà toàn là sách giáo khoa cũ được giữ lại của chị gái mình, quyển nào cũ quá, rách quá thì mẹ mình sẽ xin lại của các anh chị họ hoặc các anh chị trong xóm.

thu-vien-sach(1).jpg

Không có ti vi, cũng chẳng có đài báo, chỉ có sách giáo khoa cũ nên mình đã gần như đọc thuộc tất cả những quyển sách giáo khoa của các khối lớp, của cả ba cấp, mình thuộc cả phần giới thiệu và phần phụ lục. Mình đã mơ ước là có cả một nhà sách ở giữa một vườn cây ăn quả, mình đem sách ra vườn đọc, mệt quá thì nằm ngủ luôn dưới gốc cây, đói quá thì vặt quả gì đó ăn tạm.

Ước mơ rất buồn cười ấy của mình phải lên đến Hà Nội học đại học mới trở thành hiện thực. Đầu tiên là cái thư viện của trường mình, trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Ôi chu choa, sách đông tây kim cổ, gi gỉ gì gi sách gì cũng có, lại còn có cả báo nữa chứ, mình tha hồ mà đọc, mình còn thay cả ba quyển sổ bạn đọc của thư viện, lại còn đọc miễn phí nữa chứ, mình phải tranh thủ chứ nếu không bốn năm đại học sẽ qua đi nhanh lắm, mình chỉ sợ ra trường rồi mà mình lại không đọc hết sách trong thư viện của trường mình thôi. Nhưng với sách thì bao nhiêu cũng không đủ, mình lại là đứa tham lam, mình bắt đầu ngó nghiêng sang các thư viện của trường bạn. Mình có đứa bạn học trường Đại học Bách Khoa, nó đã cho mình mượn thẻ đọc của nó, hồi đấy thẻ chỉ ghi tên sinh viên thôi chứ không dán ảnh nên không sợ bị lộ, chỉ sợ có đứa nào nó mách lẻo với cô thủ thư thôi. Kệ chứ, đọc được buổi nào hay buổi ấy, mình còn được đọc sách ké ở thư viện trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trường Đại học Xây dựng ở ngay gần đấy. Điều mà mình tiếc nhất là chưa được đọc sách ở thư viện của trường Đại học Thủy Lợi. Nghe nói thư viện trường này mở cửa phục vụ bạn đọc hai tư trên hai tư, chỉ đóng cửa vào dịp Tết và dịp hè khi sinh viên về quê ăn Tết hay nghỉ hè. Từ năm thứ hai, mình đã mon men đến Thư viện quốc gia Việt Nam ở đường Tràng Thi. Đây đúng là cái nhà sách mà mình mong muốn được sở hữu, nó ở giữa một vườn cây, nếu đọc sách mệt thì bạn có thể ra ngoài đi dạo và ngồi nghỉ ở những chiếc ghế đá dưới những gốc cây to. Buổi trưa, căng tin bên trong thư viện có bán cơm trưa. Ở đấy người ta có món nước canh rau muống đánh giấm bằng quả me tươi hái ở cây me cổ thụ bên trong khuôn viên thư viện. Nó ngon đến nỗi mình đã ước rằng cứ ở hẳn đây đọc sách, không phải về nhà trọ nữa.

Hết đọc sách ở các thư viện, mình bắt đầu khám phá các nhà sách của Hà Nội. Mình có cảm giác như bất kỳ con đường nào ở Hà Nội cũng đều có nhà sách. Nhà sách Tiền Phong, nhà sách Nhã Nam, nhà sách Tràng An, nhà sách Phương Nam, nhà sách Fahasa, nhà sách Cá Chép, nhà sách Tiến Thọ, nhà sách Trí Đức, nhà sách Tân Việt, nhà sách Trí Tuệ… Mình đã lang thang biết bao buổi trưa ở những nhà sách này, mình đọc khao khát, mình hít hà mùi sách mới, những quyển sách vừa mới xuất bản, vừa mới ra mắt. Nhưng mình toàn đọc trộm, lúc đó mình làm gì có tiền mà mua sách mới, tiền ăn còn không đủ ấy chứ nói gì đến những thứ khác. Sợ các cô bán sách phát hiện, mình không dám dừng lâu ở một chỗ nào cả, mình cứ đi lòng vòng rồi lại quay lại đọc rồi lại đi lòng vòng, nhiều lúc chóng cả mặt.

Nhưng ngỡ ngàng nhất là đường Láng – phố sách cũ Hà Nội. Vì là sách cũ nên giá rất rẻ, rất phù hợp với lũ sinh viên nghèo. Nhưng mình nghe nói là có những quyển sách cũ nhưng rất có giá trị, càng cũ càng giá trị, được nhiều người săn lùng cũng có ở trên đường Láng này, chỉ có điều bạn phải chịu khó tìm kiếm mà thôi. Dạo đó, chỉ với hai nghìn đồng, mình đã mua được vài ba quyển sách cũ. Mình đã gặp được rất nhiều người bạn mới ở trên con đường sách cũ Hà Nội này.

Đấy là còn chưa kể đến hồi đó ở trên Hà Nội người ta tổ chức rất nhiều hội chợ, không phải là hội sách, người ta bán đủ các thể loại hàng hóa, nhưng thể nào cũng phải kèm theo một gian hàng bán sách. Trường Đại học Văn hóa ở gần Trung tâm hội chợ triển lãm Giảng Võ nên mình cùng lũ bạn hay ra đấy để ăn thử xúc xích, uống bia miễn phí và đương nhiên là mình sẽ lẻn đi để xem sách. Nói xem sách bởi tại hội chợ thì khó mà đứng đấy để đọc được.

Có thể khẳng định rằng với mình Hà Nội là thế giới của sách. Đâu đâu cũng có sách. Sách là nét đẹp, là văn hóa của Hà Nội. Thấy Hà Nội là thấy sách.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Phạm Như Hoa. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Nhớ gì khi xa Hà Nội
    Thanh xuân tươi đẹp nhất của tôi gắn bó cùng Hà Nội. Đó là quãng đời sinh viên tươi vui, hồn nhiên được cùng các bạn đồng trang lứa sinh sống và học tập giữa lòng Thủ đô, dưới mái trường Học viện hành chính Quốc gia. Lần đầu tiên bước ra khỏi ngưỡng cửa an toàn của gia đình, Hà Nội đã hiếu khách đón nhận, ôm tôi vào lòng, gieo vào tâm hồn thật nhiều kỉ niệm đặc biệt. Để rồi sau khi ra trường, trở về quê hương công tác, lòng tôi lại bồi hồi xao xuyến mỗi khi nhớ về Hà Nội với những hồi tưởng xuyến xao về quãng đời sinh viên.
  • Tô thắm Hà Nội bốn mùa hoa
    Có lẽ hiếm có Thủ đô của đất nước nào trên thế giới lại có đủ thời tiết đặc trưng của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, cùng với đó là thiên nhiên tuần hoàn luân chuyển quay vòng bốn mùa như Hà Nội. Để tạo nên diện mạo của Thủ đô, ngoài các công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh… thì còn có cả hệ thống cây xanh và hoa cỏ được trồng khắp các nẻo đường của Hà Nội.
  • Một thoáng Thủ đô, một đời vương vấn
    Tôi đến Thủ đô vào một ngày hè chói chang nắng lửa. Cảm giác nóng nực không ngăn nổi sự hiếu kì trong tôi về mảnh đất ngàn năm văn hiến, về những con người tao nhã, văn minh. Tôi thả hồn phiêu diêu qua từng con phố, lắng tai nghe nhịp thở của Hà thành mà nao nao hồi tưởng về những điều mình đã đọc, đã biết về lịch sử, con người nhân kiệt nơi đây.
  • Giai nhân trong bức ảnh Hà thành bất tử
    Nhân dịp 70 năm giải phóng Thủ đô xin được dâng truyện ngắn này như một nén nhang thơm để tưởng nhớ những nghĩa sĩ anh hùng đã dâng hiến đời mình cho cuộc chiến đấu giải phóng Thủ đô. Trong đó có vợ chồng ông Hai Hiên. Hai Hiên - vị lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa “Hà thành đầu độc” năm 1908. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng đã làm chấn động 3 cõi Đông Dương khiến Paris phải run sợ. Ông Hai Hiên lúc đó mới ngoài 30 tuổi, bị thực dân Pháp xử tử chặt đầu, rồi treo thủ cấp ở Cửa Đông thành, nhằm uy hiếp tinh th
  • Nắng thu theo lối tôi về Hà Nội
    7 giờ sáng, đáp xuống nơi Thủ đô, trái tim của cả nước, tôi lại càng tự hào vì là người con Việt Nam. Đã lâu lắm rồi, kể từ ngày tôi xa nơi đây, hân hoan lắm, 7 tiếng trên máy bay đem tôi về quê nhà. 7 năm xa nhà, tôi từ nơi xa học và làm việc trở về nhưng ký ức của tôi và nơi này không thể xóa nhòa. Từ trên máy bay và từ sân bay về trung tâm, tôi càng thấy sự thay đổi rõ rệt của một Hà Nội chuyển mình, hiện đại, văn minh.
  • Cả nhà ước năm mới
    Đêm 30, sau khi tôi và Thạo (con cả của tôi) chuẩn bị xong mâm cúng giao thừa, như đã thống nhất, cả nhà quây quần bên bàn trà để cùng nhau mơ ước.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Thấy Hà Nội là thấy sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO