Nhà số 79 phố Nguyễn Hữu Huân, cơ sở của Trung ương Đảng thời kỳ 1936 - 1939 (quận Hoàn Kiếm)
Cơ sở cách mạng của Đảng Cộng sản Đông Dương thời kỳ 1936 - 1939 đóng tại số nhà 79 phố Nguyễn Hữu Huân, thuộc phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Năm 1935, với sự thắng lợi của Mặt trận nhân dân Pháp, bọn cầm quyền Pháp ở Đông Dương buộc phải thay đổi một phần chính sách cai trị; một số quyền tự do dân chủ được thực hiện; một số tù chính trị được trả tự do, lần lượt trở về Hà Nội tiếp tục hoạt động; một nhóm hoạt động bí mật gồm các đồng chí Lương Khánh Thiện, Nguyễn Văn Phúc... Nhóm công khai có các đồng chí Đặng Xuân Khu (Trường Chinh), Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt)... Tháng 3/1938, Xứ uỷ Bắc Kỳ chính thức được thành lập gồm các đồng chí Hoàng Hữu Tú, Nguyễn Văn Cừ, Đặng Xuân Khu, Nguyễn Văn Minh... Đồng chí Đặng Xuân Khu vừa là xứ uỷ viên, vừa là Bí thư chi bộ báo chí.
Bị giặc Pháp bắt giam từ năm 1930, đến tháng 11/1936 được trả tự do, từ nhà tù Sơn La, đồng chí Đặng Xuân Khu đã về quê, rồi ra Hà Nội ở 79 Nguyễn Hữu Huân để tiếp tục hoạt động cách mạng. Ngày 18/11/1982, đồng chí Trường Chinh đã cho Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Thành uỷ Hà Nội ghi lại cuốn băng về thời kỳ này như sau: “... Còn về sau, có nhà ông bà cụ Lý Tú bán đồ gỗ (...). Hồi chiến tranh thế giới thứ hai tôi có vào nhà ấy, do tôi ở Sơn La về, có cháu cụ Lý Tú là anh Bùi Văn Thụ cùng ở tù Sơn La về trước tôi, giới thiệu tôi với cụ Lý Tú. Khi tôi ra tù, tháng 11/1936 bị quản thúc tại quê (Xuân Trường, Nam Định), nhưng tôi cứ ra Hà Nội, đến đây ở. Mật thám hỏi tại sao lại ra đây? Tôi bảo ở nhà quê không có đất, không có gì sinh sống. Nó hỏi: Thế làm gì ở đây? (...) Tôi nói chỉ ở đây vài tháng rồi về báo. Khi bí mật ở đây, tôi đi khai hội (tức đi hoạt động cách mạng) phải hoá trang. Sáng đi ra ngoại thành, tối về ngủ (vì đi đêm nó nghi nên phải đi ban ngày). Còn hoá trang thì không phải vẽ mặt vẽ mày gì đâu, mà chỉ mặc áo the, khăn xếp, đi ô, đeo kính râm.
Nhà này tốt, nhiều đồng chí thân quen tôi cũng hay đến, sau dãy nhà này làm cơ sở hội họp công đoàn”.
Nhà 79 Nguyễn Hữu Huân được xây dựng từ đầu thế kỷ XX. Gia đình cụ Lý Tú, chủ nhân của ngôi nhà này, thời kỳ 1936 - 1939 đã từng nuôi dưỡng, che giấu nhiều cán bộ cách mạng của Đảng, trong đó có đồng chí Trường Chinh, sau này trở thành Tổng Bí thư của Đảng. Đến nay, ngôi nhà đã qua tay nhiều chủ, qua nhiều lần sửa chữa làm thay đổi rất nhiều so với kiến trúc ban đầu.
Nhà số 79 phố Nguyễn Hữu Huân đã được Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội gắn biển di tích cách mạng - kháng chiến./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02