Văn hóa – Di sản

Nguyễn Phan Lãng – nho sĩ tân học yêu nước

Nguyễn Tiến Thịnh 15/11/2023 16:52

Nguyễn Phan Lãng (1870 - 1951), hiệu Đàm Xuyên, quê ở xã Tây Tựu, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay thuộc huyện Từ Liêm, ngoại thành Hà Nội).

Là một Nho sĩ yêu nước, ông từng làm cộng tác viên, tham gia soạn bài và giảng bài cho trường Đông Kinh nghĩa thục. Các bài giảng của ông nhằm tuyên truyền, thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân. Sau đó, thực dân Pháp đã đàn áp các nhà giáo, cấm lưu hành các tác phẩm của trường Đông Kinh nghĩa thục, nhà trường dần bị mai một, tan rã. Sau khi Đông Kinh nghĩa thục bị cấm hoạt động, Nguyễn Phan Lãng chuyển sang làm báo cho Nam Phong tạp chí, tuy nhiên ông chỉ cộng tác với Nam Phong tạp chí trong một thời gian ngắn.

nam-phong-tap-chi.jpg
Nam Phong Tạp chí.

Nguyễn Phan Lãng không chỉ là một nhà Nho mà còn là một nhà thơ yêu nước. Hầu hết các sáng tác của ông đều thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc, đả kích chính sách mị dân, lừa bịp của thực dân Pháp. Khi còn dạy ở trường Đông Kinh nghĩa thục, ông có một số bài viết tiêu biểu như Cần học đúng viết năm 1907 (trước đây có tài liệu cho là Khuyết danh), nhằm lên án lối học thực dụng của Tây Âu, phê phán lối học phong kiến lỗi thời, đề cao và khuyến khích học chữ Quốc ngữ, nhấn mạnh coi chữ Quốc ngữ là chữ viết chính thống của dân tộc. Bài Thiết tiền ca (Bài ca đồng tiền sắt) tố cáo hành động vơ vét tài sản quốc gia của thực dân Pháp, cho lưu hành tiền đúc bằng sắt tây để thu lại bạc nén và tiền đồng trong nước. Mặt khác, Nguyễn Phan Lãng làm thơ nhằm chỉ cho người dân thấy rõ bản chất của thực dân Pháp đang thao túng toàn bộ đất nước, làm cho dân đói, dân khổ để dễ bề cai trị:

Trời đất hỡi! Dân ta khốn khổ,

Đủ trăm đường thuế nọ thuế kia.

Lưới vây chài quét trăm bề,

Róc xương, róc thịt còn gì nữa đâu.

Như nhiều văn nhân nho sĩ yêu nước khác, Nguyễn Phan Lãng thấy rõ tội ác của quân xâm lược và nỗi khổ của đồng bào với đủ loại thuế khóa, lao dịch. Trên cơ sở đó, ông nhấn mạnh ý thức căm thù giặc và khơi gợi tinh thần yêu nước:

Chợt lại thấy bắt tiêu tiền sắt,

Thoạt tai nghe bần bật khúc lòng!

Trời ơi có khổ hay không?

Khổ gì bằng khổ mắc trong cường quyền.

Họ khinh lũ đầu đen không biết,

Đem mẹo lừa giết hết dân ta.

Bạc vào đem sắt đổ ra,

Bạc kia thu hết sắt mà làm chi?

(Thiết tiền ca)

Có thể nói, đây là bài thơ có sức ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng nhân dân, chứa đựng cảm xúc cay đắng đầy chua xót của tác giả. Vì bài thơ được viết theo thể song thất lục bát nên dễ hiểu, dễ thuộc. Thiết tiền ca được truyền tụng khắp nơi. Phong trào phản đối dùng tiền sắt diễn ra gay gắt đến mức thực dân Pháp cũng đành phải ngừng phát hành loại tiền này.

Khi nhắc đến sự nghiệp của Nguyễn Phan Lãng thì không thể không nói đến hai tác phẩm: Tiếng quốc kêu (Chân Phương ấn quán xuất bản, 1925) và Mơ tổ mắng (Chân Phương ấn quán xuất bản). Tiếng quốc kêu là bài thơ được viết theo thể lục bát. Nguyễn Phan Lãng đã lấy tiếng kêu của chim cuốc để cho thấy tiếng kêu của đất nước, của nhân dân. Từ đó gián tiếp kêu gọi tinh thần ái quốc của đồng bào, cổ vũ nhân dân đấu tranh đòi tự do độc lập. Tuy nhiên tác phẩm khi mới in ra đã bị cấm lưu hành. Khác với Tiếng quốc kêu, tác phẩm Mơ tổ mắng được Nguyễn Phan Lãng viết theo thể thất ngôn trường thiên. Nội dung tác phẩm Mơ tổ mắng kế câu chuyện nằm mơ gặp vua Hùng, bị vua Hùng trách mắng vì để đất nước vào tay giặc mà cam chịu làm tay sai, nô lệ, không giữ được truyền thống của tổ tiên, bàng quan thờ ơ trước hiện trạng đất nước... Về bài thơ này, Nguyễn Vinh Phúc nhận xét:“Lời thơ rắn đanh, nghiêm khắc và thống thiết, kêu lên tất cả nỗi xót đau trong một trái tim đang ứa máu trước hiện tình của nòi giống, nước nhà. Với nội dung đầy nhiệt tình yêu nước như vậy, Mơ tổ mắng lại có một hình thức rất lưu loát, nhịp nhàng về vần điệu, dồi dào về hình ảnh” (Từ điển Văn học – Bộ mới, 2004)). Ngoài ra, ông cũng tham gia dịch một số sách, tiểu thuyết như Hoàng Lê nhất thống chí, Đông Chu liệt quốc, Liêu trai chí dị, Hồn Hoa...

Những tác phẩm mà Nguyễn Phan Lãng để lại không nhiều nhưng cũng đủ là minh chứng cho một nhà Nho nặng lòng với dân tộc, khao khát chấn hưng học thuật nước nhà, bồi dưỡng nhân tài. Hơn thế, một số tác phẩm của Nguyễn Phan Lãng còn cho thấy những đóng góp không nhỏ của ông về tư tưởng, cách nhìn và điểm nhìn mới mẻ với xã hội đương thời, tích cực tiếp thu cái mới mẻ, tiến bộ và lên án cái lạc hậu, lỗi thời./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Trần Khánh Dư – danh tướng thủy binh
    Trần Khánh Dư người huyện Chí Linh (Hải Dương), chưa rõ năm sinh, mất năm 1339, dòng dõi tôn thất nên được phong tước Nhân Huệ vương. Khi quân Nguyên mới sang xâm lược nước ta, ông thường nhằm chỗ sơ hở đánh úp, Trần Thánh Tông khen là có chí lược, lập làm thiên tử nghĩa nam (con nuôi vua). Khi đánh dẹp ở miền núi thắng lớn, được phong chức Phiêu kỵ đại tướng quân. Rồi từ tước hầu, do được vua yêu, thăng mãi lên Thượng vị hầu áo tía, giữ chức phán thủ. Sau vì tư thông với công chúa Thiên Thụy, con dâu của Trần Quốc Tuấn nên bị cách hết quan tước, tịch thu sản nghiệp, phải lui về ở Chí Linh làm nghề bán than.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn Phan Lãng – nho sĩ tân học yêu nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO