Người dân Huế đổ xô vào rừng tràm săn đặc sản “trời cho”
Sau những cơn mưa, người dân ở Thừa Thiên - Huế đi tìm nhổ loài nấm có vị đắng được ví như là đặc sản xứ Huế “trời cho” con người mọc ở dưới các tán cây keo tràm và có thể kết hợp chế biến thành nhiều món ăn ngon.
Vào rừng từ sớm để “săn đặc sản trời cho”
Những ngày gần đây, nhiều người dân ở tỉnh Thừa Thiên – Huế có mặt từ sáng sớm trên các đồi núi rừng trồng để nhổ nấm tràm sau những cơn mưa đầu mùa và sau đó đưa về bán cho thương lái hoặc sử dụng cho nhu cầu bữa ăn của gia đình nếu nhổ được ít. Nấm tràm mọc nhiều các khu vực người dân trồng keo tràm ở Thừa Thiên – Huế như huyện Phú Lộc, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà, huyện Phong Điền…
Theo ghi nhận của PV Tạp chí Người Hà Nội tại khu vực rừng keo tràm ở xã Dương Hòa (thị xã Hương Thủy) cho thấy, nhiều xe máy của những người dân đi hái nấm để bên các ngả đường vào khu vực có rừng keo tràm. Trên các sườn núi nhiều người nói chuyện rôm rả vui vẻ. “Hôm nay tôi cùng người bạn mỗi người nhổ được khoảng 3kg và đủ để sử dụng làm bữa ăn cho gia đình thưởng thức do không quen biết đường đi vào rừng sâu, và đi sau người ta nên chỉ nhổ ở khu vực gần nên được ít” – anh Nguyễn Văn Xuân (trú ở phường Thủy Phương, thị xã Hương Thủy) mới trên sườn núi xuống chỗ để xe của mình nói.
Cứ đến dịp, người dân ở tỉnh Thừa Thiên - Huế lại vào các đồi núi rừng keo tràm nhổ nấm tràm. Nấm tràm mọc nhanh lên và tàn nhanh ở dưới tán cây keo tràm sau những cơn mưa đầu mùa nên người dân rộn ràng tranh thủ và luồn lách qua các cây keo tràm để nhổ mặc cho trời mưa ướt hoặc nắng.
“Mùa này, nấm mọc thưa nên phải đi leo nhiều đồi rừng keo tràm mới có được, trong khi đợt mới chưa mọc khiến nhiều người không biết đường đi hoặc những người không nắm được vùng hay có nấm thì tìm không ra chỗ” – anh Đỗ Ngọc Nhật (trú xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy) đi hái nấm về và đang đứng kề bên chiếc xe máy với bộ quần áo ướt đẫm mồ hôi kể cho biết.
Khu vực rừng keo tràm xã Bình Thành (thị xã Hương Trà) và dọc theo QL49 đoạn qua xã Hương Thọ (TP. Huế) đều có thương lái chờ mua nấm tràm với người đi nhổ. Tại ngã 3 ở khu vực này đều diễn cảnh mua bán nấm và “Tùy theo từng loại mà tôi mua với giá dao động từ 35 nghìn đồng – 50 nghìn đồng/1kg, có hôm tôi chờ ở đây (cầu treo Bình Thành – PV) mua được khoảng 1 tạ đưa về TP. Huế tiêu thụ” – chị Hương (thương lái từ TP Huế lên khu vực xã Bình Thành mua nấm tràm) chia sẻ.
Đặc sản “trời cho” có vị đắng
Nấm tràm có hình dáng đẹp và thường có màu nâu tím, đây là loại nấm có thể kết hợp chế biến được nhiều món ăn ngon nhưng vẫn giữ được vị đắng đặc trưng và người dân ví như đặc sản xứ Huế “lộc trời cho” con người. Cụ thể, nấm tràm nấu canh với rau khoai lang và nấu cháo có vị đắng nhẹ hoặc có thể xào với thịt lợn.
Bên cạnh đó, nấm tràm có thể bảo quản được lâu để sử dụng như sấy khô hoặc luộc sơ qua để cấp đông trong tủ lạnh để sử dụng hay bán.
Trong một năm, nấm tràm chỉ mọc lên hai lần là tháng 4 và tháng 7 Âm lịch sau những ngày mưa. Mỗi lần chỉ kéo dài khoảng một tháng với nhiều đợt mọc và mỗi đợt mọc kéo dài khoảng một tuần là tàn (tùy vào thời tiết mưa nắng).
Đến mùa, nấm tràm cũng tạo thu nhập cho nhiều người dân ở gần khu vực rừng núi keo tràm và cung cấp các món ăn ngon cho nhiều người thưởng thức.
Theo từ điển Bách khoa mở Wikipedia, nấm tràm có tên khoa học là Tylopileus phân bố ở vùng Đông Bắc châu Âu, vùng Bắc Mỹ… Ở Việt Nam, nấm tràm có nhiều nhất ở các tỉnh miền Trung như Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế. Ngoài ra nấm tràm cũng có nhiều ở đảo Phú Quốc.