Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Một thoáng Hương Sơn

Phan Anh 04/04/2023 14:58

Năm Canh Dần - 1770, nhân một chuyến tuần du, Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm mới có dịp được vãng cảnh chùa Hương. Ngắm nhìn hang động và phong cảnh sơn thủy hữu tình của chốn tùng lâm này nhà chúa đã phải thốt lên và công nhận đây là động đẹp nhất trời Nam: “Nam thiên đệ nhất động”.

cap_treo_huong_binh.jpg
Quần thể danh thắng Hương Sơn cách Hà Nội khoảng chừng 60 kilomet về phía Nam, nằm trên địa bàn huyện Mỹ Đức. (ảnh: internet)

Và cách đây hơn một thế kỷ (một trăm linh bốn năm), lễ hội chùa Hương cũng đã được học giả Thượng Chi (Phạm Quỳnh) nhắc đến là một nơi “trẩy lễ có tiếng” ở Bắc Kỳ. Rồi, Tam nguyên Đệ nhất giáp Vũ Phạm Hàm đánh giá quần thể non nước Hương Sơn là “tiểu sơn lâm mà có đại kỳ quan” và thốt lên “Người tai mắt chốn nhân gian/ Ai chẳng đến Hương Sơn thì cũng tục”. Còn thi sỹ “bầu rượu túi thơ” của vùng núi Tản sông Đà hết lời ca ngợi: “Chùa Hương trời điểm lại trời tô/ Một bức tranh tình trải mấy thu/ Xuân đến xuân đi không dấu vết/ Ai về ai nhớ vẫn thơm tho”. Chẳng vậy mà bao đời nay miền đất phật Hương Sơn đã thu hút sự mến mộ và trở thành niềm ước ao, niềm cảm hứng bất tận của các văn nhân và biết bao người trong thiên hạ.

“Chốn tùng lâm sơn kỳ thuỷ tú”

Quần thể danh thắng Hương Sơn cách Hà Nội khoảng chừng 60 kilomet về phía Nam, nằm trên địa bàn huyện Mỹ Đức. Theo các nhà địa chất, quần thể này là một bộ phận hợp thành của dải núi đá vôi chạy từ Lai Châu, Sơn La kéo xuống Hoà Bình, Hà Nội, qua vùng non Tản đến Mỹ Đức sang Hà Nam, Ninh Bình rồi vào Thanh Hoá. Khu vực núi Hương Sơn có độ cao trung bình từ 100 mét đến 300 mét, trong đó đỉnh Thiên Trù cao 378 mét. Theo lịch sử trái đất, dải núi đá vôi này có tuổi đời cách ngày nay khoảng từ 270 triệu năm đến 220 triệu năm (kỷ Trias). Dải núi đá vôi chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam này trong điều kiện của miền khí hậu nhiệt đới, mưa nhiều nên đã tạo, uốn thành nếp các dãy núi, hình thành nên sông nên suối (sông Thanh Hà, suối Yến, suối Tuyết) và xâm thực mạnh vào trong lòng núi đào thành các hang, các động với rất nhiều thạch nhũ, măng đá từ trên thò xuống, từ dưới mọc lên rất đẹp (hang Dơi, hang Rắn, động Bồng Lai, động Linh Sơn, động Tiên Cảnh, động Hương Tích, động Vân Thuỷ, động Đại Binh…). Nước mưa xối vào các khe núi làm đá nứt nẻ, lởm chởm tạo thành các đỉnh núi tai mèo với muôn hình vạn dáng kỳ thú bao quanh các thung lũng (núi Sư Tử, núi Hàm Long, núi Trống, núi Chiêng, núi Voi Phục, núi Gà, núi Yên Ngựa …).

Cùng với quần thể núi non hùng vĩ trùng trùng điệp điệp giống như bức trường thành với bao hình thế kỳ ảo, đất phật Hương Sơn còn nằm trên bãi bồi của dòng sông Đáy. Dòng sông thơ mộng chảy từ Phúc Thọ đến Hà Đoạn rồi ôm lấy bãi Nương, uốn lượn dưới những chân núi đá vôi từ Đông sang Nam. Xưa hơn nữa Hương Sơn còn có sông Thường Vệ cắt chéo từ Tây Bắc sang Đông Nam đổ ra Đục Khê (bến Đục). Và từ bến Đục vào chân núi Thiên Trù, động Hương Tích, chốn thiền môn ấy còn có suối Yến giống tựa một dòng sông nhỏ đẹp như mộng như mơ. Con suối ấy giống như một dải lụa trắng mềm mại hiền hoà, dài khoảng chừng 4 km, uốn lượn quanh co giữa hai triền núi tạo nên một phong cảnh ngoạn mục, hài hoà giữa non và nước, nhìn tựa một bức tranh thuỷ mặc. Chính cái đặc điểm địa hình sơn thuỷ hữu tình ấy đã làm cho chùa Hương nức tiếng khiến bao người mơ ước được đặt chân đến để chiêm bái dù chỉ là một lần trong đời: “Bầu trời cảnh bụt/ Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay”.

Chùa Hương hùng vĩ và đẹp đẽ qua dáng núi hình sông thì hẳn là chưa đủ. Vẻ đẹp của miền đất phật linh thiêng đó còn rất trữ tình và lãng mạn. Từ bến Đục Khê du khách mặc sức thả hồn theo dòng Yến Vĩ (suối có hình dáng giống chiếc đuôi của con chim yến đang xoè rộng) trên những chiếc đò để ngắm bầu trời đất bụt với cây lá với mùa nào hoa nấy và dáng hình núi non tụa như hòn non bộ của tạo hoá đang bày ra trước mắt. Bồng bềnh trên suối Yến ta dường như có cảm giác như đang được nhẹ trôi trên dòng Hương giang của đất Huế cố đô bởi cái lững lờ, chầm chậm của dòng nước. Chỉ trong khoảng chừng vài ba cây số và trong quãng thời gian chừng ngót một tiếng ngồi đò nhưng ta có thể cảm nhận được bao điều kỳ diệu trước bức tranh non nước hùng sơn thuỷ tú khá phong phú sắc màu. Chốn tuyền lâm có sông có suối, có đồng bằng có non xanh, có hang động có thung quèn… Khi mặt trời dần buông, mái chèo khua nước ì oạp vang lên để rồi rơi vào một không gian giữa bốn bề tĩnh mịch, bảng lảng khí núi dâng lên khiến cho chốn sơn lâm đất phật thêm phảng phất hơi thiền. Cái bầu không khí dường có dường không ấy thoắt hiện làm cho hồn người bỗng nhẹ bỗng như tơ, buông bỏ hết não phiền. Bất giác trong tâm tưởng lại hiện về đâu đó câu thơ: “Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái/ Lửng lơ khe Yến cá nghe kinh”.

Cứ thế, mê mải giữa cái dịu dàng của trời mây sông nước, mặc cho con đò lặng lẽ, chầm chậm tiến về cửa thiền, du khách như được lắng lại lòng mình trong sự hồi tâm ta mới thấy sự huyền diệu của dòng nước đuôi chim; mới thấy sự tinh tế của tạo hoá khi bày đặt ra con đường hành hương về bến ngộ. Giá như đường bộ tiến thẳng từ những con lộ đến cổng Thiên Trù thì sao nhỉ? Có lẽ cũng được nhưng danh thơm Hương Sơn hẳn sẽ đâu còn. Lòng người hướng phật đâu có được tâm thanh. Bỗng dưng ta ao ước, thèm muốn có được cái cảm giác tiêu du của cụ Thượng (Phạm Quỳnh) trong cái cảnh: “trời sáng trăng suông, gió hơi hiu hắt, thuyền giương buồm chạy, lên bến Đục Khê. Đêm khuya thanh vắng, sông rộng bờ cao, giữa khoảng trời nước long lanh, tiếng ca nhi thánh thót, giọng du tử hề hà, cũng phảng phất được ít nhiều cái thú của các bậc cao nhân danh sĩ đời xưa lấy bầu rượu túi thơ mà sánh với non xanh nước biếc”. Và rồi mới thấy sự tinh tế của Yến Lan khi bảo rằng: “Nhưng tất cả chưa phải là Hương Tích/Nếu ngoài kia không nổi một con đò”.

Đúng thế, không có con đò, không có suối Yến, Hương Tích sẽ chẳng thể nào là Hương Sơn. Suối Yến như thể bộ y phục trang điểm cho quần thể danh thắng. Với mỗi mùa một vẻ. Mùa xuân con suối nhộn nhịp những chuyến đò vào ra của khách thập phương nô nức kéo về trẩy hội trong muôn đốm lửa đỏ trời hoa gạo thấp thoáng bên những sườn non và trắng trời hoa mơ trên các triền núi dọc trong thung lũng lại khiến ta nôn nao mơ về cái cảnh: “Thơ thẩn đường chiều một khách thơ/ Say nhìn xa rặng núi xanh lơ/ Khí trời lặng lẽ và trong trẻo/ Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ” (Nguyễn Bính). Khi hè sang, suối Yến không còn cái náo nhiệt của mùa trẩy hội nhưng bù lại nó có cái tĩnh lặng, thoáng đãng, trong lành, mát mẻ của hơi nước, rừng xanh, núi thẳm, động sâu khiến cho người đến như ném bỏ được cái oi nồng, bức bối cùng những bụi trần để thoát tục. Sang thu, suối Yến và Hương Sơn đẹp như một bức tranh Tàu. Trên bờ, bên núi những vạt lau nở hoa trắng muốt, dọc hai bên suối những chòm hoa súng nở rộ, tím biếc trong nắng mài vàng ươm như mật rót. Thấp thoáng những con thuyền nhỏ khẽ khàng khua dòng nước trong leo lẻo rẽ vào các con lạch, xuyên qua các ngách núi đưa khách vãn cảnh, chụp hình trong chốn bình yên giữa trời xanh, mây trắng khiến lòng người không khỏi chênh chao, đắm say, lâng lâng, sảng khoái. Đến khi Đông về, suối Yến và Hương Sơn dường như vắng vẻ hơn. Nó có cái yên ắng trong giá lạnh khiến cho khách hành hương tĩnh tâm hơn khi về chốn phật. Đâu đó trên những cành cao ta thấy vẳng lên tiếng hót véo von của tiếng chim rừng, của âm thanh xào xạc lá bay … Và vẫn còn nguyên đó sắc mùa thu của muôn ánh tím hồng. Hàng ngàn bông súng căng tràn nhựa sống đua nhau bung nở, khoe sắc trên mặt nước bất chấp cái giá buốt của những tháng ngày đông lạnh làm cho cảnh vật đẹp đến nao lòng.

Đệ nhất động hỏi rằng đây có phải”.

Xưa, nhà chúa phong cho Hương Sơn là “Nam thiên đệ nhất động” trong thế tương quan với Tam Cốc - Bích Động, được phong là “Nam thiên đệ nhị động”. Nay ngôi vị ấy liệu có còn chăng, nhất là khi những phát hiện mới về các hang động ở Quảng Bình. Thực tế, giờ đây, nếu nói về hang động phải là Quảng Bình. Lúc còn sống nhà văn tài hoa Chu Văn Sơn đã từng viết Quảng Bình là “vương quốc hang động”, “thành bang hang động”. Ông đã từng đến Sơn Đoòng và khẳng định đó là một hang động vô đối. Chỉ phác qua thế này: “Sơn Đoòng còn đứng đầu cả cái đại tộc hang động rải khắp hành tinh. Sở hữu một hang lớn nhất thế giới với chiều dài hơn 9 km, rộng 150 m, vòm trần có chỗ suýt soát 250 m, còn sông ngầm thì quanh co đến cả 20km, và những hố sụt cùng thạch nhũ thì kỳ vĩ chưa từng thấy ở bất cứ đâu” thì cũng đủ thấy động Hương Tích còn rất khiêm tốn, chưa thể nào kỳ vĩ nhất.

Nhưng Hương Tích khác Sơn Đoòng ở chỗ có “hơi người” sớm hơn. Sơn Đoòng phải mãi đến đầu thập niên chín mươi của thế kỷ trước (năm 1991) mới được tìm thấy. Theo truyền thuyết Hương Tích bén hơi người cách đây trên 2000 năm. Cái tên Hương Sơn của miền đất phật này được bắt nguồn từ cái tên của một “ngọn núi ở phía Bắc Tuyết Sơn, thuộc dãy Himalaya - Ấn Độ, nơi Đức Phật Tổ xuất gia khổ luyện, tu hành đắc đạo, rồi đem trí tuệ siêu việt cùng bình nước cam lồ và cành dương liễu đi giáo hóa chúng sinh”. Còn đương thời các triều đình phong kiến nước ta cũng từng vãng cảnh Hương Sơn từ rất sớm. Từ thế kỷ thứ X, vua Lý Thánh Tông đã từng đến đây ngự và đặt tên Thiên Trù. Rồi đến thế kỷ XV, Hương Sơn được các hoà thượng tìm đến lập am cỏ thờ phật. Kể từ đây phật giáo và thiên nhiên được Việt hoá và lịch sử hoá để trở thành cõi phật của người Việt, “cõi tâm linh của đức bà Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn, khuyến Thiện trừng Ác”. Truyền thuyết đất phật Hương Sơn bảo rằng, Quan Thế Âm Bồ Tát đến động Hương Tích gắn liền với sự tích công chúa Diệu Thiện, con gái thứ ba của Diệu Trang Vương. Công chúa đã từ chối tất cả những cao sang, quyền quý; vượt qua mọi trở ngại khó khăn để tu hành đắc đạo nhằm cứu hộ chúng sinh. Phật Bà Quan Âm đã giáng thế nhập niết bàn chốn Hương Tích mang theo bóng hình của một bà mẹ Việt Nam nhân từ cứu khổ cứu nạn cho muôn dân: “Rằng trong cõi nước Nam ta/ Chùa Hương có Đức Phật Bà Quan Âm”.

Động Hương Tích là có nghĩa dấu thơm. Người ta kể rằng Đức Nam hải Quan Thế Âm Bồ Tát thủa xưa tu hành rồi đắc đạo tại chốn này. Đứng từ xa trông lại động như một con rồng chúa đang há miệng vờn ngọc. Trong động có đường lên trời và lối xuống âm phủ. Đường lên trời là một dốc đá càng leo càng cao. Lối xuống âm phủ là một khe sâu thăm thẳm như thể đi vào trong lòng đất. Động rộng, hun hút chứa được ngàn người. Thạch nhũ nằm giữa động có tên gọi là đụn gạo. Trong lòng động trên trần có nhũ đá buông xuống, dưới sàn có măng đá nhô lên nhìn rất đẹp. Đặc biệt ở chùa Hương có rất nhiều tượng quý nhưng quý nhất là pho tượng Phật Bà Quan Âm tạc bằng đá xanh thời Tây Sơn Cảnh Thịnh năm thứ hai (1793) và để trong động Hương Tích (do quan võ Nguyễn Nhật Huy cung tiến). Ngắm nhìn tượng đá trong trầm nhang quấn quện bất chợt lại nhớ đến vần thơ của ai đó thủa xưa truyền lại:“Tượng đá trong hang mãi chẳng già/ Trăm năm rung động nét tài hoa/ Mắt người chưa thấy dung nhan Phật/ Mà tự tay người Phật hiện ra”.

Năm 1770, Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm đến thăm thú Hương Sơn cảm mến sơn thuỷ hữu tình mà khắc lên vách đá năm chữ để bày tỏ sự thích thú, mãn nguyện với cảnh vật đất trời ở chốn linh thiêng bồng lai miền hạ giới: “Nam thiên đệ nhất động”. Có thể khi đó nhà chúa chưa biết đến những hang động ở Quảng Bình nhưng ít nhiều cũng đã biết đến nhưng hang động ở Hạ Long và ở Ninh Bình. Vẻ đẹp của những hang động ở đấy hẳn cũng không kém gì động Hương Tích nhưng chúa Trịnh chỉ xếp hàng đệ nhị thôi (Bích Động được chúa Trịnh Sâm đánh giá là Nam thiên đệ nhị động - động đẹp thứ hai ở trời Nam). Hình như, chúa Trịnh cũng như người dân xứ Đoài, Hà Nội đã dùng tâm linh, tâm thức làm thước đo chiều cao của núi, vẻ đẹp của động, tức là không dựa nhiều vào hiện thực của tự nhiên để đánh giá. Chẳng thế ca dao người xứ Đoài mới có câu “Nhất cao là núi Ba Vì/ Thứ ba Tam Đảo thứ nhì Độc Tôn” (núi Ba Vì cao 1296 m, núi Tam Đảo cao 1581 m). Có lẽ vậy, hẳn là như thế nên nhà chúa mới bảo rằng Hương Tích là động đẹp nhất trời Nam, thậm chí còn khắc lên vách đá năm chữ “Nam thiên đệ nhất động” để lưu dấu và hết lời ngợi ca. Nếu tính như thế hẳn bây giờ Hương Tích vẫn “vô đối” với danh xưng “Nam thiên đệ nhất động”.

Quần thể Hương Sơn không chỉ mang vẻ đẹp của tạo hoá ban tặng mà còn có những vẻ đẹp do đôi bàn tay con người làm nên. Nơi ấy còn lưu dấu nhiều lớp trầm tích văn hoá của nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau. Dọc theo những dòng suối, quần thể chùa Hương có hơn chục ngôi chùa thờ phật, chưa kể những ngôi đình thờ thần. Chùa nào cũng đẹp, cũng mang đậm những nét cổ kính, rêu phong. Trong số các chùa ấy, chùa Thiên Trù, trung tâm của quần thể Hương Tích là một công trình ấn tượng trong lòng du khách. Sử chép chùa Thiên Trù do vua Lê Thánh Tông đặt tên. Chuyện kể rằng: trong chuyến tuần thú phương Nam lần thứ hai, vua Lê Thánh Tông dừng chân ở vùng núi Hương Sơn, nghỉ lại ở thung lũng núi Lão. Vua thưởng ngoạn cảnh sắc thiên nhiên thấy đẹp liền xem thiên văn của núi này. Vua thấy núi Lão ứng với vị trí của Thiên Trù Tinh (Bếp Trời, một ngôi sao chủ về ăn uống) nên đặt tên cho thung lũng núi Lão là Thiên Trù. Sau lần đó, tam vị Hoà thượng (Tỷ Tổ Bồ Tát) chống Thuyền trượng tới đây dựng thảo am để tu hành và đặt tên là Thiên Trù Tự (chùa Thiên Trù). Chùa Thiên Trù xưa nghe kể là một toà lâu đài tráng lệ được ví là “Biệt chiếm nhất Nam thiên” giữa núi rừng Hương Tích. Nhưng năm 1947, 1948 pháp đã hai lần đốt phá và năm 1950 lại thả bom phá chùa. Dấu tích của chùa xưa chỉ còn lại vườn Tháp, trong đó có Bảo Tháp Viên Công, một công trình nghệ thuật đất nung của thế kỷ XVII và cây Thiên Thủy Tháp. Sau này nối đời các trụ trì đã cùng nhau xây lại chùa xưa của các đời sư trước. Chùa được làm trên một mảnh đất hình chữ nhật, kéo từ sân dốc cho tới bức tường ngăn giữa ô đất bằng phẳng và trái núi. Chùa làm theo kiến trúc “Ngũ môn tam cấp”, tức năm cửa ba bậc. Bước qua cổng chùa là đến sân chùa. Bước qua sân chùa là đến bảo thềm thứ nhất, cũng là một cái sân. Phía trước bảo thềm này có đặt một đỉnh đồng dùng để cắm nhang. Qua sân bảo thềm thứ nhất là đến bảo thềm thứ hai, một cái sân cao hơn. Tiến đến sân bảo thềm thứ ba, cao hơn bảo thềm thứ hai, qua cửa tam quan nối vào Tam Bảo chính là nơi thờ Phật. Hai bên Tam Quan: bên trái là lầu trống và bên phải là lầu chuông. Hai bên Tam Bảo có hai bể nước và các nhà sư, nhà cung văn, nhà dấu, nhà oản,…vv. Phía sau Tam Bảo, phía tay trái là điện Thánh Mẫu, gác tàng thư; phía tay phải là tháp Thiên Thuỷ; ở giữa là nhà Tổ.

Tái bút

Đầu xuân, vãn cảnh Hương Sơn thì chẳng thú nào bằng cho nên người người nô nức. Không phải bây giờ mới thế. Hơn một thế kỷ trước cụ Thượng Chi cũng có kể: “hàng nghìn con người đứng chực, có người đứng từ tang tảng sáng”. Nhưng có lẽ ngày xưa hẳn là không có cái cảnh loa “kẹo kéo” mở hết công xuất vang ầm suối Yến với đủ các loại nhạc hỗn độn xen lẫn tiếng thuyền máy nổ ing ỏi. Và chắc cũng không có cái cảnh buôn bán, chèo kéo khách mua ầm ĩ, ồn ào cùng với nhưng gian hàng lều bạt tạm bợ, nhếch nhác lấn chiếm đến phần ba con đường lên đất phật, khiến con đường đi của người hành hương đã đông người lại càng thêm chật hẹp. Cứ nghĩ đến cái vẻ đẹp đệ nhất động nơi đất phật Quan Âm ta sao khỏi không buồn và ước ao về một con đường hành hương thư thư thái, tĩnh lặng, thanh nhã như những gì vốn có. Ước sao chỉ có những “tiếng ca nhi thánh thót” cho “giọng du từ hề hà” hoặc hoạ như cái cảnh “Thuyền đi. Bến Đục qua/ Mỗi lúc gặp người ra/ Thẹn thùng em không nói/ Nam mô A di đà”. Một chút nỗi niềm như thế xin gửi về Hương Sơn.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Phan Anh. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Bài liên quan
  • Hà Nội ơi trong trái tim ta
    Tôi sinh ra trên đất Thái Bình, mười tám tuổi theo gia đình vào Đồng Nai sinh sống. Hồi học đại học ở Sài Gòn, sống trong ký túc xá bạn bè tứ xứ lúc đó mới có ý thức rõ về vùng, miền, về quê hương xứ sở. Tôi yêu quý, bênh vực cho Đồng Nai, Thái Bình cũng chẳng khác gì đám bạn ngợi ca mảnh đất dằng dặc miền Trung, Tây Nguyên hay miền Tây Nam bộ, đó cũng là lẽ thường tình, như con cái có chê cha mẹ nghèo hèn, xấu xí bao giờ.
(0) Bình luận
  • Hoài niệm về tàu điện xưa
    Hình ảnh những chuyến tàu điện chở khách hồi xưa: bây giờ chỉ còn trong hoài niệm. Nghe nói, tàu điện do người Pháp đưa sang, có hơn 100 năm (có nhà ga, sửa chữa cho tàu khá lớn, ở đường Hoàng Hoa Thám bây giờ)...
  • Vô định bước chân khi qua chốn cũ
    Một lần tôi âm thầm trở lại Hà Nội. Tôi có hẹn phỏng vấn với một công ty ở đó. Sau bao tháng ngày lăn lội công trường bùn lầy gió bụi, tôi muốn tìm kiếm một công việc mang nhiều yếu tố chuyên môn hơn. Thế nhưng, buổi phỏng vấn hờ hững, kết thúc mà chẳng hứa hẹn điều gì, có lẽ tôi không phải là lựa chọn phù hợp cho vị trí đang tuyển dụng. Chông chênh giữa một thành phố quen mà nay như xa lạ, tôi một mình lang thang qua những con phố cũ, chờ chuyến xe trở về lúc chiều muộn.
  • Sơn Tây, một thoáng thành cổ
    Nằm dưới chân núi Tổ lại ở vị trí trung tâm của xứ Đoài, thành cổ Sơn Tây từng in dấu thời gian và trở thành một chứng nhân của lịch sử trong giai đoạn cuối của thời phong kiến và những năm tháng bi hùng kháng chiến chống Pháp của phe “chủ chiến” và phong trào cần vương trên mảnh đất xứ Đoài.
  • Mùa hoa bằng lăng Hà Nội
    Tôi yêu mùa hoa bằng lăng Hà Nội, yêu màu tím dịu dàng của bằng lăng. Màu hoa đẹp và lãng mạn đã làm dịu đi cái nắng chói chang của mùa hạ. Màu tím của bằng lăng cũng điểm tô cho phố phường Hà Nội có nét đẹp rất riêng. Tôi đã từng say đắm ngắm những cành bằng lăng qua ô cửa. Những cành hoa tím mộng mơ in trên những tòa nhà tạo nên bức tranh tuyệt đẹp.
  • Một ngày với Hồ Tây
    10 giờ đêm, nhận được tin nhắn từ một người bạn cũ: “Hò hẹn mãi cuối cùng em chẳng đến/Chỉ sợ ngày xuân vội vã đi rồi. Xin lỗi phải nhại thơ Hoàng Nhuận Cầm để chuyển tải hết những mong ngóng của anh. Mai là chủ nhật, có rảnh để về Hà Nội với anh không?”. Tôi phì cười. Hò hẹn từ đầu năm sẽ lên thăm anh, nhờ anh làm hướng dẫn viên du lịch một vòng Thủ đô, vậy mà gần 6 tháng trôi qua, lời hẹn vẫn chưa thành hiện thực. Tôi nhìn lịch, nhắn cho anh: “Mai em rảnh, em lên nhé!”. Ngay lập tức anh trả lời: “OK nhé,
  • Nhớ Hà Nội qua những cuộc gọi vội
    Lớn lên với bát phở gà thơm phức và tiếng còi xe máy mỗi giờ tan tầm, cô du học sinh người Việt òa khóc giữa lòng thành phố New York tráng lệ. Có lẽ, vì chẳng quen. Có lẽ, vì nhớ nhà. Có lẽ, vì “miền đất hứa” vốn là nơi để những ước mơ cất cánh bay xa, nhưng miền đất quê hương ta mới là nơi những ước mơ mỏi cánh bay trở về.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Độc đáo lễ hội Tấc Ka Coong - Cúng thần núi của đồng bào Cơ Tu
    Tái hiện trích đoạn sân khấu hóa lễ hội Tấc Ka Coong - Cúng thần núi của đồng bào Cơ Tu huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) trong Ngày hội “Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc miền núi” tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ XV.
  • 50 đội thi tham gia Giải bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng 2024
    UBND Thành phố Hà Nội cho biết, Chào mừng Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Thành phố Hà Nội và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ tổ chức Giải bơi chải thuyền rồng Hà Nội mở rộng năm 2024.
  • Vở ballet Hồ Thiên Nga được biểu diễn trở lại tại Nhà hát Lớn Hà Nội
    Vở Ballet Hồ Thiên Nga đã làm say đắm khán giả trên toàn thế giới suốt hơn một thế kỷ qua sẽ được Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) biểu diễn trở lại tại sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội trong 3 ngày 14, 15 và 16 tháng 6 tới đây.
  • 194 Đảng viên Thị xã Sơn Tây được trao tặng Huy hiệu Đảng dịp Kỷ niệm sinh nhật Bác
    Sáng 16/5, Thị ủy Sơn Tây (TP. Hà Nội) long trọng tổ chức lễ trao tặng Huy hiệu Đảng đợt 19/5/2024 cho 194 đảng viên của Đảng bộ thị xã. Các đảng viên được nhận Huy hiệu từ 30 năm đến 70 năm tuổi Đảng, trong đó có 1 Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.
  • Vô định bước chân khi qua chốn cũ
    Một lần tôi âm thầm trở lại Hà Nội. Tôi có hẹn phỏng vấn với một công ty ở đó. Sau bao tháng ngày lăn lội công trường bùn lầy gió bụi, tôi muốn tìm kiếm một công việc mang nhiều yếu tố chuyên môn hơn. Thế nhưng, buổi phỏng vấn hờ hững, kết thúc mà chẳng hứa hẹn điều gì, có lẽ tôi không phải là lựa chọn phù hợp cho vị trí đang tuyển dụng. Chông chênh giữa một thành phố quen mà nay như xa lạ, tôi một mình lang thang qua những con phố cũ, chờ chuyến xe trở về lúc chiều muộn.
  • Tổ chức các giải thể thao chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô tại các quận, huyện, thị xã
    UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các quận, huyện, thị xã trên địa bàn toàn thành phố triển khai thực hiện kế hoạch tổ chức các giải thể thao chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954- 10/10/2024) nhằm động viên nhân dân tham gia tập luyện thể dục, thể thao hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”...
  • Thừa Thiên Huế: Lấy ý kiến các dự án luật Di sản văn hóa
    Những góp ý các dự án luật Di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn phát triển và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tổng hợp, có ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.
  • Thêm một nỗi niềm cho Tây Bắc
    Trước khi đọc “Ta còn em Tây Bắc” của Nguyễn Việt Chiến, tôi tự hỏi: đây là bài thơ viết về điều còn lại của “ta” hay là bài thơ ngợi ca Tây Bắc? Nhưng có lẽ, bài thơ không đơn thuần gợi mở chừng ấy cách nghĩ.
  • Khai mạc Liên hoan ảnh nghệ thuật các câu lạc bộ nhiếp ảnh Hà Nội năm 2024
    Sáng 15/5, tại Phố Sách 19/12, Hội nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội phối hợp cùng các câu lạc bộ (CLB) nhiếp ảnh trên địa bàn Thành phố Hà Nội tổ chức khai mạc “Liên hoan ảnh nghệ thuật các câu lạc bộ nhiếp ảnh Hà Nội” với chủ đề “Việt Nam - Đất nước - Con người”.
  • Nhịp sống mỗi ngày ở khu tập thể cũ Hà Nội
    Với nhiều người Hà Nội, những khu tập thể là nơi lưu giữ nhiều ký ức về nếp sinh hoạt cũ - một phần ký ức của Hà Nội. Giữa nhịp sống hiện đại hôm nay, những khu tập thể cũ ở Hà Nội vẫn lặng lẽ ẩn mình giữa đô thị hiện đại. Với không ít người nó vẫn là những ký ức khó quên với những ai đã từng sống tại các khu tập thể. Nơi đó, mỗi ngày mới, nhịp sống lại bắt đầu...
Một thoáng Hương Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO