Ấm áp tình người Hà Nội
Nghĩ đến Thăng Long - Hà Nội, nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”, từ thẳm sâu thời gian, ký ức miên man về ân tình người Hà Nội trong tôi lại bừng dậy, tuôn trào. Cảm xúc thúc giục tôi mỗi lần ra Hà Nội phải giành chút thời gian, lúc thì tạt ngang qua Bến Nứa bằng xe xích lô đạp, hòa vào dòng người và xe cộ; lúc thì tản bộ lang thang dọc phố Thợ Nhuộm mà ngày xưa cảm giác như nó dài hun hút.
Cũng có lúc qua cầu Long Biên, tìm đến làng Sài Đồng trong tâm tưởng – bây giờ là phố thị đông đúc, nơi có còn người mẹ quê đón chúng tôi trong ngôi nhà ấm áp khi từ chiến trường K trở về.
Tình mẹ Việt Nam
Những ngày cuối tháng 2/1979, dưới cái nắng nóng khét lẹt như muốn rang khô người lính trong từng mét chiến hào ở chiến trường K, đơn vị tôi được lệnh bàn giao chốt, hành quân hơn hai chục cây số đến cảng Sihanoukville lên tàu về nước. Một cuộc chuyển quân quy mô lớn chi viện biên giới phía Bắc đánh đuổi quân giặc xâm lược bắt đầu.
Sau hành trình dài 2 ngày đêm lênh đênh trên biển, tàu cập cảng Sài Gòn vào một buổi tối. Tờ mờ sáng hôm sau, toàn đơn vị lên máy bay đi tiếp. Chúng tôi lim dim ngủ cho đến khi một nữ tiếp viên hàng không xuất hiện, lính ta nhao nhao: “Ôi, đẹp thế... Xinh thế!”, “Máy bay bay đến sân bay nào hả em?!?”... “Vâng, máy bay sẽ hạ cánh ở sân bay Gia Lâm các anh ạ!”. Giọng Hà Nội của nữ tiếp viên nhẹ nhàng như tiếng chim họa mi khiến cho trái tim những chàng trai bồi hồi, xao xuyến sau bao ngày chỉ nghe tiếng súng và đạn bom. Mấy chiến sĩ hỏi tới tấp nhiều câu hỏi nữa, nhưng sĩ quan chỉ huy nhắc nhở, yêu cầu giữ trật tự.
Chiếc TU 134 hạ cánh, chúng tôi ra khỏi khoang máy bay, cảm xúc lâng lâng, hít thật sâu khí trời của đất Thăng Long ngàn năm văn vật. Đoàn quân rời sân bay trong làn mưa xuân và cái rét ngọt nàng Bân, hành quân qua cánh đồng lúa đang thì con gái, lá xanh mơn mởn, dập dờn theo từng cơn gió. Bao ngày ở chiến trường xa mới hiểu thế nào là nỗi nhớ Tổ quốc, ai cũng muốn được trở về nơi nào đó trên đất nước mình, được gặp đồng bào mình, được nghe tiếng nước mình. Bây giờ thì chúng tôi mãn nguyện rồi.
Tiểu đội tôi xin vào ở nhờ nhà mẹ Chữ làng Sài Đồng (xã Gia Thụy, Gia Lâm, Hà Nội). Mẹ trạc tuổi lục tuần, dáng cao gầy, hiền hậu, niềm nở đón chào, tự tay sửa soạn chỗ ở, dành hết cho chúng tôi căn nhà trên, còn mẹ và người con trai cả cùng người con gái ở nhà dưới. Mấy chiến sĩ ta ngày thường lười chuyện bếp núc, giờ ai cũng xung phong làm “anh nuôi” cho tiểu đội vì được xuống bếp tán chuyện với con gái của mẹ.
Thấy chúng tôi đứa trải tăng nilon nằm dưới sàn nhà, đứa ra mắc võng dưới gốc cây ngọc lan bên hiên, mẹ mắng: “Mẹ cấm mấy đứa nằm dưới đất, nằm võng, cứ lên giường mà nghỉ ngơi cho thoải mái. Nhìn đứa nào cũng gầy, đen, mắt thâm quầng thế kia, tao thương chúng mày quá!”. “Không sao mẹ à, chúng con quen rồi!”.
Chúng tôi ý tứ bảo nhau: “Người ngợm thế này mà dám leo lên giường êm, nệm hoa của gia đình sao?!”. Những ngày tháng vào sinh ra tử trên chiến trường, trải qua bao trận đánh khốc liệt, khói thuốc súng quện với bụi bặm và nắng cháy, lâu ngày không có nước tắm rửa khiến cho bộ dạng tụi tôi ai cũng đen nhẻm, gương mặt hốc hác vì thiếu ngủ. Tình thương và sự dứt khoát của mẹ khiến chúng tôi phải vâng lời xếp tăng, võng, lên nằm giường, thiếp đi trong giấc ngủ say nồng.
Quân lệnh không báo trước, đêm hôm sau, đơn vị nhận lệnh hành quân. Chúng tôi vội thu xếp quân trang, từ biệt mẹ và gia đình. Mẹ bùi ngùi khóc, cầm tay từng đứa, nghẹn ngào: “Mẹ chưa kịp nấu cho chúng bay một bữa đàng hoàng thì đã đi rồi, biết làm sao được. Mẹ chúc các con lên đường chân cứng đá mềm, có dịp nhớ về thăm mẹ và các em nhé!”.
Lưu luyến chia tay, chúng tôi lặng lẽ theo đội hình hành quân sang ga Yên Viên. Đoàn tàu quân sự ôm vào lòng mình đoàn chiến binh, hụ một hồi còi dài rồi xình xịch chuyển bánh lao đi hướng ra miền biên cương, rầm rập khí thế đoàn quân ra trận, các chiến sĩ hát vang ca khúc “Lời tạm biệt lúc lên đường” của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối: “Ngày ra đi hướng biên cương/ Gió bấc tràn về lòng anh lạnh buốt/ Nòng súng thép dán câu thơ/ Ý thơ tuyệt hay là thơ Lý Thường Kiệt… Giặc dùng đạn bom thì ta giáng trả đạn bom/ Quyết chiến thắng cho hôm nay...”. Tiếng hát thúc giục, vang vọng lan truyền từ toa này đến toa khác, át cả tiếng bánh sắt ma sát trên đường ray.
Bắt theo nhịp điệu hào hùng, tôi căng mắt nhìn ra cửa sổ con tàu, thấp thoáng những ngôi nhà, làng mạc, cánh đồng… lướt qua rồi chìm trong màn đêm. Chúng tôi đi mang theo bóng hình người mẹ làng Sài Đồng – Tình mẹ Việt Nam, bước vào trận mới đánh đuổi quân giặc xâm lược, giữ gìn bờ cõi, giữ cho đất nước thanh bình, cho những giấc ngủ bình yên... Dù chưa biết ngày mai ai được trở về, ai ngã xuống, nhưng những người lính không một chút ưu tư.
Chiếc bánh chưng lúc đói lòng
Một ngày cuối thu 1979, từ mặt trận biên giới Lạng Sơn, tôi mừng vui trở lại Hà Nội để gặp người thân ở miền Nam ra thăm. Sáng hôm cầm tờ “Giấy Công lệnh”, tôi xách ba lô lao nhanh ra đường lộ đón xe xuôi Hà Nội, trong túi áng chừng chỉ có vài đồng bạc. Không sao, lính mà, đi “tranh thủ” là phải nhanh, nếu không, chẳng may có báo động đơn vị sẵn sàng chiến đấu thì phải quay lại ngay. Thời chiến chinh nên nhiều “bác tài” xe khách, xe tải thường cho bộ đội quá giang không lấy tiền. Hôm đó, vẫy được chiếc xe khách Hải Âu, tôi rỉ tai anh phụ xe xin đi nhờ, anh ấy hỏi: “Bến Nứa à?” rồi vui vẻ gật đầu, còn giành cho tôi một chỗ đứng tốt trên xe đông người chen chúc.
Xe qua cầu Long Biên rồi đỗ ở Bến Nứa, tôi loay hoay tìm đến được điểm hẹn ở phố Thợ Nhuộm nhưng không gặp người thân. Thất vọng tràn trề vì ngoài dự kiến, cũng chẳng biết tìm nhau ở đâu vì thông tin liên lạc ngày ấy không như bây giờ. Túi tiền thì nhẹ tênh, lòng lại nặng trĩu, tôi vội vàng quay trở lại Bến Nứa may còn kịp chuyến xe cuối cùng trở về đơn vị; tự an ủi mình dù sao cũng đã có những khoảnh khắc bình yên, thảnh thơi giữa lòng Thủ đô sau những tháng ngày gian lao ngoài mặt trận. Tôi chợt nhớ ra, đây là lần đầu tiên mình bước chân trên đường phố Hà Nội, lại đúng dịp mùa thu, là mùa đẹp quyến rũ nhất trong năm mà bất cứ ai cũng đắm say, vương vấn khi một lần qua. Tận hưởng làn gió mơn man mát dịu của chiều thu Hà Nội, tôi vừa rảo bước, vừa hỏi dò đường đi, thi thoảng ngước nhìn bầu trời xanh biếc không một gợn mây hiện ra dưới những tán cây đang chớm ngả sắc vàng, lắng nghe tiếng xào xạc của mấy chiếc lá khô nhảy múa dưới mỗi bước chân, trong lòng vơi dịu bớt nỗi buồn.
Bỗng nghe: "Anh bộ đội ơi, về đâu tôi đưa đi". Tôi chậm bước ngoảnh lại, vừa từ chối lời mời mọc của anh đạp xe xích lô, vừa nghĩ bụng: “Tiền đâu mà dám xài sang, cuốc bộ thôi”. Anh xích lô tuổi xấp xỉ tứ tuần cứ bám theo nài nỉ. Từ chối mãi không xong, tôi dừng lại, thú thật: "Anh ơi, tôi chỉ còn tiền mua vé xe từ Bến Nứa về đơn vị ở Lạng Sơn, nếu anh mua giúp tôi bộ quần áo này tôi mới đủ tiền trả anh?". Tôi mở ba lô lấy ra bộ quần áo bộ đội, tuy hơi ngả màu nhưng thời đó như vậy là khá oách.
Có lẽ, lời bộc bạch và bộ dạng của tôi lúc đó đã chạm đến trái tim nhân hậu của bác xích lô. Anh ấy nhìn tôi với ánh mắt thân thiện: “Chú em đưa cái ba lô đây, lên xe đi!". Tôi chưa hiểu ý, còn chần chừ thì anh ấy gắt: “Đã bảo lên xe. Tôi về nhà trên Bến Nứa, tiện thể tôi đưa đi, không lấy tiền chú đâu, yên tâm!”. Nửa tin, nửa ngờ nhưng tôi vẫn vâng lời bước lên xe. Chiếc xích lô chạy bon bon trên đường phố dài. Ngồi lặng im, tôi vừa nghĩ về lòng tốt của anh ấy, vừa cảm thấy ái ngại quá chừng, người ta đã cho đi nhờ rồi mà còn phải vất vả. Tôi liền đề nghị anh dừng xe giao tay lái cho tôi. Chúng tôi thay nhau đạp, lúc đầu còn lóng ngóng, sau quen dần, chiều muộn thì đến Bến Nứa, anh ấy giục vào quầy mua vé ngay kẻo trễ.
May quá, vẫn còn vé, tôi được ưu tiên vì là bộ đội, có “Giấy công lệnh”. Cầm vé xe, vét túi số tiền còn lại, tôi quay ra gặp anh xích lô: "Em chỉ còn chừng này, bác nhận tạm cho em đỡ áy náy!". Anh ấy gạt đi, chỉ vào người bán quán vỉa hè bảo tôi trả tiền mua 2 cái bánh chưng nhỏ, anh cầm 1 cái còn 1 cái đưa cho tôi. Đúng lúc xe chuyển bánh, tôi chỉ kịp nói lời cảm ơn rồi vội vàng bám cửa xe nhảy lên, sực nhớ mình chưa biết tên, địa chỉ của anh ấy. Dọc đường, tôi mở bánh chưng ra ăn mà thấy cay cay trong khóe mắt, vừa biết ơn vừa tự trách mình sao vô tâm.
Gần nửa thế kỷ kể từ lần đầu đặt chân đến Thủ đô, với biết bao trải nghiệm cuộc đời, tình bạn, tình đồng đội, tôi nghiệm ra rằng: Tình người Hà Nội thật ấm áp, nó không là ngọn lửa bùng cháy, nhưng là bếp than hồng nồng đượm, lắng sâu.
Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Nguyễn Văn Hậu. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.