Văn hóa – Di sản

Lý Tử Tấn – nhà thơ giầu lòng yêu nước

Tạ Ngọc Liễn 04/12/2023 14:37

Lý Tử Tấn, tác giả bài Xương Giang phú nổi tiếng, là một trí thức yêu nước, một nhà thơ “học vấn rộng khắp”, cùng thời với Nguyễn Trãi và là bạn của Nguyễn Trãi.

Trong Kiến văn tiểu lục, mục Tài phẩm, Lê Quý Đôn viết: “Lý Tử Tấn giữ chức Hàn lâm học sĩ... là người danh vọng, đức độ, kỳ cựu, túc học...”. Phan Huy chú trong Nhân vật chí đã xếp Lý Tử Tấn vào số chín nhà Nho có đức nghiệp ở đời Lê.

ngoi-truong-ly-tu-tan.jpg
Ngôi trường mang tên danh nhân Lý Tử Tấn tại huyện Thường Tín (Hà Nội) ngày nay.

Lý Tử Tấn (sau đổi Nguyễn Tử Tấn), hiệu là Chuyết Am, sinh năm 1378, quê ở làng Triều Đông, huyện Thượng Phúc, nay thuộc xã Tân Minh, Thường Tín, Hà Nội. Năm hai mươi ba tuổi, Lý Tử Tấn thi đỗ Thái học sinh, khoa Canh Thìn, năm Nguyên Khánh đời Hồ Quý Ly (1400).

Chúng ta biết nhà Hồ lên nắm chính quyền (1400) có chấn chỉnh, sửa sang lại việc học hành thi cử. Chẳng hạn về cách thi, những người thi Hương (tức cử nhân) đỗ rồi, năm sau phải vào Bộ Lễ thi lại. Ai đỗ mới được bổ. Đến năm sau nữa, thi Hội đỗ thì được gọi là Thái học sinh, tức Tiến sĩ. Chính Nguyễn Trãi cũng thi đậu cùng khoa với Lý Tử Tấn. Lý Tử Tấn thi đỗ nhưng không ra làm quan cho nhà Hồ. Triều Hồ chỉ tồn tại được hơn sáu năm (1400-1407) thì bị quân Minh sang xâm lược và đánh bại.

Ngay từ lúc bọn giặc Minh đặt chân lên mảnh đất này (1406) cho đến khi chúng hoàn thành việc xâm chiếm và lập xong chính quyền đô hộ (1407) thì khắp nơi trên đất nước Đại Việt, nhân dân đã vùng dậy cầm vũ khí chiến đấu ngoan cường với kẻ thù. Biết bao cuộc khởi nghĩa vũ trang lớn nhỏ kế tiếp nhau xuất hiện. Trong đó có các cuộc khởi nghĩa của Trần Ngỗi (1407-1413), Trần Quý Khoáng (1409-1414), Phạm Ngọc (1419-1420), Lê Ngã (1419-1420)... Và cuối cùng trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi phát động năm 1416 đã đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc hồi thế kỷ XV tới thắng lợi hoàn toàn.

Trong cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc vĩ đại này, chúng ta thấy dưới lá cờ đại nghĩa của Lê Lợi, có mặt Lý Tử Tấn.

Lý Tử Tấn cũng như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Mộng Tuân... những trí thức giàu lòng yêu nước, căm thù giặc, cùng với bao hào kiệt khác: Lê Lai, Đinh Lễ, Nguyễn Chích, Lưu Nhân Chú.., trước tiếng gọi của Tổ quốc đã từ mọi miền đất nước, vượt suối trèo non, người sau kẻ trước, tìm đến với cuộc kháng chiến cứu nước của Lê Lợi, tuỳ theo tài năng sức lực mà tham gia đóng góp vào sự nghiệp chung.

Việc Lý Tử Tấn “theo Lê Lợi kháng Minh” được sử sách ghi chép rõ. Ở Nhân vật chí, Phan Huy Chú chép: “Ông tên là Tấn, thường gọi bằng tên tự (Tử Tấn), người làng Triều Đông, huyện Thượng Phúc, đỗ Thái học sinh khoa Canh Thìn đời Hồ Quý Ly. Học vấn của ông rộng khắp, thời bấy giờ ai cũng tôn trọng. Đầu đời Lê, ông đến yết kiến nơi hành tại, Thái Tổ (Lê Lợi) khen là người học nhiều, sai giữ việc văn thư”.

Trong Hoàng Việt thi lục, Bùi Huy Bích cũng nói: “Ông tên Tấn, người ở Triều Đông, Thượng Phúc. Đỗ khoa Canh Thìn đời Hồ. Hồi quốc sơ, yết kiến (Lê Lợi) ở hành tại, được giao giữ chức văn cáo”.

“Văn cáo” là dùng văn từ để bố cáo hoặc hiểu dụ người ta. Như vậy dưới quân trướng của Lê Lợi trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Lý Tử Tấn từng được giao nhiệm vụ chuyên thảo các công văn, giấy tờ, thư tín...

Cuộc kháng chiến chống quân Minh của nhân dân ta sau mười năm đã giành được thắng lợi huy hoàng: quét sạch giặc Minh. Một triều đại mới được thiết lập, củng cố trong khung cảnh đất nước thanh bình. Lý Tử Tấn lại có mặt trong công cuộc xây dựng vương triều mới. Ông làm quan tới chức Nhập nội hành khiển Tri tam quán kiêm Nhập thị kinh diễn; trải các triều Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông. Lý Tử Tấn đã có lần được cử sang Chiêm Thành.

Với học vấn sâu rộng, với tuổi tác và quá trình theo giúp nhà Lê buổi đầu dựng nước từ những năm tháng còn kháng chiến gian khổ tới khi “dẹp yên giặc giã”, thiên hạ đại định, vẫn tiếp tục phục vụ suốt ba đời vua, nên Lý Tử Tấn được “thời bấy giờ ai cũng tôn trọng”.

Ông mất năm 1457, thọ tám mươi tuổi.

Về sự nghiệp văn chương, Lý Tử Tấn có tập thơ Chuyết Am, mấy bài phú, lời “thông luận” cho tập Dư địa chí của Nguyễn Trãi, và lời “phê điểm” sách Việt âm thi tập của Phan Phu Tiên. Tập thơ Chuyết Am của Lý Tử Tấn thất truyền từ lâu, chỉ còn cái tên được nhắc tới trong Nghệ văn chí của Lê Quý Đôn, Văn tịch chí của Phan Huy Chú... Tập thơ Chuyết Am tuy mất di cảo song một số bài thơ vẫn còn được ghi chép lưu truyền lại ở Toàn Việt thi lục của Lê Quý Đôn, Tinh tuyển chư gia thi của Dương Đức Nhan, Hoàng Việt thi lục của Bùi Huy Bích, Văn tịch chí của Phan Huy Chú...

Phú của Lý Tử Tấn để lại còn dăm bẩy bài chép trong Quần hiền phú tập và Hoàng Việt văn tuyển: Xương Giang phú, Chí Linh sơn phủ, Hạ hiến thiên thánh tiết phú, Dưỡng chuyết phú, Du tiên đỗ phú, Quảng cư phú, Tảo mai phú...

Tác phẩm của một nhà văn, nhà thơ, bao giờ cũng là chỗ dựa căn bản để đánh giá họ. Tiếc rằng đối với Lý Tử Tấn, tác phẩm chính của ông, Chuyết Am thi tập, lại thất truyền. Và cũng không biết nó khối lượng dầy mỏng ra sao. Ngay Phan Huy Chú, nhà học giả uyên bác, nhà thư tịch chí lớn nhất thời trước cũng “không rõ Chuyết Am có mấy quyển” (Văn tịch chí).

Do đó việc nghiên cứu thơ văn Lý Tử Tấn là một vấn đề khó khăn. Tuy nhiên, dựa vào số bài thơ hiện còn, chúng ta vẫn có thể qua đấy tìm hiểu được đôi nét về nội dung tư tưởng và nghệ thuật thơ văn Lý Tử Tấn.

Thơ Lý Tử Tấn có những âm điệu, những ngân nga, lắng đọng riêng.

Viễn tự sơ chung quá đoản tường,

Cô sơn tàn nguyệt trám hồi đường.

Lâm tiêu lộ trích kê thanh hiểu,

Thiên ngoại vân diện tích khí lương...

(Hạ dạ tảo khởi)

(Tiếng chuông thưa điểm từ chùa xa vọng qua bức tường ngắn,

Trăng tàn trên ngọn núi lẻ loi in bóng xuống mặt ao.

Ngọn cây, hạt móc rơi, tiếng gà gáy sáng,

Ngoài trời mây khắp, khí nóng đã mát...)

(Đêm hè dậy sớm)

Đặc biệt không khí trong thơ Lý Tử Tấn bao giờ cũng là một không khí nhẹ nhàng, yên tĩnh. Cái không khí ấy chỉ có thể tìm thấy trong thế giới tinh thần tĩnh tại Á Đông xưa.

Lý Tử Tấn là một nhà Nho “nhập thế”, một ông quan, từng giữ chức Hành khiển ở đạo Kinh Bắc, phải lo lắng cả công việc phòng thủ nơi biên cương. Chức vụ đó hẳn không phải là chức vụ để ngao du ngày tháng. Thế nhưng đọc thơ ông, ta lại bắt gặp ở ông một con người rất thanh thản, ung dung, tưởng chừng ông chỉ “tiêu dao ở các chức nhàn tản”; một con người cao khiết, không bị công danh làm lụy.

Lựu hoa đình viện thảo trì đường,

Thủy các vô trần hạ ảnh trường.

Điệp điệp dài tiền triệu vũ tĩnh,

Âm âm hoè ác ngọ phong lương.

Mộng hồi song lạc sổ thanh điểu,

Chú vĩnh yên tiêu nhất triện hương.

Lưu khách trà, qua tuỳ phận hữu,

Phù vân phú quý một tư lường.

(Hạ nhật)

(Hoa lựu nở sân nhà, cỏ mọc bờ ao,

Lầu gác trên nước, không bụi bặm, ngày hạ dài.

Lớp lớp rêu phong mưa sáng đã rửa sạch,

Bóng hoè âm âm rủ màn, gió trưa mát.

Tỉnh mộng, vài tiếng chim kêu lọt vào cửa sổ,

Ngày dài, nén hương thơm cháy đã tàn.

Lưu khách lại, có trà dùng trà, có dưa dùng dưa,

Giầu sang mây nổi chẳng bận lòng lo tính)

(Ngày hạ)

Thơ Lý Tử Tấn hay nói đến thiên nhiên, một thiên nhiên trong mát, quyến rũ, với những hương vị của hoa trái, cua đồng; của trời, nước, nắng, gió...

Hoè thử âm âm độ phấn tường,

Hà hoa niểu niểu phiến tân lương.

Nhất phần thu sắc quân thiên sắc,

Tứ cố sơn quang tiếp thuỷ quang.

Tử giải hàm hoàng sơ thưởng đoạn,

Hương duyên đái lục sảo thiêm nhường.

Tôn tiền hữu tửu tu hành lạc,

Mạc đãi đông ly cúc nhị hoàng.

(Sơ thu)

(Nắng hoè êm dịu xế tường vôi,

Mềm mại chồi sen quạt gió trời.

Sắc lẫn màu thu trời rợn bóng,

Ánh lồng vẻ núi nước trong ngời.

Cua vàng gạch óng vào đăng sớm,

Phật thủ da xanh nở múi rồi.

Bình sẵn rượu ngon vui cứ uống,

Đợi gì giậu cúc nhị vàng phơi).

(Đầu thu - Theo bản dịch Hoàng Việt thi văn tuyển)

Bình luận thơ Lý Tử Tấn, Phan Huy Chú nói: “Thơ ông chuộng giản dị, phần nhiều có ý thơ cổ” (Văn tịch chí).

Lý Tử Tấn có một bài thơ thường được đời sau nhắc tới là bài Nguyễn Tử Tấn đề Ức Trai bích (Nguyễn Tử Tấn đề vách nhà Ức Trai). Bài thơ như sau:

Tâm kính tương phùng khởi ngẫu nhiên,

Biệt khai thành thị nhất lâm tuyền.

Ưu du lễ nhượng am nhân trạch,

Xuất nhập khiêm cung lạc tính thiên.

Lại tán bình tiền duy thảo sắc,

Khách lai trúc ngoại hữu trà yên.

Công dư thoái thực phần hương toạ,

Họa trục trương cầm lạc tuế niên.

(Lòng hương chọn chỗ há tình cờ,

Thành thị riêng bầy một cảnh thơ.

Lễ độ ung dung nhân nghĩa dữ,

Kính nhường đi đứng tính tình ưa.

Lại về, sân đất trơ màu cỏ,

Khách đến, rào che nổi khói trà.

Xong việc đốt hương ngồi lặng lẽ,

Phiếm đàn, nét họa tháng ngày qua)

(Trần Thanh Mại dịch)

Qua đây là bức chân dung nhỏ về Nguyễn Trãi. Qua bài thơ, Lý Tử Tấn đã vẽ nên được một Nguyễn Trãi với những nét hết sức đẹp đẽ: con người vừa đạo đức, nhân nghĩa, vừa thanh cao...

Nhưng, nói tới sự nghiệp văn chương của Lý Tử Tấn là phải nói tới bài Xương Giang phú nổi tiếng của ông. Cuộc kháng chiến chống quân Minh của nhân dân ta hồi thế kỷ XV là một chiến công vĩ đại trong lịch sử dân tộc, được nhiều danh sĩ đương thời ca ngợi. Nhiều áng văn chương viết về cuộc kháng chiến này đã trở thành bất hủ như Bình Ngô đại cáo (thiên cổ hùng văn) của Nguyễn Trãi, Chí Linh sơn phú của Nguyễn Trãi, Chí Linh sơn phủ của Nguyễn Mộng Tuân và Xương Giang phú của Lý Tử Tấn....

Lý Tử Tấn viết Xương Giang phú để ca ngợi chiến thắng lịch sử Xương Giang năm 1427. Chiến thắng này cùng với chiến thắng Chi Lăng - thường gọi chung tên: Chi Lăng – Xương Giang là chiến thắng có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Minh 1416 - 1427.

Chúng ta biết, cuộc kháng chiến chống Minh đến năm 1426 phát triển vô cùng mạnh mẽ, thành quy mô cả nước. Quân ta liên tiếp dành được những thắng lợi to lớn, đẩy quân địch vào thế phòng ngự, lúng túng. Nhất là sau chiến dịch Tốt Động - Chúc Động, sáu vạn quân địch bị tiêu diệt,

chúng càng bị động hơn. Thành Đông Quan và các thành lũy khác của quân địch đều bị ta bao vây chặt. Nhà Minh vội vàng sai Liễu Thăng, Mộc Thạnh đem mười lăm vạn quân sang cứu viện cho bọn Vương Thông đang bị vây khốn. Khi Liễu Thăng vượt biên giới vào tới vùng Lạng Sơn thì gặp trận địa mai phục của ta. Liễu Thăng bị chém chết ở sườn núi Mã Yên. Toàn bộ quân tiên phong của địch bị ta tiêu diệt. Sau đó chúng chân chỉnh được đội ngũ tiến về hướng Đông Quan. Đến thành Xương Giang thì mới biết thành này đã bị quân ta chiếm rồi. Chúng phải đóng quân ở ngoài cánh đồng Xương Giang. Quân ta tấn công bốn mặt và ngày 3 tháng 11 năm 1427 (tức ngày 15 tháng 10 năm Đinh Mùi) toàn bộ 7 vạn quân địch bị ta tiêu diệt. Trong trận đánh này chủ tướng Thôi Tụ, Hoàng Phúc cùng ba trăm tướng lĩnh khác của giặc bị ta bắt sống.

Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi có câu:

Tổ kiến hổng làm toang đê vỡ,

Trận gió rung rụng trút lá khô.

Đô đốc Thôi Tụ quỳ gối chịu tội,

Thượng thư Hoàng Phúc trói mình nộp mạng.

chính là nói về chiến thắng lừng lẫy Xương Giang.

Lý Tử Tấn, với tất cả nỗi xúc động và niềm sảng khoái, đã dồn tinh lực vào ngọn bút viết bài phú dài ca tụng chiến thắng Xương Giang. Có thể nói, tư tưởng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, bút lực văn chương của Lý Tử Tấn, tất cả, được bộc lộ đầy đủ, tập trung nhất qua áng văn kiệt tác này. Qua bài Xương Giang phú, Lý Tử Tấn đã phản ánh được công cuộc chiến đấu vô cùng anh dũng và những thắng lợi huy hoàng của nhân dân ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc hồi thế kỷ XV.

Trong Xương Giang phú, Lý Tử Tấn đã phác họa lại những chặng đường gian nan nhưng đầy vẻ vang mà nghĩa quân Lam Sơn từng trải qua. Từ lúc Lê Lợi:

Quân có một toán,

Đất có một thành...

Tới khi nghĩa quân lớn mạnh, thế tựa chẻ tre:

Tiếng trống nổi vang, ba quân thật hùng cường bội sức,

Ngọn cờ thẳng tiến, các tướng đều hăng hái liều thân.

Những miền Pha Lũy, Kê Lăng oai hùng đã dậy,

Mấy trận Bình Than, Lộng Nhãn thế mạnh khôn ngoan.

Sấm vang chớp nhoáng…

Và cuối cùng đã giành được toàn thắng:

Bốn cõi mây mờ quét sạch,

Giữa trời ánh sáng huy hoàng.

Đọc Xương Giang phú, chúng ta thấy Lý Tử Tấn đúng là người đã tham gia cuộc chiến đấu, đã lăn lộn “nằm gai nếm mật” cùng với nghĩa quân Lam Sơn. Và ở ông phải có một quả tim yêu nước thiết tha, lòng căm thù giặc sâu sắc, mới có thể viết được những áng văn như vậy.

Trong bài phú này, luận về sự thành bại trong việc giữ nước, Lý Tử Tấn có nêu lên một tư tưởng sâu sắc: Muốn giữ vững nước, không cốt ở núi sông hiểm yếu, không cốt ở binh hùng tướng mạnh mà cơ bản là phải có con người, phải có chính nghĩa. Ông viết:

Có đức công mới lớn,

Có người đất mới linh,

Giữ nước không cốt ở hiểm yếu,

Giữ dân không cốt ở hùng binh.

Xương Giang là nơi đã ghi lại một chiến tháng hiển hách, làm bạt vía kinh hồn quân giặc, nhưng ở đây, con sông được Lý Tử Tấn nói tới lại bình thường, không có gì dữ dội:

Cồn cát rải rác,

Bãi lau rườm rà.

Ầm ầm sóng vỗ,

Dồn dập nước sa.

Không sâu không nông,

Dễ lội dễ qua.

Một bó sậy vượt sang, không hiểm như Cù Đường, Diễm Dự,

Nhiều ngọn roi ném xuống, không to như Hắc Thủy, Đại Hà.

Con sông Thương trong Xương Giang phú của Lý Tử Tấn quả là không hiểm trở như con sông Bạch Đằng trong Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu, mặc dầu Trương Hán Siêu sau khi ca ngợi cái thế hiểm trở của sông Bạch Đằng, cũng đi tới kết luận:

Giặc tan muôn thuở thăng bình,

Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao.

Lý Tử Tấn cũng như Trương Hán Siêu đều là những người có một nhãn quan sáng suốt, một suy tưởng sâu sắc khi khẳng định trong sự nghiệp đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam thì con người và chính nghĩa là nhân tố quyết định cho sự thắng lợi cuối cùng./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Nguyễn Vạn Hạnh – nhà trính trị, thiền sư, thi sĩ
    Thiền sư Vạn Hạnh (?-1018) gốc họ Nguyễn, người hương Cổ Pháp, phủ Thiên Đức (nay thuộc phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), thuộc thế hệ thứ mười hai dòng Thiền Nam phương Tì Ni Đa Lưu Chi. Ông học thông tam giáo (Nho - Phật - Đạo), từng gắn bó với triều vua Lê Đại hành, trải qua thời Lê Trung Tông, Lê Ngọa Triều rồi đến Lý Thái Tổ.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh – Nơi “nuôi dưỡng” niềm tự hào dân tộc
    Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ đã từng đi nhiều nơi và đã có rất nhiều địa điểm in dấu chân Người, gắn liền với sự kiện quan trọng của dân tộc. Một trong số đó là ngày 3/12/1946, Bác Hồ về nhà cụ Nguyễn Văn Dương ở làng Vạn Phúc (nay thuộc phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) để chuẩn bị rút lên chiến khu. Tại ngôi nhà này, Bác đã viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và được Đài Tiếng nói Việt Nam chuyển đến toàn thể quốc dân, đồng bào, kêu gọi bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
  • "Đám cưới chuột" lên sân khấu xiếc
    Chiều 13/12, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội đã tổ chức họp báo, giới thiệu vở diễn "Đám cưới chuột", vở diễn lấy cảm hứng từ bức tranh dân gian Đông Hồ chuẩn bị ra mắt khán giả...
  • Phi công Nguyễn Đức Soát ra mắt sách kể chuyện hồi ức “đời bay”
    Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), Nhà xuất bản Trẻ ra mắt bạn đọc cuốn sách “Bầu trời - Trường đại học của tôi” của Trung tướng Nguyễn Đức Soát.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Xa - gần & tình yêu
    Reng. Reng. Reng. Là tiếng chuông điện thoại chứ không phải báo thức. Thơ giật mình, một lo lắng vơ vẩn cồn lên. Từ ngày ba mất, cô vốn sợ những tiếng chuông điện thoại vào những giờ bất thường, sáng sớm hoặc là tối khuya. Nhìn thấy số của Yên, Thơ hơi bất ngờ. Chưa bao giờ cô ấy gọi cho cô vào giờ này...
  • Lịch nghỉ học kỳ I và nghỉ Tết Dương lịch 2025 của học sinh
    Bộ GD&ĐT đã công bố lịch nghỉ Tết dương lịch năm 2025 và lịch nghỉ học kỳ một của học sinh cả nước.
Đừng bỏ lỡ
Lý Tử Tấn – nhà thơ giầu lòng yêu nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO