Sự kiện & Bình luận

Luật Thủ đô: Nền tảng để Hà Nội tổ chức bộ máy tinh, gọn, mạnh vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phạm Quỳnh 15:36 08/12/2024

Hà Nội đã, đang thể hiện quyết tâm rất cao trong thực hiện định hướng, chủ trương lớn của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm về việc hoàn thiện tổ chức bộ máy “Tinh – Gọn – Mạnh - Hiệu năng – Hiệu lực – Hiệu quả” để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Chỉ thị số 37-CT/TU ngày 6/12 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc triển khai thi hành Luật Thủ đô nhấn mạnh: tiếp tục rà soát về tổ chức, bộ máy, biên chế cán bộ, công chức, viên chức đề triển khai việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, nhất là các cơ quan bên trong, bảo đảm phù hợp yêu cầu về mục tiêu, nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực.

qua-luat-thu-do.jpg
Ngày 28/6/2024 tại Kỳ họp thứ 7, các đại biểu Quốc hội đã bấm nút thông qua Luật Thủ đô 2024 (Luật số 39/2024/QH15).

Đồng thời Chỉ thị số 37-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh nhiệm vụ tổ chức, bộ máy không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác; bảo đảm mục tiêu cải cách hành chính nhà nước, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hợp lý, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả; bố trí hợp lý biên chế cán bộ, công chức, viên chức nhằm đáp ứng yêu cầu về đặc điểm, tính chất, khối lượng công việc đặc thù của Thủ đô và thực hiện chế độ chỉ thu nhập tăng thêm theo thẩm quyền được giao cho Thành phố quy định tại Luật Thủ đô.

Gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh. Ban hành quy định về khung tiêu chuẩn, tiêu chí bố trí cán bộ ở từng cấp, từ Trung ương tới cơ sở, từng loại hình để chủ động rà soát, xác định có thể bố trí ngay.

Tổng Bí thư Tô Lâm

Soi chiếu vào các quy định trong Luật Thủ đô 2024, dễ dàng nhận thấy nhiều điểm mới về cơ chế chính sách đã tháo gỡ được những vướng mắc, bất cập về tổ chức bộ máy, biên chế, chế độ công vụ, công chức của chính quyền Thành phố. Ngay sau khi Luật Thủ đô 2024 được ban hành, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Luật Thủ đô, trong đó rà soát phân giao nhiệm vụ tham mưu nghiên cứu xây dựng trình HĐND thành phố ban hành các Nghị quyết cụ thể theo từng lĩnh vực để cụ thể hóa, sớm đưa Luật Thủ đô năm 2024 đi vào cuộc sống.

Đối với lĩnh vực tổ chức bộ máy, biên chế, chế độ công vụ, công chức của chính quyền thành phố, có 8 nội dung cụ thể hóa Luật Thủ đô bằng các Nghị quyết trình HĐND thành phố, trong đó có 6 Nghị quyết được ban hành trong năm 2024, số còn lại ban hành trong năm 2025 hoặc khi có yêu cầu nhiệm vụ.

Một số chính sách đặc thù, vượt trội của Luật Thủ đô sẽ được cụ thể hóa thực hiện trong năm 2024, 2025:

Cho phép HĐND thành phố được quyết định việc thành lập, tổ chức lại, giải thể các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố chưa được quy định hoặc khác với quy định trong văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; quyết định thay đổi tên gọi, điều chỉnh chức năng của các cơ quan, chuyên môn, tổ chức hành chính hiện có (điểm c khoản 4, Điều 9 Luật Thủ đô).

Chính sách này đã tạo quyền chủ động cho chính quyền thành phố quyết định thành lập, giải thể, quy định chức năng, nhiệm vụ, tên gọi các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác cho phù hợp với tình hình thực tiễn quản lý ở địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động mà không phụ thuộc vào quy định của các Nghị định, Thông tư chuyên ngành đang được áp dụng chung đối với cả nước. Tuy nhiên, để quản lý chặt chẽ, tránh tùy tiện, Luật Thủ đô 2024 cũng đã đưa ra nguyên tắc thực hiện là phải bảo đảm phù hợp yêu cầu về mục tiêu nhiệm vụ quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực; không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác và khống chế tỷ lệ không vượt quá 15% khung số lượng đơn vị do Chính phủ quy định.

Cho phép UBND thành phố Hà Nội được quyết định thành lập, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố Hà Nội (trước đây thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ) (Khoản 3 Điều 10). Cơ chế này giúp giảm bớt thủ tục hành chính, bảo đảm tính chủ động, kịp thời cho UBND thành phố trong quá trình thực hiện, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong quản trị đô thị lớn của Thủ đô.

luat-tdo-34.jpg
Thành phố Hà Nội khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, xây dựng, ban hành Luật Thủ đô năm 2024.

Cho phép thành phố Hà Nội được xác định số lượng biên chế cán bộ, công chức, số lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước do thành phố quản lý căn cứ vào danh mục vị trí việc làm, quy mô dân số, thực trạng khối lượng công việc, đặc điểm an ninh, chính trị, an toàn xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối ngân sách của thành phố, bảo đảm tỷ lệ giữa tổng số biên chế so với tổng số dân không vượt mức tỷ lệ trung bình của cả nước trình cấp có thẩm quyền quyết định (điểm đ Khoản 4 Điều 9).

Cơ chế này cho phép Hà Nội được đề xuất và là căn cứ để Bộ Chính trị xem xét giao bổ sung biên chế công chức cho Thủ đô nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn về nhân lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng tăng hiện nay. Người dân và doanh nghiệp sẽ được phục vụ tốt hơn nếu được tăng cường thêm nhân lực chất lượng.

Cho phép HĐND thành phố ban hành quy định giao: Người đứng đầu cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố, Chủ tịch UBND cấp huyện được ký hợp đồng có thời hạn với người đáp ứng các điều kiện chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhiệm một số vị trí việc làm thuộc nhóm nghiệp vụ chuyên ngành, nghiệp vụ chuyên môn dùng chung trong cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố, thuộc UBND cấp huyện (Khoản 2 Điều 15).

Cơ chế này tạo quyền chủ động cho Thủ trưởng các sở và tương đương thuộc UBND thành phố, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã được ký hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ ở những vị trí việc làm khuyết thiếu nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn về nhân lực thực thi nhiệm vụ trong từng thời điểm nhất định. Người dân và doanh nghiệp sẽ được phục vụ tốt hơn nếu được tăng cường thêm nhân lực chất lượng.

1-cua.jpg
Lãnh đạo Thành phố thăm mô hình "Một cửa" ở quận Long Biên.

Các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố Hà Nội, quận, huyện, thị xã và thành phố thuộc thành phố Hà Nội được ủy quyền việc giải quyết một số thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền cho UBND hoặc cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp dưới; UBND phường, Chủ tịch UBND phường ủy quyền cho công chức chuyên môn để giải quyết một số TTHC thuộc thẩm quyền của UBND, Chủ tịch UBND phường (Điều 14).

Cơ chế này tạo điều kiện giải quyết kịp thời TTHC cho người dân ở cơ sở, giảm đầu mối, bảo đảm việc ủy quyền hợp lý giữa các cấp chính quyền địa phương của thành phố theo hướng: “Cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết, không để tình trạng nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực”; đồng thời phát huy tính linh hoạt, chủ động, sáng tạo của các cấp chính quyền địa phương. Bảo đảm ủy quyền có tính đồng bộ, hệ thống, hợp lý từ khâu tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả giải quyết TTHC và phù hợp với khả năng thực hiện của cấp, cơ quan được ủy quyền, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và hướng tới việc thực hiện TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

Cho phép thành phố Hà Nội được chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được Ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (Khoản 3 Điều 15).

Cơ chế này tạo điều kiện tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm nhu cầu cuộc sống; khi nhận được chế độ đãi ngộ và nguồn thu nhập tốt sẽ tạo ra nguồn động lực cả về vật chất và tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức để tạo không khí phấn khởi, yên tâm hơn để phục vụ và cống hiến, nâng cao sức lao động, hiệu quả công việc. Đồng thời, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa khu vực công và khu vực tư trong huy động nhân lực chất lượng cao; tạo ra nhiều cơ hội thu hút được người giỏi từ nước ngoài, từ khu vực tư về làm việc cho Thủ đô.

Quy định cán bộ, công chức làm việc tại xã, phường, thị trấn là cán bộ, công chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức thuộc biên chế hành chính được giao hàng năm cho cấp huyện, được bầu cử, tuyển dụng, quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức (Khoản 1 Điều 15).

Cơ chế này nhằm thống nhất một chế độ công vụ, công chức, không phân biệt cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức cấp huyện, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện việc tuyển dụng, điều động, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác giữa cán bộ, công chức ở cấp xã và cấp huyện nhằm bảo đảm sự linh hoạt, chủ động, phù hợp hơn; chế độ chính sách về lương, ngạch được đồng bộ, nâng cao chất lượng công chức cấp xã. Người dân sẽ được hưởng chất lượng phục vụ tốt hơn nếu được chuẩn hóa, đồng bộ công chức cấp xã như công chức cấp huyện.

Cho phép Hà Nội ban hành chính sách Quy định các chế độ, chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng và việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô (Điều 16).

Cơ chế này cho phép thành phố Hà Nội ban hành cơ chế đặc thù, vượt trội nhằm thu hút có trọng tâm, trọng điểm, nhất là ở các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ cho sự phát triển nhanh, bền vững đối với kinh tế - xã hội Thủ đô. Đồng thời, có chính sách đãi ngộ bảo đảm được nguồn thu nhập ổn định cho cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô căn cứ vào năng lực, hiệu quả công việc, vị trí việc làm, phù hợp với điều kiện, khả năng ngân sách của thành phố. Hạn chế được tình trạng chảy máu chất xám từ khu vực công sang tư, tránh lãng phí nguồn lực./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thân thương căn bếp mùa đông
    Ngoài kia, gió mùa Đông Bắc ào ạt tìm về, bập bùng trên mái tôn, hun hút luồn vào khe cửa. Những chiếc lá cuối thu lặng lẽ buông mình. Đất trời hanh hao đón một mùa đông mới. Chị em tôi chui ra khỏi chăn chờ mẹ tìm quần áo ấm.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Trăng thơm
    Thoan ngồi giặt ở cầu ao. Trăng nhấp nhoáng dưới làn nước. Hoa bèo tím thẫm một mảng bồng bềnh trong âm thanh rền rã của bầy ve kêu trên cây nhãn già. Cây nhãn này mấy năm trước đứt hoa, mùa xuân năm nay bung lại, hoa kết từng chùm vàng nhạt, li ti, đậu quả bện trĩu cành. Ngang trưa nay, chị Hà đi lấy hàng về sớm, thấy thằng cu Minh đánh quần đùi, áo ba lỗ, mũ lưỡi trai đội ngược, cầm sào đi bắt ve qua ngõ, bèn vẫy lại: “Cu Minh, trèo cây vặt nhãn hộ cô”.
  • Hoàn thiện chính sách pháp lý phát triển văn học, nghệ thuật bước vào kỷ nguyên mới
    Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, đang lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác (sau đây gọi tắt là Dự thảo Nghị định).
  • "Anh trai say hi" Hà Nội Concert 3 bùng nổ sân vận động Mỹ Đình
    Tối 7/12, "Anh trai say hi" Hà Nội Concert 3 đã diễn ra tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình với những khoảnh khắc độc quyền.
  • Kỷ lục gần 18.000 vận động viên dự Marathon quốc tế Techcombank mùa 7
    Giải Marathon Quốc tế Techcombank Hồ Chí Minh mùa thứ 7 chính thức đóng cổng đăng ký sau khi cháy vé với gần 18.000 vận động viên tham gia, đánh dấu sự kiện biểu trưng của thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Luật Thủ đô: Nền tảng để Hà Nội tổ chức bộ máy tinh, gọn, mạnh vươn mình trong kỷ nguyên mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO