Sáng rõ 7 định hướng chiến lược của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm về “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”
Tại Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn Thành phố triển khai đợt sinh hoạt chính trị nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền tư tưởng chỉ đạo, định hướng lớn của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” do Thành ủy Hà Nội tổ chức sáng 6/12, GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đã làm sáng tỏ 7 định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
GS.TS Phùng Hữu Phú nhấn mạnh, gần 95 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, về tổng quát, dân tộc Việt Nam đã trải qua hai kỷ nguyên vẻ vang. Bây giờ, Việt Nam bước vào kỷ nguyên thứ ba, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mà thời điểm mở đầu là Đại hội lần thứ XIV của Đảng, ghi dấu ấn 40 năm đổi mới (1986-2026).
“Vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm trong nhiều bài viết, bài nói đã đề cập chủ trương lớn của Đảng ta về “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Đây là một chủ trương, định hướng mới, có tầm chiến lược phát triển đất nước, có ý nghĩa chính trị to lớn, cần được đưa vào Văn kiện Đại hội XIV, quán triệt sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị cao” – GS.TS Phùng Hữu Phú, khẳng định.
Tại Hội nghị, GS. TS Phùng Hữu Phú đã nêu bật 7 định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” của Đảng và Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập trong thời gian qua.
Trước tiên, về cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng, theo Tổng Bí thư, trong hơn 94 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng ta không ngừng tìm tòi, phát triển, bổ sung, hoàn thiện phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền. Đây là yếu tố then chốt bảo đảm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua mọi thác ghềnh, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Trong đó, cần thực hiện nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng; tập trung tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của Đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, bộ “tổng tham mưu”, đội tiên phong lãnh đạo cơ quan Nhà nước. Đồng thời, phải đổi mới mạnh mẽ việc ban hành và quán triệt, thực hiện nghị quyết của Đảng; xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên thật sự là các “tế bào” của Đảng; đổi mới công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của Đảng...
Thứ hai, về tăng cường tính Đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Trong 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, theo Tổng Bí thư Tô Lâm, thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”, đặt ra yêu cầu cấp thiết phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần phải liên tục được hoàn thiện để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, phát huy dân chủ, vì con người, công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Việc tinh gọn tổ chức bộ máy đi đôi với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ. Tinh giản không có nghĩa là cắt giảm một cách cơ học, mà là loại bỏ những vị trí không cần thiết, giảm những công việc không hiệu quả, từ đó tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực then chốt, những con người thực sự xứng đáng và phù hợp.
Tổng Bí thư Tô Lâm.
Định hướng thứ ba, về tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng chí Tổng Bí thư khẳng định nhiệm vụ này đang đặt ra rất cấp thiết. Nêu chủ trương chiến lược, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu tiếp tục tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là “bộ tổng tham mưu” đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước.
Thứ tư, về chuyển đổi số, Tổng Bí thư Tô Lâm phân tích, chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại – “phương thức sản xuất số” - trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số… Bộ Chính trị sẽ sớm nghiên cứu, ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số quốc gia để lãnh đạo thực hiện quyết liệt trong toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị.
Thứ năm, về chống lãng phí, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ, lãng phí hiện nay diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Tổng Bí thư đã nêu các giải pháp chiến lược để giải quyết tình trạng này trong những năm tới. Trong đó cần giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn; các ngân hàng thương mại yếu kém. Sớm hoàn thành cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hằng ngày”.
Thứ sáu, về cán bộ, khẳng định cán bộ và công tác cán bộ là vấn đề “rất trọng yếu”, “quyết định mọi việc”, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc nhở, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đang đặt ra cấp thiết. Trong giai đoạn mới, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, cần đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được; tăng cường tự đào tạo, tự bồi dưỡng, nhất là đối với yêu cầu của chuyển đổi số.
Hà Nội luôn gương mẫu đi đầu, làm gương cho cả nước trong triển khai thực hiện chủ trương, định hướng lớn của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về “kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
GS. TS Phùng Hữu Phú.
Thứ bảy, về kinh tế, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh việc tập trung xây dựng mô hình xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trọng tâm là xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, tạo nền tảng xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa mà Cương lĩnh của Đảng đã xác định (dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, do nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý, Đảng Cộng sản lãnh đạo)…/.