Văn hóa – Di sản

Hồ Quý Ly- nhà canh tân nổi tiếng

Quỳnh Chi 05/12/2023 15:19

Vào cuối thế kỷ XIV, đất nước ở trong tình trạng rối ren. Triều Trần đã trở nên ruỗng nát, bị lung lay tận gốc. Đầu năm 1397, Hồ Quý Ly - bố vợ của Trần Thuận Tông đang giữ chức Thái sư Tuyên trung vệ quốc đại vương - lệnh cho Lại bộ Thượng thư Đỗ Tỉnh vào động An Tôn, Thanh Hóa xây đắp thành lũy, mở mang cung điện, đến giữa năm thì hoàn thành, bèn ép Trần Thuận Tông dời đô đến An Tôn, đổi tên kinh đô Thăng Long thành Đông Đô, đặt tên cho kinh đô mới là Tây Đô và lập ra vương triều Hồ.

Quý Ly tự là Lý Nguyên, dòng dõi người ở Triết Giang (Trung Quốc). Từ đời Hậu Hán, Ngũ Quý sang làm Thái thú ở Diễn Châu, Quỳnh Lưu (Nghệ An), đến đời cháu thứ 12 là Hồ Liêm dời đến ở hương Đại Lải, phủ Thanh Hóa, làm con nuôi của Tuyên úy Lê Huấn, từ đấy mới đổi làm họ Lê.

ho-quy-ly.jpg
Chân dung Hồ Qúy Ly.

Hồ Quý Ly có mối tình rất lạ với công chúa Nhất Chi Mai, con vua Trần. Tương truyền: Hồ Quý Ly lúc hàn vi thường theo người cha nuôi họ Lê đi buôn đường biển. Một lần thuyền chờ hàng ghé vào bờ, Quý Ly thấy trên bãi biển có ai vạch lên cát câu thơ:

Quảng Hàn cung lý nhất chi mai

Quý Ly nhẩm thuộc lòng lấy câu thơ đó. Đến khi Quý Ly đã làm quan, một hôm hộ giá vua Trần đi chơi, nửa chừng ghé vào tránh nắng ở điện Thanh Thử, thấy trước điện rất nhiều cây quế, vua liền ra câu đối:

Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế

Các quan cùng đi lúng túng chưa kịp đối thì Quý Ly nhớ lại câu thơ trên bãi biển năm xưa, bèn đọc luôn:

Quảng Hàn cung lý nhất chi mai

Cả hai ghép lại thành hai vế đối rất chính nghĩa là:

Thanh Thử điện kia ngàn gốc quế

Quảng Hàn cung nọ một cành mai

Nghe xong các quan đều phục tài Hồ Quý Ly, vua Trần càng kinh ngạc hơn bởi nhà vua có một công chúa đặt tên là Nhất Chi Mai. Nàng ở trong cung cấm không ra đến ngoài. Vua hỏi Quý Ly:

Nhà ngươi làm sao biết được trong cung tả của ta có công chúa tên là Nhất Chi Mai, tòa lầu của công chúa là cung Quảng Hàn do chính ta đặt tên?

- Quý Ly cứ thực tâu lại việc trước. Vua cho là chuyện lạ, duyên trời đã định, bèn gả công chúa Nhất Chi Mai cho Quý Ly.

Nhất Chi Mai sinh được hai con trai thông minh, có tài là Hồ Hán Thương và Hồ Nguyên Trừng.

Hồ Quý Ly tham dự vào chính sự triều Trần khoảng 28 năm. Sau khi bức vua Trần dời đô từ Thăng Long vào Thanh Hóa và giết hàng loạt quần thần trung thành với nhà Trần, tháng hai năm Canh Thìn (1400) Quý Ly truất ngôi của Trần Thiếu Đế, tự lên làm vua lấy quốc hiệu là Đại Ngu. Quý Ly làm vua chưa được một năm, bắt chước tục nhà Trần, nhường ngôi cho con thứ là Hồ Hán Thương rồi làm thái thượng hoàng cùng trông coi việc nước.

Trong thời gian 35 năm nắm quyền chính dưới triều Trần và triều Hồ, Quý Ly đã từng bước tiến hành một cuộc cải cách rộng lớn về mọi mặt.

Về mặt hành chính, Quý Ly đổi các lộ xa làm trấn, đặt thêm các chức An phủ phó sứ, Trấn thủ phó sứ cùng các chức phó khác ở các châu huyện. Ở các lộ thì đặt những chức quan lớn như Đô hộ, Đô thống, Thái thú quản cả việc quân sự và dân sự. Quý Ly còn đặt chức Liêm phóng sứ tại mỗi lộ để dò xét tình hình quân dân.

Về mặt kinh tế, cải cách quan trọng nhất của Hồ Quý Ly là phép hạn điền, hạn nô, phát hành tiền giấy và đổi mới chế độ thuế khóa. Đó là những cải cách tiến bộ nhằm giảm thế lực của bọn quý tộc Trần, giải quyết tình trạng kiệt quệ tài chính của triều đình.

Theo phép hạn điền, trừ đại vương, trưởng công chúa, mỗi chủ đất chỉ được giữ 10 mẫu trở xuống, số ruộng thừa phải sung công, nghĩa là khôi phục chế độ sử hữu nhà nước về ruộng đất. Ai có tội được phép lấy ruộng mà chuộc tội. Thêm vào đó, Quý Ly dùng uy quyền bắt vua Chàm phải dâng đất Chiêm Động và Cổ Lũy, sau đó Quý Ly cho chia làm 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, đặt quan cai trị và cho dân nghèo cùng vào lập nghiệp để khai khẩn đất đai.

Để bổ sung cho ngân sách quốc gia, đủ tiền chi dùng vào công cuộc cải cách xã hội, Hồ Quý Ly cho phát hành các loại tiền giấy: 1 quan vẽ hình rồng, 5 tiền vẽ phượng, 3 tiền vẽ lân, 2 tiền vẽ quy, 1 tiền vẽ mây, 30 tiền vẽ hình sóng, 10 tiền vẽ rêu biển.

Chế độ thuế khóa được thay đổi theo lối tỷ lệ, căn cứ theo số ruộng đất mà đánh thuế; dân đinh không có ruộng và cô nhi quả phụ có ruộng được miễn thuế; đinh có 5 sào chịu 5 tiền giấy; có từ 6 sào đến 1 mẫu đóng 1 quan tiền giấy; có từ 1 mẫu 1 sào đến 1 mẫu 5 sào đóng 1 quan rưỡi tiền giấy; có từ 1 mẫu sáu đến 2 mẫu, đóng 2 quan; có từ 2 mẫu 1 sào đến 2 mẫu 5 sào đóng 2 quan 6 tiền giấy; có từ 2 mẫu 6 sào trở lên đóng 3 quan.

Về mặt quân sự, lo chỉnh đốn việc võ bị đề phòng giặc phương Bắc, Hồ Quý Ly sai lập hộ tịch để biết số dân định trong nước mà lấy thêm; chia quân thành Nam, Bắc, Đông, Tây gồm tất cả 20 vệ (mỗi vệ có 18 đội, mỗi đội 18 người, đại quân thì có 30 đội, trung quân 20 đội, mỗi doanh có 15 đội, mỗi đoàn có 10 đội; riêng các cấm vệ chỉ có 5 đội); tổ chức việc phòng thủ ở các cửa biển và những nơi hiểm yếu; làm những thuyền lớn có 2 tầng, phía dưới để cho người nghèo, còn ở sàn bên trên thì quân sĩ có thể đi lại được; lo chế tạo quân khí và đặt ra 4 kho để chứa.

Về văn hóa xã hội, Hồ Quý Ly phản đối lối học sáo rỗng, nhắm mắt học vẹt lời nói của cổ nhân để xét việc trước mắt. Năm Nhâm Thân (1392), Quý Ly soạn sách Minh đạo gồm 14 thiên đưa ra những kiến giải xác đáng về Khổng Tử và những nghi vấn có căn cứ về sách Luận ngữ - một trong những tác phẩm kinh điển của Nho giáo.

Ngoài ra ông cũng có hoài bão xây dựng một nền văn hóa dân tộc. Ông trọng dụng chữ Nôm, dùng chữ Nôm dịch Kinh thư, Kinh thi, làm sắc chiếu để dạy hậu phi cung nữ và ban biểu trong dân. Ông chú trọng đến việc mở thêm trường học ở các lộ phủ Sơn Nam, Kinh Bắc, Hải Đông và định lại phép thi cho có quy củ.

Về mặt xã hội, Hồ Quý Ly đặt sở “Quảng tế thư” một loại bệnh viện công, chữa bệnh bằng châm cứu và cử Nguyễn Đại Năng trông coi. Ở các lộ, đều lập ra một kho lúa thường bình, lấy tiền công mua lúa trữ vào, phòng những năm mất mùa đem bán rẻ cho dân chúng.

Năm 1403, Hồ Quý Ly còn đặt chức Giám thị, ban hành những đồ đo lường như thước, đấu, thưng cho dân dùng; lại đặt ra các điều luật để bảo vệ cho nhà buôn và giữ giá trị tiền giấy của triều đình.

Hồ Quý Ly đã thực hiện những cuộc cải cách ấy với một quyết tâm cao, một tài năng xuất chúng và một bản lĩnh phi thường. Và dù những cải cách đó có ý nghĩa tích cực nhưng nhìn chung toàn bộ chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và những đòi hỏi cấp thiết của dân tộc. Vì vậy ông đã thất bại. Bài học lớn nhất dẫn đến thất bại của Hồ Quý Ly chính là để mất lòng dân.

Năm Ất Dậu 1405, sau những năm tháng ngoại giao mềm mỏng, họ Hồ đứng trước nguy cơ xâm lược của nhà Minh. Hồ Quý Ly giao cho con là Hồ Nguyên Trừng chỉ huy đắp thành Đa Bang và đưa quân đóng giữ các nơi. Nhưng đúng như Hồ Nguyên Trừng đã nói: “Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi”. Trước sức tấn công của địch, quân nhà Hồ thua trận phải rút về giữ phòng tuyến phía nam sông Hồng. Quân Minh thừa cơ hội đã tập trung binh lực vượt sông Hồng đánh chiếm thành Đa Bang. Cuối năm Bính Tuất (1406) thành Đa Bang thất thủ, tuyến phòng ngự của quân nhà Hồ cũng tan vỡ nhanh chóng.

Ngày 22-1-1407, quân Minh tràn xuống chiếm đóng kinh thành Thăng Long, quân nhà Hồ tiếp tục rút chạy, đem theo thuộc hạ chạy ra biển rồi vào Thanh Hóa. Tháng 6 năm Đinh Hợi (1407), thượng hoàng Hồ Quý Ly cùng vua Hồ Hán Thương chạy đến vùng núi Thiên Cầm, cửa biển Kỳ La (Hà Tĩnh) liền bị giặc bắt cùng toàn gia quyến và tùy tướng, rồi bị đưa sang giam giữ tại Trung Quốc.

Nhà Hồ làm vua từ năm Canh Thìn (1400) đến năm Đinh Hợi (1407), được trọn 7 năm thì sụp đổ. Đất nước ta bị rơi vào ách đô hộ của giặc Minh./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Nguyễn Vạn Hạnh – nhà trính trị, thiền sư, thi sĩ
    Thiền sư Vạn Hạnh (?-1018) gốc họ Nguyễn, người hương Cổ Pháp, phủ Thiên Đức (nay thuộc phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), thuộc thế hệ thứ mười hai dòng Thiền Nam phương Tì Ni Đa Lưu Chi. Ông học thông tam giáo (Nho - Phật - Đạo), từng gắn bó với triều vua Lê Đại hành, trải qua thời Lê Trung Tông, Lê Ngọa Triều rồi đến Lý Thái Tổ.
(0) Bình luận
  • Thông qua quyết định về bảo tồn Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội tại Kỳ họp thứ 46 của Ủy ban Di sản thế giới
    Hồ sơ bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được thông qua mở ra việc khơi thông Trục Hoàng Đạo, tiến tới khôi phục không gian và Chính điện Kính Thiên.
  • Điệu múa trống bồng làng Triều Khúc
    Múa bồng đã xuất hiện ở nhiều nơi tại nhiều lễ hội và mỗi nơi múa bồng lại có dáng vẻ riêng. Tuy nhiên đến nay chỉ duy nhất ở làng Triều Khúc điệu múa này còn giữ được nguyên hồn cốt và thần thái.
  • Làm "sống lại" trò chơi được vua quan triều Nguyễn yêu thích
    “Đầu hồ” trò chơi truyền thống được vua, hạ thần, quan lại thời nhà Nguyễn yêu thích vừa được “Trung tâm Trải nghiệm thực tế ảo (VR) – Đi tìm Hoàng Cung đã mất” ra mắt và du khách có thể trải nghiệm trong Đại Nội Huế.
  • Đề nghị Lễ hội Sayangva vào danh mục Di sản văn hóa
    Lễ hội Sayangva còn gọi là lễ cúng thần Lúa hay là Mừng lúa mới. Đây là lễ hội lớn nhất của người Chơro, thường diễn ra từ rằm tháng 2 đến rằm tháng tư âm lịch hàng năm vào những ngày trời đẹp, đêm có trăng sáng. Lễ hội truyền thống này mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ.
  • Vẻ đẹp của ngôi chùa thờ vị thiền sư đầu tiên được phong hiệu Quốc sư
    Chùa Non Nước tên Hán là Sóc Thiên Vương Thiền Tự, nằm trong quần thể di tích Đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) không chỉ là nơi có cảnh đẹp kỳ vĩ giữa núi rừng mà nơi đây còn lưu giữ những giá trị lịch sử lâu đời của văn hóa Phật giáo Việt Nam.
  • “Bão Thánh Gióng hái cà” ở làng Bẽ
    Nói đến sự tích Thánh Gióng, mọi người đều nhớ chuyện cậu bé làng Gióng ở huyện Gia Lâm. Sau ba năm từ lúc sinh ra, cậu nằm trên chõng tre im lặng, chẳng biết nói cười. Đến một ngày nghe tiếng loa của sứ giả vua Hùng gọi tìm người tài, cậu vươn vai đứng dậy tình nguyện đi đánh giặc Ân.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Người dân đội nắng đứng bên đường khóc tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về lòng đất mẹ
    Trong thời tiết nắng nóng Hà Nội lên tới 40 độ C, nhưng rất nhiều người dân vẫn đội nắng đứng trên các tuyến đường hướng về Nghĩa trang Mai Dịch để tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối.
  • Những dòng sổ tang nhoè nước mắt tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà
    Rất đông người dân ở mọi độ tuổi, có người già, thanh thiếu niên, trẻ nhỏ... lặn lội từ các quận, huyện của thành phố Hà Nội và các tỉnh đến để tiễn đưa người lãnh đạo đáng kính.
  • Người dân nghẹn ngào, tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Tại quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội, những đôi mắt đỏ hoe, cùng hàng ngàn giọt lệ đã, đang và sẽ rơi là những hình ảnh đầy xúc cảm, thể hiện sự tiếc thương, kính trọng của người dân đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
  • Toàn văn lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). Lễ truy điệu cũng được tổ chức đồng thời tại Hội trường Thống Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Trong niềm tiếc thương vô hạn, Chủ tịch nước Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Lễ tang đã đọc Lời điếu tại Lễ Truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
  • [Video] Người dân từ mọi miền đất nước xếp hàng để được thắp nén tâm hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Tang lễ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức theo nghi thức Quốc tang trong hai ngày 25 và 26/7/2024. Lễ viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ đến 22 giờ ngày 25/7 và từ 7 giờ đến 13 giờ ngày 26/ 7/ 2024. Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Hồ Quý Ly- nhà canh tân nổi tiếng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO