Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Hà Nội trong tôi

Hồng Thương 19/10/2023 17:23

Ai yêu Hà Nội sẽ không thể nào không biết đến tập tùy bút “Thương nhớ Mười Hai” của Vũ Bằng. Trong ký ức của tôi trong thời niên thiếu, Hà Nội là một miền đất rất thơ, đẹp như tranh sơn dầu của họa sĩ Bùi Xuân Phái với những ngôi nhà liêu xiêu phủ đầy rêu phong ẩn chứa một nỗi niềm riêng.

anh-mua-thu-ha-noi_021948172.jpg
Dường như không ai có thể hờ hững trước mùa thu Hà Nội. Mùa mà đã trở thành chủ đề không bao giờ hết mực của thơ ca nhạc họa. (ảnh: internet)

Hà Nội kẹt xe và ngột ngạt

- Sáng mai mẹ gửi ít đồ, con ra bến xe Nước Ngầm mà lấy nha!

- Ôi mai mới là Thứ Sáu con vẫn đi làm mà mẹ, buổi sáng tắc đường lắm. Mẹ dời lịch qua ngày mai hoặc ngày kia được không?

“Píp píp”, tiếng còi xe inh ỏi phía sau khi tôi vội nghe điện thoại của mẹ trong lúc đương phải vượt qua “cơn sóng” tắc đường. Sáng nào cũng vậy, cố dậy sớm hơn 10 phút nhưng đến công ty chấm công vẫn quá giờ quy định. Và hôm nào lỡ tối qua có bữa hẹn về muộn là phải xin phép đến trễ trước tình trạng kẹt xe mỗi sáng đi làm. Từ nhà đến Công ty tôi phải đi qua cung đường Láng và đường Cầu Giấy, hai cung đường mà không kẹt xe được coi là dấu hiệu bất thường. Và đôi khi trời buồn buồn đổ cơn mưa sáng sớm thì thời gian đến Công ty của tôi lại được “bôi ra” dài thêm hàng chục phút. Ấy vậy mà tôi đã gắn bó với Thủ đô này được tám năm. Ba má tôi vẫn hằng mong con gái về quê làm cho gần nhà, ở Thủ đô lại đắt đỏ, kẹt xe, ngột ngạt. Thế nhưng chừng ấy năm, bằng cách này hay cách khác, Thủ đô đã bao bọc tôi và trở thành một phần máu thịt, là quê hương thứ hai sau nơi chôn rau cắt rốn của mình.

Tết nào về quê, ngoại tôi cũng bảo: “Về quê đi, lấy tấm chồng rồi còn chăm sóc bố mẹ mày. Nhà được mỗi mụn con gái còn ở xa”. Tôi lại cười xoà cho xong mà trong tay vẫn vặn nắp hộp ô mai mua dưới phố Hàng Đường.

Hà Nội - ở trọ

Mật độ dân số Thủ đô ngày càng tăng và Thành phố cũng đang có chủ trương dời các trường Đại học ra ngoại ô. Một cô bé tỉnh lẻ đến Thủ đô với niềm mong ngóng hoàn thành xuất sắc chương trình học Đại học để có thể xây dựng một sự nghiệp vững chắc, là niềm tự hào cho ba má. Điều đầu tiên cần làm ở Hà Nội là thuê trọ. Khu trọ tôi thuê nằm trên con phố Chùa Láng nhộn nhịp cách trường tầm 15 phút đi bộ. Những năm tháng đầu bao nhiêu khó khăn, chật vật, thiếu thốn, không người thân và bạn bè thì hiếm hoi, nên người tôi nhờ cậy nhiều nhất là chủ trọ. Vay tiền nộp học phí khi vụ mùa của ba má ở quê chưa kịp thu hoạch, gửi nhờ miếng thịt, quả trứng mà mẹ chắt chiu từ quê gửi ra hay mượn cái quạt điện trong mùa hè oi bức khi nó vừa hỏng mà tôi chưa kịp mua mới.... Những tô bún ốc nóng hổi trong mùa đông gió bấc, những mớ rau xanh ngắt trong mùa dịch Covid... cũng đủ làm ấm lòng một đứa trẻ xa nhà.

Sinh hoạt Chi bộ

Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ trên con đường học tập và hoạt động đoàn thể, tôi may mắn đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam khi còn mười tám tuổi. Khi còn là sinh viên, những đêm Trung thu cho các bé, những buổi viếng thăm các anh hùng liệt sĩ ở đài tưởng niệm không vắng bóng hình dáng một cô gái nhỏ nhắn. Cho đến khi ra trường, công tác ở một đơn vị không có tổ chức Đảng nên phải sinh hoạt ở Chi bộ 4 – phường Láng Thượng, vẫn là một trong những đảng viên “nhỏ tuổi” giữa biết bao những Đảng viên đã kinh qua biết bao sự lớn lên của đất nước, được trao huy hiệu tuổi Đảng. Và tôi biết mình cần phải nỗ lực nhiều hơn với sứ mệnh của một Đảng viên đang học tập và làm việc tại Thủ đô này.

Lễ hội Chùa Láng

Thủ đô được xem như là “cái nôi” văn hóa của cả nước bởi vì nơi đây hội tụ nhiều lễ hội, và cũng là mảnh đất nghìn năm văn hiến. Hàng năm cứ độ đầu xuân, tôi cùng bạn bè đi lễ chùa một số chùa gần Hà Nội và trước giờ chưa được từng chứng kiến tận mắt một lễ hội nào. May mắn rằng mùa xuân năm 2023, tôi được chứng kiến Hội Chùa Láng được phục dựng sau 70 năm. Trước ngày diễn ra Hội, Chùa Láng được trang trí đèn lồng, các ngõ 185, 1194 được dựng cổng trang trí các mùa sắc đỏ, vàng vô cùng tráng lệ. Buổi sáng ngày bắt đầu diễn ra Hội, chủ nhà tôi cùng các bác trong ngõ làm bánh trôi để dâng lễ.

Choáng ngợp trước cảnh lộng lẫy, uy nghi từ màn nghi lễ “Độ Hà” trên sông Tô Lịch đến màn rước kiệu Thánh từ Chùa Láng đến Chùa Hoa Lăng (phố Quan Hoa), tôi như vỡ òa và không ngừng dùng điện thoại để ghi lại những khoảnh khắc lịch sử ấy. Vì được phục dựng sau 70 năm nên Lễ hội Chùa Láng tái hiện dường như đầy đủ các nghi thức văn hóa độc đáo của người vùng Kẻ Láng thuộc Kinh thành Thăng Long xưa.

Một bản sắc văn hóa của Hà Nội được tái hiện chân thật và độc đáo mà trước đây tôi chỉ được chiêm ngưỡng qua màn ảnh nhỏ, qua những câu ca dao, những bài viết khi ngồi trên ghế nhà trường. Tự hào khi được là một phần của Thủ đô.

Hà Nội – Mùa nào cũng đẹp

Ai yêu Hà Nội sẽ không thể nào không biết đến tập tùy bút “Thương nhớ Mười Hai” của Vũ Bằng. Trong ký ức của tôi trong thời niên thiếu, Hà Nội là một miền đất rất thơ, đẹp như tranh sơn dầu của họa sĩ Bùi Xuân Phái với những ngôi nhà liêu xiêu phủ đầy rêu phong ẩn chứa một nỗi niềm riêng.

Vào mùa xuân, hoa đào, cây quất được bán đầy đường Phạm Văn Đồng. Khắp các chợ, những cành đào vừa tay được cắm trong các xô sơn cũ màu. Đó là một nét riêng của Hà Nội, một cách chơi đào khi đào không chỉ được chưng ngoài sân mà có thể cắm những cành nhỏ trên bàn tiếp khách hay trên bàn thờ gia tiên. Trong khí trời quang đãng với cái rét ngọt cuối mùa, Hà Nội mang vẻ đẹp của một người con gái kiều diễm nhưng e ấp sau cánh cửa nhà mình.

Khi tường vi, bằng lăng bắt đầu điểm sắc ở các con đường cũng là lúc mùa hạ về trên phố. Nắng miền Bắc không gay gắt như miền Trung, cũng không ẩm ương thất thường như Sài Gòn nhưng cũng đủ làm ướt áo những bác chạy xe ôm hay những cô bán hàng. Mùa hạ đến và dừng rất lâu khiến đôi khi người ta cảm thấy bức bối, khó chịu mà tạt vào quán trà đá nào đó ven đường. Một cốc trà đá hay nhân trần mát lạnh với câu chuyện tầm phơ tầm phào nào đó cũng đủ xua đi cái mệt nhọc nơi đây.

Dường như không ai có thể hờ hững trước mùa thu Hà Nội. Mùa mà đã trở thành chủ đề không bao giờ hết mực của thơ ca nhạc họa. Tiết trời mát mẻ, dễ chịu, đi qua con phố Phan Đình Phùng hay đường Thanh Niên mua một bó sen, hay “một thức quả của lúa non – Cốm” chỉ mấy lần mà sợ thu đi vì quá đẹp và rất đỗi nên thơ. Thu Hà Nội như một người con gái dịu dàng, đoan trang đang ngồi trước gương điểm trang để đón chờ người mình thương.

Khi tiết trời âm u và cái rét ngày càng đậm hơn và kéo theo sau đó là những cơn mưa phùn đủ làm ướt áo thì Hà Nội cũng chuyển mình vào đông. Trong đêm đông rét mướt, dưới những ánh đèn đường lẫn màn sương đêm bàng bạc, chen lẫn tiếng rao: “Xôi, bánh khúc đây” là một ký ức đẹp mỗi khi nhớ về Hà Nội.

Hà Nội đôi khi có nét trầm mặc của Huế, thi thoảng ẩm ương như Sài Gòn và nhộn nhịp hơn bất kỳ Thành phố nào trên đất nước ta, và luôn có một nét riêng của mảnh đất này mà đến bây giờ vẫn dang tay đón chào sự khám phá.

Hà Nội – Tình yêu của tôi

Thủ đô là nơi nhen nhóm tình yêu đôi lứa của rất nhiều người. Những buổi hẹn hò khắp nẻo ở Thủ đô, thưởng thức nét đặc sắc ẩm thực nơi mảnh đất nơi kinh kỳ, khám phá nét độc đáo của bề dày lịch sử...

Hà Nội... cứ thế trở thành một phần máu thịt trong tôi./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Hồng Thương. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.
Bài liên quan
  • Giờ mới biết yêu Hà Nội thì có phải muộn quá không?
    Nhà tôi ở một ngôi làng nhỏ, nằm ở ngoại ô Thủ đô Hà Nội, cách rất xa trung tâm. Hà Nội trong tâm tưởng tôi cái thuở còn thơ bé nhuốm một màu u buồn. Là những lần khóc ngất lên vì lấy máu xét nghiệm, là những đêm nằm cô đơn trong căn phòng tối của Bệnh viện Nhi, và cũng là những giọt nước mắt đau xót của cha mẹ.
(0) Bình luận
  • Mùa hoa bằng lăng Hà Nội
    Tôi yêu mùa hoa bằng lăng Hà Nội, yêu màu tím dịu dàng của bằng lăng. Màu hoa đẹp và lãng mạn đã làm dịu đi cái nắng chói chang của mùa hạ. Màu tím của bằng lăng cũng điểm tô cho phố phường Hà Nội có nét đẹp rất riêng. Tôi đã từng say đắm ngắm những cành bằng lăng qua ô cửa. Những cành hoa tím mộng mơ in trên những tòa nhà tạo nên bức tranh tuyệt đẹp.
  • Một ngày với Hồ Tây
    10 giờ đêm, nhận được tin nhắn từ một người bạn cũ: “Hò hẹn mãi cuối cùng em chẳng đến/Chỉ sợ ngày xuân vội vã đi rồi. Xin lỗi phải nhại thơ Hoàng Nhuận Cầm để chuyển tải hết những mong ngóng của anh. Mai là chủ nhật, có rảnh để về Hà Nội với anh không?”. Tôi phì cười. Hò hẹn từ đầu năm sẽ lên thăm anh, nhờ anh làm hướng dẫn viên du lịch một vòng Thủ đô, vậy mà gần 6 tháng trôi qua, lời hẹn vẫn chưa thành hiện thực. Tôi nhìn lịch, nhắn cho anh: “Mai em rảnh, em lên nhé!”. Ngay lập tức anh trả lời: “OK nhé,
  • Nhớ Hà Nội qua những cuộc gọi vội
    Lớn lên với bát phở gà thơm phức và tiếng còi xe máy mỗi giờ tan tầm, cô du học sinh người Việt òa khóc giữa lòng thành phố New York tráng lệ. Có lẽ, vì chẳng quen. Có lẽ, vì nhớ nhà. Có lẽ, vì “miền đất hứa” vốn là nơi để những ước mơ cất cánh bay xa, nhưng miền đất quê hương ta mới là nơi những ước mơ mỏi cánh bay trở về.
  • Hà Nội trong tôi là Ga Hàng Cỏ
    Ga Hà Nội là một trong những biểu tượng trung tâm của Thủ đô Hà Nội! Mỗi khi nhắc tới Ga Hà Nội, tôi lại hình dung một đoàn quân với những hàng ngang, hàng dọc ngay ngắn trên sân ga.
  • Đèn đường kể chuyện
    Ở thành phố này, những cột đèn đường cứ kỳ quặc thế nào ấy. Đêm, thành phố đã đi ngủ, tất cả chìm vào lặng yên, riêng mấy cột đèn còn thức. Bốn mùa xuân hạ thu đông, đèn đường soi rõ những mặt người, lặng lẽ giấu đi những câu chuyện kể.
  • Hà Nội dấu trong mình điều gì
    Với mình, Hà Nội lúc nào cũng rộng lớn. Hay ít ra thì thành phố này đủ rộng để cất giấu trong mình vô vàn những bí mật không tên.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội trong tôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO