Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Hà Nội – niềm tin và hy vọng

Nguyễn Duy Xuân 26/04/2023 15:58

Trong suốt chiều dài lịch sử hơn 1000 năm của mình, Hà Nội – Thăng Long – là đất địa linh nhân kiệt, nơi lắng đọng hồn thiêng sông núi, hội tụ nhân tài bốn phương, nơi kết tinh và tỏa sáng những giá trị ngàn đời của văn hóa dân tộc.

cot-co-hn.jpg
Cột cờ Hà Nội

Muôn đời hậu thế biết ơn tiền nhân - vị vua sáng suốt, anh minh Lý Công Uẩn - với nhãn quan lịch sử đã chọn lựa và tạo dựng cho đất nước một nơi định đô đúng như Người đã nhận định: “thành Đại La, (…), ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.” (Lý Công Uẩn, Chiếu dời đô, bản dịch của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam).

Thế nước bắt đầu từ đó. Là Thủ đô của đất nước có vị thế địa chính trị khác người, luôn phải đối mặt với sự nhòm ngó và chiến tranh xâm lược của ngoại bang, Hà Nội trải qua bao đời là trung tâm chính trị, là trái tim đất nước; là niềm tin và hy vọng mỗi khi tổ quốc lâm nguy, giang sơn gấm vóc đứng trước thử thách ngàn cân treo sợi tóc.

Soi chiếu vào lịch sử dân tộc, nhiều cuộc chiến tranh giữ nước giành thắng lợi trọn vẹn chỉ khi kẻ thù bại trận ngay trên đất Thăng Long – Hà Nội.

Thế kỷ 13, vó ngựa Mông Cổ tung hoành ngang dọc khắp châu Á và sang tận cả châu Âu nhưng lại phải chuốc lấy thất bại cay đắng, nhục nhã trên đất Đại Việt, đến nỗi Trấn Nam Vương Thoát Hoan cùng bộ sậu gồm nhiều tướng lĩnh tài giỏi của y bị quân và dân nhà Trần đánh cho tơi tả ngay trên đất Thăng Long. Thoát Hoan buộc phải chui vào ống đồng chạy trốn về nước.

Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, cuối năm 1426, tướng giặc Vương Thông thua trận Tốt Động – Chúc Động, buộc phải kéo tàn quân chạy về cố thủ ở Đông Quan (Thăng Long) chờ viện binh sang. Thành Đông Quan bị ta vây hãm. Khi nghe tin viện binh bị quân ta đánh cho tan tác, Vương Thông sợ hãi, xin giảng hòa để rút quân. Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo đã mô tả: “Cứu binh hai đạo tan tành, quay gót chẳng kịp,/ Quân giặc các thành khốn đốn, cởi giáp ra hàng/ Tướng giặc bị cầm tù, như hổ đói vẫy đuôi xin cứu mạng”.

Mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, Vua Quang Trung đại phá 29 vạn quân xâm lược Thanh ngay trên đất Thăng Long. Hình ảnh vị vua áo vải cờ đào, chiều mồng 5 Tết áo bào sạm khói súng dẫn đại quân tiến vào Thăng Long được ghi lại trong sử sách khiến con cháu muôn đời mỗi khi nhắc đến không khỏi xúc động, tự hào.

Còn đây là cảnh thảm bại của quân xâm lược nhà Thanh qua ghi chép của Đại Nam chính biên liệt truyện: "Tôn Sĩ Nghị đóng trên bãi cát, được tin bại trận vội vàng cưỡi ngựa một mình chạy về bắc. Tướng sĩ thấy vậy tranh nhau qua cầu mà chạy, cầu đứt, lăn cả xuống sông, chết đến vài vạn người, làm cho nước sông không chảy được."

Trên đường tháo chạy, Tôn Sĩ Nghị bỏ lại cả quân ấn, kỳ bài, sắc thư. Trần Nguyên Nhiếp là bí thư dưới quyền Nghị sau này mô tả: Sĩ Nghị cùng Nguyên Nhiếp đi lạc lối, quanh co nhiều chỗ, bị đói khát 7 ngày đêm mới tới ải Nam Quan.

Quân xâm lược phương Bắc từ bao đời nay, hỏi có kẻ nào thảm bại hơn Thoát Hoan hay Tôn Sỹ Nghị?

Ngô Ngọc Du, một nhà thơ đương thời, đã ghi lại không khí tưng bừng ngày chiến thắng oanh liệt, giải phóng Thăng Long của nghĩa quân Tây Sơn trong một bài thơ: “Mây tạnh mù tan trời lại sáng/ Đầy thành già trẻ mặt như hoa,/ Chen vai khoác cánh cùng nhau nói:/ "Kinh đô vẫn thuộc núi sông ta".

Kinh đô vẫn thuộc núi sông ta! Muôn đời là thế. Nhưng quân xâm lược có bao giờ chịu thừa nhận thực tế đó để Hà Nội bước sang thời hiện đại lại thêm những lần chìm trong bom đạn. “Hà Nội cháy khói lửa ngợp trời”. Nhưng “Hà Nội vùng đứng lên” để mãi mãi “kinh đô vẫn thuộc núi sông ta” như tiền nhân đã từng khẳng định.

Hơn một năm sau Ngày Độc lập, tối 19/12/1946, pháo đài Láng nổ phát súng đầu tiên lệnh toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Sau 60 ngày đêm chiến đấu anh dũng, quật cường với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, quân và dân Hà Nội đã làm thất bại quyết sách đánh nhanh diệt gọn của thực dân Pháp.

Trong những ngày tháng cam go đó, Hà Nội vừa chiến đấu vừa thực hiện chiến lược “tiêu thổ kháng chiến”, lại “vườn không nhà trống” như cha ông xưa thời nhà Trần đã từng làm để cầm chân quân Pháp, tạo thời gian để cơ quan đầu não của ta rút khỏi Thủ đô, sẵn sàng cho một cuộc kháng chiến trường kỳ chưa từng có trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc.

Những năm tháng hào hùng ấy, biết bao người Hà Nội “ra đi đầu không ngoảnh lại/ sau lưng thềm nắng, lá rơi đầy”, nung nấu chí kiên cường bất khuất, niềm tin chiến thắng và hy vọng một ngày không xa lại về với thủ đô, với Hà Nội ba mươi sáu phố phường thân yêu và hát vang bài ca chiến thắng.

Nhớ người lính Tây Tiến những năm đầu kháng chiến đối mặt với muôn vàn gian khổ, nguy nan nơi miền biên ải rừng thiêng nước độc, “Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Những chàng trai Hà Nội năm ấy, “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” vì quyền sống, quyền tự do, độc lập của dân tộc trong đó có những người thân yêu và cả bóng hồng cất giữ trong sâu thẳm lòng mình mà ngày ra đi chưa kịp nói lời yêu khiến con tim thổn thức. Đó chính là cội nguồn của sức mạnh, của ý chí, nghị lực và quyết tâm giúp người chiến sĩ của những “đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm” vượt qua tất cả, giành trận thắng cuối cùng, đánh tan quân xâm lược, trở về giải phóng Thủ đô sau chín năm trường kỳ kháng chiến.

Ta thề Thủ đô sẽ chiến thắng quân thù! Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng động viên chiến sĩ như thế trong buổi đầu gian nan của cuộc kháng chiến. Lời thề ấy đã thành hiện thực ngày 10/10/1954, nước Hồ Gươm lại xanh thắm lòng, phố phường Hà Nội lại tíu tít rộn ràng. Rồi gần hai mươi năm sau thêm một lần, Hà Nội hào hùng và bi tráng những ngày cuối tháng 12 năm 1972 lịch sử.

Với bản chất hiếu chiến và ngoan cố, đế quốc Mỹ mở cuộc tập kích đường không chiến lược cuối năm 1972 với quy mô lớn chủ yếu bằng B-52, đánh phá ác liệt Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác, hòng đưa miền Bắc Việt Nam quay trở về "thời kỳ đồ đá".

Sau 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng tuyệt vời từ 18 đến 30/12/1972, quân và dân ta đã buộc Tổng thống Mỹ Ních-xơn phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và họp lại Hội nghị Pari về Việt Nam. Thần tượng “pháo đài bay” B-52 sụp đổ thảm hại. Ý đồ "đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá" của Ních-xơn sớm tan thành mây khói. Nhớ lại 5 năm trước đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dự đoán: “Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Những ngày cuối năm 1972 ấy, cả nhân loại tiến bộ hướng về Hà Nội với tình cảm đặc biệt và niềm tin vững chắc thắng lợi nhất định sẽ thuộc về nhân dân Việt Nam. “Pháo đài bay rụng đỏ mặt hồ” - dấu chấm hết cho những nỗ lực tuyệt vọng của đế quốc Mỹ trước nguy cơ sụp đổ của chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”. Ngày chiến thắng, Hà Nội rợp cờ hoa. “Cả bốn biển hoan hô Hà Nội”: Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người. “Cút sạch đi, bầy sói hôi tanh!/… Lịch sử muốn bay cúi đầu tội lỗi/ Dưới gươm thiêng hùng khí Thủ đô”.

Hà Nội ngày nay là Thủ đô xanh, là Thành phố hòa bình. Thật ấn tượng biết bao khi nguyên thủ của nhiều quốc gia trên thế giới tới thăm Hà Nội không quên giành cho mình giây phút được thả bộ dạo bước phố phường, chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của Thủ đô Việt Nam nghìn năm văn hiến.

Năm 1993, Tổng thống Pháp Francois Mitterrand, nguyên thủ quốc gia đầu tiên của một nước phương Tây sang thăm Việt Nam sau năm 1975. Ông và tùy tùng đã hào hứng bách bộ trên đường phố Hà Nội, ân cần hỏi thăm những người bán hàng,…

Tháng 11/2006, trong 3 ngày ở thăm Việt Nam, sáng nào Thủ tướng Úc John Howard cũng dậy sớm để đi bộ hai vòng quanh hồ Hoàn Kiếm. Tháng 6/2018, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ngồi ăn bún chả cùng người dân Thủ đô. Tháng 2/2019, Tổng thống Argentina Mauricio Macri đi bộ và thưởng thức cà phê vỉa hè… Chẳng hay, có Thủ đô nào trên thế giới mà nguyên thủ các nước tới thăm lại có được những phút giây hòa mình vào cuộc sống thường nhật của người dân như khi họ đến Hà Nội?

Cách đây ba bốn năm, UNESCO công nhận Hà Nội là thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo ở lĩnh vực Thiết kế sáng tạo. Đây là bước đi đầu tiên nhưng có ý nghĩa hết sức quan trọng, nâng cao vị thế và tạo dựng hình ảnh mới cho Hà Nội trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Ông Michael Croft - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đánh giá: Quý vị đã giương cao ngọn đuốc của nền văn hóa hòa bình trong nhiều thập kỷ và giờ đây, với danh hiệu Thành phố Sáng tạo, mọi người tái khẳng định cam kết của mình đối với sự phát triển lấy con người làm trung tâm”.

Hà Nội sẽ tỏa sáng cùng đất nước trên con đường đi tới tương lai tươi đẹp. Nghĩ thế, bỗng thấy lòng bâng khuâng và con tim ngân lên câu hát: “Hà Nội đó niềm tin yêu hy vọng/ Của núi sông hôm nay và mai sau”.

Bài viết có trích dẫn thơ, lời bài hát của các nhà thơ, nhạc sĩ: Nguyễn Đình Thi, Quang Dũng, Tố Hữu, Phan Nhân.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Nguyễn Duy Xuân. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Bài liên quan
  • Hà Nội, ngàn năm xưa còn đó
    Không có vẻ ồn ào, náo nhiệt như Sài Gòn, không hiền hoà như những thành phố biển mà tôi từng qua, cũng không nắng gió và hoang sơ như thành phố nhỏ Tây Nguyên nơi tôi sống, Hà Nội mang một vẻ đẹp rất riêng, vừa cổ kính, vừa hiện đại, vừa mang một nét gì đó rất linh thiêng như hồn của sông núi gọi về từ suốt mấy ngàn năm lịch sử. Đó là cảm nhận của tôi khi đến với thành phố Thủ đô, trái tim của cả nước.
(0) Bình luận
  • Nhớ gì khi xa Hà Nội
    Thanh xuân tươi đẹp nhất của tôi gắn bó cùng Hà Nội. Đó là quãng đời sinh viên tươi vui, hồn nhiên được cùng các bạn đồng trang lứa sinh sống và học tập giữa lòng Thủ đô, dưới mái trường Học viện hành chính Quốc gia. Lần đầu tiên bước ra khỏi ngưỡng cửa an toàn của gia đình, Hà Nội đã hiếu khách đón nhận, ôm tôi vào lòng, gieo vào tâm hồn thật nhiều kỉ niệm đặc biệt. Để rồi sau khi ra trường, trở về quê hương công tác, lòng tôi lại bồi hồi xao xuyến mỗi khi nhớ về Hà Nội với những hồi tưởng xuyến xao về quãng đời sinh viên.
  • Tô thắm Hà Nội bốn mùa hoa
    Có lẽ hiếm có Thủ đô của đất nước nào trên thế giới lại có đủ thời tiết đặc trưng của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, cùng với đó là thiên nhiên tuần hoàn luân chuyển quay vòng bốn mùa như Hà Nội. Để tạo nên diện mạo của Thủ đô, ngoài các công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh… thì còn có cả hệ thống cây xanh và hoa cỏ được trồng khắp các nẻo đường của Hà Nội.
  • Một thoáng Thủ đô, một đời vương vấn
    Tôi đến Thủ đô vào một ngày hè chói chang nắng lửa. Cảm giác nóng nực không ngăn nổi sự hiếu kì trong tôi về mảnh đất ngàn năm văn hiến, về những con người tao nhã, văn minh. Tôi thả hồn phiêu diêu qua từng con phố, lắng tai nghe nhịp thở của Hà thành mà nao nao hồi tưởng về những điều mình đã đọc, đã biết về lịch sử, con người nhân kiệt nơi đây.
  • Giai nhân trong bức ảnh Hà thành bất tử
    Nhân dịp 70 năm giải phóng Thủ đô xin được dâng truyện ngắn này như một nén nhang thơm để tưởng nhớ những nghĩa sĩ anh hùng đã dâng hiến đời mình cho cuộc chiến đấu giải phóng Thủ đô. Trong đó có vợ chồng ông Hai Hiên. Hai Hiên - vị lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa “Hà thành đầu độc” năm 1908. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng đã làm chấn động 3 cõi Đông Dương khiến Paris phải run sợ. Ông Hai Hiên lúc đó mới ngoài 30 tuổi, bị thực dân Pháp xử tử chặt đầu, rồi treo thủ cấp ở Cửa Đông thành, nhằm uy hiếp tinh th
  • Nắng thu theo lối tôi về Hà Nội
    7 giờ sáng, đáp xuống nơi Thủ đô, trái tim của cả nước, tôi lại càng tự hào vì là người con Việt Nam. Đã lâu lắm rồi, kể từ ngày tôi xa nơi đây, hân hoan lắm, 7 tiếng trên máy bay đem tôi về quê nhà. 7 năm xa nhà, tôi từ nơi xa học và làm việc trở về nhưng ký ức của tôi và nơi này không thể xóa nhòa. Từ trên máy bay và từ sân bay về trung tâm, tôi càng thấy sự thay đổi rõ rệt của một Hà Nội chuyển mình, hiện đại, văn minh.
  • Cả nhà ước năm mới
    Đêm 30, sau khi tôi và Thạo (con cả của tôi) chuẩn bị xong mâm cúng giao thừa, như đã thống nhất, cả nhà quây quần bên bàn trà để cùng nhau mơ ước.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - sứ mệnh lịch sử
    Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng. Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là kỷ nguyên đột phá, phát triển tăng tốc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đưa quốc gia, dân tộc lên một tầm cao mới, tiến cùng thời đại.
  • "Đám cưới chuột" lên sân khấu xiếc
    Chiều 13/12, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội đã tổ chức họp báo, giới thiệu vở diễn "Đám cưới chuột", vở diễn lấy cảm hứng từ bức tranh dân gian Đông Hồ chuẩn bị ra mắt khán giả...
  • Phi công Nguyễn Đức Soát ra mắt sách kể chuyện hồi ức “đời bay”
    Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), Nhà xuất bản Trẻ ra mắt bạn đọc cuốn sách “Bầu trời - Trường đại học của tôi” của Trung tướng Nguyễn Đức Soát.
  • [Podcast] Truyện ngắn: Xa - gần & tình yêu
    Reng. Reng. Reng. Là tiếng chuông điện thoại chứ không phải báo thức. Thơ giật mình, một lo lắng vơ vẩn cồn lên. Từ ngày ba mất, cô vốn sợ những tiếng chuông điện thoại vào những giờ bất thường, sáng sớm hoặc là tối khuya. Nhìn thấy số của Yên, Thơ hơi bất ngờ. Chưa bao giờ cô ấy gọi cho cô vào giờ này...
  • Lịch nghỉ học kỳ I và nghỉ Tết Dương lịch 2025 của học sinh
    Bộ GD&ĐT đã công bố lịch nghỉ Tết dương lịch năm 2025 và lịch nghỉ học kỳ một của học sinh cả nước.
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội – niềm tin và hy vọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO