Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Hà Nội, ngàn năm xưa còn đó

Nguyễn Thị Thuý Ái 25/04/2023 16:03

Không có vẻ ồn ào, náo nhiệt như Sài Gòn, không hiền hoà như những thành phố biển mà tôi từng qua, cũng không nắng gió và hoang sơ như thành phố nhỏ Tây Nguyên nơi tôi sống, Hà Nội mang một vẻ đẹp rất riêng, vừa cổ kính, vừa hiện đại, vừa mang một nét gì đó rất linh thiêng như hồn của sông núi gọi về từ suốt mấy ngàn năm lịch sử. Đó là cảm nhận của tôi khi đến với thành phố Thủ đô, trái tim của cả nước.

Tôi đến Hà Nội một ngày tháng ba, trời không nắng, không mưa và dịu mát. Tôi thật may mắn khi gặp được những ngày thời tiết đẹp để có thể cảm nhận được cái đẹp Hà Nội một cách trọn vẹn nhất. Đây không phải lần đầu tôi đến đây, nhưng những lần trước là những chuyến đi ngắn, vội vã, hoặc là những lần ra học, ra thi, vì tập trung vào công việc mà tôi không có thời gian cảm nhận hết vẻ đẹp và những giá trị lịch sử quý giá của vùng đất ngàn năm văn hiến này.

ben-xe-hoa-tren-pho.jpg
Tác giả bên xe hoa trên phố

Lần này đến đây, tôi may mắn được một em gái Hà Nội dành nhiều thời gian đưa tôi đi trên những con phố Hà Nội, ăn những món ăn dân dã trên hè phố, ngắm Hà Nội trong tiết trời mát dịu với một nét đẹp cổ kính, có phần huyền ảo và đầy chất thơ, trong tôi tràn ngập những cảm xúc và một tình yêu dành cho miền đất kinh kỳ này, và tôi hiểu vì sao người Hà Nội lại yêu Hà Nội đến vậy. Những bài thơ, bài hát về Hà Nội tôi đã được nghe nhiều, nhưng phải tại đây, tôi mới như cảm nhận được từng câu chữ ấy, tôi như thấy một Hà Nội đẹp diệu kỳ với “hùng thiêng núi sông còn in nơi đây”.

Đi qua từng con phố cổ, dù không phải trong những ngày mùa thu, nhưng tôi vẫn nhìn thấy nét đẹp cổ kính trong từng hàng cây, từng mái nhà, cảm nhận sự tinh tế mà Trịnh Công Sơn từng đúc kết “phố xưa, nhà cổ, mái ngói thâm nâu”. Những con phố như có tiếng nói riêng của mình, kéo tôi về những hoài niệm của một thành phố ngàn năm. Những con phố nhỏ này vốn là những làng nghề mà người dân tụ hội cùng nhau buôn bán làm ăn. Dù những tên phố không còn bán cùng mặt hàng như tên của mình nhưng truyền thống “buôn có bạn, bán có phường” vẫn còn hiện hữu trong lòng phố Hà Nội ngày nay. Những con phố nhỏ bán cùng một mặt hàng, người mua kẻ bán đông đúc, khách du lịch cả trong nước và ngoài nước rất nhiều nhưng Hà Nội vẫn mang một dáng vẻ trầm mặc thanh tao. Những hàng cây im lặng dọc theo những con phố như đã đứng đó và là chứng nhân của nhiều thứ. Những cây bàng lá đỏ đang mùa thay lá, lẫn trong những hàng cây vừa lên lá non xanh mướt đem đến cho Hà Nội một sự mượt mà và tươi mát. Người lữ hành bỗng thấy một Hà Nội thân quen biết bao nhiêu.

Một nét văn hoá đặc biệt của Hà thành là những xe hoa, có thể trước đây là những gánh hàng hoa. Người Hà Nội yêu hoa và không thể thiếu hoa vào các dịp quan trọng hay đơn giản chỉ là để tô điểm ngôi nhà và thể hiện tình cảm cho nhau. Những cô hàng hoa tươi tắn với những bó hoa đẹp được bó rất tinh xảo tươi cười chào khách và sẵn sàng giúp khách chụp những tấm hình để lưu lại hình ảnh bên xe hoa giữa phố Hà Nội. Hình như trên con phố nào chúng ta cũng có thể thấy những chiếc xe hoa như vậy. Chúng tô điểm cho phố phường Hà Nội, đặc biệt trong buổi sáng sương lãng đãng mặt hồ trên rất nhiều hồ rộng đẹp ở giữa lòng Thủ đô. Một nơi đẹp và tinh tế như vậy sao có thể khiến người ta không xao lòng khi nhìn ngắm.

Hà Nội là một thành phố đẹp với rất nhiều hồ, tạo nên một phong cảnh nên thơ. Hồ còn là nơi lưu dấu những câu chuyện xưa theo bề dày lịch sử. Đứng trên hàng cây bên Bờ Hồ nhìn ra tháp Rùa cổ kính, tôi tự hỏi không biết đâu là nơi cụ Rùa đã nổi lên và giao chiếc gươm thần cho Lê Lợi và lên lại lần nữa để lấy gươm về. Những Cụ Rùa vẫn còn được lưu giữ trong đền Ngọc Sơn như một minh chứng cho câu chuyện gươm thần, sự linh thiêng của vùng đất cố đô. Nếu như Hồ Gươm mang một câu chuyện lịch sử và những nét trang nghiêm của cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn thì Hồ Tây mênh mông rộng lớn mang một một nét đẹp huyền hoặc với rất nhiều chùa chiền cổ kính và uy nghi. Chùa Trấn Quốc đã đứng đó từ bao năm và như cái tên của mình đã giữ yên bờ cõi của quốc gia. Rất nhiều ngôi chùa cổ khác đã ở đây từ bao đời, tạo một không gian yên ắng và tịnh tâm cho những người muốn đi tìm những phút giây yên tĩnh và thiền định.

trong-hoang-thanh-thang-long.jpg
Tác giả tham quan Hoàng thành Thăng Long

Rất nhiều nơi ở Hà Nội mang dấu ấn lịch sử, mang hồn cốt của ngàn năm văn hiến. Tôi đã từng vào Văn Miếu chiêm ngưỡng thành tích khoa bảng của tiền nhân qua những bia đá phai màu được những cụ rùa cõng trên lưng, vào Hoả Lò để xem chứng tích của một đấu tranh giành độc lập của đất nước. Và lần này là lần đầu tiên tôi được vào điểm di tích Hoàng thành Thăng Long. Giữa một không gian rộng rãi, yên tĩnh, Hoàng thành là nơi lưu giữ những cổ vật xưa, những ghi chép về các đời vua đã chọn Thăng Long làm kinh đô bắt đầu từ thời nhà Lý. Từng cổ vật có niên đại hàng nghìn năm được trưng bày là bằng chứng cho một thời kỳ phát triển rực rỡ của đất nước dù các thế lực phong kiến phương bắc luôn dòm ngó. Cùng với rất nhiều du khách trong nước và ngoài nước, tôi say sưa chụp hình những cổ vật, đọc những ghi chú về từng thời kỳ lịch sử, ngắm những di tích còn lại của một thời kỳ dài của lịch sử, như được nghe thấy tiếng của cha ông vọng về nhắc nhở cháu con phải cùng nhau giữ nước.

Người ta có nhiều lý do để yêu Hà Nội. Riêng tôi, tôi thực sự thu hút bởi sự cổ kính, bởi dấu vết xưa của một thời dựng nước và giữ nước, bởi những kiến trúc đẹp mang đậm nét thời gian. Và tôi yêu những con người Hà Nội nền nã, nhẹ nhàng, ấm áp và thanh lịch. Mong một ngày được trở lại để thêm yêu hơn miền đất kinh kỳ, nơi lưu giữ hùng thiêng sông núi Việt Nam.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Nguyễn Thị Thuý Ái. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.

Bài liên quan
  • Phở Phú Gia
    Từ năm 1970 đến 1974, tôi lái xe con cho Thủ trưởng Đoàn 68, đơn vị có nhiệm vụ giúp bạn (Lào) quản lý, giáo dục, cải tạo 2.000 tù binh Nậm Bạc thông qua lao động (làm đường) ở huyện Xiềng Khọ, tỉnh Sầm Nưa.
(0) Bình luận
  • Hà Nội, mùa đầu nỗi nhớ
    Tôi chậm rãi bước từng bước nhẹ nhàng trên một con phố nhỏ quanh Hồ Tây, từng chiếc lá vàng từ tốn rơi trên mặt đường tấp nập người qua lại, mặt hồ còn nhấp nhô phản chiếu những tia nắng mờ nhạt còn sót lại của buổi hoàng hôn. Dường như thời gian đang trôi chậm lại để tôi có thể cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của miền đất Thủ đô, mà trước đây tôi chỉ có thể trông thấy qua lớp màn ảnh vô giác.
  • Ấn tượng thiên nhiên giữa lòng Hà Nội
    Dạo ấy, gần hai năm trước, nhân chuyến công tác Thủ đô, đoàn chúng tôi tổ chức chuyến thực tế thực sự ý nghĩa. Cho đến bây giờ, mọi người vẫn còn luyến tiếc, bởi với thời gian một ngày, chúng tôi chưa thể nào tiếp cận trọn vẹn không gian của “địa chỉ đó”. Cách trung tâm thành phố gần 40km về phía Tây, nơi hội tụ các sản phẩm văn hoá truyền thống của 54 dân tộc anh em. Nơi đó là “Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam” thuộc Khu du lịch Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
  • Vé không khứ hồi
    Viết gì đây? Khi mỗi lần nhớ đến thời thơ ấu lòng lại buồn thương da diết. Tuổi thơ yêu dấu trong lòng Hà Nội, nơi mở ra những trang màu hồng đầy ắp kỷ niệm của hai đứa chúng tôi. Nay xa rồi tất cả tầm tay với.
  • Gửi cậu của một năm sau
    Bây giờ, tớ là một cô sinh viên năm ba vô lo, vô nghĩ chuyện tương lai. Hoặc đã từng nghĩ nhưng không quá nhiều lo lắng. Một năm sau cậu sẽ làm gì? Cậu sẽ trở thành ai? Liệu cậu có tiếp tục cuộc sống nơi Hà Nội nhộn nhịp xô bồ hay trở về miền quê yên bình của riêng cậu? Tớ chắc sẽ không khuyên nhủ gì cậu đâu, nhưng tớ muốn nói với cậu, mặc cho việc kiếm việc khó khăn, mặc cho áp lực cơm, áo, gạo, tiền đè nặng lên vai cậu thì đã từng có một Hà Nội yêu thương, che chở, bảo vệ cậu đến nhường nào.
  • Hà Nội mến thương
    Quê hương là nơi chôn nhau, cắt rốn, là nơi để những đứa con xa quê nhung nhớ mỗi khi có cơn gió hiu hiu thổi qua làm dấy lên cả một bầu trời nhung nhớ. Nhưng có những vùng đất ta sẽ gặp khi bước ra khỏi luỹ tre làng, để rồi khẽ thương từ độ nào không hay. Bởi ở nơi ấy, có những kỷ niệm, có những con người làm ta cảm mến, lưu luyến chẳng nỡ rời xa.
  • Hà Nội và những người thầy
    Tôi cùng một số bạn bè đến Thủ đô, dự Lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Chiều cuối thu bên Hồ Tây, bốn người không chung giọng nói, cùng nhau nhâm nhi li bia hơi Hà Nội và đĩa mực khô nướng Quảng Bình. Được dịp, chuyện nổ như rang ngô, niềm vui cứ thế thăng hoa, khiến câu chuyện cũng trở nên không đầu không cuối…
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội, ngàn năm xưa còn đó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO