Gác nhớ
Ở phố, đâu thiếu những nhà cao chọc trời nhưng vẫn thấy nhớ một căn gác nhỏ. Lạ nỗi, mỗi khi lên đó nhìn ra phố, tôi bỗng thấy cuộc đời này thật khác. Căn gác như một nơi trốn chạy thực tại, một cách yêu thương mình bằng những kỉ niệm.
Cứ vài ngày tôi lại đến căn gác này để quét dọn bụi bặm cho một người đang đi vắng. Thật ra, đó là thứ trách nhiệm mà tôi cảm thấy hạnh phúc vì một tình yêu. Người đấy chỉ gật đầu, để lại chiếc chìa khóa đồng lạnh tanh nhưng sao tôi thấy lòng ấm áp. Người thiếu nữ áo mỏng, vai gầy ôm mộng “tang bồng” chả kém gì đấng nam nhi thuở xưa. Chỉ khác là, người ta biệt xứ ôm mộng giàu sang, còn em ôm mộng… tiếng đàn. Em đi học đàn dương cầm ở bên kia bờ đại dương.
Cuộc sống tự nó đã đầy những thi vị như một cuốn tiểu thuyết. Tôi ngồi đây ngóng xuống phố từ lúc cây bàng non bợt bạt được bà cụ bán nước trồng, giờ nó đã vạm vỡ chở che cho cơ man những nỗi ưu tư. Bao người ngồi xuống và đứng dậy bước đi chỉ vẻn vẹn xoay quanh vài chiếc ghế mà ngỡ như vô tận. Họ đến để kể những câu chuyện đời mình cho người khác, đến để nghe ai đó bàn luận rồi lại trả chỗ ngồi cho một vị khách lãng du nào đó… Bà cụ bán nước không còn, một chị trẻ hơn lại thay thế, người đến uống cứ thừa dần, hình như người ta cần một người già dưới bóng cây hơn là chén nước. Người già tựa như cổ thụ, ai cũng cần cái bóng của họ làm mát rượi đời mình.
Trên căn gác của em, sách ngày càng bụi. Tôi cố gắng đọc, đọc để rũ bụi từng trang sách, đọc để bụi rời xa từng kí ức nơi có dấu tay em, tôi không muốn bụi len vào tâm hồn mình. Bất giác sáng nay, tôi đọc đến cuốn “Phồn thi”, thấy thi sĩ viết: “Bụi bay vào mắt bụi len vào hồn” (Phạm Công Trứ). Hình như lúc đó người thơ viết câu này khi còn ở Quan Hoa Các (Cầu Giấy). Nơi ấy có “cỏ may lảy khúc trăng vàng”…
Sách của em nhiều nhưng chưa nhiều bằng những bản nhạc em viết dở. Đa phần ca khúc đều dở dang ở những cảm xúc lưng chừng. Thơ tôi cũng vậy, khi viết về em đều đứt gãy như dự cảm về những điều trắc trở. Mình còn trẻ, đường xa đâu bằng phẳng, hình như phía sau sóng gió mới thấy con đường hạnh phúc. Mặc kệ sự dang dở ấy, tôi lấy cây ghi-ta treo trên tường xuống tự đệm cho mình hát. Tiếng đàn của một cõi chờ, tiếng hát của lòng thương nhớ vang trên căn gác, lan ra, tan vào tiếng còi xe, hòa vào sóng nước mặt hồ. Chẳng biết bên kia bờ đại dương, có bao giờ tiếng dương cầm của em cũng vang vọng vào sóng nước để gặp tiếng đàn tôi…
Ngôi nhà sắp được xây lại, gác nhỏ sắp bị phá dỡ, người đi vẫn biệt tăm, tôi thấy lòng mình trống vắng. Gỗ như thời gian trầm nâu, từng bậc thang vẫn in dấu chân em hôm nào. Nhưng cuộc sống là sự vận động, không ai có thể sống mãi với kí ức, tôi cũng vậy. Tôi ngồi với li cà phê bên phía đối diện để nhìn người ta phá bỏ một thời đam mê say đắm. Những người thợ đã đến, họ ngồi đợi dưới hè, với họ căn nhà nào cũng vậy, đập và xây như một lẽ thường.
Nhưng đúng lúc ấy, có người bước đến nói gì đó, họ lặng lẽ gãi đầu, gãi tai ngao ngán bước đi. Người đó trước khi bước vào nhà còn ngoái lại nhìn khắp phố. Tôi ngỡ ngàng nhận ra em. Đúng em rồi! Em lại bước lên gác, lại chơi đàn, dù chỉ là cây đàn ghi ta gỗ cũ. Tôi hồi hộp bước lên từng bậc thang trên căn gác nhỏ. Hôm nay dấu chân em in hằn lên lớp bụi thời gian. Tôi thấy tim mình hồi hộp lạ, chẳng biết em có còn nhận ra tôi./.