Tản văn

Dáng quê

Tản văn của Kim Loan 25/03/2024 09:56

Ai cũng có trong lòng một dáng hình quê hương để mà thương, mà nhớ. Với tôi, đó là hình dáng con đường đi học, của bụi tre làng thấp thoáng trong đêm trăng; là dáng mẹ gánh lúa trên đê hay dáng cha đang lom khom cày ruộng. Quê hương không chỉ là nơi ta được sinh ra và nuôi lớn, mà còn là nơi chan chứa nhiều kỷ niệm êm đềm của tuổi thơ.

mh_yxzzgnfnhdfbrdgfb.jpg

Chẳng cần phải xa quê mới cảm thấy nhớ, như tôi vẫn ở trong lòng quê mà không phải quê xưa, vẫn ở mảnh đất này nhưng không còn tìm thấy ngôi nhà xưa, con đường xưa đâu nữa.

Dáng quê trong tôi là hình ảnh bờ ruộng làm đường đi vào thôn chỉ vừa cho một người đi lại. Bờ chật nên hàng xóm giữa đường gặp nhau thế nào cũng chào hỏi râm ran. Bờ ruộng thẳng tắp ngăn hai thửa ruộng mướt xanh, hai bên mọc lên nào là hoa dại. Ngày đó, nhà tôi có một chiếc xe đạp, không biết bao lần tôi đi xe bị ngã nhào xuống ruộng nhưng vẫn rất thích. Ngã thì ngã vẫn đứng lên chạy tiếp dù chân tay đầy bùn đất lấm lem. Vì chung con đường nhỏ nên bọn con nít trong thôn hay túm tụm cùng nhau, chơi mấy trò như đá cỏ gà hay chỉ đơn giản là đuổi bắt nhau í ới. Nắng trưa chang chang là thế, chúng tôi vui đùa mặt nhễ nhại mồ hôi, tiếng cười giòn tan một thời thơ ấu.

Dáng quê tôi hay là dáng mẹ, tất bật sau nhà bao nhiêu việc qua tay. Mẹ tôi hay gánh nước đêm để sáng kịp đi làm. Chiếc đòn gánh cong cong mẹ gánh nước, trăng vàng soi lóng lánh. Giếng thơm thoảng hương trầu, mẹ giặt áo, mẹ gội đầu, mẹ gánh về đổ đầy lu, ánh trăng tràn ra khóm rau diếp cá. Giếng quê tôi sâu lắm, mẹ phải xách lên từng gàu nhỏ rồi mới đổ qua thùng lớn, ba gàu được một thùng, hai thùng thì được một đôi. Mà mẹ đâu có đếm bao nhiêu đôi thì được đầy lu, mẹ cứ gánh về đổ đến khi nào tuổi thơ con đầy ắp. Dáng quê trong tôi là dáng mẹ gánh đàn con theo tháng năm dài, chưa bao giờ mẹ nghĩ đến khi nào con cái có thể nuôi lại mẹ.

Dáng quê tôi là ánh lửa nhảy múa trong chiếc "đèn hột vịt", mẹ chong đêm khuya khâu chiếc áo rách cho ba. Chiếc áo đó mẹ khâu chắc cũng mấy lần rồi, chỗ vá có khi lớn hơn những chỗ còn lành lặn. Chiếc đèn mẹ treo trên cây cột cạnh giường, phòng khi đứa em nhỏ hay giật mình trong đêm đòi mẹ rồi khóc quấy. Tôi lớn hơn em nên hay chờ mẹ ngủ cùng. Trong khi mẹ làm, tôi hay nhìn vào ánh đèn leo lét và nhìn những cái bóng trên vách do ánh đèn vô tình tạo ra rồi tha hồ tưởng tượng. Được một lát, tôi ngủ lúc nào không hay, chỉ giật mình khi mẹ xong việc rồi khe khẽ vào giường nằm bên cạnh. Việc cuối cùng trước khi ngủ là mẹ vặn đèn nhỏ lại cho khỏi hao dầu. Giấc ngủ tuổi thơ của tôi đọng lại trong mắt là ngọn đèn dầu, ngọn đèn thay mẹ dỗ dành giấc ngủ, ngọn đèn ấm áp tỏa sáng đời con.

Trong những hình dáng của quê hương, có lẽ in đậm trong tâm trí tôi là hình ảnh ngôi nhà và khu vườn cũ. Ở nơi đó dáng quê in hằn lên từng vách gỗ, in hằn lên mái ngói, in hằn lên cây bưởi, cây chanh và bụi chuối sau hè. In hằn lên cái ao sau nhà, lũ vịt xiêm lớn nhanh như thổi. Dáng quê trong dáng hàng tre trưa hè lộng gió, ba lấy tre già làm thành chiếc chõng bên thềm, nằm nghe gió chuyển mùa sang. Dáng quê dịu dàng như khóm hoa lan, anh trai mang từ rừng về tặng cho em gái. Chị trồng thêm cây hoa nhài trước ngõ, mẹ hái pha trà cho ba thơm chiếc ấm cũ quai sờn.

Chẳng thể kể hết những yêu thương khi nhớ về dáng quê thân thuộc ấy. Nhớ không phải là muốn trở lại thời khốn khó, mà nhớ để biết rằng có được hôm nay là nhờ những ngày xưa đó. Dáng quê và dáng mẹ - mãi mãi trong lòng không thể nguôi quên./.

Bài liên quan
  • Trà Hương vị du ca
    Trong những tinh túy ẩm thực, trà là đồ uống mang hành trình gợi đầy chiêm nghiệm. Trà đến với người bởi nhớ, bởi duyên và bởi sự mê đắm của người, bảo tri kỷ thật chẳng sai.
(0) Bình luận
  • Hương hoa mùa xuân tụ trong chén trà
    Năm nay mọi thứ dường như trôi qua chậm hơn, Lập Xuân rồi mà vẫn cứ rét ngọt và nắng hanh hao mãi. Phải đến qua Nguyên tiêu mới thấy lác đác mưa phùn cùng gió nồm ẩm thổi vào Giêng hai Bắc bộ. Chiều nay trà thất của tôi đón khách quý từ phương xa ghé thăm.
  • Thắp lên cánh đồng mùa xuân
    Ngày Tết, tôi có hứng thú đi tìm miền cỏ nước. Từ thuở bé đến bây giờ vẫn nguyên một mong ước giản dị mà xa xôi ấy. Ví von một chút là được vị thần thiêng liêng của Tết năm đó mừng tuổi cho một hình sắc cánh đồng vào xuân. Ngẫm thế, chợt thấy nếu được trải mình vào cánh đồng đang dâng lên tràn chảy sắc xuân ấy, thật sẽ là một món quà trang trọng, lịch lãm và cải biến diệu kỳ.
  • Nhớ miền tết xưa
    Hương xuân chạm vào cánh cửa thời gian, phố dài lên áo mới cũng là lúc đông rời đi chẳng bỏ quên gót mùa. Trong tiếng cựa mình của chồi non, xuân hòa cùng vào nỗi nhớ, dư âm Tết xưa cất gọi yêu thương. Tôi là đứa trẻ rất thích Tết, thích không khí chộn rộn, tất bật vui tươi những ngày cận Tết. Mùi Tết, hương vị Tết cứ len lỏi vào trong lòng tôi suốt những năm tháng tuổi thơ.
  • Họa mi vương vấn
    Chọn cho mình một góc quán cà phê ngoài trời, tôi nhìn dọc theo Phố sách Hà Nội. Vài ba người có lẽ là khách du lịch đang thích thú chụp ảnh và lựa sách, thi thoảng so vai, sửa lại khăn choàng khi có cơn gió ngang qua.
  • Thân thương căn bếp mùa đông
    Ngoài kia, gió mùa Đông Bắc ào ạt tìm về, bập bùng trên mái tôn, hun hút luồn vào khe cửa. Những chiếc lá cuối thu lặng lẽ buông mình. Đất trời hanh hao đón một mùa đông mới. Chị em tôi chui ra khỏi chăn chờ mẹ tìm quần áo ấm.
  • Phố cũ
    Chiều. Làn gió se lạnh vời vợi dọc theo những con phố. Gió về cuốn đi cái oi nồng của những ngày nắng hanh hao. Bỗng vòng xe vô tình rẽ vào phố cũ. Lâu lắm không về phố, hình như đã không còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Phố cũ hiện ra trước mặt là lạ, quen quen…
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Ra mắt bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” - Kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước
    Tối 31/3, tại Landmark 81 (TP.HCM) đã diễn ra sự kiện ra mắt bộ phim 'Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối'. Bộ phim tái hiện cuộc sống và quá trình chiến đấu của những du kích ở Củ Chi trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ.
  • Hình ảnh người mẹ qua các tác phẩm trong sách giáo khoa Ngữ văn hiện nay
    Trong thơ ca Việt Nam, hình tượng người mẹ không chỉ mang ý nghĩa sinh thành, dưỡng dục mà còn là biểu tượng của sự hi sinh thầm lặng, lòng bao dung vô hạn và những giá trị văn hóa truyền thống bền vững.
  • “Hồn Việt” và “dặm đời” trong thơ Lê Cảnh Nhạc
    Nhà báo, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc từng đảm nhiệm chức Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dân số, Tổng biên tập báo Gia đình và Xã hội, hiện đang là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Anh đã in bốn tập truyện và truyện kí cùng nhiều tập thơ như: “Khúc giao mùa” (2005), “Không bao giờ trăng khuyết” (2010), “Khúc thiên thai” (2015), “Non nước đàn trời” (2015). Tập thơ thứ 5 của anh có tên là “Đi về phía mặt trời”, do cơ duyên mà đến tay tôi. Tôi đọc và không khỏi ngạc nhiên, khâm phục trước sức cảm, sức viết của anh. Nhan đề của tập thơ giàu tính biểu tượng, thể hiện khái quát nội hàm hướng về mặt trời, hướng về ánh sáng.
  • [Podcast] Bánh đúc riêu cua – Món ngon của người Hà Nội xưa
    Hà Nội là nơi lưu giữ những hương vị khó quên với những món ăn không quá cầu kỳ nhưng lại chứa đựng biết bao tinh túy của đất trời, của văn hóa, của con người, được tích tụ và lan tỏa theo chiều dài hơn 1000 năm lịch sử. Và có một món ăn dân dã, bình dị nhưng đã đi cùng bao thế hệ người Hà Nội, nhất là những ai từng lớn lên trong những con phố nhỏ. Một món ăn mà chỉ cần nghe tên thôi cũng đủ gợi lên cả một trời ký ức: Bánh đúc riêu cua.
  • Hà Nội: Đẩy nhanh tiến độ khởi công và xây dựng 43 cụm công nghiệp
    UBND TP Hà Nội ban hành Thông báo số 171/TB-VP ngày 31/3 về kết luận của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền tại cuộc họp rà soát quy trình thành lập cụm công nghiệp.
Đừng bỏ lỡ
Dáng quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO