Tản văn

Duyên

Nhà văn Trần Chiến 08/02/2024 07:39

“Lên luôn đi. Tôi chọn cành này thế nào ông cũng sướng mê tơi bời”. Nghe Trúc nói tôi phóng luôn ra bãi sông Hồng. Dinh đào trong đê truyền thống giờ chỉ còn trong ký ức vì đã thành khu Ciputra, nên dân Nhật Tân chuyển ra ngoài ấy, ít năm trước còn than vãn đất tốt quá trồng đào bị lốp. Dinh mới giờ thành cánh rừng mênh mang, cái đẹp quá mạnh hiếp đáp con người. Trúc toe toét bên những cành đã chọn xong, hạ xuống: “Mệnh ông hợp với thế huyền bay lên, mang về làm ăn sẽ tốt”. Tôi ngần ngừ muốn xin cành bạt phong mềm mại mà cứng cỏi, nhỏ và chắc ít tiền hơn, lại rất ăn với cái góc ở nhà hẹp. Nhưng không dám cãi ông bạn ban lộc cho mình.

Trúc làm ăn được, đang có thú vui chia sẻ cho người thân theo cách lựa chọn của anh, hào phóng một cách cầu kỳ. Bạn hào hứng nên mình “thuận theo” mà buộc đào lên xe, dọc đường phải mấy lần xin lỗi vì đụng chạm.

image-1-hjvjh.jpg

Mang về nhà, vợ lặng ngắt chả ra dỡ hộ, mặc tôi xê dịch, kê dọn, thay lọ to chum nhỏ, như là mình thêm vợ bé. Mệt nhoài và càng bực khi xong xuôi, “thủ trưởng” đi qua chỉ liếc mắt rồi lẩm bẩm: “Cho hoa như cho quần áo nhỉ”. Hỏi thế là sao thì trả lời: “Em biết anh Trúc rất tốt nhưng cho ai thì phải biết người ấy có thích không chứ. Em đang muốn rủ anh ra phố đào chọn một cành nhưng giờ phải dẹp”. Lại còn: “Thôi khỏi một món tiêu, xơi món khó tiêu vậy”, chơi chữ mát mẻ. Áp Tết không thể cãi nhưng nuốt vào không khỏi đắng họng.

Mấy hôm trước, vợ tôi được sếp nữ thương mến tặng hẳn bộ đầm xòe. Về đến nhà, nàng gọi điện lại ngay: “Đẹp lắm, hiệu quả kinh khủng chị ạ. Em đang thử nãy giờ trước gương đây, anh ấy đi qua cứ nức nở nhưng mà em không chơi phây thành thử không đưa lên báo cáo chị được”. Rồi nàng tắt điện thoại khúc khích: “Da em mặc cánh sen hóa con dở mà tuổi này cân váy bồng thành hẳn con điên”. Khó tính khó chiều quá, gia đình mới qua đận đủ ăn đủ mặc chưa đến trình kén cá chọn canh. Bạn chồng có phải chỉ cho cành hoa đâu, còn cả sự may mắn điều tốt lành đấy chứ. Vợ đã thế, còn mình…?

Ôi chao, đem cái đẹp về nhà sao phức tạp vậy. Khác hẳn lúc phải tằn tiện thương nhau lắm chỉ xẻ được nải chuối, chục trứng. Có cái gì đấy giống thằng Bờm nhỉ, chỉ thích nắm xôi còn dửng dưng với ao sâu cá mè, bè gỗ lim, chim đồi mồi.

Cứ nghĩ cứ dấm dứt, rồi quàng sang cuộc thụ lộc khác. Như là được con cá lăng ba cân, đã róc xương và lạng thịt, bỏ luôn môi miệng và bộ lòng. Cho thế là quá tâm lý còn gì, lăng, chiên, anh vũ, dầm xanh sống trong những dòng sông miền núi quý và đắt nổi tiếng. Nhưng mợ tôi chả lấy làm mừng, “đọc vị” luôn giống này giờ nuôi bè ăn thức công nghiệp thì thịt chả thơm, lòng xào giống trắm chép thôi. Đặc biệt vì không sống chỗ nước chảy xiết và lạnh nữa nên môi không còn “phải” bám vào đá ăn rêu nữa, hết vị. Thảo nào. Quà quý đâm thành bình thường may chưa đến nỗi tầm thường; cái hại của hiểu biết, từng trải là đây.

Như là đoàn từ thiện nọ lên miền núi, mặc quần áo mới cho trẻ nhà nghèo nó cứ khóc. Mà cởi hết ra thì nín. Hóa ra nó quen cởi truồng rồi chả biết lạnh. Đâm ra dở khóc dở cười mình tốt không đúng chỗ chắc… Lại nữa, xe đang leo đèo thấy những bé gái mặc quần áo dân tộc đầu đội vòng hoa sặc sỡ bèn dừng lại chụp ảnh, cho tiền. Về huyện khoe thì nhà chị phòng Giáo dục bảo chúng tôi chỉ thị các trường cấm học sinh làm vậy, các cháu thấy kiếm tiền dễ hay bỏ học. Miền núi có nhiều đặc trưng riêng lắm, người giúp đỡ không hiểu thì hóa ra tốt không đúng chỗ. Như xây nhà gạch cho đồng bào “hạ sơn”, họ không đến ở, chả có chỗ cho bếp củi thì sấy thịt, làm bánh men lá nấu rượu vào đâu. Của cho không bằng cách cho là như vậy. Nhưng với nhiều nơi, nhiều người, đây vẫn được tính là thành tích, biểu trưng ta có tấm lòng nhân ái.

Trở lại với thành phố, nơi đời sống đủ đầy hơn kèm theo đòi hỏi không gian khoáng đạt cho cá thể. Cỗ cưới, liên hoan lắm khi trở thành chỗ xung đột giữa sự quan tâm (hay khách khí chả biết) và sở thích riêng. Hay có một bà chu đáo rối rít gắp cho người xung quanh. Cũng hay có ông cụ yếu răng xin thôi mãi không được đành bảo, “cho tôi muôi canh bát thành luôn cái máng lợn”. Miếng ngon hóa miếng ép rồi, cả mâm mất vui nhưng cứ phải cười.

Sự thể phức tạp, lâm ly kỳ bí hơn nhiều là tặng sách. Nhiều tác giả, nhất là các nhà thơ (chỗ này phải xin lỗi) thật là nhiệt thành. Hội họp là dịp lưu thông, gườm gườm đi qua từng nhóm, gặp “đối tượng” bèn giúi ngay tác phẩm kèm “Tập này tôi vật vã lắm, nhiều câu nhiều tâm trạng gai góc chỉ tặng bạn thôi”. Thơ là sản vật khi thăng hoa, hiếm nên thành của quý, nhưng lan truyền sự thiêng liêng được tới đâu còn tùy người tiếp nhận, mà số này, đôi khi, không nhiều hơn số bản in. Nên số phận tác phẩm thật trăm ngàn kết cục. Nhà thơ Phạm Khải hay lang bang hàng sách cũ, vớ được ối “kiệt tác” còn nguyên lời đề tặng và chưa dọc trang; công bố ra thì bao nhiêu “nhà” ngã ngửa ấy chứ. Nên chi có câu dặn nhau tàn nhẫn, “Bỗng nhiên bạn đến bất ngờ/ xin đừng mang dép và thơ vào nhà”. Mà ai có lỗi đây, trách người không biết đọc thơ, nhất là thơ mình, rồi than thời đại thực tế không còn chỗ lãng mạn a…

Lan man đến đây “đành” rút ra cái kết luận, là cho nhau cái mà mình thích, nhất là trong lĩnh vực tinh thần, tức thị san sẻ bầu tâm sự của mình kèm cái mỹ cảm rất riêng. Thời phải chọn người ấy có thể cộng cảm, hợp với nhau không thì duyên thành nợ.

Nhưng tỉnh táo thế này e cái hồn nhiên dại dột lại bay mất. Mà Tết nhất cũng nên ít lời…

Bài liên quan
  • Phố núi đợi mùa
    Sớm mai thức giấc, cơn gió mang cái lạnh se sắt từ đâu ùa về. Tia nắng mỏng manh không đủ sức tan đi giọt sương khuya còn ướt đầm trên lá, ngược lại, biến chúng thành những viên ngọc lóng lánh cười trong nắng. Mới dăm hôm trước, nắng thu vẫn còn ấm áp cả không gian, mà nay, khí trời bàng bạc như thể mùa đông chạm ngõ. Ngó bên hiên nhà, hoa dã quỳ bừng nở, thay thời gian báo hiệu mùa về.
(0) Bình luận
  • Cơm cà muối mặn, rưng rưng ngày bão
    Đã hai ngày rồi, cơn bão ghé ngang qua nhà. Mẹ ngồi buồn bã trước thềm. Mưa gió, đàn vịt, đàn gà chẳng đi kiếm ăn được. Chúng nép mình dưới bụi chuối, co ro bởi đôi cánh đã ướt rượt. Đàn gà con nối đuôi nhau, lạc giọng tìm mẹ.
  • Nhớ những cơn mưa quê hương
    Đêm trời Âu, những tia chớp dọc ngang như xé toạc không gian thành trăm mảnh. Ngả nghiêng theo tiếng sấm là màn mưa lộp bộp, rì rào… rồi ào ào như thác đổ. Mưa mùa hạ. Đích thực là mưa mùa hạ...
  • Hương sen vương vấn sợi trà
    Những ngày còn công tác ở Hà Nội, ông ngoại tôi đã xin được giống sen Hồ Tây về trồng trong đám ruộng lầy cải tạo thành ao, bờ mòn dần hóa thành đầm sen đầu tiên ở bản. Những nhà hàng xóm ngắm bông sen to, đẹp thơm ngát một vùng thì đến xin vài ngó già.
  • Những cô hàng xén bây giờ ở đâu?
    Sớm mai, khi mà trời mới tảng sáng, có khi còn cả giăng với sao, có khi thì mờ sương chả rõ mặt người, người làng này, làng kia đã cùng đi chợ sớm. Ai cũng mong những bán sớm mua sớm cho chọn được hàng ưng ý. Có những khi mưa gió, áo tơi, nón che không nhận ra nhau.
  • Yêu một người Hà Nội
    Chuyến bay lúc 4 giờ chiều hạ cánh xuống sân bay Nội Bài với lời chào là bản nhạc "Nhớ về Hà Nội". Trống ngực tôi loạn xạ cứ như đang đến cuộc hẹn đã mong đợi từ lâu.
  • Gác nhớ
    Ở phố, đâu thiếu những nhà cao chọc trời nhưng vẫn thấy nhớ một căn gác nhỏ. Lạ nỗi, mỗi khi lên đó nhìn ra phố, tôi bỗng thấy cuộc đời này thật khác. Căn gác như một nơi trốn chạy thực tại, một cách yêu thương mình bằng những kỉ niệm.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Duyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO